Yếu tố phong thủy trong bài trí bàn thờ gia tiên và vật phẩm dâng cúng ngày Tết.

Yếu tố phong thủy trong bài trí bàn thờ gia tiên và vật phẩm dâng cúng ngày Tết.

Bàn thờ gia tiên là thế giới tâm linh thu nhỏ của một gia đình, nơi giao lưu tinh thần giữa người sống và người đã mất (âm và dương). Do đó bàn thờ là nơi linh thiêng, chỗ con cháu thờ phụng báo hiếu tiên tổ, ông bà, cha mẹ. Do đó bàn thờ gia tiên phải được sắp đặt đúng theo phong thủy, tuân theo quan niệm ngũ hành phương Đông để không ảnh hưởng xấu đến gia chủ và con cháu trong nhà, lại có thể mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình.

Vũ trụ quan của người phương Đông cho rằng hai thực thể âm dương tuy tương khắc với nhau, nhưng được phối hợp theo phép điều hòa và tương đối để tạo sự cân bằng và các hành tinh Kim, Mộc, Thủу, Hỏa, Thổ (ngũ hành) cũng ảnh hưởng đến cuộc sống con người vậy nên chúng chính là cơ sở để phát sinh ra kinh dịch và bát quái đồ chi phối xã hội và con người.

Dịch lý ngũ hành quan niệm như sau:

Bên trái là dương, bên phải là âm, phía trên là dương, phía dưới là âm, phía trước là dương, phía sau là âm; Sáng là dương, tối là âm; Nóng là dương, lạnh là âm; Mặt trời là dương, mặt trăng là âm… Do vậy để phù hợp luật âm dương ngũ hành thì bàn thờ cũng phải tuân thủ cách sắp xếp cho hợp lý.

Nếu đặt vị trí bàn thờ không đúng sẽ phạm vào dịch lý ngũ hành tương khắc, mạo phạm đến tổ tiên, sức khỏe xấu đi, gia đình trục trặc, tai ương hay sa sút tiền tài, danh vọng… Luật phong thủy có các quy định chặt chẽ vị trí đặt bàn thờ trong mối tương quan với xung quanh. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ trình bày cách sắp xếp đồ thờ và các vật dâng cúng mà thôi:

1. Vị trí đặt bàn thờ:

Dịch lý chú trọng việc lấy tuổi gia chủ để chọn hướng đặt bàn thờ, bởi bàn thờ được lấy theo tuổi của người trụ cột trong gia đình mới phát huy được hiệu quả phong thủy của nó.

Từ tuổi của gia chủ có thể tra ra mệnh, từ đó theo quẻ bát quái (có sơ đồ sẵn), xác định hướng tốt xấu đối với gia chủ để chọn được hướng đặt bàn thờ hợp phong thủy.

 alt

  MỘT ẢNH MINH HỌA BÀI TRÍ VẬT DÂNG CÚNGalt 

2. Bày biện trên bàn thờ:

Trên bàn thờ của các gia đình thường có đủ các đồ vật thờ cúng thể hiện 5 yếu tố của ngũ hành:

Kim: Là giá nến, lư hương hay cốc bằng đồng, con hạc đồng

Mộc: Là bàn thờ, ngai hoặc giá nến gỗ, bài vị bằng gỗ.

Thủy: Là bình đựng nước, chai nước, chén nước thờ.

Hỏa: Là đèn dầu, đèn điện, nến thờ và nén nhang khi thắp lên.

Thổ: Là bát hương làm từ đất sét nung, tro hương

Trong việc thờ cúng, vị trí đặt tượng Thần, Phật phải sát tường mới tốt, nhưng bài vị tổ tiên thì ngược lại, không nên đặt bài vị sát tường bởi bài vị làm từ gỗ (hành mộc) tương khắc với vách tường (hành thổ).

Bát hương thờ:

Trên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí chính giữa người ta đặt các bát hương (tượng trưng cho tinh tú) có đựng cốt (mẩu giấy ghi tên tuổi, thời gian sinh, thời gian mất của người đã khuất kèm theo lá bùa của thầy pháp, thầy cúng yểm). Thường là có 3 bát hương đặt thành hàng ngang để tạo thế tam tài (trong đó bát chính giữa thờ thần linh, các bát bên cạnh thờ ông bà – cha mẹ và bà cô ông mãnh). Tuân theo quy định phong thủy trên thì bát hương thờ đàn ông đặt phía trái hướng bàn thờ (dương) và bát hương thờ đàn bà dặt bên phải bàn thờ (âm).

Cây vàng khối: Cây vàng khối trong thờ cúng chính là vàng nén bằng giấy làm thành hình vuông có đủ 5 màu (tượng trưng ngũ hành) để thờ. Thông thường, khi sử dụng cây vàng khối thì người ta hay đặt 2 cây hai bên bát hương. Trong đó cây bên trái  (hướng bàn thờ) phải để cao hơn cây bên phải vì bên trái do rồng xanh (Tả Thanh Long) trấn giữ, bên phải do hổ trắng (Bạch hổ) trấn giữ. Thường có câu rằng “Thà cho Long cao ngàn trượng chứ không để hổ ngẩng cao đầu”.

Lọ lộc bình (hay độc bình): Lọ lộc bình thường được đặt bên phía tay trái (hướng Đông) theo quan niệm của các cụ ngày xưa: “Đông bình (bình hoa), Tây quả (quả dâng cúng)”. Ngày nay thì nhiều nhà thường bố trí một đôi lộc bình để cân đối hai bên bàn thờ tổ tiên cho đẹp. Đây là điều không đúng, bởi độc bình chỉ nên là một lọ đựng hoa.

Ở hai góc ngoài cùng bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn dầu hoặc nến tượng trưng cho mặt trời (dương) ở bên trái và mặt trăng (âm) ở bên phải:  Đèn lưỡng nghi. Ngoài ra còn có đèn Thái cực (đèn điện) ở hàng trên. Đây là tuân theo dịch lý bát quái: Thái cực sinh lưỡngg nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng  sinh bát quái (quẻ đồ)

Lọ đựng hương: thường sử dụng chất liệu bằng gốm (làm từ đất) đại diện cho hành Thổ. Lọ đựng hương thường được đặtLưỡng nghi  bên phải của bàn thờ (hướng của hành thổ và hành kim).

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng không nên đặt quá nhiều đồ kim loại như đỉnh đồng, lư hương, bát hương đồng, hạc đồng, chân nến kim loại trên bàn thờ bởi theo dịch lý ngũ hành: Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ. Ngược lại, Kim khắc chế Mộc và bị Hỏa khắc. Vì đồ kim loại (thuộc hành kim) tương phản với hành Mộc (là bàn thờ) sẽ dẫn đến tương khắc với việc thờ cúng. Do đó cần cân nhắc các đồ thờ sao cho hài hòa để không phạm vào việc khắc chế lẫn nhau của các hành trong ngũ hành.

Theo các nhà phong thủy, nếu đặt quá nhiều đồ kim loại lên bàn thờ thì gia chủ sẽ rất dễ bị tổn hại sức khỏe.

Trong ngày Tết nguyên Đán, người dân ta thường chú trọng các vật phẩm cúng dâng tiên tổ theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo mã, giấy tiền, vàng mã cho các cụ (hiện nay Phật giáo khuyến cáo không dùng đồ giả dâng cúng kể cả hoa nhựa, cây vàng, lá bạc bởi dùng đồ giả là lừa dối người đã khuất), một vài chén nhỏ đựng nước, rượu (thường là 5 chén tượng trưng cho ngũ hành) và một bình trà, ngũ quả, xôi, chè, trầu – cau…

Đĩa ngũ quả: Đối với gia đình có bàn thờ nhỏ thì đĩa ngũ quả (5 loại quả) đặt ở bên phải bàn thờ – hướng tây theo quan niệm ngũ hành; Một bình hoa và một bình rượu ngon đặt sang bên trái (hướng đông theo ngũ hành) vì các cụ dặn lại “ Đông bình, tây quả”. Các thứ này được xếp sau các bát hương và đèn, nến. Gia đình có bàn thờ lớn thường đặt mâm ngũ quả ở chính giữa bàn thờ (sau các bát hương và bộ đỉnh hương, đèn lưỡng nghi – xếp hàng ngang)

Mâm ngũ quả phải đạt được tiêu chuẩn như nhiều hạt, nhiều mắt, nhiều múi, nhiều chụm, nhiều tay và mập mạp để biểu hiện cho sự sinh sôi phát triển và tươi tốt. Màu sắc của các loại quả cũng phải đạt đủ yếu tố ngũ hành là Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ) và Thổ (màu vàng) với mong muốn được hưởng ngũ phúc.

Mâm ngũ quả miền Bắc thường bao gồm: Chuối xanh hoặc dưa hấu (màu xanh thuộc hành Mộc); Phật thủ, bưởi, cam, quýt hoặc quất (màu vàng thuộc hành Thổ); Đào hoặc lê (màu trắng thuộc hành kim); Mận hoặc nho (màu đen thuộc hành Thủy);  Ớt, thanh long (màu đỏ thuộc hành Hỏa). Các loại quả được bài trí, sắp xếp màu sắc xen kẽ với nhau để đẹp mắt và hợp phong thủy. Ngoài ra trên bàn thờ còn có thể bày thêm bánh ngọt, mứt, kẹo cho cân đối và đẹp mắt.

Người miền Trung lại có cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết rất đơn giản, bình dị. Không quá câu nệ hình thức hay ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì dùng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên. Do đó, mâm ngũ quả của các nhà thường đa dạng, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.

Còn người miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” với mong ước năm mới được đủ đầy, sung túc. Tương ứng với 5 loại quả là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Ngoài ra, còn có thêm một cặp dưa hấu xanh để cầu may mắn và quả thơm (dứa) nhiều nhánh với mong muốn con cháu đầy nhà.

Các thầy pháp cho rằng, trên bàn thờ chỉ được đặt đồ chay tịnh như trà, xôi, chè, không được đặt đồ mặn. Nếu đặt đồ mặn (thường để cúng thần linh) thì phải có một bàn thờ thấp hơn bàn thờ chính (nơi thờ gia tiên) và đặt một bát hương làm bằng cốc gạo để gắn kết với thế giới thần linh.

Trong việc bài trí bàn thờ gia tiên, ngoài những thứ như hoành phi, câu đối, tượng hoặc ngai thờ, khám thờ, bài vị , lư hương, đỉnh đồng…(đối với nhà có điều kiện) thì có những thứ không thể thiếu như: Bát hương, nước sạch, đèn – nến và thoáng khí (xa nơi xú uế), không gian thanh tịnh, trang nghiêm. Bốn thứ đó tượng trưng cho tứ đại: Đất – Nước – Lửa – Gió. Đồ dâng cúng (hoa quả, tịnh tài, tịnh vật, cỗ bàn, bánh trái, trầu cau…). tượng trưng cho lòng thành hiếu kính của con cháu đối với tiền nhân. Gia chủ cúng dâng các thứ cho gia tiên, tiền chủ, thần linh, hộ pháp nhưng đồng thời cũng là thể hiện việc tuân thủ quy luật âm – dương của vũ trụ và thế giới tâm linh.

Cuộc sống nay, tùy từng điều kiện mà chúng ta sử dụng những đồ thờ cúng khác nhau. Tuy nhiên, một bàn thờ đảm bảo sự hài hòa của cả 5 yếu tố ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như trên sẽ có tác dụng phong thủy trong việc kích hoạt tài lộc phát triển và quan trọng nhất là việc an định tinh thần cho con cháu trong nhà yên tâm, phấn chấn lao động, sản xuất, kinh doanh và học tập, công tác.

(Nguồn: Yếu tố phong thủy trong bài trí bàn thờ gia tiên và vật phẩm dâng cúng ngày Tết./Phạm Văn Thi, Hội Văn hóa Dân gian Hải Phòng//Tạp chí Khoa học & Kinh tế Hải Phòng. – Số Tết Kỷ hợi 2019; Tr. 29-31)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học