Trương Nữu đại tướng quân.

     Thần tượng Thái vương Trương Nữu đại tướng quân tại miếu Đoài xã Du Lễ-Kiến Thụy.    

          Trương Nữu (737-791) người trang Du Lễ (nay thuộc xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) là tướng có công trong cuộc khởi nghĩa của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống lại ách đương Trương Nữuô hộ hà khắc của nhà Đường dưới thời Bắc thuộc.
          Trương Nữu sinh ra và lớn lên trên một vùng đất có truyền thống sản sinh nhiều võ tướng tài giỏi trong lịch sử Việt Nam dưới thời phong kiến. Sau Trương Nữu còn có những vị tướng như Vũ Hải, Mạc Đăng Dung, Vũ Hộ tên tuổi cũng được ghi nhận trong sử sách các triều đại.
          Cha Trương Nữu là Trương Liễu vốn là một tướng tài giỏi của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (chống nhà Đường đô hộ năm 722). Khi cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan bị đàn áp dã man, Trương Liễu lui về thôn Du Lễ. Tại đây, do mến cảnh, yêu người, Trương Liễu đã định cư và lấy vợ người địa phương.
          Thần phả ghi rằng, khi Trương Nữu lớn lên “có sức khỏe hơn người, nhổ được cả cây to, cử được tảng đá lớn”.
          Được cha truyền dạy cả văn lẫn võ lên Trương Nữu trở thành một người toàn tài. Lớn lên thấy cảnh đất nước lầm than dưới ách đô hộ của nhà Đường, ông nuôi chí đánh đuổi quân cai trị phương Bắc khỏi bờ cõi. Đúng lúc đó Phùng Hưng ở làng Đường Lâm dấy cờ khởi nghĩa kêu gọi mọi người đánh giặc cứu nước (năm 766-791). Biết tiếng Trương Nữu, Phùng Hưng đã tìm về trang Du Lễ kết nghĩa huynh đệ, đồng lòng đánh giặc. Năm 791, nghĩa quân Phùng Hưng tiến đánh và vây hãm phủ thành Tống Bình (Hà Nội nay), Trương Nữu đã tham gia chiến đấu dũng cảm, làm bị thương viên quan đô hộ là Cao Chính Bình. Do không thấy quân viện trợ sang, Cao Chính Bình lo sợ, sinh bệnh mà chết.
          Khi khởi nghĩa giành thắng lợi Trương Nữu được phong làm Đại tướng quân và sau nhiều lần đánh thắng quân Đường ông được phong làm Đại tư mã Uy trung. Nghĩa quân Phùng Hưng sắp xếp mọi việc với ý định xây dựng một nước độc lập, nhưng không may Phùng Hưng bị bệnh chết, con là Phùng An nối nghiệp cha.
          Trương Nữu được ủy thác sứ mệnh phò tá Phùng An. Ông phụ chính Phùng An hết sức tận tâm. Vì thế Phùng An tôn Trương Nữu là Thái vương. Nhưng do mâu thuẫn nội bộ giữa phe Phùng An và phe Phùng Hải là chú ruột, làm cho lực lượng nghĩa quân suy yếu.
          Khi quân Đường đưa viện binh sang xâm lược, trước thế giặc quá mạnh, quân của Phùng An bị thất trận phải đầu hàng, còn Trương Nữu và một số tướng khác như Đỗ Anh Luân, Đỗ Anh Hàn đã hợp nhau lại tổ chức lực lượng chống lại quân Đường suốt mấy tháng trời.
          Khi quân Đường đem lực lượng đến đánh, Trương Nữu phải lui về núi Vũ Ninh rồi ít lâu sau ông bị bệnh và mất tại đó khi hoài bão phục quốc còn dang dở.
          Các đời vua sau này có chỉ dụ phong ông là Thái Vương Trương Nữu đại tướng quân để ghi nhận lòng yêu nước và trung nghĩa của ông. Trương Nữu và Vũ Hải được nhân dân trang Du Lễ (xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay) xem là hai người con anh hùng của quê hương. Bởi vậy để ghi nhớ công lao của hai ông, người dân Du Lễ đã lập hai ngôi miếu để thờ hai vị tướng và gọi tên là miếu Đông và miếu Đoài, trong đó miếu Đoài là nơi thờ phụng Trương Nữu. Trong miếu hiện còn bức hoành phi cổ ghi 4 chữ lớn “Phùng gia huân tướng”, có nghĩa là vị tướng có nhiêu công lao của triều Phùng. Ngày nay, Miếu Đoài còn lưu giữ hơn 40 hiện vật có giá trị lịch sử như hoành phi, câu đối, kiệu long đình…
          Cả hai Di tích đều được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.
          Trương Nữu cũng được hậu thế tôn vinh tại di tích nhà thờ họ Trương Việt Nam thuộc thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Đền Trương là nơi thờ những người họ Trương đã khuất tại ban thờ công đồng. Trong đó, Thái Vương Trương Nữu đại tướng quân được tôn làm Thượng thủy tổ họ Trương Việt Nam.

         Lê Thế Loan, theo thần phả miếu Đoài xã Du Lễ-Kiến Thụy (tài liệu điền dã).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học