
Ảnh trường Trung học văn hóa-Nghệ thuật-Du lịch Hải Phòng.
Những năm tháng làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng tôi luôn trăn trở: Làm cách nào để bằng con đường xã hội hóa xây dựng một quần thể tượng đài các danh nhân văn hóa nghệ thuật là những người sinh ra và trưởng thành tại Hải Phòng?
Cũng thật là và hiếm gặp, tại mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra nhiều tài năng: Âm nhạc có Hoàng Quý, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Trọng Bằng…Văn chương có Thế Lữ, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi..; Kịch có Vi Huyền Đắc.
Việc xây dựng vườn tượng tại khuôn viên nhà trường ngoài ý nghĩa tôn vinh, giáo dục truyền thống còn tạo cho Hải Phòng một địa danh văn hóa độc đáo.
Năm 2000 nhà trường khánh thành tượng nhà văn Nguyên Hồng bằng chất liệu đá hoa cương trắng do kiến trúc sư Phạm Vũ Hội sáng tác mẫu và nghệ nhân trẻ Nguyễn Minh Tuấn thể hiện.
Tượng nhà văn Nguyên Hồng trong sân trường THVHNT & Du lịch Hải Phòng.
Năm 2004 dựng tượng nhạc sĩ, chiến sĩ, họa sĩ, thi sĩ Văn Cao và một người ít người biết đến, ông còn là nhà sư phạm âm nhạc, một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) trong kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc.
Tượng Văn Cao do nhà điêu khắc tài danh Phạm Văn Hạng, người đã làm hàng trăm tượng chân dung các danh nhân thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, khoa học, văn hóa nghệ thuật đương đại.
Sinh thời nhạc sĩ Văn Cao được rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc yêu mến thể hiện chân dung ông. Tác phẩm nào cũng tạo ấn tượng thẩm mỹ về một Văn Cao đa tài, một ông hoàng âm nhạc. Nhưng ông ưng ý pho tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng hơn cả. Văn Cao đã trân trọng đặt pho tượng này trên chiếc dương cầm cũ kỹ, người bạn thủy chung gắn bó bao buồn vui với ông mấy chục năm trời.
Có những đêm, tay nâng ly rượu lặng ngắm hàng giờ và ông thốt lên: “ Bức tượng cho tôi cảm giác tôi đang muốn nói một điều gì đó”.
Tượng Văn Cao được chế tác bằng chất liệu đồng nguyên chất do nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Văn Dũng ở làng Ngũ Xá, ngoại thành Hà Nội, một làng có truyền thống đúc đồng nổi tiếng đất Kinh kỳ thể hiện, Chính nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng cũng là người tham gia đúc pho tượng đồng đen tại đền Quán Thánh, Hà Nội. Bức tượng đồng nhạc sĩ Văn Cao là sản phẩm cuối cùng của người nghệ nhân tài hoa. Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã tặng Trường Trung học VHNT tác phẩm quí báu này. Có lẽ đây là cái duyên tiền định hay từ “Suối mơ”, cõi “ Thiên thai” nay đã đến ngày trở lại với mảnh đất trong trường ca “Những người trên cửa biển”. Văn Cao đã thổ lộ: Sinh ra tôi đã có Hải Phòng/ Đầu nhà mới trồng cây mặn/ Bãi sú bồi thành bến/ Nhà máy xi măng đã dựng bên sông”.
Mảnh đất đã gắn bó với ông bao kỷ niệm về một thời đã qua. Nhà thơ Văn Thao, con trai cả nhạc sĩ Văn Cao cho biết: Văn Cao sinh ra ở xóm nghèo Lạc Viên, Hải Phòng trong một đình công chức. Cha của Văn Cao là đốc công Nhà máy Nước Hải Phòng. Khi còn nhỏ Văn Cao học ở trường Bonal (nay là trường PTTH Ngô Quyền), sau lên học trường dòng Sain Josef (nay là Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng), chính nơi đây ông mới được học âm nhạc một tuần vài tiết. Vì nhà nghèo nên hết năm thứ hai bậc thành chung ông phải bỏ học. Năm 12, 13 tuổi Văn Cao đã đến với thơ. Nhạc, họa, thơ – Ba lĩnh vực này là cõi riêng và đi theo ông suốt cả cuộc đời.
Văn Cao là một tài năng âm nhạc thiên phú, ở độ tuổi 16 đến 18 ông đã cắm mốc quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam với Suối mơ, Trương Chi, Buồn tàn thu; 21 tuổi đã viết Tiến quân ca. Từ đó ông cho ra đời nhiều tác phẩm hào hùng, phục vụ công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc như: Thăng Long hành khúc, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Không quân Việt Nam.
Người dân Hải Phòng tự hào về hai con phố. Phố Nguyên Hồng thuộc khu lao động Lán Bè xa xưa. Có lẽ đây là một dụng ý muốn để ông mãi mãi gắn bó với những người cùng khổ đã một thời bát cơm chan đầy máu và nước mắt, để đời viết văn ông đã bao lần nhòa con chữ miêu tả nỗi cùng cực của kiếp người cần lao..
Và phố Văn Cao, con đường đẹp nhất thành phố đầu thời kỳ đổi mớ – Thời kỳ “ Hải Phòng vươn ra biển lớn”.
Văn Cao, Nguyên Hồng – hai người bạn rượu, hai người bạn tri âm, tri kỷ như Bá Nha – Tử Kỳ trên con đường sáng tạo nghệ thuật phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Trần sao âm vậy. Nghĩ ra nó cũng có cái lý của cố nhân. Chả vậy mà trong đêm khánh thành tượng Văn Cao, Ban tổ chức sơ ý chưa dâng hương mời rượu kính báo cụ Nguyên Hồng, mọi người như thấy thiếu một việc gì đó. May thay Văn Thao nhanh ý châm hương, dâng rượu đọc bài thơ: “Với Nguyên Hồng” của Văn Cao như lời cáo lỗi – lời chào hỏi ra mắt cố tri: “Riêng anh niềm xúc động/ Nhìn anh Hải Phòng chúng ta còn lại/ Một đường An Dương một con sông Cấm/Nhớ/ Con sông nhớ anh..”
Có lẽ niềm vui gặp lại bạn tiên tửu, bát hương thờ Nguyên Hồng bỗng hóa bùng lên thành ngọn lửa…Đêm khánh thành tượng Văn Cao bỗng trở nên thiêng liêng đầy cảm xúc.
Tượng nhạc sĩ Văn Cao trong sân trường THVHNT & Du lịch Hải Phòng.
Năm nay kỷ niệm 90 năm ngày sinh Văn Cao (15/11), gia đình ông và các địa phương, đơn vị có nhiều hoạt động tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của ông cho đất nước. Gia đình Văn Cao cho in lại tập thơ: Văn Cao tác phẩm thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn; Truyền hình công an nhân dân vừa sản xuất bộ phim tài liệu: Văn Cao còn mãi một giấc mơ; Lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam có một hội thảo về thơ Văn Cao – một lĩnh vực mà Văn Cao có nhiều thành tựu. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc đổi mới thơ, đem đến thi ca Việt Nam những nét tân kỳ hiện đại; Đêm 22/11/2013 tại Cung văn hóa Việt Xô có một đêm nhạc Văn Cao sang trọng và hoành tráng. Cũng như thành phố Nam Định quê hương ông, Đài phát thanh truyền hình Hải Phòng có buổi truyền hình trực tiếp đêm nhạc: Văn Cao những bài ca đi cùng năm tháng. Đêm nhạc này là tấm lòng, là lời tri ân của người Hải Phòng với Văn Cao.
Vinh dự cho Trường Trung học VHNT Hải Phòng là đơn vị đầu tiên dàn dựng và trình diễn tác phẩm hợp xướng “Hải Phòng vươn ra biển lớn” trong đêm khánh thành tượng Văn Cao.
Người Hải Phòng coi bản hợp xướng này là dự báo Hải Phòng hôm nay và mai sau. Cũng là sự trùng hợp thú vị: Ngày 2/11 vừa qua, tại Trung tâm hội nghị thành phố, Hội Liên hiệp VHNT phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo sang trọng về người bạn, người đồng hương của Văn Cao “ Nhà văn Nguyên Hồng- Cuộc đời sự nghiệp văn chương”.
Văn Cao- Nguyên Hồng mãi mãi là niềm tự hào của người Hải Phòng.
(Nguồn: Từ “Suối mơ”, cõi “Thiên thai” Văn Cao trở về Hải Phòng/NGƯT Trần Ngọc Thảo, nguyên Hiệu trưởng trường THVHNT & Du lịch Hải Phòng// Cửa biển, số 140. – tháng 11 năm 2013, tr. 12 – 14). P.V Thi giới thiệu, minh họa ảnh.