Không gian xanh trong thành phố

Ngày 24/6/2023, tôi trả lời phỏng vấn báo Hải Phòng về chủ đề “Không gian xanh trong thành phố”. Thời gian qua, thành phố Hải Phòng quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn các quận để cải thiện chất lượng sống của nhân dân. Trong chuẩn qui hoạch trong đô thị cần có từ 6-7m2 cây xanh/người; thì hiện nay theo thống kê Hải Phòng đã đạt được 3,5m2 cây xanh/người. Thiết kế quy hoạch cây xanh đô thị phải phù hợp với từng loại đô thị và tổ chức không gian đô thị, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị. Đặc biệt, yêu cầu quan trọng đặt ra là việc tổ chức hệ thống cây xanh đô thị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian kiến trúc, quy mô, tính chất cũng như cơ sở kinh tế kỹ thuật, truyền thống tập quán cộng đồng của đô thị. Một số quy cách khác đối với cây xanh trồng trên vỉa hè cũng được khuyến cáo cụ thể, đó là: Các loại cây có thân thẳng, gỗ dai đề phòng bị giòn gẫy bất thường, tán lá gọn, thân cây không có gai, có độ phân cành cao. Lá cây có bản rộng để tăng cường quá trình quang hợp, tăng hiệu quả làm sạch môi trường. Hoa quả, hoặc không có quả, không hấp dẫn ruồi nhặng làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Tuổi thọ cây phải dài từ 50 năm trở lên, có tốc độ tăng trưởng tốt, có sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, ít bị sâu bệnh, mối mọt phá hoại; cây phải có hoa đẹp, có những biểu hiện đặc trưng cho các mùa. Tiêu biểu có thể kể đến các loại cây như: phượng vĩ, sấu, sao, bằng lăng, lộc vừng, hoa sữa, cây ban, osaka… cao đến 30- 40m, có những cây trồng hàng trăm năm nay vẫn xanh tốt. Đây là những loại cây mang đặc điểm rõ rệt của cây đô thị như tán lá xanh, rễ cọc, trồng lâu năm, ít có khả năng gãy đổ, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Khi nghiên cứu cây trồng đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài và phải trồng lâu dài. Do vậy, để tạo cảnh quan đô thị nên trồng đặc trưng các loại cây như: Phượng Vĩ, Osaka, Sấu, Bằng Lăng, Muồng, Hoa Giấy… sao cho phù hợp với tuyến phố để đảm bảo không gian cảnh quan, mùi hương; đảm bảo đặc trưng văn hóa tuyến phố; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây. Ngoài ra, cần có danh mục loài cây hạn chế trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố, đó là các loài cây ăn quả, trái cây khi chín rơi xuống đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bên cạnh đó còn có những loại cây tạo ra mùi gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường. Các tiêu chí cần quan tâm để lựa chọn cây trồng trong đô thị như: lựa chọn cây trồng đảm bảo về không gian cảnh quan tuyến đường; lựa chọn cây xanh phù hợp với đặc trưng văn hóa của tuyến phố đó; lựa chọn dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để có thể đưa ra được các đề xuất tuyến phố nào, đường nào thì trồng loài cây gì. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào không gian, vỉa hè hay dải phân cách có đủ rộng hay không, nếu đủ rộng mới trồng cây lớn được, vì cần bóng mát và bộ rễ phải đủ rộng. Không gian nhỏ có thể dùng cây bám đường, để đảm bảo an toàn giao thông thì những cây đó không được cành giòn, dễ gãy trong mùa mưa bão. Trồng và chăm sóc cây xanh là công việc thường xuyên, hàng ngày của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng của thành phố cần rà soát để nghiên cứu, trồng, thay thế những loại cây xanh phù hợp vừa đảm bảo bóng mát, vừa làm đẹp cho thành phố, vừa đảm bảo giữ gìn văn hóa đất Cảng Hải Phòng. Trước khi trồng loại cây gì, trên tuyến đường nào cần tham khảo rộng rãi ý kiến của các chuyên gia cây xanh để đảm bảo về văn hóa, kiến trúc cảnh quan cũng như an toàn cho người dân.

MT

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học