Kim Quang tự (chùa Lũng Đông).

       Chùa Kim Quang thuộc khu Lũng Đông, phường Đằng Hải, quận Hải An hiện nằm cạnh đại lộ Bùi Viện, là một ngôi chùa cổ có lịch sử thăng trầm qua thời gian, thiên tai và sự can thiệp của con người. Chùa mới được xây dựng lại năm 2015, rất khang trang, tố hảo. Đối diện với chùa, bên kia đường đường Bùi Viện là nghĩa trang giáo xứ Xâm Bồ phường Nam Hải.
       Xưa kia chùa tọa lạc tại đất làng Lương Xâm, còn gọi là làng Dầm (tên cũ là Lãng Thâm) bởi đây là vùng đất rất trũng, mới được phù sa bồi đắp nơi cửa biển. Xưa người dân nơi đây mưu sinh vất vả từ cày cấy đến mò cua, bắt ốc, suốt cả ngày phải dầm mình dưới nước. Dân các làng cao hơn như làng Vẻn, làng Niệm vẫn gọi dân Lãng Thâm là dân làng Dầm. Thế rồi cái tên ấy được gọi mãi cũng thành quen. Đất làng xưa gồm hai khu, khu đất làng và khu đất trại. Đất trại là đất tổ tiên mới khai phá sau này.
       Thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, làng thuộc tổng Lương Xâm, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng). Năm 1956 Nhà nước cho đào con mương An Kim Hải, địa giới làng bị chia cắt làm hai, phần đất làng sát nhập với làng Xâm Bồ thành xã Nam Hải. Phần đất trại thành làng Lũng Đông, sát nhập với các làng Lũng Chính, Lũng Bắc, Lũng Nam thành xã Đằng Hải.
       Theo truyền ngôn của các bậc cao niên làng Lương Xâm, chùa khi xưa được dựng trên khu đất cao trong làng, nhìn ra hướng Tây – hướng đất Phật theo quan niệm dân gian, cùng thời với chùa làng Xâm Bồ. Như vậy có thể đoán định chùa làng Dầm hình thành vào thời vua Lê Hy Tông (1680-1705). Chùa ban đầu rất đơn sơ, cột kèo chỉ bằng gỗ xoan, xây tường con kiến, mái lợp ngói. Nơi cổng chùa có dựng hai cột đồng trụ, đầu cột đắp hình tượng bình nước cam lồ của Quan Thế Âm Bồ Tát. Do cột to nên bình nước cam lồ được đắp thêm dần cho cân đối, sau trông rất giống quả bầu nên dân làng hay gọi là chùa Bầu. Đồ thờ tự cũng có tượng Phật A-di-đà, Quan Âm thiên thủ-thiên nhãn, chuông đồng, cửu long sơ sinh… bằng gỗ.
       Những năm sau này khi có chùa rồi, trong làng luôn xảy ra những chuyện bất ổn như dịch bệnh luôn hoành hành, trai làng hay đi gây gổ đánh nhau với các làng bên…Các cụ có trách nhiệm đi hỏi thầy bói thì được thầy phán rằng: đình làng nằm trên đầu rồng (vị trí nghè đình cũ), chùa làng (chùa Bầu) nằm trên đuôi rồng nên rồng luôn quẫy đuôi, gây động long mạch, vì vậy làng hay bị tai họa. Tin lời thầy phán, dân làng buộc phải tìm đất để dời chùa.
       Trong lúc khó khăn đó, một cặp vợ chồng không có con trong làng là cụ Lương Đăng Cận (thuộc đời thứ năm của dòng họ Lương Đăng) và vợ là cụ Phạm Thị Lĩnh đã hiến 3 mẫu ruộng gia đình ở cánh đồng Sòi thuộc đất trại Dầm để dân làng dời chùa Bầu xuống dựng lại. Từ đó cái tên chùa Bầu được thay bằng tên chùa Dầm. Sau khi cụ ông Lương Đăng Cận mất, cụ bà Phạm Thị Lĩnh đã thay ông tích cực vận động công đức để xây dựng chùa. Tương truyền, chùa Dầm được xây dựng khá khang trang vào thời Tự Đức nhà Nguyễn (khoảng 1880-1883). Để ghi nhớ công lao của cụ Phạm Thị Lĩnh, dân làng đã tạc tượng và lập bia hậu thờ cụ trong khuôn viên chùa. Sau đó, sư tổ Thích Thanh Vượng về trụ trì chùa (khoảng đầu thế kỷ 20), khiến chùa Dầm ngày càng đông phật tử và không khí hoan hỷ trong những ngày lễ Phật.
       Trải qua năm tháng và sự phá hủy của thời tiết mưa gió, bão tố, chùa ngày càng xuống cấp. Dòng họ Lương Đăng đã chuyển tượng cụ Phạm Thị Lĩnh về nhà thờ họ để thờ phụng, riêng bia đá vẫn còn lưu giữ tại chùa.
       Do hoàn cảnh lịch sử (giai đoạn kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại) một thời gian dài chùa Dầm (Lương Xâm) không có ai trụ trì, không được trông nom, tu bổ nên ngày càng xuống cấp, mái chùa có nguy cơ bị sập. Dân làng buộc phải rước tượng Phật xuống gửi tại đền thờ Ngô Vương Quyền (Từ Lương Xâm) và chùa Xâm Bồ. Từ đó đất chùa trở thành nơi hoang hóa, đồ thờ tự như chuông đồng, tượng Quan Âm thiên thủ-thiên nhãn cũng thất tán.
       Cho đến năm 1951 khi sư tổ Thích Thanh Vượng viên tịch thì chùa Lương Xâm hoàn toàn không còn được nhắc đến nữa.
       Cùng với phong trào khôi phục, tôn tạo chùa chiền, miếu mạo trên khắp thành phố, vào năm 1990 các cụ cao niên có tâm ở thôn Lũng Đông làng Đằng Hải (được chia tách từ làng Lương Xâm rộng lớn) đã vận động dân làng đóng góp xây hậu cung chùa trong khuôn viên ngôi chùa đơn sơ làng Lũng Đông để rước tượng Phật và các đồ thờ tự gửi ở từ Lương Xâm và chùa Xâm Bồ về thờ phụng. Đến năm 1992 dân làng mới dựng tiếp được 5 gian tiền đường phía ngoài bằng gỗ, gạch và lợp mái ngói.
       Năm 1998, lần đầu tiên chùa Lũng Đông có ni sư về quản lý kiêm nhiệm, đó là Ni cô Thích Diệu Hương. Hoạt động của chùa có phần khởi sắc nhưng cơ sở vật chất thờ tự chùa vẫn rất nghèo nàn, đơn sơ.
       17 năm trôi qua, chùa ngày càng xuống cấp. Với đề nghị tích cực và nguyện vọng tha thiết của dân làng cùng phật tử và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2015, ni sư Thích Tâm Chính – Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo quận Hải An, trụ trì chùa Vẽ (Hoa Linh tự) và chùa Quan Âm Đình Vũ đồng ý nhận trách nhiệm về hướng dẫn phật tử và dân làng tu tập và xây dựng lại chùa Lũng Đông.
       Kể từ đó, Ni sư Thích Tâm Chính đã tích cực vận động đồng bào Phật tử và nhân dân quyên góp tịnh tài, tịnh vật, xã hội hóa nguồn tài chính, cùng chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức xây dựng lại ngôi chính điện chùa Kim Quang (Lũng Đông). Đến nay, công trình xây dựng Ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Kim Quang đã được hoàn thành, hệ thống tượng pháp bên trong chính điện đã được bài trí trang nghiêm, ngôi già lam đã được khang trang, tố hảo. Bà con Phật tử và nhân dân rất hoan hỷ vì từ giờ trở đi sẽ có nơi để lễ bái, tu học và sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh.
       Ngày 28/10/2018, chính quyền, Phật tử và dân làng Lũng Đông, phường Đằng Hải, quận Hải An đã long trọng tổ chức buổi lễ cung đón Ni sư Thích Tâm Chính – Ủy viên ban Hoằng pháp, thư ký Ban từ thiện xã hội Giáo hội phật giáo VN (GHPGVN), trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng Ban trị sự GHPGVN quận Hải An về chính thức kiêm nhiệm trụ trì chùa Kim Quang.
       Giờ đây Kim Quang tự, ngôi chùa nhỏ bé thôn Lũng Đông xưa đã trở thành một ngôi chùa lớn, khang trang tố hảo, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng nửa hecta trong một khuôn viên với sân rộng ở giữa, hồ xây bán nguyệt và vườn hoa hồng bên phải chùa. Sân trước và sân sau chùa có nhiều chậu cây cảnh lớn, được uốn tỉa công phu, đẹp mắt.

Trong sân chùa Kim Quang.

       Ngôi đại điện và cổng tam quan chùa quay ra hướng Nam, phía đường Bùi Viện. Từ đường lớn này qua cổng tam quan sừng sững 3 tầng với 5 mái lợp ngói ống muống màu đỏ, các đầu mái tam quan tạo dáng cong vút hình đầu rồng, trên mi cổng tầng 2 nổi bật hàng chữ Kim Quang tự. Trên đỉnh tam quan đắp nổi mô hình hình cửu liên đài. Tầng trên cùng của tam quan đặt bức tượng A-Di-Đà sơn thếp vàng hai mặt, một mặt quay ra đường và mặt kia quay vào sân chùa.
       Tầng hai của tam quan treo quả chuông đồng nặng khoảng 1 tấn, đúc ngày 3/1/2021.
       Bước vào khoảng sân xi măng rộng trước sân chùa ta thấy chùa gồm 2 khối nhà tách biệt là ngôi Đại hùng Bảo điện và Nhà thờ tổ (nhà tổ). Cả 2 khối nhà đều kiến trúc theo hình chữ Đinh (kiểu nhà có hai khối liền, khối trước nằm ngang và khối tiếp nối nằm xuôi, đòn dông của hai khối này thẳng góc với nhau, giống như chữ đinh (丁¡)  trong Hán tự) quay cửa ra sân chùa. Nhà tổ của chùa là khối nhà gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Gian tiền tế kê 3 bộ tràng kỷ như một phòng khách; gian hậu cung đặt 4 bức tượng sơn thếp vàng thờ 4 vị sư trụ trì chùa từ thủa ban đầu chùa còn ở làng Dầm đến năm 1951, khi nhà sư Thích Thanh Vượng (1880-1951) trụ trì chùa viên tịch. Trong đó, tượng vị hòa thượng trụ trì đầu tiên được đặt riêng, vị trí trong cùng của bàn thờ; 3 vị còn lại được đặt cạnh nhau. Đầu hồi gian tiền tế có phòng phương trượng.
       Ngôi phật điện hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường nằm ngang (6 vì kèo) và 5 gian chuôi vồ nằm dọc (6 vì kèo) với đòn dông nóc nhà vuông góc nhau. Hai bên trái, phải gian tiền đường có 2 trái nhà thông với tiền đường bằng 2 cửa gỗ. Hai trái nhà này cũng có cửa mở ra sân chùa. Trái nhà bên phải là gian thờ các vong linh với nhiều ảnh của người quá cố mà các gia đình phật tử gửi với bàn thờ được bài trí hàng trên là tượng một vị thánh tăng đội mũ thất Phật ngồi trên đài sen cao, thấp hơn là 2 bài vị bằng chữ nho và ảnh người quá cố. Trái nhà bên trái là trai phòng, nơi Sư thầy trụ trì nghỉ ngơi và tụng kinh hàng ngày. Đằng sau ngôi Phật điện là dãy nhà phụ (bếp, công trình phụ) và tăng xá (phòng nghỉ của tăng ni).
       Trong đại điện, các cột của toà nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên cây, cao to lừng lững, một vòng tay người ôm. Kiến trúc chùa cao to nhưng nhờ hệ thống y môn, cửa võng, đại tự, hoành phi, câu đối không kém phần bề thế, lại được sơn son, thiếp vàng rực rỡ nên vẫn nguy nga, ấm cúng. Gian chuôi vồ (hậu cung) đặt trọn tòa Tam Bảo với bàn thờ được đóng bằng gỗ lim, giật cấp thấp dần từ trong ra ngoài sơn thếp vàng rực rỡ với các pho tượng sắp xếp theo thứ tự 5 hàng từ cao xuống thấp gồm:
       Trên cùng là 3 pho tượng Tam thế rực rỡ ánh hoàng kim, tượng trưng cho sự hóa thân của Phật ở 3 thời kỳ: quá khứ, hiện tại, tương lai. Chữ Thế ở đây còn có thể hiểu là Thế giới. Thế giới trong Đạo Phật gồm có: Phương Đông là thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, phương Tây là thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà và trung tâm là thế giới Sa Bà của Phật Thích Ca Mâu Ni… Chiếu theo nghĩa này, Tam Thế Phật chính là không gian vô lượng của thế giới chư Phật từ Đông sang Tây, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới,… vô lượng vô biên vô số quốc độ Phật
       Hàng thứ hai là pho A Di Đà được tạo tác trong tư thế đứng trên đài sen.
       Hàng tượng thứ ba có đức Thích Ca giáo chủ ngồi giữa, hai bên là tượng Mahacadiếp và Ananđà tôn giả (là những đại đệ tử của đức Phật) đứng hầu.
       Hàng tượng thứ tư là pho Quan Thế Âm Bồ Tát ở thế tọa đài sen.
       Ở vị trí cuối cùng là bức tượng sứ nhỏ Phật đản sinh một tay chỉ trời, một tay chỉ đất khi nói câu nổi tiếng “Thượng thiên, hạ địa – duy ngã độc tôn”.
       Gian chuôi vồ 2 bên trái, phải có 2 lối đi rộng hơn 01m được ngăn cách với bàn thờ Phật bằng 2 hàng cột. Ở mỗi lối đi, sát tường là giá xây ốp đá, trên đặt 9 vị tôn giả bằng đá trắng ở tư thế ngồi (tổng cộng 2 bên là 18 vị).
       Từ ngoài cửa nhìn vào ta thấy hai bên trái, phải gian Phật điện có hai bức tượng Kim Cương lớn đứng trấn giữ nhằm ngăn chặn tà ma, ác quỷ.
       Sát hồi nhà bên trái gian chuôi vồ (Phật điện) là ban thờ tứ phủ bài trí như sau: Chính giữa, ở vị trí trên cùng là tượng Quan âm thiên thủ được bao trong bánh xe luân hồi nhà Phật. Hàng thứ hai có Mẫu Thượng thiên ở giữa (áo trong màu đỏ), Mẫu Thượng ngàn (áo màu xanh) bên trái, Mẫu Địa (áo màu vàng) bên phải. Hàng cuối cùng là tượng Mẫu thoải (thủy) màu trắng. Sự sắp xếp như vậy nhằm thể hiện sự hòa hợp hai tôn giáo Phật – Thánh.
       Sát hồi nhà bên phải gian Phật điện là bàn thờ Đức Ông bản thổ với tượng một vị quan lớn đội mũ kim quan ngồi giữa, hai bên trái, phải ngài có tượng một vị thánh tăng và một vị thần thổ địa giúp việc. Hàng dưới là 2 vị kim cương hộ giá.
       Từ cổng phụ của chùa đi vào người ta thấy có khu vườn tháp với 4 ngôi tháp bằng đá ong thờ 4 vị sư trụ trì chùa và gần đó là một cây đa cổ thụ gốc to 4 người ôm mới xuể gọi là cây “cầu ước”, buộc những dải lụa đỏ phất phơ trên cành. Tại đây, Phật tử và nhân dân đến chùa có thể khấn cầu nguyện ước của mình trước thần, Phật.
       Chùa Kim Quang là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng không chỉ của nhân dân khu Lũng Đông mà còn của nhân dân thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, Kim Quang tự từ lâu đã có những hoạt động hoằng dương Phật pháp. Điển hình là năm 2010, trụ trì chùa là ni sư Thích Diệu Hương đã mời Thượng tọa Thích Chân Tính – trụ trì chùa Hoằng Pháp ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh về chia sẻ Phật pháp cho Phật tử tại chùa Kim Quang. Những năm gần đây, dưới sự trụ trì của sư cô Thích Tâm Chính, Kim Quang tự cũng hay tổ chức các hoạt động tâm linh như tụng kinh siêu độ vào ngày cuối tháng cho vong linh các hài nhi xấu số với sự đăng ký của các gia đình, cầu nguyện cho quốc thái dân an, trao học bổng cho học sinh nghèo phường Đằng Hải. Ngoài ra, với sự phối hợp của Sở Giáo dục thành phố Hải Phòng, vào các kỳ nghỉ hè, nhà chùa còn tổ chức các khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên. Tại các khóa tu này, các em được giáo dục hướng thiện, truyên truyền lối sống lành mạnh, vị tha, nhân ái, làm việc thiện, tu nhân, tích đức…
       Với tấm lòng hằng tâm, hằng sản của Phật tử và các mạnh thường quân ủng hộ, chùa Kim Quang khu Lũng Đông, phường Đằng Hải đã và đang tiếp tục được tôn tạo, xây dựng khang trang, tố hảo, hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
       (Phạm Văn Thi (Chi hội KHLS quận Hải An) và P. V Bổng).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học