
Trường phổ thông trung học Ngô Quyền ở thành phố Hải Phòng có thể coi là ngôi trường lâu đời nhất ở thành phố Hoa Phượng Đỏ. Năm 2020 trường Phổ thông trung học Ngô Quyền long trọng kỷ niệm 100 ngày thành lập. Trong lịch sử phát triển, trường đã 3 lần đổi tên. Thời kỳ Pháp thuộc, tên trường là Bonnal. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, trường đổi tên thành Bình Chuẩn. Năm 1948, trường mang tên vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền và giữ mãi cho đến nay.
Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền có bề dày lịch sử và truyền thống dạy tốt học tốt. Nhiều học sinh trường Ngô Quyền đã trở thành những chính khánh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Nguyễn Đinh Thi, nhà thơ Thế Lữ…
Gần đây nhất, trong danh sách 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm sáng ngày 8/4/2021 có 2 Bộ trưởng là cựu học sinh Trường THPT Ngô Quyền.
Đó là ông Bùi Thanh Sơn – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là cựu học sinh Trường THPT Ngô Quyền khóa 1976-1979. Còn ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, là cựu học sinh trường khóa 1981-1984.
Được thành lập ngày 15/10/1920, trường Bonnal là ngôi trường trung học đầu tiên của Hải Phòng và cũng là một trong số ít ngôi trường cấp 3 đầu tiên của Việt Nam do người Pháp xây dựng trong những năm đô hộ. Đây là ngôi trường mang phong cách kiến trúc Pháp mà dấu ấn còn lưu giữ đến nay.
Trường được xây dựng theo hình chữ U, tòa chính giữa 2 tầng và 2 dãy tả, hữu một tầng, lợp ngói đỏ, tường sơn gam màu vàng, cửa gỗ sơn xanh. Nhiều năm sau, do nhu cầu dạy và học tăng, 2 dãy một tầng được nâng cấp xây 2 tầng.
Dãy nhà chính giữa được người Pháp thiết kế cầu kỳ hơn 2 dãy còn lại từ đường nét cho tới việc trang trí hoa văn trên tường. Điểm đặc trưng nhất của các công trình kiến trúc Pháp là cửa mái vòm theo kiểu gothic.
Người Pháp không bao giờ chọn hoa văn trang trí giống nhau thể hiện trên các công trình xây dựng có công năng khác nhau. Với trường Ngô Quyền, hoa văn thể hiện là hình sóng nước mềm mại đắp nổi ôm theo mái vòm của từng ô cửa sổ và dọc 2 trụ cột là hình những chiếc chuông. Tất cả được sơn gam màu trắng.
Trong khi đó 2 dãy phòng học đối xứng nhau được thiết kế mảnh mai hơn, thanh thoát hơn.
Để thầy và trò tiện theo dõi thời gian, người Pháp thiết kế một chiếc đồng hồ cơ có đường kính gần một mét chìm trong tường tại vị trí trang trọng nhất của tòa nhà chính. Hiện tại đồng hồ vẫn chạy tốt.
Các dãy phòng học được ngăn cách bởi một hành lang rộng 2,5 m và một bức tường phía ngoài dày tới 34 cm, đảm bảo phòng học luôn thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.
Mỗi phòng học đều được bố trí 2 cửa lớn ra vào và 2 cửa sổ đại, cho phép lấy ánh sáng tự nhiên một cách dễ dàng
PV. Thi sưu tầm, tổng hợp.