Về lai lịch tấm ảnh chụp nhà 8 mái ở vườn hoa Kim Đồng. (tên bài do administrator đặt)

1938 French Indo-China, Haiphong, Vietnam, US Sailor’s Photo Street scene (source: ebay).

          Xin giới thiệu một bài viết trong phần I sơ ri bài của tác giả nguyễn Thanh Bình về ngôi nhà (nay vẫn còn sau khi vườn hoa Kim Đồng (Con Cóc) được cải tạo) thuộc dải vườn hoa Trung tâm Tp. Hải Phòng từ việc đi tìm lai lịch một tấm ảnh thời Pháp thuộc.
          I – Cảnh gì, ở đâu?
          Tấm ảnh được rao bán trên Ebay với chú thích của người bán là ảnh được chụp năm 1938 tại Hải Phòng, Đông Dương thuộc Pháp, Việt Nam do một lính thủy Mỹ chụp. Tác giả tấm ảnh là August Liguori, một cái tên có thể đã quen thuộc với những người làm khảo cứu, tìm hiểu tư liệu hình ảnh về Đông Dương trước thế chiến 2, do đã có một chùm  ảnh của ông bao gồm cả tấm ảnh này về Việt Nam được chia sẻ trong cộng đồng mạng từ năm 2016 qua người dùng flickr có user “manhhai” (2). Theo caption được ghi chú cho những bức ảnh trên flickr có lẽ chúng cũng được lấy về từ nguồn của người bán trên ebay, thể hiện thông tin là ảnh nằm trong album chụp các địa điểm thuộc Hawaii và Viễn Đông trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến 1939 của tác giả, khi ông đi theo tàu bệnh viện USS Relief năm 1936 rồi chuyển sang tàu USS Canopus từ năm 1937 đến các nước châu Á.
          Một điểm rất thú vị là khi được chia sẻ trên flickr, trong lúc các hình ảnh khác với chú thích địa điểm chụp ở Sài Gòn, Hà Nội hay các nơi khác ở Hải Phòng trong cùng serie không ai có ý kiến gì thì riêng với tấm ảnh này lại có người cho rằng không phải chụp ở Hải Phòng vì trông rất lạ, thậm chí cả user sưu tầm bộ ảnh cũng phỏng đoán ảnh chụp ở hội chợ nào đó bên Pháp nhưng được bán ở Hải Phòng và tác giả đã mua về giữ trong album như một kiểu bưu thiếp chụp cảnh địa phương. Có lẽ cũng vì lý do này mà trong khi các tấm ảnh khác về Đông Dương, Việt Nam cùng album rao bán trên ebay đã được thu mua sạch sẽ thì cho đến khi mình bắt gặp vài hôm trước lúc đi tìm tư liệu hình ảnh Hải Phòng những năm 30s để đối chứng với thông tin mô tả về thành phố trong cuốn “Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”, tấm ảnh trên vẫn còn sót lại (tất nhiên là sau đó mình đã mua ngay).
          Quả thực khi đặt trong chuỗi các hình ảnh khác về Đông Dương cùng giai đoạn, bức ảnh này trông ít có chất Việt Nam nhất: tòa nhà cao to gắn biển chữ tiếng Pháp, những cây cột điện mắc đèn cao áp trồng dày đặc, cây cối lạ mắt (riêng mình thì thấy  không lạ mắt lắm đâu, loại cọ này Hải Phòng trồng đầy ở các vườn hoa trung tâm với bệnh viện Phụ sản và Việt Tiệp, Hà Nội cũng có mấy cây dọc đường Hoàng Diệu ấy ^^), mọi người đều mặc Âu phục với phong thái đi đứng rất “Tây”. Tuy nhiên nhìn những mái nhà lợp ngói xếp lớp gợi nhắc tới kiến trúc đình chùa, cung điện Á Đông thì khó có thể nói đây là ảnh chụp ở Pháp được, có thể là ở một nước thuộc địa nào khác ở khu vực Đông Nam Á này không?
          Thật thú vị là sau khi lần theo dấu vết vô số những tổ hợp từ khóa trên Google, đáp án cuối cùng lại chỉ ra tác giả tấm ảnh đã không hề chú thích nhầm lẫn. Tấm ảnh này đúng là do ông chụp tại Hải Phòng vào những ngày đầu năm 1938, cụ thể là trong khoảng từ 01/01/1938 đến 06/01/1938 hoặc cùng lắm muộn hơn một vài ngày nữa – những ngày mở cửa cuối cùng của Foire de Haiphong – Hội chợ Hải Phòng lần thứ 2 năm 1937, và có lẽ cũng là hội chợ thương mại cuối cùng với quy mô lớn được chính quyền Thực dân Pháp tổ chức tại thành phố Cảng trước khi không khí u ám của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 lan sang cả Đông Dương. Dưới đây là hành trình đi tìm đáp án đó:
          Các thông tin có được từ tấm ảnh ban đầu:
          Một gian hàng ở góc phải bên dưới ảnh có biển đề thương hiệu NESTLE của hãng sữa bột nổi tiếng nhất Việt Nam thời đó.

Gian hàng sữa Nestle Hiệu con Chim (bị cột điện che mất chữ E).

          Phóng to bức ảnh (trên đầu bài) có thể thấy hai cụm từ được gắn trên mặt tiền tòa nhà một cách rất mỹ thuật là “2 FOIRE 1937 HAIPHONG” – Hội chợ Hải Phòng lần 2 năm 1937 và “PALAIS DES FETES” – Cung lễ hội.
          Palais des Fetes thì trên thế giới có nhiều chỗ, nhưng một cái cung lễ hội cao đến hơn 20m được xây từ thời Pháp thuộc ở Hải Phòng thì quả thật chưa từng nghe nhắc đến bao giờ. Nếu có từng tồn tại thì có thể nó cũng đã bị phá hủy từ rất sớm, trước 1955, là mốc thời gian quan trọng với những cư dân có gốc gác sinh sống tại thành phố Cảng từ đầu thế kỷ XX (vì không kể số bị chết trong 2 cuộc chiến tranh thì rất nhiều trong số dân Hải Phòng “bản địa” này đã theo tàu Pháp di cư vào Nam hoặc tha hương, dẫn đến việc đa phần người Hải Phòng bây giờ đều có quê gốc ở các tỉnh khác như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nội… và không thực sự nắm rõ lịch sử văn hóa địa phương do họ cũng chỉ mới đến lập nghiệp ở mảnh đất này từ sau 1955). Cụm từ khóa “Palais des Fetes” và “Haiphong” chỉ cho ra duy nhất một kết quả khả quan có nguồn từ tiếng Việt là trang diendan.org nay không còn truy cập được, tuy nhiên vẫn còn bản cache được lưu cho biết thông tin này nằm trong tờ tuần báo Ngày Nay số 53 phát hành năm 1937 (3), tiếc là khi tra cứu cụ thể số báo đó thì cái “Palais des Fetes” được nhắc đến ấy lại nằm ở Huế, trong bài báo về Hội chợ Huế năm 1937 (4), địa danh Haiphong trong số báo này chỉ liên quan đến mấy mục quảng cáo.
          Thật may là từ khóa “foire Haiphong” 1937 trả ra đúng 2 kết quả cũng từ trang diendan.org đấy, cùng thuộc một mẩu quảng cáo cho biết “Foire Haiphong sẽ mở 16 Décembre 1937” (không có thông tin địa chỉ cụ thể) từ hai số báo Ngày Nay số 86 và 87 (5). Như vậy đúng là có tồn tại một cái hội chợ tại Hải Phòng vào cuối năm 1937, tại khu nhà được viên lính thủy người Mỹ kia chụp lại, có thể là vào những ngày đầu năm 1938 như ông đã ghi chú, sau khi hội chợ đã tàn, nhưng vẫn chưa thấy thông tin về địa chỉ cụ thể.
          Lẽ nào một hội chợ tổ chức ở cái “Palais des Fetes” to đến thế mà sách sử báo chí lại chẳng hề ghi chép, chụp ảnh lại, đến nỗi thế hệ sau không nhận ra nổi ảnh chụp quê hương mình ở đâu? Từ khóa” hội chợ Hải Phòng 1937” không dẫn đến đâu nhưng “hội chợ hải phòng năm 1937” lại dẫn thẳng đến link một bài tổng hợp các phác thảo về du ký Hải Phòng đầu thế kỷ XX trên báo điện tử Toquoc.vn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thông tin trong trang đó cho biết có một bài báo của tác giả Nhị Linh mang tên “Hội chợ Hải Phòng năm 1937” in trong tờ Ngày Nay số 91 phê phán cảnh bát nháo trong cái hội chợ ấy rất ác.
          Dưới đây là Nhị Linh, cũng chính là bút danh khác của nhà văn Khái Hưng nổi tiếng mô tả Hội chợ Hải Phòng năm 1937:


         Ảnh chụp bài của tác giả Nhị Linh trên báo “ngày nay”

          Đúng là một thiên phóng sự du ký xuất sắc đậm chất văn học phong cách nửa đầu thế kỷ, đến nỗi đọc xong hết mà độc giả vẫn chưa biết rốt cuộc là cái hội chợ ấy được tổ chức ở đâu :P. Hoặc có lẽ cái hội chợ ấy phải cực kỳ hoành tráng đến độ khắp Bắc Kỳ ai cũng biết nó ở đâu nên không cần phải nhắc đến nữa. Mà chẳng lẽ to đến thế vẫn lại chẳng được ghi danh sử sách , lưu lại tí hình ảnh nào hay sao? (Ý mình là loại sách sử phổ biến dễ tiếp cận, có free ebook trên mạng thôi chứ từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mình vẫn chưa có cơ hội đặt chân vào Thư viện Thành phố Hải Phòng.
          Thế là lại tiếp tục lần mò theo một hành trình tìm kiếm mới. Phép thử với chuỗi từ khóa “hội chợ Hải Phòng năm 193x” theo suy luận hội chợ to có thể mở hàng năm và cũng có phóng sự hàng năm không ra kết quả, đành chấp nhận quay lại với từng tổ hợp tiếng Việt lẫn tiếng Pháp của hai từ “hội chợ” và “Hải Phòng” lẫn từng năm một. Sau khoảng hơn chục lần thử sai thì tổ hợp “Hội chợ Hải Phòng” “1938” cho ra kết quả vô cùng xuất sắc, thêm 4 kết quả đều có khả năng mở rộng ra các hướng mới. Và đây là một trong 4 nguồn tìm kiếm mà tác giả chỉ ra:
          – Một trang blog có chia sẻ chuyện gia đình của người viết, có cha là Đảng viên từng hoạt động tuyên truyền báo chí ở Hải Phòng:
          “Năm 1936 cha tôi mới tham gia cách mạng. Là học sinh trường Bưởi hăng hái tham gia phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, bãi khóa và vận động chị em tiểu thương chợ Đồng xuân chợ Hôm bãi thị, vận động bà con mua báo cho Đảng. Lúc bấy giờ đồng chí Trường Chinh dắt cha tôi xuống gặp bác Trần Huy Liệu và Hoàng Quốc Việt nhờ dạy nghề làm báo cho cha tôi. Nhờ tích cực lao vào công tác báo chí của Đảng cha tôi được tín nhiệm bàu vào chấp hành Đoàn thanh niên dân chủ và được tiếp xúc với bác Chân búa. 1937 cha tôi được Đảng giao cho nhiệm vụ xuống hội chợ Hải phòng mở 1 gian hàng sách báo của Đảng. Thời gian này cha tôi được tổ chức Đảng và Đoàn thanh niên ở Hải phòng giúp đỡ rất nhiều. Gian hàng bị bọn mật thám đến phá phách ngay trong ngày mở cửa hội chợ nên mọi người càng xúm đông đỏ đến xem, nhặt sách báo bọn chúng vất ra, báo chí đưa tin rùm beng, nên lại là 1 thành công rất lớn tuyên truyền cho Đảng ta. Tôi không biết bác Chân có giúp đỡ gì cho cha tôi trong dịp này không mà thấy cha tôi coi bác Chân như 1 thần tượng để noi theo.”
          Tìm hiểu thêm thì được biết người cha trong câu chuyện kể này chính là nhà cách mạng, nhà báo Nguyễn Trí Uẩn (1916-1995), tác giả của bộ trò chơi ghép hình Trí Uẩn nổi tiếng, “bác Chân” là nhà cách mạng Vũ Thiện Chân (1913-1998) đã được UBND TP Hải Phòng ghi danh trong danh mục Danh nhân đất Cảng.
          – Tài liệu giới thiệu về Quận Hồng Bàng phục vụ cho Cuộc thi sáng tác mẫu biểu trưng và các ca khúc về quận Hồng Bàng năm 2016:
          “Vườn hoa Kim Đồng: Rộng 2.5 ha. Dưới thời thuộc Pháp, nó mang tên “Vườn hoa con cóc”. Hiện nay vẫn còn dấu tích của thời xa xưa với chiếc bể vây ở giữa có con cóc phun nước, ngôi nhà nhiều mái của tên chủ nhà máy Xi –măng Poosooc-lăng Hải Phòng xây dựng năm 1912 là nơi tổ chức triển lãm… Bao quanh là các phố: Điện Biên Phủ, Trần Phú, Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo. Phía bắc là sân vận động Cảng, phía tây nam là vườn hoa Nguyễn Du. Năm 1938 Pháp mở Hội chợ Hải Phòng, chọn vùng đất vườn hoa Nguyễn Du và vườn hoa Kim Đồng làm địa điểm. Năm 1942 mở lần nữa. Hội chợ bán nhiều mặt hàng thủ công, mĩ nghệ, công nghiệp, sập gụ tủ chè, tủ khảm trai … Sau năm 1942 chính thức gọi là vườn hoa Jardin d’ Enfant (Ấu Trĩ Viên), ta thường gọi là vườn trẻ. Tuy nhiên người Pháp vẫn sử dụng nơi này làm Hội chợ.
          Sau giải phóng ta đổi tên là vườn hoa Kim Đồng (Kim Đồng – người anh hùng nhỏ tuổi, đội viên đầu tiên của Đội thiếu niên tiền phong) tạo điểm vui chơi cho trẻ em như: Đu quay, cầu tụt, cầu bập bênh … Trong vườn hoa còn có thư viện thiếu nhi thành phố.”
          – Một bài viết mới kèm ảnh chụp trên nhóm Facebook Đi dọc Việt Nam của tác giả June Chang về ngôi nhà nhiều mái trong Vườn hoa Kim Đồng về cơ bản là lấy thông tin y chang theo tài liệu giới thiệu của Quận Hồng Bàng, có bổ sung thêm một số ý rõ hơn như “Năm 1912, ông chủ nhà máy Xi-măng Poóc-lăng Hải Phòng xây một ngôi nhà nhiều mái rất đẹp trong vườn hoa Con cóc làm nơi tổ chức triển lãm xi-măng. Bây giờ gọi là phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Cũng nhờ ngôi nhà 8 mái tuyệt đẹp này mà khi người Pháp mở Hội chợ Hải Phòng đã chọn khu đất vườn hoa Nguyễn Du và Vườn trẻ, ngôi nhà triển lãm xi-măng làm trung tâm.”.
          Và như vậy đến đây dù vẫn còn có mâu thuẫn về thời gian tổ chức của hội chợ năm đó là 1937 hay 1938 và cần kiểm chứng thêm thời điểm ra đời của ngôi nhà nhiều mái có đúng là năm 1912 hay không, ta cũng đã có thể kết luận là Hội chợ Hải Phòng thời Pháp thuộc từng được tổ chức ở Vườn hoa Kim Đồng hay còn gọi là Vườn Trẻ (cũng thuộc dãy vườn hoa Bonnal – nay là dải vườn hoa trung tâm – theo tên thường gọi của người Hải Phòng xưa, dọc theo kênh đào Bonnal trước khi bị lấp năm 1902). Tòa nhà “Palais des Fetes” trong tấm ảnh chụp của người lính Mỹ nọ cũng chính là tiền thân của ngôi nhà nhiều mái tọa lạc giữa vườn hoa này nhiều năm qua, rất may đã được bảo tồn qua những thăng trầm của lịch sử và đến giờ đã được trả lại vị trí tương xứng là một di tích kiến trúc Pháp cổ được bảo tồn trang nghiêm giữa khu Vườn Trẻ vừa được cải tạo không còn bóng dáng trẻ trâu.
          Một số hình ảnh của ngôi nhà nhiều mái này trước và sau dự án di dời các hộ kinh doanh vui vui chơi giải trí và cải tạo lại cảnh quan trị giá hơn 25 tỷ vừa hoàn thành ngày 15/05/2020 vừa rồi:

Nhà 8 mái trước khi vườn hoa được cải tạo:

Một góc chụp khác trước khi vườn hoa được cải tạo

Nhà 8 mái sau khi vườn hoa được cải tạo

          Mặc dù nhìn qua có vẻ “nhà nhiều mái” rất tương đồng với “Palais des Fetes” với phần mặt tiền có một khối kết cấu cao hẳn lên, hai bên còn lại đối xứng, thiết kế nhiều lớp mái đan xen duyên dáng không lẫn đi đâu được, dù sau nhiều năm bị chiến tranh và thời tiết làm hư hại, phần mái ngói bóng mượt nguyên bản như trong tấm ảnh chụp kia đã bị thay thế hoàn toàn bởi loại ngói gạch đỏ mới, nhưng khi so sánh ước lượng về chiều cao, chiều rộng của phần chính tòa nhà trong bức ảnh chụp đầu năm 1938 với phần còn lại của kiến trúc ngày nay thì có vẻ đây chỉ là một phần chái nhà hoặc phần nhà phụ xây bên cạnh, nhỏ hơn tòa nhà chính trong hình rất nhiều.

Hai bức ảnh xưa và nay đặt cạnh nhau:

          Cụ thể phần còn lại là phần nào thì chắc còn cần nhiều người có chuyên môn về kiến trúc và lịch sử nghiên cứu thêm nữa.
(Nguồn: Một cảnh ở Hải Phòng, Đông Dương thuộc Pháp – phần I / Vũ Thanh Bình //facebook.com (nhóm Nghiên cứu đô thị Hải Phòng)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học