Phục dựng chợ quê thời Mạc năm đầu tiên tại khu Di tích LS – VH Từ đường họ Mạc ở Hải Phòng.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và ông Chủ tịch hội đồng Mạc tộc Hải Phòng dâng hương tại từ đường nhà Mạc ở Cổ Trai.

       Trải qua 65 năm tồn tại chính thức ở kinh đô Thăng Long (ngoài 85 năm cát cứ ở Cao Bằng chống lại triều đình Lê-Trịnh), nhà Mạc đã có những cống hiến nhất định cho lịch sử dân tộc, làm được nhiều điều hợp lòng dân như phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế thương mại, thủ công, mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa với nhiều nước châu Á, châu Âu, thi hành luật pháp nghiêm minh khiến xã hội an ninh, ổn định. Đó là thời kỳ thịnh trị của nhà Mạc ở những năm đầu dưới thời Thái tổ Mạc Đăng Dung và Thái tông Mạc Đăng Doanh.
       Nhà Mạc cũng rất chú trọng giáo dục khoa cử để lựa chọn nhân tài cho bộ máy quan lại và tổ chức đều đặn các kỳ thi 3 năm 1 lần, từ khi mới thành lập (năm 1527) đến năm tồn tại cuối cùng (năm 1592). Từ năm 1529 thời Mạc Đăng Dung đến năm 1592 thời Mạc Mậu Hợp, nhà Mạc đã tổ chức 22 khoa thi, lấy đỗ 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên. Số khoa thi và số người đỗ đạt không kém gì so với thời Lê Thánh Tông cho đến lúc đó.
       Người lập lên vương triều Mạc – Thái tổ Mạc Đăng Dung, xuất thân là dân đánh cá, ít học, nhờ sức khỏe và giỏi võ nghệ, đỗ Đô Lực sĩ xuất thân trong kỳ thi võ của triều Lê Sơ mà lập nhiều công lao, thăng tiến đến chức vụ cao nhất, “dưới một người, trên vạn người” và cuối cùng trở thành Hoàng đế nhà Mạc. Vì vậy, triều Mạc không những chú trọng củng cố quân đội mà còn quan tâm đến việc học hành, thi cử của nhân dân. Đó phải chăng là nguyên nhân những năm gần đây Ủy ban Nhân dân huyện Kiến Thụy và Ban Quản lý Di tích Lịch sử-văn hóa Quốc gia Khu Tưởng niệm Vương triều Mạc đều đặn tổ chức các cuộc: Thi võ dân tộc thời Mạc và Khai bút đầu Xuân, biểu dương học sinh giỏi của huyện, tạo lên những nét đẹp trong văn hóa địa phương, thu hút đông đảo du khách, nhân dân trong và ngoài thành phố, thể hiện quan điểm giáo dục xây dựng con người mới văn võ song toàn.
       Trong mấy chục năm tại vị, nhà Mạc đã xây dựng một kinh đô thứ hai ven biển là Dương Kinh (Kiến Thụy nay), đồng thời với chính sách cởi mở đã mở mang nhiều cảng thị, chợ búa, góp phần thúc đẩy phát triển nội thương và ngoại thương, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.
       Thời xưa, những phiên chợ nông thôn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ là địa điểm chính để người dân mua, bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu cho đời sống và sản xuất. Chợ quê còn góp phần vào hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các vùng, miền. Ở đó người ta còn có thể giao lưu, gặp gỡ người thân, quen, củng cố thêm tình làng, nghĩa xóm. Thậm chí những đôi trai gái cũng coi đây là nơi hẹn hò, làm quen. Ngày Tết thì chợ quê lại càng đông vui, phong phú hàng hóa và đậm hương thơm, màu sắc. Có thể coi chợ quê là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Việt trong thời phong kiến và những năm trước thời kỳ đổi mới kinh tế. Hiện nay, kinh tế-xã hội phát triển và ở thời đại khoa học – công nghệ 4.0 chợ xưa đơn sơ, mộc mạc và đôi khi nhếch nhác đã mai một rất nhiều khi mà người ta có thể mua hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng tạp hóa và các đại lý, kể cả hàng bán rong. Thậm chí người ta có thể ngồi nhà mà xem hàng, đặt mua hàng trên mạng, có người mang hàng giao tận nơi, thật là thuận tiện, giảm thời gian và công sức, chi phí đi lại. Chợ thời nay ở nông thôn không còn  mang nhiều hồn quê, cách xây dựng, tổ chức hoạt động cũng tiên tiến hơn, hàng hóa cũng chủ yếu hướng tới việc phục vụ đời sống và sản xuất theo nhu cầu và tình hình mới.
       Ý tưởng độc đáo nhen nhóm từ năm 2021 của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, đứng đầu là ông Hoàng Văn Kể, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng là phục dựng chợ quê phong cách thời Mạc trong năm đầu tiên 2023 đã được thực hiện nhờ quyết tâm của Hội đồng Mạc tộc và sự ủng hộ của chính quyền xã Ngũ Đoan, UBND huyện Kiến Thụy, sự hưởng ứng của các Ban Liên lạc chi tộc họ Mạc cùng con cháu tộc Mạc khắp nơi.
       Năm nay, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng cùng Ban quản lý Di tích Lịch sử-VH Quốc gia từ đường họ Mạc phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Phòng tổ chức Chợ quê thời Mạc lần thứ nhất năm 2023 trong Lễ hội kỷ niệm 496 năm ngày Hoàng đế Mạc Đăng Dung – Thái tổ triều Mạc đăng quang và tưởng niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Chợ quê được tổ chức trong 3 ngày 29, 30 và 31 tháng 7 (mùng 5,6,7 tháng 6 ÂL) năm 2023 tại khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Từ đường họ Mạc  ở thôn Đại Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
       Vài nét về Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn: Trải qua 4 đời vua Mạc (từ Thái tổ Mạc Đăng Dung đến Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên) Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ giúp chồng, con và cháu đắc lực trong sự nghiệp hiển vinh mà còn có những đóng góp đáng kể vào các chính sách của nhà Mạc. Khi Thái tổ Mạc Đăng Dung qua đời, Bà vào quy ẩn trong chùa Trà Phương quê hương. Cũng từ đó, Bà dốc tâm, dốc của vào việc mở quán, xây cầu, lập chợ và hưng công trùng tu tôn tạo chùa chiền. Bia ký còn ghi lại, Đức Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ đã cung tiến 6.000 lá vàng, 30 mẫu ruộng, hàng vạn quan tiền cho việc tu sửa, xây dựng chùa, miếu cùng rất nhiều cột, kèo, gạch, ngói để trùng tu các ngôi cổ tự, suốt dọc một vùng xứ Đông từ Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương cho đến Bắc Ninh ngày nay. Với những đóng góp to lớn cho Vương triều và xã tắc, Bà được người đương thời tôn vinh là Mẫu nghi thiên hạ, Phật sống trần gian và phụng thờ, tạc tượng tại nhiều đền, chùa trên khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và nhất là trên quê hương Dương Kinh-Kiến Thụy.
       Theo lời TS. Hoàng Văn Kể – Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng trong diễn văn khai mạc lễ hội: Việc phục dựng và tổ chức Chợ quê thời Mạc nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của miền quê vùng châu thổ sông Hồng nói chung, vùng cố đô Dương Kinh xưa nói riêng, hướng tới mục đích phát triển du lịch văn hóa-lịch sử địa phương, từng bước hình thành một điểm nhấn trong tour (tuyến) du lịch văn hóa tâm linh của thành phố Hải Phòng.
       Đây là một chủ trương hay của Hội đồng Mạc tộc và Ban quản lý Di tích Lịch sử-VH Quốc gia từ đường họ Mạc Hải Phòng. Tuy nhiên, để thực hiện được ý tưởng này và phục dựng thành công chợ quê thời Mạc lại không hề đơn giản.
       Có mặt tại từ đường họ Mạc ở thôn Đại Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy vào tối ngày 29/7/2023 để dự Lễ khai mạc chợ quê thời Mạc và thăm quan các gian hàng, trải nghiệm không khí lễ hội, tôi nhận thấy không khí đông vui, háo hức của những người dân địa phương và du khách. Mặc dù trời nóng bức, nhiều người vẫn say sưa chụp ảnh, quay video bằng điện thoại trước hồ bán nguyệt, trên cầu tre cong, ở cổng chợ và trước phông sân khấu – nơi sắp diễn ra Lễ khai mạc trong âm thanh vang vọng tiếng hát chèo, hát văn. Chỗ này người ta xúm vào xem nhóm nghệ nhân của Câu lạc bộ Nghệ thuật Dân gian truyền thống Hải Phòng biểu diễn, chỗ kia người dân tản bộ ngắm xem, tìm đọc các nhãn sản phẩm và mua hàng nông sản chế biến chất lượng cao tại các gian trưng bày sản phẩm địa phương của con cháu họ Mạc, gốc Mạc mang đến từ các tỉnh Thái Nguyên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng….Đêm hè nóng nực nhưng nhiều khán giả vẫn xúm xít trước bục sân khấu xem văn nghệ dân gian: Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng lúc thì miệng hát ca trù, tay gõ phách, khi thì luyến láy giọng chầu văn, tay múa dẻo quẹu; nghệ nhân Dân gian Đào Bạch Linh tay kéo nhị, chân dậm phách đệm cho học trò, cộng sự say sưa hát Xẩm. Mọi người nhìn các nghệ nhân trán rịn mồ hôi, áo ướt đẫm mà không khỏi cảm phục.

Nghệ nhân dân gian Hải Phòng biểu diễn tại “chợ quê thời Mạc”.

       Những trích đoạn chèo như vở “Thái Hậu Mạc triều mở chợ” của Đoàn nghệ thuật Chèo Hải Phòng (HP), các màn múa rối của Đoàn nghệ thuật Múa rối HP là những tiết mục nghệ thuật hay, hấp dẫn người xem tại Lễ khai mạc.
       Tôi lượn qua dãy hàng trưng bày-bán bánh, kẹo, mật ong, miến dong, sữa dê, sữa bò, cá mòi kho…để đến dãy hàng ăn nhằm thưởng thức một thứ gì đó như bánh đúc, bánh đa nướng, hay bánh đa cua nhằm xoa dịu cơn đói do chưa kịp ăn cơm tối ở nhà. Không hiểu do thực khách đông hay người bán hàng ăn chuẩn bị ít thực phẩm phục vụ mà mới 19h30 các hàng bánh đúc, bánh đa cua đã chỉ còn rất ít đồ ăn. Tôi tới hàng miến lươn ở góc chợ hỏi xem có món cháo lươn không thì được cô bán hàng trả lời đã hết cháo, chỉ còn miến, đành gọi một bát miến lươn và thưởng thức, thấy cũng khá ngon, giá cũng không đắt – 50 nghìn đồng (ở một  sự kiện và nơi bán như thế này cũng chấp nhận được). Kể ra, có nhiều hơn nữa các gian hàng ăn uống và có cả bán cơm (đặc biệt là cơm nấu từ gạo chiêm đỏ hay gạo tám thơm xưa kia) với các món ăn dân giã như canh rau dền, rau sam, rau tập tàng nấu cua, cá bống, cá rô kho cùng cà chua, quả chay, lá chua me, rau chua dại thì hay biết bao. Đây là những món ngon hầu như chỉ còn trong ký ức lớp người già 65 tuổi trở lên chúng tôi, nay vẫn muốn một lần được ăn lại.
       Theo tôi “Chợ quê” này vẫn còn thiếu vắng nhiều thứ “nhà quê” lắm.
       Vẫn biết, bây giờ rất khó để tìm được hay làm ra những thứ sản phẩm ẩm thực độc đáo như thời xưa, nhưng lại có những việc có thể làm được nếu chú ý cẩn trọng cách bài trí, tạo cảnh, trưng bày những vật dụng đặc trưng thôn quê để tạo nên phong cảnh chợ thời Mạc. Chợ Quê này tuy có treo một số cái đó (để bắt tôm, cá), nón lá, đèn lồng (trong là bóng điện) trang trí nhưng vẫn thiếu vắng những đồ dùng thời xưa như chõng tre trên bày cốc, bát sành, sứ cho người đi chợ uống chè xanh, nước vối và chưa thấy những lọ bình vôi, vại sành, chum sành, chưa thấy những cái nón, áo tơi, mũ làm từ lá cọ, lá cau và cũng chẳng thấy bầy bán những nồi đất, nồi gang nấu cơm, kho cá… hay cái dậm, cái vó tép, cái cối đá giã cua, cái cuốc, cái cày..v.v… Vẫn biết thời nay những thứ đồ dùng này chẳng mấy ai dùng, nhưng để tái hiện khung cảnh hàng hóa chợ quê thì vẫn nên trưng bày chúng để gợi nhớ những mặt hàng của cha ông ta thời xưa.
       Thiết nghĩ, chợ thời Mạc nếu như có thêm các mặt hàng như gốm, sứ Chu Đậu – Bát Tràng, tranh Đông Hồ, Hàng Trống, những con tò he nặn bằng bột dẻo đủ màu sắc, những con lợn đất thì chắc cũng thu hút thêm nhiều du khách yêu văn hóa dân gian hay các bạn nhỏ học sinh đến dự chợ để mua hàng, xem chợ.
       Tạt vào một quầy bầy bán chè đặc sản Thái Nguyên để giải khát, tôi được một cháu gái đon đả rót mời chén trà nóng Thái Nguyên bốc hơi thơm nhưng pha nhạt, mời ăn cái kẹo lạc có pha bột trà xanh nói là phục vụ miễn phí (như nhiều quầy trưng bày-bán sản phẩm này tại Chợ Quê). Hỏi chuyện thì được biết các gian hàng trưng bày các loại sản phẩm ở đây đều là các sản phẩm nông sản chất lượng, được đầu tư sản xuất-chế biến công phu (trong đó có nhiều sản phẩm tiêu chuẩn OCOP các tỉnh), được các doanh nhân, doanh nghiệp và con cháu họ Mạc, gốc Mạc mang về từ các tỉnh có sản phẩm đặc trưng của địa phương.
       Trong tương lai, giá mà Ban Tổ chức Chợ có thể thiết kế các gian hàng theo dãy kiểu chợ cầu ngày xưa, che mưa, tránh nắng bởi những tấm phên đan bằng tre, nứa thì hay biết bao, nó sẽ gợi nhớ khung cảnh chợ thời phong kiến đơn sơ, bình dân.
       Hiện tại, việc Ban Tổ chức thiết kế, dàn dựng các gian hàng như được làm bằng khung nhà tre, trải nền thảm đỏ, có pano vách lưng gian hàng, pano vách ngăn gian hàng và biển tên cũng có thể coi là đạt yếu tố mỹ quan.
       Theo tôi, tại chợ này hàng hóa bày bán có thể là mũ đội đầu, túi xách tay làm thủ công bằng lá cọ – sợi cói – sợi mây, những hũ sành mắm tôm, mắm tép, mắm cáy đựng trong các rọ tre có tay xách để tiện cho khách thăm quan mua mang đi thì hay biết bao. Tất nhiên, xen kẽ trong chợ vẫn phải có (đa phần) các sản phẩm hàng hóa thời hiện đại đựng trong bao bạc, túi nhựa, hộp nhựa, chai thủy tinh….
       Tại hội chợ năm đầu tiên, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã triển khai bố trí 10 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Hải Phòng. Trong đó, 02 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Kiến Thụy, 01 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Tiên Lãng, 02 gian hàng thủy hải sản đặc trưng của Hải Phòng, 02 gian hàng trưng bày các sản phẩm nước mắm OCOP, 03 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng của Hải Phòng. Tuy vậy, để phong phú các sản phẩm vẫn lên có thêm các gian hàng của các huyện khác trong thành phố ngoài 2 huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng. Sự có mặt của các mặt hàng đặc sản như: Tinh bột củ sen, mắm chắt cá cơm ủ chum, trà Núi Ngọc, bánh cốm, bánh đa, nem hải sản, chả mực, rươi, cá mòi kho, rượu Đế Vương, mật ong hoa rừng ngập mặn, gạo ruộng rươi, gạo ruộng rươi giã dối, nếp cái hoa vàng, nấm đông trùng hạ thảo cũng khá ấn tượng nhưng vẫn nên có thêm các mặt hàng đậm chất quê như mắm tép, mắm tôm, mắm cáy và nhiều thêm các loại rau, quả của Hải Phòng.
       Và sẽ thật độc đáo nếu như các bà, các cô bán hàng, thay vì mặc trang phục thời nay mà phục sức bằng các sống áo thời phong kiến như váy đen, yếm nâu, khăn mỏ quạ hay quần lĩnh đen. Còn các ông bán hàng thì có thể mặc trang phục nâu sồng, đầu chít khăn mỏ rìu chẳng hay lắm sao?
       Nếu Ban Tổ chức Chợ thời Mạc bỏ công sức tìm tòi, thiết kế, tạo dựng khung cảnh, trưng bày sản phẩm bán-mua gần giống với chợ của cha ông ta thời xưa thì chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo du khách, mở ra hướng mới trong phát triển du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tại, theo tôi, chợ Quê thời Mạc chưa đạt yêu cầu phục dựng đúng với tên gọi cũng không có gì lạ bởi đây là năm đầu tiên thí điểm tổ chức Chợ Quê nên khó tránh khỏi thiếu sót và vì người ta còn phải quan tâm chuẩn bị cho cả những hoạt động nghi lễ tưởng niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái Hậu triều Mạc, kỷ niệm ngày đăng quang của Nhân Minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung song song với lễ khai mạc Chợ Quê nên cũng không thể tập trung làm tốt việc tổ chức chợ quê thời Mạc. Bởi vậy những gì mà Ban Tổ chức làm được trong Hội chợ Quê năm nay dù sao cũng là một cố gắng lớn.
       Mong rằng Chợ Quê thời Mạc những năm tới sẽ tiếp tục được đầu tư công sức, tiền của, hoàn thiện thiết kế, bài trí, trang phục, trưng bày nhiều sản phẩm đặc trưng để phục dựng Chợ Quê đạt yêu cầu đề ra, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa phi vật thể của cha ông và tạo dựng sản phẩm du lịch độc đáo. Thiết nghĩ, để tổ chức thành công Chợ Quê, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng không những cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Ban đại diện các chi tộc Mạc khắp cả nước mà cần phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng và một số công ty lữ hành địa phương nhằm quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài thành phố đến với lễ hội kiểu này.

PV. Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học