
Tượng Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi.
Ở thành phố Hải Phòng có hai nhân vật lịch sử được các triều đại phong kiến sắc phong là Nam Hải Đại vương. Thứ nhất là danh tướng Phạm Hải – người có công giúp vua Hùng Duệ Vương (Vua Hùng thứ 18) chống giặc ngoại xâm và giúp dân trang Tiểu Trà, Nghi Dương, (nay là thôn Tiểu Trà, xã Hưng Đạo, huyện Kiến Thụy) cứu đói, chữa bệnh dịch và đắp đê, khơi ngòi, cứu dân thoát khỏi thiên tai. Nam Hải Đại vương Phạm Hải đã được giới thiệu trên website “Haiphonghoc.com”. Nay xin giới thiệu nhân vật thứ hai là Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi, một danh tướng có tài triều Mạc – nhân vật lịch sử Hải Phòng. Ông cũng là người được các triều Lê Trung Hưng, Nguyễn sắc phong là Nam Hải Đại vương.
Phạm Tử Nghi sinh ngày 2 tháng 2 năm Hồng Thuận (1590), mất ngày 14 tháng 9 đời Lê niên hiệu Quang Hưng (1578). Ông tên húy là Thành, tên chữ là Tử nghi. Ông nguyên là người Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải dương (nay thuộc địa bàn giữa hai phường Nghĩa Xá và Vĩnh Niệm – quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).
Phạm Tử Nghi là người có sức khoẻ phi thường, được dân sở tại gọi là Thiên Lôi. Truyền ngôn kể rằng: Phạm Tử Nghi từng đắp con đê dài khoảng 3 dặm, lại đặt 2 ụ đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê; sau đó ông cầm gậy chạy đến chỗ ụ đất hét đánh một cái thì quét sạch đất. Đến thời Nguyễn, đê vẫn còn, hằng năm dân sở tại bồi đắp đê để ngăn nước mặn. Theo Đại Nam nhất thống chí, con đường gần chỗ Phạm Tử Nghi đắp đê xưa kia, ở địa phận hai xã An Dương và Vĩnh Niệm, gọi là đường Thiên Lôi mang biệt hiệu của ông. Đường Thiên Lôi hiện nay kéo dài từ Ngã 3 chợ Đôn Niệm (gần miếu Phạm Tử Nghi) – đến tận Cầu Rào 1.
Là người văn võ toàn tài nên khi ông theo phò nhà Mạc đã lập nhiều công lao, được triều đình trọng dụng, phong tướng cấp cao (Đô úy) với tước Tứ Dương Hầu và là Phò mã của vua Mạc.
Theo các tài liệu lịch sử, năm 1546, vua Mạc là Mạc Phúc Hải chết, con trưởng là Mạc Phúc Nguyên được Mạc Kính Điển lập làm vua (Vương hiệu là Mạc Tuyên Tông). Vì Vua còn nhỏ tuổi (6 tuổi), Phạm Tử Nghi chủ trương lập Mạc Chính Trung là con thứ hai của Thái tổ Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung nối ngôi (ông này từng trải trận mạc, lập nhiều chiến công) nhưng các đại thần nhà Mạc không nghe. Phạm Tử Nghi bèn cùng với Mạc Văn Minh là cháu Mạc Đăng Dung đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc Thái Bình) lập triều đình riêng. Vì vậy quân nhà Mạc do Mạc Kính Điển và Nguyễn Kính chỉ huy mấy lần đánh Phạm Tử Nghi đều bị thất bại.
Trước thế mạnh của phe Phạm Tử Nghi, Tuyên Tông lo lắng bỏ Thăng Long về Kim Thành (Hải Dương), Đẩy lui được những cuộc tấn công của Mạc Kính Điển, Phạm Tử Nghi mang quân về đánh Thăng Long nhưng đều bị Kính Điển kiên cường chống trả. Ông bị hao binh tổn tướng, không thể chiếm được thành, phải đem Mạc Chính Trung chạy ra chiếm cứ Yên Quảng (Quảng Ninh). Năm 1547, Mạc Kính Điển phối hợp với Phụng quốc công Lê Bá Ly đánh bại được Tử Nghi.
Theo sách Văn hóa Yên Hưng – Di tích: “về sau Phạm Tử Nghi đưa Mạc Chính Trung ra chiếm cứ vùng Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) và đánh cả sang vùng Quảng Đông, Quảng Tây của nhà Minh”.
Minh sử (quyển 321, tờ 29a) – một sách lịch sử theo thể kỷ truyện do Trương Đình Ngọc biên soạn vào đời Thanh (Trung Quốc) chép rằng rằng: “Mạc Chính Trung đem gia thuộc chạy sang Khâm Châu quy phục nhà Minh, còn Tử Nghi thu tàn binh trốn ra Hải Đông”. Cũng Minh sử chép rằng năm 1547, Phạm Tử Nghi phao tin là Mạc Phúc Nguyên chết, phải đón Chính Trung về nối ngôi nên kéo quân sang Châu Khâm và Châu Liêm. Tổng đốc Quảng Đông sai quân phục đánh, bắt sống được em của Tử Nghi là Tử Lưu, đuổi Phạm Tử Nghi về tận Vân Đồn ở Hải Đông. Nhiều sách sử của ta như Hoàng Việt địa dư chí, Hải Dương toàn hạt tỉnh chí, v.v. cũng chép tương tự như thế.
Trong bản ngọc phả Nam Hải đại vương sao năm Tự Đức 22 (năm 1869), soạn giả đã mô tả những hoạt động của Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi như sau:… “Chiếm cứ Lưỡng Quảng rồi tiến hẳn đến Nam Kinh. Anh hào các nước đều phải bó tay, một trận tòa thắng lại giơ gươm chém cây cột đồng Mã Viện dựng lên thuở trước đến nay vẫn còn vết kiếm”.
Về tính xác thực của chi tiết này còn phải bàn cãi vì thần tích ngọc phả thường thần thánh hóa nhân vật đực tôn thờ, tuy nhiên sử sách của ta và Tầu đều ghi lại những hành động anh hùng phi thường của nhân vật Phạm Tử Nghi – người mà nhà Minh cũng không chế ngự nổi.
Về cái chết của Phạm Tử Nghi, Đại Việt sử ký toàn thư tập 4, trang 138 chép: “…Bấy giờ nhà Minh muốn đem quân sang, họ Mạc sợ lắm, mới sai kẻ tiểu tốt đi bắt được (Tử Nghi) chém đầu, sai đưa sang nước Minh. Đi đến đâu thường sinh ôn dịch, người và súc vật bị hại nên người Minh trả lại”.
Có thể thấy rằng, nhân vật Phạm Tử Nghi tuy chỉ xuất hiện trong một giai đoạn biến loạn của lịch sử thời ời Lê- Mạc nhưng đã để lại những dấu ấn nhất định, những oai danh không thể phủ nhận. Ông là con người của thực tế, không câu lệ trong quan niệm ngôi vua cứ phải thuộc dòng đích trưởng nên mới đề xuất lập con thứ của Mạc Đăng Dung lên ngôi – người mà ông cho rằng có thể chèo chống Vương triều Mạc đối phó với tập đoàn vua Lê – chúa Trịnh và dã tâm xâm lược của nhà Minh. Ông cũng không chủ trương dựa vào nhà Minh để triều Mạc có thể chống lại tập đoàn phong kiến Lê-Trịnh mà chỉ tin vào bản thân mới có thể thay đổi được thời thế. Chính vì vậy Phạm Tử Nghi đã dám đơn thương độc mã chống lại cả triều Mạc lẫn nhà Minh.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi là một danh tướng tài ba, dám xả thân vì dân vì nước, đặc biệt với mảnh đất quê hương Vĩnh Niệm, Ngài cũng để lại những công đức lớn lao khiến đời sau phải tôn thờ.
Ngọc phả Nam Hải đại vương (ở miếu Đôn Nghĩa, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) ghi lại, trong khi Phạm Tử Nghi đang thắng trận thì nhà Minh dùng kế sai người bắt cóc mẹ ông và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Tử Nghi bèn xin giảng hoà để tạm bãi binh nhằm cứu mẹ. Nhưng khi ông đến hội ước giảng hoà thì người Minh liền bắt ông. Sau đó quân Minh chém ông, còn xác thì đốt thành tro, rắc cho gió thổi bay. Ngọc phả cũng chép tình tiết quanh vùng Tử Nghi bị chém, phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên nhà Minh phải hậu táng cho ông.
Theo Minh thực lục (sử nhà Minh), đầu tháng 11 năm 1551, quan Tổng đốc Lưỡng Quảng là Âu Dương Tất Tiến theo lệnh đã tặng thưởng cho người của Mạc Phúc Nguyên vì giúp bắt giữ Phạm Tử Nghi. Sử nhà Minh cũng cho biết Mạc Phúc Nguyên giết và mang đầu Tử Nghi mang sang cho nhà Minh.
Sử sách chép không thống nhất về thời gian chết của Phạm Tử Nghi. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông bị hại vào năm 1551; theo Đại Việt thông sử thì ông mất năm 1549.
Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương thì ông mất ngày 14 tháng 9 âm lịch niên hiệu Diên Thành đời Mạc Mậu Hợp (1578-1585). Dân làng quê hương ông vẫn lấy ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ đức thánh Phạm Tử Nghi.
Dù là tướng nhà Mạc – vương triều đối nghịch với nhà Lê Trung hưng sau này Phạm Tử Nghi vẫn được các triều đại Lê, Nguyễn sắc phong. Điều này chứng tỏ nhà Lê Trung hưng và triều Nguyễn rất coi trọng chí khí cương cường và bản lĩnh cá nhân hiếm tướng nhà Mạc nào có được là “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Do công tích của Phạm Tử Nghi đối với dân, với nước nên ông được các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn sắc phong thượng đẳng thần.
Sắc phong đời Cảnh Trị (Lê Huyền Tông) năm 1670 ghi:
““Có công giữ nước giúp dân, có ơn đức rất mực, đã cất quân dấy nghiệp, chức Nam Dương Đông nguyên soái, tóm thâu, làm Tiết chế cả mọi dinh thuỷ bộ của hai nước ở khắp nơi, phò mã đô uý, tước Thành quốc công, phong là Nam Hải linh ứng đại vương”.
(PV. Thi biên soạn theo: Bách khoa Toàn thư mở tiếng việt Wikipedia;“Đại Việt thông sử”; “Đại Việt Sử ký Toàn thư”; “Nhà Mạc và vấn đề ngụy triều trong sử sách (Nhiều tác giả)-Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, năm 1995; Ngọc phả tại miếu Đôn Nghĩa, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân).