Bài thơ “Lô hương ký” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – một bài sấm truyền về hậu vận gia tộc cụ Trạng và đất nước.

Tượng gỗ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

       Vào những năm ở tuổi thất thập của Trạng Trình, nhà Mạc bước vào giai đoạn suy vong bất khả cứu vãn. Họ Trịnh phù tá nhà Lê giương cờ khởi nghĩa ở Thanh Hóa càng ngày càng mạnh. Các con lớn của Cụ Trạng sau khi cụ xin nghỉ hưu cũng dần dần cởi bỏ mũ áo, cáo quan về ẩn cư nơi sơn dã. Riêng người con út là Nguyễn Ngọc Liễn, tư chất hạn chế, Cụ đã thuê thợ gốm làm một bát hương, có ghi bài thơ gồm 16 câu với đầu đề “Lô hương Ký” nhân ngày giỗ tổ Ngoại, sai vợ chồng con trai Nguyễn Ngọc Liễn và các cháu  mang bát hương sang dâng nhà thờ tổ và xin cho gia đình người con út được ở lại bên quê ngoại để lo việc hương khói sau này cho dòng họ Nguyễn. Cụ còn mua cả một khu đồng rộng bên bãi sông (nay thuộc thôn Thanh Trì) nói là để làm khu mộ phần (Cửu nguyên) của dòng họ Nguyễn về sau. Sau này mới biết tại cánh đồng đó cụ đã bí mật di dời hài cốt của vua thứ tư nhà Mạc là Mạc Phúc Nguyên, cùng với Hoàng hậu Nam Phương, thứ phi Uyển Nhân người làng Bào Am (là các vợ của vua) về giấu ở đó cùng với một số bia đá ghi di ngôn của cụ.
       Dưới đây là bài thơ “Lô hương ký”, hậu sinh không dám chắc là đảm bảo chính xác hoàn toàn, nhưng nếu có sai sót thì chắc không đáng kể. Nếu ai đưa ra được bản gốc chính xác hơn thì xin được cảm ơn lắm lắm.
       Nguyên văn chữ Hán:
       爐香記
       阮秉謙
       孝思以奉先
       院元為復圓
       來三三世後
       歷數數百年
       八節逢缺烈
       周五復元前
       有昌乎人集
       有熾乎天仙
       龍蛇安所遇
       穎出子孫賢
       內外非二志
       終始如一焉
       天機雖不節
       不得不言然
       供爐香于祖
       見龍飛在天
       Dịch Nôm:
       Lô hương ký
       Nguyễn Bỉnh Khiêm
 
       Hiếu tư dĩ phụng tiên
       Viện nguyên vị  phục viên
       Lai tam tam thế hậu
       Lịch sổ sổ bách niên
       Bát tiết phùng khuyết liệt
       Chu ngũ phục nguyên tiền
       Hữu xương hồ nhân tập
       Hữu xí  hồ  thiên tiên
       Long xà an sở ngộ
       Dĩnh xuất tử tôn hiền
       Nội ngoại phi nhị chí
       Chung thủy như nhất yên
       Thiên cơ tuy bất tiết
       Bất đắc bất ngôn nhiên
       Cúng lư hương vu tổ
       Kiến long phi tại thiên
       DỊCH NGHĨA:
       Bài thơ ghi tại bát hương
       Của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

       Có lòng hiếu thuận với tổ tiên
       Việc lễ nghĩa cố gắng làm tròn
       Khoảng chín đời sau
       Tức vài trăm năm sau
       Đời thứ 8 sẽ gặp hoạn nạn
       Sau 500 năm nữa sẽ được khôi phục trở lại
       Người người kéo về phấn khởi
       Thần tiên cũng vui mừng
       Năm rồng, năm rắn sẽ yên ổn
       Con cháu hiền thảo giỏi giang
       Nội ngoại cùng một lòng
       Trước sau cùng một ý
       Thiên cơ tuy không được tiết lộ
       Nhưng việc không thể không nói ra
       Hôm nay cúng lư hương tại nhà thờ tổ
       Nhìn thấy rồng bay lên trời
       DỊCH THƠ:
       Chút lòng hiếu kính tổ tiên
       Phận con cháu phải giữ tròn đạo gia
       Mai sau có chuyện can qua
       Chín  đời có lẽ cũng vài trăm năm
       Đời thứ tám, sự chẳng lành
       Năm trăm năm nữa lại xanh gốc hòe
       Bốn phương người cũ trở về
       Trên cao thần phật độ trì nhân gian
       Thìn, Tỵ sẽ được bình an
       Cháu con hậu thế giỏi giang thảo hiền
       Từ đây nội ngoại hai bên
       Trước sau gìn giữ lấy nền nhân gia
       Thiên cơ không được lộ ra
       Nhưng đây là chuyện trong nhà cho hay
       Cảm ơn tiên tổ nghĩa dày
       Trong hương khói thấy rồng bay lên trời

       Trong tác phẩm “Bạch Vân Am cư sỹ Nguyễn Công Văn Đạt Phả ký” viết vào tháng 8 năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744) của Ôn đình Hầu Vũ Khâm Lân có ghi: “…có một ngày trong lúc nhàn rỗi, tiên sinh cùng với bọn học trò là Trương Thời Cử, Đinh Thì Trung….mở quẻ bói dịch về bản thân, được quẻ Càn, tiên sinh giải: “quẻ này cho biết tám đời sau tất xảy ra can qua li loạn, quả nhiên sự việc đúng như vậy, thật kỳ diệu” ứng với câu “bát tiết phùng khuyết liệt” trong bài thơ. Nên hiểu rằng 8 đời là tính từ cụ Tổ của cụ Trạng, Cụ Trạng là đời thứ 4 rồi, 101 năm sau ngày sinh của cụ Trạng thì nhà Mạc thất thế tương ứng với đời thứ 8 của cụ tổ, Cụ Trạng biết trước điều đó nên sau khi cụ nghỉ hưu, các con của cụ cũng lần lượt từ quan, mai danh ẩn tích, con lớn của cụ là Nguyễn Văn Chính (Hàn Giang Hầu)  đổi thành họ Giang về Ninh Bình ở ẩn. Con trai út của cụ là Nguyễn Ngọc Liễn sang bên Tân Minh (Tiên Lãng) nương nhờ bên ngoại (Ông Ngoại Nhữ Văn Lan nguyên  là quan thượng thư nhà Lê).
       Thìn, Tỵ không biết có phải ứng vào năm 2026-2027 không nhỉ? (đó là thời điểm cụ Trạng tiên đoán đất nước được yên bình) …
       Chúng ta đang chờ đợi điều ứng nghiệm của câu: “Chu ngũ phục nguyên tiền”, tức là 500 năm sau sẽ được khôi phục trở lại, được như vậy thì thật là đại phúc, đại phúc cho dân tộc Việt Nam.

Vũ Hoàng

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học