“Từ Trung Am tới Hoa Am”… (tên bài được rút gọn)

Quần thể tượng trong đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh khiêm tại Khu Di tích Lịch sử VH Quốc gia Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo-Hải Phòng.

       Ở cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhà khoa học đã thống kê được rằng: Ngày nay trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đang tồn tại tới 16 địa danh làng xã, mà “Am” là từ đuôi ghép vào. Đó là những “Làng Am”. Và những “Làng Am” này đều có từ thời Mạc, tức là sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm treo mũ từ quan thì đã đặt tên lại cho một số làng mạc quanh vùng”. Tìm vào sử sách cũ (trong đó có “Lịch triều hiến chương loại chí” với câu: “Ở huyện Vĩnh Lại, xã Đông Am có thuốc lào…”; tìm ở kho tàng bia ký (trong đó có “Trung Tân quán bi ký” của chính Nguyễn Bỉnh Khiêm với câu: “Phía nam nhìn xa xa là làng Liêm Khê, thấy làng Trung Am, làng Bích Động…”; tìm trên bản đồ, và nhất là trên thực địa, cuối cùng chúng tôi đã thấy quả là có rất nhiều “Làng Am” trên đất huyện quê hương của Trạng Trình thật.
       Chẳng hạn, đó là – ngoài Trung Am, Đông Am như vừa kể – thì còn có: nào là Tiền Am, Nam Am, Dương Am… ( tức: những “Làng Am” có từ tố chỉ phương hướng), nào là: Ngải Am, Lạng Am, Bào Am… ( tức: những “Làng Am” có từ tố chỉ tên đất gốc), nào là: Hội Am, Cổ Am… ( tức những “Làng Am” có kèm từ tố chỉ: phẩm chất, tính cách)… Bằng sự phân ra các loại hình địa danh của những “Làng Am” như thế này, có thể đính chính đôi chút luận điểm đã được nêu ra trong cuốn sách kỷ yếu của cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (do Hội đồng lịch sử Hải Phòng và Viện Văn học, xuất bản năm 1991, trang 395). Đính chính rằng: không phải tất cả những “Làng Am” như thế đều do Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt, và đặt “Sau khi treo mũ từ quan” đâu. Bằng cớ là vào năm 1542 – như chính lời kể của Nguyễn Bỉnh Khiêm được khắc vào tấm bia quán Trung Tân năm 1543 – thì ngay khi vừa mới từ quan về làng, cùng các cụ già ra chơi bến sông quê, Trạng Trình đã thấy có làng Trung Am (mà không phải do Trạng Trình đặt tên) ở “Trước mặt phía Nam” mình, đã từ lâu trước đấy rồi. Tuy nhiên đính chính nhỏ như thế thôi, vì/và để thấy đúng/cũng như là thấy kỹ hơn/ “phàm là” những làng cổ mà có tên Am, thì nhiều phần chắc là có liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Làng Trung Am – xưa thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Đông (Hải Dương) – nay thuộc huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng, tuy không phải do Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên sau khi treo mũ từ quan, nhưng chính là nơi chôn rau cắt rốn lúc chào đời, cũng đồng thời là nơi chôn cất xác thân của Trạng khi lìa đời. Và, ở rất xa Trung Am, vì nay thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội ta, những làng cổ Thanh Am cũng là một nơi như thế. Tiến sĩ Nguyễn Doãn Tuân, hai lần, trong 2 cuốn sách: “Hà Nội – Di tích và Văn vật” (Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội xuất bản năm 1994, trang 117) và: “Di tích Lịch sử – Văn hoá Hà Nội” (Nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2000, trang 362) đều viết rằng: “Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn bó với quê hương Trung Am (Hải Phòng) của ông rất nhiều, nhưng trong thời gian làm quan ở Kinh đô, ông còn gắn bó mật thiết với làng Thanh Am bên dòng sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) ở Hà Nội. Thời kỳ này Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa con cháu tới định cư tại đây, mở rộng thành một vùng trù phú, và chính ông đã đặt tên mới cho làng (chúng tôi gạch chân những từ này – LVL) là Hoa Am. Thông tin này của Nguyễn Tiến Sĩ là rất quan trọng. Bởi vì nó – một lần nữa và ở chỗ khác mà góp phần làm chút nhỏ đính chính rằng: không phải tất cả những tên “Làng Am” đều là do Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt, ở vào thời gian sau khi đã “treo mũ từ quan”.
       Làng cổ Thanh Am, được Trạng đặt tên mới là Hoa Am trong thời gian làm quan với nhà Mạc, từ trước đấy, trước khi về trí sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm có thời gian ra làm quan với nhà Mạc từ năm 1535 đến năm 1542 (người thì tính tròn 8 năm, người lại tính gọn 7 năm); còn thật ra, “thời gian liên tục công tác”, chính xác là 7 năm 3 tháng. Giáo sư Vũ Khiêu – ngay từ khi chưa trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới – đã nói ở cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 400 năm mất Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng Trạng Trình “Đã nằm im dưới triều Lê nhưng lại đem toàn bộ tâm huyết để phục vụ triều Mạc. Sáu, bảy mươi tuổi đầu còn theo xa giá (vua Mạc) đi tòng chinh. Bao nhiêu lần ra làm quan rồi lại rút lui. Trong quãng đời luôn chập chờn ấy, ông chưa lúc nào tỏ ra không kính trọng nhà Mạc. Tấm lòng ông, trước sau như một, là mong mỏi cho triều Mạc trở thành một triều đại lý tưởng như Đường Ngu (Nghiêu Thuấn ngày xưa)”. Luận điểm quan trọng này của Vũ giáo sư, đã được những thông tin về làng cổ Thanh Am của Nguyễn tiến sĩ – ngoài việc đính chính chút nhỏ, chuyện Trạng Trình đặt tên những “Làng Am” vào thời điểm nào, thì còn hỗ trợ một sự chứng minh sinh động và chính là bằng sự thể: vào thời gian 7 năm 3 tháng làm quan với nhà Mạc ở Kinh đô Thăng Long, “Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa con cháu tới đinh cư” tại Thanh Am – rất xa Trung Am quê hương, nhưng lại rất gần (thậm chí kề cận) Thăng Long – nơi đóng đô của vương triều Mạc. Rõ ràng là – ngoài “hành động chính trị”: làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ – thì “hành động xã hội và dân số”: lập thêm làng mới cho con cháu ở Thanh Am, trong thời gian làm quan với nhà Mạc tại Thăng Long của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là/ và thành/một động thái có tính biểu trưng dứt khoát, thậm chí quyết liệt, đối với việc tôn phò nhà Mạc. Duy có điều, khi ấy, Thanh Am chưa phải đã tên là Thanh Am để Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt cho “tên mới” là Hoa Am! Vì có thể, Thanh Am chỉ/là chính cái tên về sau này, mới đổi ra từ Hoa Am, tức Thanh Am là tên mới của Hoa Am, chứ không phải Hoa Am là “tên mới” của Thanh Am.
       Mọi người đều biết: bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Nguyễn Minh Mệnh, là mẹ của Nguyễn Thiệu Trị. Vì thế ở buổi đầu đời trị vì của Thiệu Trị (1840 – 1847) mới có lệnh “Kỵ huý” ( kiêng) chữ “Hoa”. Một đợt đổi địa danh có từ tố “Hoa” đã diễn ra ở khắp nơi. Trong đó, “Hoa Am” phải thành “Thanh Am”, cũng giống như “Kim Hoa” (tức: Đồng Lầm – “Ô Kim Hoa” tức “Ô Đồng Lầm”) phải cải thành “Kim Liên”;  “Yên Hoa” (“Làng trồng hoa yên tĩnh”, nơi có “Ô Yên Hoa”) đổi thành “Yên Phụ”; còn ở “Kẻ Mọc”, làng “Hoa Kinh” phải cải thành “Chính Kinh”…
       Một số học giả, khi đưa ra luận điểm về thời gian Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt tên những “Làng Am” là vào lúc đã cáo quan về làng (tức: từ/và sau năm 1542) thì hẳn đã dựa vào sự thể: những chữ “Am” như thế này, bắt nguồn và nhân bội lên, chữ “Am” của “Bạch Vân Am” ( Am mây trắng) mà Trạng Trình đã dựng bên bờ sông Hàn (sông Tuyết) thuộc làng Trung Am, để làm trường dạy học trò, với tên hiệu là “ Bạch Vân cư sĩ”, được các môn sinh và sĩ phu tôn làm “Tuyết giang phu tử”, từ lúc từ quan (1542) cho đến lúc từ trần (1585). Nhưng làng Hoa Am, trước khi cải thành Thanh Am, thì – như trên vừa thấy – đã được Trạng Trình đặt tên (tức: có tên “Am”) từ trước đấy rồi. Vậy, chữ “Am” ở đây – không bắt nguồn từ/và nhân bội lên/ chữ – công trình – hiện tượng “Bạch Vân Am” (am Mây Trắng) – thì ý nghĩa của nó là gì? Chúng tôi đồ rằng, trong trường hợp này, “Trung Am” – tên quê hương chính quán – mới là nơi chỗ để Trạng Trình lẩy ra từ tố “Am” mà mang đi, đặt cho nơi mới lập cư, kề cận Kinh đô, làm quan, phục vụ triều đình nhà Mạc. Nhưng điều này không quan trọng bằng việc tìm ý nghĩa của chữ “Hoa”, được Trạng ghép làm tiền tố tính từ cho chữ “Am”, để thành địa danh nơi quê mới, chính là chúng ta đang ngồi ở đây, bây giờ. Dễ dàng nhận ra đặc điểm vị trí của nơi này. Đó là một vị trí, nằm trên giao điểm (toạ độ) của một trục ngang (đường hoành) và một đường dọc (trục tung), mà cả hai đều là những con đường chiến lược, và lịch sử. Dòng sông Đuống, có từ nguyên là  “Luổng” của ngôn ngữ Tày – Thái, Ngữ âm học lịch sử – với quy luật thông âm, giữa hai phụ âm L (lờ) và Đ (đờ) – đã cho thấy “Đuống” chính là “Luông” với nguyên nghĩa là “to” ( như nghĩa của những từ “Thạt Luổng”, “Luổng Pha Bang” (Luang Prabang) ở Lào, chính là cái trục ngang (dấu gạch nối) bằng đường thẳng, dẫn từ Kinh đô Thăng Long, qua ngã sáu Lục Đầu Giang, về thẳng xứ Đông (Hải Đông – Hải Dương), tới chỗ bến Hàn trên sông Tuyết, thuộc làng Trung Am – quê gốc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn con đường cái quan, dẫn thẳng từ biên cương xứ Lạng, qua xứ Bắc (Kinh Bắc) về Kinh đô, theo đường bộ, thì chính là cái trục dọc ấy. Và chúng, hai đường trục dọc-ngang này, đã gặp nhau, giao nhau ở một điểm, có vị trí ở cách kinh thành không xa, mà từ giao điểm  (toạ độ) ấy, ngang dọc mà đi tiếp, theo đường thuỷ hoặc đường bộ, thì đều rất thuận tiện, trên một cung đường ngắn, gần như nhau. Có nghĩa là Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi từ quê gốc lên Kinh, hoặc từ Kinh về quê, dùng đường thuỷ hay đường bộ, thì đều có/và qua giao điểm (tọa độ) này. Và/ vì thế, Trạng đã đem cả người đồng hương và đồng tộc ở Trung Am lên chỗ này, lập thêm một  “Làng Am” nữa và làm thăng hoa cho nó, bằng công sức và tài trí, cũng như bằng cả từ ngữ nữa: “Hoa”! Hoa Am vừa có vị thế địa chiến lược, vừa có vị thế địa – văn hoá ở thời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đều đặc sắc, trong bối cảnh như thế. Và may sao, đến đời vua Nguyễn Thiệu Trị, cải đổi thành Thanh Am, thì cái tên “Làng Am thanh cao, thanh lịch” này, cũng mang đủ và đúng vị thế và giá trị của một thời là Hoa Am như vậy.
       Từ Trung Am đến Hoa Am ngày ấy, Thanh Am bây giờ, rồi lại trở về Trung Am, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kết thúc một cuộc hành trình nhiều bôn ba và cuộc đời dài đến 95 tuổi thọ của mình ở đấy, vào ngày 28 tháng Một năm Ất Dậu  (1585). Và Trạng đã hoá thánh vi thần ngay từ khi ấy. Ở quê hương Trung Am, trên nền nhà cũ của Trạng, một ngôi đền thờ Trạng mọc lên, với tấm biển ngạch treo phía trước, mang hàng chữ đề của đương kim hoàng đế nhà Mạc (lúc bấy giờ là Mạc Mậu Hợp) viết: “Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ” – Đây là ngôi đền thờ Trạng nguyên Tể tướng triều Mạc. Kèm với sự vinh danh đến tột đỉnh như thế, còn có cả tước “Trình Quốc công”, và lộc 3 nghìn quan tiền (để xây đền thờ) và 100 mẫu ruộng (để lấy hoa lợi cúng tế). Ngôi đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm trên quê gốc của Trạng này – theo tài liệu “Phả ký” của Tiến sĩ Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân (sinh năm 1702) – là ngôi đền không chỉ của làng Trung Am, mà còn là của cả “Dân làng tổng”. Còn theo tài liệu thực địa, thì cả “16 làng Am” huyện Vĩnh Bảo, đến ngày “giỗ cụ Trạng”, cũng đều về đền này thờ cúng. Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được dòng họ Giang ở Trường Yên (Hoa Lư – Ninh Bình) coi là đền thờ tổ họ (chính là người con thứ hai của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cải họ Nguyễn thành họ Giang, từ Trung Am đến đây sinh cơ lập nghiệp). Việc thờ phụng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, phổ biến ở các nơi, vậy là theo hình thức xây đền và thực hành tín ngưỡng ở đền. Duy chỉ có Thanh Am là Trạng được thờ ở đình. Điều này có nghĩa: nếu ở các nơi, kể cả quê gốc Trung Am, Nguyễn Bỉnh Khiêm được tôn thờ như một nhân thần, một danh nhân hoá thánh vi thần, thì ở Thanh Am, Trạng còn là một thành hoàng làng, là vị thần bảo hộ của làng. Ngôi đình Thanh Am nổi tiếng về mặt kiến trúc nghệ thuật, đã được nhà nước và đất nước thừa nhận cao quí về giá trị văn hoá vật thể. Có thêm hạt nhân (chủ đề) tín ngưỡng ở đây, là tín ngưỡng thành hoàng mà thành hoàng lại là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, di tích đình Thanh Am vì thế càng nổi bật lên với những giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của mình. Không chỉ thế, vẫn ở lĩnh vực tín ngưỡng và văn hoá thờ thành hoàng, đình Thanh Am còn là nơi tôn vinh hai vị tướng thần nổi tiếng của/và ở thời/Hai Bà Trưng: Đào Kỳ và Phương Dung.
       Hồ sơ về các di tích và các nhân vật (kể cả truyền kỳ) thời Hai Bà Trưng, cho biết: Đào Kỳ và Phương Dung, là hiện tượng gốc ở “Bên kia sông Đuống” – vùng các xã Đông Hội, Mai Lâm, thuộc huyện Đông Anh. Có thể hiểu được việc chuyển (“trôi”) nguồn cội của hiện tượng này về Thanh Am. Đó là do sự chở chuyên của dòng sông To (sông Luông, Đuống) vốn là thuỷ đạo trọng yếu của một miền đất – chiến trường oanh liệt ở thời kỳ lịch sử Hai Bà Trưng, buổi đầu công nguyên. Hội tụ văn hoá tín ngưỡng thành hoàng là các nhân vật thời Hai Bà Trưng và thời vương triều Mạc (đặc biệt là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), cũng như (đồng thời) là giao điểm của hai đường trục chiến lược là sông Đuống và đường cái quan (Quốc lộ 1), không phải ở đâu và bao giờ cũng thấy và có được những giá trị đặc biệt này, như đất và đình Thanh Am, thuộc Thượng Thanh, Long Biên.

       (Nguồn: “Từ Trung Am tới Hoa Am –  một danh nhân văn hóa – cây đại thụ của văn hóa Việt Nam tỏa bóng suốt thế kỷ XVI” (Bài viết của GS. Sử học Lê Văn Lan giới thiệu trên trang website quận Long Biên – Hà Nội): http://longbien.hanoi.gov.vn/.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.