Văn hóa phi vật thể Hải Phòng – Tiềm năng du lịch nhân văn.

Văn hóa phi vật thể Hải Phòng – Tiềm năng du lịch nhân văn.

Bao đời nay, nông thôn Việt Nam in đậm trong ký ức những người xa xứ với hình ảnh cây đa, bến nước, những mái đình, mái chùa rêu phong cổ kính và tiếng chuông chùa ngân vang sáng tối, những lễ hội dân gian cổ truyền nghiêm trang xen lẫn những trò chơi dân gian vui nhộn. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này cần phải được gìn giữ và phát huy tính tích cực của nó trong cộng đồng nhằm hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước và tự tôn dân tộc – một dân tộc có bản sắc văn hóa riêng mà hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến phương bắc, hàng trăm năm Pháp thuộc vẫn không bị đồng hóa, không mất đi nét riêng độc đáo mình.

Nét riêng độc đáo này có thể là những ngành, nghề truyền thống của các địa phương làm ra các sản phẩm nông nghiệp, tiểu – thủ công nghiệp có chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao, dành được thiên cảm của người tiêu dùng không những trên địa bàn thành phố mà còn ở cả các tỉnh, thành trên cả nước. Những sản phẩm của bàn tay khéo léo và đầu óc sáng tạo đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người làm ra chúng mà còn là niềm tự hào của địa phương đã lưu truyền và gìn giữ được nghề cha truyền con nối của cha ông.

Theo nguồn tài liệu của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hải Phòng đã từng có trên 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau, phần lớn là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiều làng nghề được hình thành từ hàng trăm năm như: Sơn mài điêu khắc Bảo Hà (xã Đồng Minh); con giống Nhân Mục (xã Nhân Hòa) huyện Vĩnh Bảo; chiếu cói Lật Dương (huyện Tiên Lãng); mây tre đan Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên), Tiên Cầm (An Lão); gốm sứ Dưỡng Động, đúc kim loại Mỹ Đồng (Thủy Nguyên); đất nung Tiên Hội (An Lão), nước mắm Cát Hải, bánh trưng Thủy Đường, làm hương Kiền Bái (Thủy Nguyên); trồng hoa Đằng Hải; trồng-chế biến thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… Tuy nhiên do nhiều hoàn cảnh và yếu tố như chiến tranh, biến động thị trường, nhu cầu khách hàng, sự cạnh tranh giữa các địa phương, gu thẩm mỹ từng thời kỳ… mà nhiều làng nghề Hải Phòng đã mai một, thất truyền. Đến nay trên địa bàn thành phố còn 31 làng nghề đang duy trì và phát triển, trong đó 17 làng nghề truyền thống, 14 làng nghề mới thuộc 25 xã, phường, thị trấn, tập trung vào các nghề: Mây tre đan, đồ mộc dân dụng, điêu khắc, sơn mài, cơ khí, chế biến bánh đa, dịch vụ vận tải, thủy sản…

Theo tiêu chuẩn công nhận làng nghề truyền thống của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hải Phòng có 12 làng nghề đạt tiêu chuẩn đã được UBND thành phố cấp bằng công nhận. Đó là các làng nghề: Mộc nội thất Kha Lâm (Kiến An), dệt chiếu cói Lật Dương (Tiên Lãng), điêu khắc gỗ, sơn mài Bảo Hà (xã Đồng Minh), sản xuất cá giống Hội Am huyện Vĩnh Bảo, mây tre đan Chính Mỹ, đúc cơ khí Mỹ Đồng, vận tải thủy An Lư, thủy sản Lập Lễ, trồng và chế biến cau Cao Nhân (Thủy Nguyên), bánh đa Khinh  Giao, mây tre đan Tiên Sa (An Dương), mây tre đan Tiên Cầm (An Lão).

Bên cạnh những làng nghề truyền thống có từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, người dân một số địa phương đã chuyển đổi cơ cấu ngành nghề sản xuất, đầu tư phát triển những nghề mới và sản phẩm của họ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân không những phát triển kinh tế mà còn tạo thương hiệu cho những làng nghề mới như trồng nhãn, vải Bát Trang (An Lão), làng hoa Đồng Dụ (xã Đặng Cương huyện An Dương), xã Đồng Thái, Hồng Thái chuyên trồng đào, quất, hải đường.

Cần phải nói rằng, làng nghề không chỉ là sản phẩm văn hóa phi vật thể, tiềm năng kinh tế mỗi địa phương mà còn là tiềm năng của du lịch nhân văn. Khi kinh tế xã hội phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu du lịch, thăm quan của người dân ngày càng tăng. Du lịch làng nghề truyền thống giờ đây đang có sức hấp dẫn đối với khách du lịch nội địa trong các tour – tuyến du khảo đồng quê, thậm chí cả du khách nước ngoài.

Cũng như một số tỉnh, thành phố trên đất nước ta, nền văn hóa – văn nghệ dân gian Hải Phòng rất phong phú với nhiều hình thức và thể loại, vốn đã trở thành truyền thống tại các địa phương.

– Về trò chơi dân gian có: Múa rối (cạn và nước) ở xã Đồng Minh, Nhân Hòa huyện Vĩnh Bảo; Thi pháo đất ở Tân Liên (Vĩnh Bảo); Thả đèn trời ở xã Nhân Hòa (Vĩnh Bảo); Tam cúc điếm ở lễ hội đền Phú Xá, An Dương; Bơi chải ở Cát Hải, Đồ Sơn, An Dương, Tiên Lãng…; Hội vật làng Vĩnh Khê, xã An Đồng huyện An Dương thu hút không chỉ các đô vật nam mà cả nữ ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận về vui chơi, thi đấu, đó là chưa kể môn võ vật đã trở thành thế mạnh của các vận động viên Tiên lãng.

– Lễ hội dân gian truyền thống cũng phong phú ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố như:

Lễ hội “Từ Lương Xâm” (nay thuộc quận Hải An) tôn thờ anh hùng dân tộc Ngô Quyền; Hội làng Trinh Hưởng (xã Thiên Hương – Thủy Nguyên) tôn thờ 3 anh em họ Đào (Đào Tế, Đào Lai và Đào Độ) là những người đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do vua Lê Hoàn lãnh đạo trên sông Bạch Đằng năm 981; Lễ hội đền Phú Xá (nay thuộc phường Đông Hải 1 – quận Hải An) tri ân công đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và bà Bùi Thị Từ Nhiên; Lễ hội đình Từ Lâm xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo thờ vị thành hoàng Hoa Duy Thành, danh tướng có công trong kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần.

alt

Lễ hội minh thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy nhằm tri ân Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Toàn, chính thất của vua Mạc Đăng Dung. Bà là người đã lập ra ấp Lan Niểu, nay là làng Hòa Liễu và lập ra hội thề chí công vô tư (nay gọi là Minh thệ).

Lễ hội với trò chơi dân gian tưởng nhớ danh tướng có công với đất nước, tiêu biểu như lễ hội vật cầu, chạy đá ở làng Kỳ Sơn, xã Tân Trào (Kiến Thụy)….

Ngoài những lễ hội lịch sử tôn thờ các vị nhân thần có công với dân, với nước như trên, Hải Phòng còn có những lễ hội tôn thờ các vị thiên thần, cầu sự che chở cho dân, cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành 1 trong 15 lễ hội tiêu biểu cấp Quốc gia; Lễ hội phủ Thượng Đoạn thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh ở phường Đông Hải 1, quận Hải An hay gần đây có lễ hội thường niên tôn thờ nữ tướng Lê Chân – thành hoàng của Hải Phòng mà nhiều nơi phối thờ.

Lễ hội mang ý nghĩa kinh tế như lễ hội rước lợn ông Bồ và bánh dày ở làng Kỳ Sơn huyện Kiến Thụy nhằm cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt.

Còn có một lễ hội cũng đề cao ý nghĩa nông nghiệp là lễ rước lợn hỗng trong lễ hội ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo tôn thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Công Huệ – ông tổ của nghề tạc tượng, sơn mài làng Bảo Hà.

Một lễ hội khác tưởng nhớ công lao người đã truyền nghề cho dân ở làng Lạng Côn (Kiến Thụy), đó là lễ hội tri ân người đã làm ra món bánh đa khô và bánh đa nhúng và nay đã trở thành nghề truyền thống của làng là ông Chu Xích Công, người Hoa ở thế kỷ thứ 10.

Những năm gần đây, một số địa phương đã chú trọng những lễ hội tôn thờ danh nhân văn hóa đất nước, có công với dân tộc và địa phương như lễ hội đền Trạng Trình (Vĩnh Bảo) thờ danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, lễ hội thờ trạng nguyên Trần Tất Văn ở xã Thái Sơn (An Lão), lễ hội đền trạng nguyên Lê Ích Mộc ở làng Thanh Lãng xã Quảng Thanh (Thủy Nguyên). Các lễ hội này nhằm đề cao sự nghiệp giáo dục, tôn vinh nhân tài địa phương trong phong trào khuyến học, khuyến tài.

– Vốn văn nghệ dân gian Hải Phòng cũng đa dạng, phong phú như hát chèo, hát tuồng ở xã Quang Trung (An Lão); Hát chèo ở xã Hợp Thành, lại Xuân, Kiền Bái (Thủy Nguyên); Hát cải lương ở xã Thái Sơn (An Lão), Thụy Hương (Kiến Thụy), Cát Hải; Hát ca trù ở làng Đông Môn, xã Hòa Bình (Thủy Nguyên); Hát đúm ở Phả Lễ, Lập Lễ, Phục Lễ (Thủy Nguyên), hát giao duyên trên thuyền ở đầm Kiến Thụy, hát thuyền phềnh, hò hái củi ở Thủy Nguyên…

Nhưng cũng phải nói rằng các hoạt động như trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian ở nhiều nơi nay đã mai một hoặc thất truyền. Vốn văn hóa đầy bản sắc địa phương này cần phải được nghiên cứu phục hồi và khuyến khích phát triển trong nhân dân nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong xã hội, động viên nhân dân lao động, sản xuất.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong xã hội hiện nay, Hội Văn nghệ dân gian đề nghị thành phố có giải pháp khôi phục các loại hình nghệ thuật tiêu biểu đã mai một tại những nơi có truyền thống nêu trên bằng chủ trương và cơ chế chính sách thích hợp, thỏa đáng, tránh đầu tư dàn trải nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển vốn văn nghệ dân gian truyền thống của mình. Quan điểm của chúng tôi là chính quyền và ngành chức năng chú trọng đầu tư phát triển vốn văn hóa – văn nghệ dân gian, không đầu tư cho loại hình ca nhạc nhẹ, kịch nói mà chỉ khuyến khích tự phát triển.

Thành phố rà soát, chỉ đạo các địa phương có di sản văn hóa, tín ngưỡng xây dựng kế hoạch phục hồi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, xây dựng các trung tâm văn hóa tín ngưỡng như kiểu Khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Đồ Sơn gồm tháp Tường Long – đình Ngọc Xuyên – đền Long Tiên suối Rồng – đền Chúa Ngũ Phương và kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ dân gian.

Để khuyến khích phục hồi văn hóa dân gian, Nhà nước và Thành phố cần có chế độ động viên bằng vật chất, tưởng nhớ, khen thưởng các danh hiệu: Nghệ nhân Dân gian, nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân đã có công phục hồi, gìn giữ vốn văn hóa dân gian truyền thống, tạo cho họ môi trường và điều kiện quảng bá nghệ thuật mà họ nắm giữ trong nhân dân. Việc này hiện chưa được quan tâm thích đáng ở Hải Phòng, trong khi cá tỉnh, thành như Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội đã có chế độ phụ cấp cho nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu.

Thành phố, các quận, huyện và ngành Văn hóa Hải Phòng cần quan tâm thích đáng cho phong trào văn nghệ dân gian, hàng năm tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ dân gian để bảo tồn phát triển vốn văn hóa giàu bản sắc địa phương, khen thưởng kịp thời các điển hình tổ chức hoạt động tiêu biểu.

Thành phố cần có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa – văn nghệ dân gian theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng đóng góp, tạo nên khả năng phát huy vốn di sản văn hóa địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế – văn hóa mỗi làng, xã.

Phong trào xây dựng Nông thôn mới hiện nay cần được gắn kết với phong trào khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa dân gian tiêu biểu mỗi địa phương bằng các tiêu chí cụ thể nhằm phát huy được sự đồng lòng của ý Đảng và tâm nguyện nhân dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp.

Phạm Văn Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học