
Trung tướng Đặng Kinh sinh năm 1921 tại xã Bắc Sơn; nay là phường Bắc Sơn, quận Kiến An. Năm 1933 ông ra làm phu mỏ ở vùng than Quảng Ninh; từ đây ông tham gia các hoạt động phong trào, trở thành người liên lạc của lãnh tụ cách mạng Tô Hiệu- lúc đó là Bí thư khu xứ ủy B bao gồm Kiến An, Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh năm 1937. Năm 1941, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, đến tháng 7-1944 ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cử đi học lớp huấn luyện quân sự tại Thái Nguyên, cuối năm đó ông trở thành một trong 7 thành viên đầu tiên của Mặt trận liên tỉnh Hải- Kiến. Kể từ đó, phong trào cách mạng nhanh chóng lan rộng khắp vùng, đặc biệt là sự kiện thành lập Chính quyền nhân dân đầu tiên của vùng duyên hải Bắc Bộ tại Kim Sơn, Tân Trào, Kiến Thụy vào tháng 7-1945. Trước khí thế cách mạng dâng cao, quân Nhật điều lực lượng tinh nhuệ tấn công khủng bố vào Kim Sơn, Đặng Kinh đã cùng đồng đội và nhân dân địa phương dung cảm chống trả. Đây cũng là trận đánh đầu tiên ông tham gia và chỉ huy, Đặng Kinh và đồng đội của mình dùng mã tấu, võ thuật, lợi dụng thế làng đánh giáp lá cà với địch, buộc quân Nhật phải rút lui ngay sau đó. Từ trận đánh này, “tiếng trống Kim Sơn” đã trở thành biểu tượng tinh thần kháng chiến không riêng của Hải Phòng, Kiến An, đồng thời được rút kinh nghiệm áp dụng thành công vào cuộc trường kỳ kháng chiến sau này. Sau trận đánh, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy, lực lượng kháng chiến Kim Sơn thành lập một đại đội, do đồng chí Đặng Kinh giữ cương vị chỉ huy, được coi là nòng cốt vũ trang địa phương thời điểm đó. Đêm 14-8-1945, đại đội đột kích Phủ Kiến Thụy giành chính quyền, thu được 12 súng, tiếp đó ngay sáng hôm sau lại đột kích giành chính quyền Phủ Tiên Lãng.
Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công ở Hà Nội, Ủy ban khởi nghĩa Hải- Kiến được thành lập, đơn vị của ông đã cùng nhân dân lần lượt giành chính quyền ở Kiến An, Hải Phòng, kết thúc cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào 23-8-1945. Năm 1946, Đặng Kinh được điều về làm Chỉ huy trưởng huyện đội Kiến Thụy, kiêm Chỉ huy trưởng du kích tỉnh Kiến An. Ngày 28-11-1946, tiền quân của Pháp đụng độ với đơn vị Đặng Kinh tại Cam Lộ, Hùng Vương, Hồng Bàng, quân Pháp bị đánh tơi tả thương vong đến nửa quân số. Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đặng Kinh cùng các đồng chí của mình đã tích cực vận động tham chiến, nổi bật là trận đánh với một tiểu đoàn địch, diệt 126 tên.
Trong giai đoạn kháng chiến trường kỳ, Đặng Kinh lần lượt giữ các chức vụ Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng tỉnh Kiến An, Thành đội trưởng Hải Phòng. Đặc biệt là trận tập kích sân bay Cát Bi, viết lên bản hùng ca “Cát Bi rực lửa” góp phần đắc lực vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của dân tộc. Đây là sân bay lớn nhất của địch ở Đông Dương, được nâng cấp để trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên. Với cương vị là Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Kiến An, Đặng Kinh đã chỉ đạo thành lập đơn vị đặc biệt, lấy vùng Hòa Nghĩa lập căn cứ. Ngày 7-3-1954, 32 chiến sỹ của Tỉnh đội Kiến An đã đột kích Cát Bi, vượt qua 2 tuyến phòng thủ của 5 tiểu đoàn địch, dùng bộc phá, phá huỷ 59 máy bay, 1 kho bom. Sau trận đánh này, Đặng Kinh cùng những chiến sỹ tham gia đã vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “Đoàn dũng sỹ Cát Bi”.
Từ tháng 1-1955, Đặng Kinh lần lượt giữ các chức vụ Tham mưu phó rồi Phó Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 328. Từ năm 1960 ông là Cục phó cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, rồi Cục trưởng cục liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng. Tháng 4-1966, trước yêu cầu chiến trường, ông được cử làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị – Thiên – Huế. Tháng 4-1968, ông là Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn. Tháng 3-1977, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng. Từ năm 1978, ông là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Với những thành tích trong quá trình công tác, ông được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng (1974), Trung tướng (1982), được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Sau khi rời quân ngũ nghỉ hưu theo chế độ, Trung tướng Đặng Kinh về Hải Phòng sinh sống, nhưng tinh thần cống hiến của ông không ngừng nghỉ. Ông tiếp tục tham gia Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hải Phòng tới 12 năm. Ngày 1-11-2019, Trung tướng Đặng Kinh từ trần. Trái tim ông ngừng đập, nhưng chiến công và tinh thần của ông còn sáng mãi, hòa chung vào khí phách chói ngời của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trung tướng Đặng Kinh đi xa, nhưng niềm tự hào ông còn để lại mãi cho Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố Cảng.
Nguyễn Hùng