Tổng quan về lễ hội dân gian truyền thống Hải Phòng.

Rước kiệu thờ Ngô Vương Quyền trong lễ hội Từ Lương Xâm.

          Lễ hội là một nét văn hoá đặc biệt trong đời sống của người dân Việt trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Đó là lý do vì sao các lễ hội thường diễn ra ở các vùng quê nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có những công trình kiến trúc mang bản sắc dân tộc như: Đình, chùa, đền, miếu.
          a) Khái niệm, thời gian của lễ hội: Lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa thu – giai đoạn nông nhàn của người dân (những lễ hội tri ân nhân vật lịch sử thì tổ chức vào ngày mất của nhân vật). Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, tâm linh và đời thường… là một hoạt động cộng đồng có sức hút lớn đối với mọi người, mọi tầng lớp xã hội.
          b) Mục đích của lễ hội và các loại hình lễ hội:
          Để tri ân công đức của các bậc thánh, thần, những người có công với làng, với nước, và sau một năm lao động vất vả, người nông dân muốn thư giãn, giải trí, cầu cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh, con người may mắn nên nơi nơi đều tổ chức lễ hội. Lễ hội Hải Phòng không nằm ngoài những mục đích như: Tôn thờ người có công với nước (thành hoàng làng, anh hùng dân tộc, các binh tướng chống giặc ngoại xâm); Có công với làng (mở mang đất đai, khởi tạo làng xóm, dạy nghề cho dân, chữa bệnh, dạy học); Cầu thần linh che chở, phù hộ; Cầu chăn nuôi, trồng trọt may mắn đạt hiệu quả kinh tế…
          1) Lễ hội tri ân người có công với dân tộc ở Hải Phòng chủ yếu là các lễ hội tôn thờ những nhân vật có công đánh giặc ngoại xâm, trong đó tiêu biểu như:
          Ngô Vương Quyền và nhiều bộ tướng của mình có công đánh trận Bạch Đằng lần thứ nhứ nhất được nhân dân tôn thờ gắn với các lễ hội như: Lễ hội “Từ Lương Xâm” (nay thuộc quận Hải An) hàng năm tổ chức từ 16 đến 18 tháng Giêng Âm lịch nhằm tôn thờ Đức Vương Ngô Quyền cùng các tướng lĩnh được phối thờ như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, hay tại chùa Hoàng Pha (xã Hoàng Động-Thủy Nguyên) phối thờ Thành hoàng làng được dân sở tại tôn thờ là Ba anh em họ Lý tên là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo có công giúp Ngô Vương Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
          Hội làng Trinh Hưởng (xã Thiên Hương – Thủy Nguyên) tôn thờ 3 anh em họ Đào (Đào Tế, Đào Lai và Đào Độ) là những người đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do vua Lê Hoàn lãnh đạo trên sông Bạch Đằng năm 981 (bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 đến hết ngày 13 tháng 1 âm lịch). Trong đó, ngày 12 tháng Giêng là ngày lễ chính của làng, đó là ngày các vị thắng trận trở về quê hương, khao thưởng dân làng.
          Trên địa bàn thành phố Hải Phòng còn một số lễ hội tại các nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh có công đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, tiêu biểu là lễ hội đền Phú Xá.
          Đền Phú Xá (nay thuộc phường Đông Hải 1 – quận Hải An) là nơi tích trữ lương thảo chuẩn bị cho chiến dịch Bạch Đằng năm 1288, đồng thời diễn ra cuộc khao thưởng quân sĩ có công trước khi kéo quân về căn cứ Vạn Kiếp. Đền còn là nơi thờ bà Bùi Thị Từ Nhiên người con dâu họ Phạm làng Phú Lương nay là Phú Xá được phong là nữ tướng hậu cần. Bà có công lao to lớn vận động nhân dân đóng góp lương thảo và chế biến hậu cần phục vụ cho quân sĩ trong trận Bạch Đằng do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy.
Hằng năm chính quyền và nhân dân nơi đây tổ chức lễ hội vào các ngày 18, 19, 20 tháng 8 (ÂL) để tri ân công lao của đức Thánh Trần và nữ tướng Bùi Thị Từ Nhiên.
          Trên địa bàn Thủy Nguyên, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Liên Khê hàng năm vào ngày 20 tháng 8 (ÂL) cũng tổ chức Lễ dâng hương, lễ hội tôn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại đền thờ Ngài ở thôn Thụ Khê, xã Liên Khê. Tương truyền Hưng Đạo Đại Vương đã đặt Đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng tại đây tiêu diệt quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288.
          Ngoài ra, tại nhiều đình, đền trên địa bàn thành phố thờ các danh tướng, người có công trong trận Bạch Đằng năm 1288 đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao các anh hùng, nghĩa sĩ như: Đồng giang hầu Vũ Nạp ở Minh Tân (Thủy Nguyên); miếu thờ Trần Hộ, Trần Độ, Mai Đình Nghiễm ở Phả Lễ (Thủy Nguyên); Lễ hội đình Từ Lâm xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo thờ vị thành hoàng Hoa Duy Thành, danh tướng có công trong kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần….
          2) Lễ hội với trò chơi dân gian tưởng nhớ danh tướng có công với đất nước, tiêu biểu như lễ hội vật cầu, chạy đá ở làng Kỳ Sơn, xã Tân Trào (Kiến Thụy). Lễ hội vật cầu thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình làng. Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ. Sau khi chiến thắng quân Nguyên trở về, tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng quân sĩ đã dùng củ chuối hột làm quả cầu và chơi trò vật cầu để rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo cho quân sĩ. Và từ đó, dân làng lấy trò chơi này để đưa vào trò chơi đầu năm để đón xuân mới, lâu ngày trở thành lễ hội vật cầu truyền thống của Kim Sơn.

Trò chơi vật cầu trong lễ hội ở Kim Sơn – Kiến Thụy

          Còn lễ hội chạy đá cũng của làng này trước đây thường được mở vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nay chuyển sang mồng 9 tháng Giêng (tránh trùng với lễ hội vật cầu) xuất phát từ tích sử sau:
Kỳ Sơn vốn là dải đất ven biển miền duyên hải Bắc Bộ có từ thời Tiền Lý (544-602). Đình Kỳ Sơn thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, tên thật là Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn. Lúc thiếu thời, tướng Đào Hạo thông minh, tinh nghịch. Khi đi học, ngài thường bày trò giấu đá xuống ao, hồ rồi cùng đồng môn xuống mò tìm, ai nhanh nhẹn đưa được đá lên bờ thì người ấy thắng. Sau này, khi trở thành tướng giỏi của triều Lý, ngài thường dùng cách này để luyện quân, tạo cho quân tướng có sức khỏe, khả năng chịu đựng gian khổ trong mùa đông giá rét, sức dẻo dai mới giành chiến thắng. Khi ngài mất, đình làng Kỳ Sơn vẫn thờ một viên “đá thần” cho tới ngày nay. Lễ hội chạy đá cũng bắt nguồn từ đó. Ngày mở hội, một cụ cao niên khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, mặc trang phục tế chỉnh tề, trịnh trọng vào đình, thành tâm khấn xin được rước đá thiêng ra ngoài. Đi đầu là đội trống và kiệu rước, một người cầm cây nêu đi theo. Đá rước từ đình ra bến Đầm (nay là giếng làng) rồi được cụ cao niên trong làng thả xuống nước. Những thanh niên tham gia chạy đá được cử ra từ hai xóm, mỗi xóm cử 5-7 người làm lễ tại đình và được chủ tế ban cho mỗi người một chén rượu, một miếng trầu ăn cho ấm bụng rồi tham gia chạy đá. Khi dứt 3 tiếng trống lệnh, những thanh niên hướng về giếng mà mò tìm đá. Cuộc mò tìm kết thúc khi ai tìm được đá đưa về đình. Người xưa quan niệm, ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc. Chạy đá còn có ý nghĩa rèn luyện tinh thần, khí chất của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Phiến đá to nặng, nhẵn, trơn, đòi hỏi người tham gia có sức khoẻ, sự mưu trí, nên “chạy đá” mang đậm tinh thần thượng võ.
          Ở huyện An Dương cũng có một lễ hội đề cao tinh thần thượng võ, tưởng nhớ các danh thần đất nước, đó là hội vật làng Vĩnh Khê (xã An Đồng-An Dương) tôn thờ 3 vị thành hoàng làng là Trung thánh Đại Vương (Vũ Giao), Hùng Vũ Đại Vương (Vũ Trọng) có công phò vua Trần Duệ Tông được triều đình sắc phong và cho lập miếu thờ và Đại vương Tứ Dương Hầu- Phạm Tử Nghi (một danh tướng giỏi võ nghệ thời Mạc từng làm tới chức Thái úy) có lần qua Vĩnh Khê đã thi vật và thắng tất cả các đô). Hội vật giờ đây được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, thu hút không chỉ các đô vật quận, huyện trong thành phố mà cả các tỉnh bạn về tranh tài (phân giải chuyên nghiệp và không chuyên).
          3) Ngoài những lễ hội lịch sử như trên, Hải Phòng còn có lễ hội mang ý nghĩa kinh tế
như lễ hội rước lợn ông Bồ ở làng Kỳ Sơn huyện Kiến Thụy được tiến hành vào ngày 10 tháng Giêng. Sáng mồng 10 tháng Giêng, dân làng Kỳ Sơn tổ chức lễ hội rước lợn Ông Bồ và bánh dày nhằm cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát đạt.

Rước lợn “ông Bồ”

          Trình tự lễ rước như sau: Đúng nửa đêm, một cụ cao tuổi, đạo đức mẫu mực của làng vào đình làm lễ trước Thành hoàng làng. Sau đó lợn được giết mổ cẩn thận và đặt trên kiệu có tám người khiêng, trang trí bằng các hoa văn, giấy màu rực rỡ khiến cho“ông Bồ” tôn nghiêm hơn. Đặc biệt, Kỳ Sơn không rước lợn đã được làm chín (quay vàng cả con) và mâm xôi đầy như ta thường thấy trong các mâm lễ vật ở các lễ hội. Sáng mồng 10 tháng Giêng, các dòng họ rước “ông Bồ” về đình làng. Những trai đinh rước “ông Bồ” mặc áo nâu, đầu đội khăn đỏ, thắt đai xanh. Đi trước “ông Bồ” là các chủ tế cùng các cụ bồi tế và đoàn nhạc bát âm. Tiếp sau là mâm bánh dày đặt trên đòn kiệu và các loại hoa quả, sản vật của các gia đình thành tâm kính lễ Thành hoàng làng. Cuối cùng là các cụ ông, cụ bà và nhân dân trong làng tạo thành dòng người tham dự lễ hội. Xong phần lễ tế, “Ông Bồ” ngự trên gánh kiệu, nữ tế đội bánh theo sau, hàng ngàn người của các giáp kính cẩn rước tới sân đình. Rước xong, bánh dày, lộc quả được chia cho dân làng thụ hưởng. Còn “Ông Bồ” được xẻ chia phần cho mọi thành viên trong giáp họ, thể hiện sự công bằng (cũng như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, sau khi thi đấu cả con thắng và thua đều bị giết thịt chia, bán cho dân sau khi mao, huyết trâu thắng đã được cúng tế thần, đổ xuống biển). Người ta quan niệm như vậy ai cũng nhận được lộc Thánh. Đây là quy ước của tục hiến sinh trong lễ hội (tại lễ hội Minh thề ở làng Hòa Liễu thì tiết gà trống lại được pha vào rượu để mọi người cùng uống.
          Còn có một lễ hội cũng đề cao ý nghĩa nông nghiệp là lễ rước lợn hỗng trong lễ hội ở xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo tôn thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Công Huệ. Cũng tương tự như ở Kỳ Sơn, tại Đồng Minh, việc nuôi lợn hỗng được phân cho 2 thôn Linh Đông và Bảo Hà. Hàng năm hai nơi này cử người luân phiên nuôi “lợn hỗng” cho to béo, đẹp. Người nuôi lợn phải là những ông cụ có điều kiện kinh tế khá, người cao tuổi và có danh vọng, uy tín. Trước ngày tổ chức lễ hội 3 ngày, những nơi nuôi lợn hỗng thường cho lợn hỗng ăn trứng gà, mía cây, tắm bằng nước ngũ vị. Đến hôm rước, lợn được đưa vào cũi, có lọng che. Người rước lợn là những chàng trai khỏe mạnh, chưa lập gia đình và không có tang trở, mặc quần dài, áo nâu khiêng cũi lợn….
          4) Lễ hội tưởng nhớ người có công với làng xóm, cộng đồng: Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, người dân Hải Phòng không quên công lao những người đã có công dựng ấp, mở làng, truyền nghề cho dân. Hàng năm vào ngày mất hoặc ngày diễn ra sự kiện liên quan đến nhân vật tôn thờ, dân làng lại thành kính mở lễ hội tri ân những phúc thần của làng. Điển hình là:
          Lễ hội minh thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy nhằm tri ân Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Toàn, chính thất của vua Mạc Đăng Dung. Bà là người đã lập ra ấp Lan Niểu, nay là làng Hòa Liễu và lập ra hội thề chí công vô tư (nay gọi là minh thệ). Vào năm 1562, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích trong Hoàng tộc cùng đóng góp tiền của, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi.
          Riêng tại Hòa Liễu, bà xuất tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo, bỏ ra nhiều tiền, vàng để làm tượng, đúc chuông chùa.
          Ghi nhớ công ơn của bà, hàng năm cứ vào rằm tháng Giêng (chính hội là ngày 14), dân làng Hòa Liễu lại tổ chức tế lễ và lập đài thề tại cụm di tích đền chùa của làng, nhắc lại những lời thề mà bà đã bày cho dân “dĩ công vi công, thần linh phù trợ, dĩ công vi tư, đả tử”
          Còn có một lễ hội tưởng nhớ người đã truyền nghề cho dân ở làng Lạng Côn (Kiến Thụy), đó là lễ hội tưởng nhớ công đức của người đã làm ra món bánh đa khô và bánh đa nhúng và nay đã trở thành nghề truyền thống của làng, xuất xứ như sau:
          Vào thế kỷ 10, ông Chu Xích Công là người Hoa đến làng Lạng Côn mở trường, dạy học. Sau này, ông được tiến cử vào triều tiền Lê và được Lê Hoàn tin dùng làm tướng. Khi giặc Xiêm đến xâm chiếm, ông được theo nhà vua đi đánh trận. Ông chế tạo một loại lương khô đặc biệt là bánh đa với nguyên liệu chủ yếu từ gạo. Bánh đa nhúng vào nước sôi, thêm chút muối cho vừa miệng, trở thành món ăn cho quân lính chinh chiến nơi xa. Còn một loại khác là bánh đa tráng mỏng, phơi khô, nướng trên than hoa, ăn giòn tan, vị ngọt bùi vừa dễ ăn lại có thể để được rất lâu. Sau khi lập công, thắng trận trở về làng Lạng Côn, ông đem theo bí quyết làm bánh đa dạy cho dân làng. Khi ông mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, lập miếu thờ. Đến thế kỷ 13, phò mã nhà Trần là Trần Quốc Thi về Lạng Côn giúp dân mở mang nông nghiệp, dựng trường học chữ. Ông kế thừa và phát triển bánh đa trở thành loại lương thực dễ làm, dễ chế biến và bảo quản mà vẫn ngon miệng. Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Quốc Thi đóng góp quân lương cho quân đội nhà Trần, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy. Sau khi ông mất, dân làng đưa ông vào miếu thờ như một vị Thành hoàng.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, món bánh đa ngày càng được sử dụng rộng rãi. Nước sôi được thay bằng nước nấu cua, thêm những loại rau, gia vị đặc trưng, góp phần tạo nên danh tiếng cho món canh bánh đa cua nổi tiếng của thành phố Cảng. Món bánh đa nướng giòn, ngọt, bùi cũng là món ăn được nhiều người yêu thích. Làng Lạng Côn giờ chủ yếu làm bánh đa nướng.
          Thôn Nhân Mục (xã Nhân Hoà-Vĩnh Bảo) có ngôi đình thờ Quý Minh Đại Vương-một danh tướng của Vua Hùng Duệ Vương, người có công khai khẩn đất hoang, dạy dân cấy lúa, chăn tằm, dệt lụa. Để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng, hàng năm người ta tổ chức lễ hội trong 3 ngày, từ Mùng 9 đến hết 11 tháng 3 âm lịch (trước đây thường kéo dài 6-12 ngày)
          Còn lễ hội làng Bảo Hà xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo tổ chức hàng năm vào ngày 10-15 tháng 3 âm lịch tại miếu tôn thờ thành hoàng làng là Nguyễn Công Huệ – người có công dạy dân điêu khắc, làm con rối, sơn tượng, chữa bệnh.


         Trò chơi đánh đu trong lễ hội.

          5) Lễ hội tôn thờ thánh Mẫu: Điển hình cho dạng lễ nghi này là lễ hội phủ Thượng Đoạn (nơi thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh và thờ Phật) thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An. Lễ hội tổ chức từ ngày Mùng một đến ngày 14 tháng 3 (ÂL) hàng năm.
          Những năm gần đây, quận Lê Chân cũng thường niên tổ chức lễ hội Nữ tướng Lê Chân – Thành hoàng của thành phố Hải Phòng (từ ngày 7-9 tháng 2 ÂL). Trong tâm thức dân gian bà cũng là một bậc Thánh mẫu của địa phương.
          6) Những năm gần đây, ở Hải Phòng còn có những lễ hội tôn thờ những danh nhân văn hóa nổi tiếng của địa phương, làm rạng danh cho quê hương, đất nước như lễ hội đền Trạng Trình tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vào các ngày 6, 7, 8 tháng 1 (dương lịch) hàng năm, lễ hội đền thờ trạng nguyên Lê Ích Mộc tại thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên vào ngày 15 tháng 2 âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn dạy học, giúp dân địa phương phát triển kinh tế của quan Trạng khi về hưu trí tại quê hương. Thông qua những lễ hội này người ta còn giáo dục truyền thống hiếu học, tôn vinh người tài khoa cử.
          7) Lễ hội truyền thống tôn vinh văn hóa-văn nghệ dân gian địa phương:
Nếu như tỉnh Bắc Ninh có hội hát quan họ thì ở Hải Phòng tiêu biểu cho loại hình lễ hội văn nghệ dân gian có hội thi hát đúm (một loại hát giao duyên) ở huyện Thủy Nguyên trong ngày xuân.
Đã từ lâu, cứ vào ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch hàng năm, Tổng Phục (gồm 3 xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ) lại mở hội làng. Hội làng đầu xuân có rất nhiều cuộc thi: Thi làm cỗ bánh, thi dệt cửi, thi đánh đu, đánh vật, đánh cờ…nhưng cuốn hút nhất vẫn là thi hát Đúm. Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay.

Hội thi hát đúm ở Thủy Nguyên

          Theo tập tục, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn gọi là Hội mở mặt. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn.
          Ngày xưa hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.
          Bài bản của hát đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới… và cuối cùng là hát ra về.
          Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ. Cho nên các cô gái ở đây cô nào cũng thuộc một số bài hát ví để đi hội gặp các chàng trai mời hát mà đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp.
          Ngày nay. trong ngày hội “Hát đúm”, tại sân chùa Phục Lễ, nhiều bàn hát đúm mọc
lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát bí hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho. Khi hát có nhạc bát âm. Hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây là một hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương “tìm hiểu” bằng nghệ thuật, phải thuộc làu tục ngữ, truyện tích.
          Hát đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo khác như ca trù, trầu văn hầu thánh đã phải trải qua những bước thăng trầm của lịch sử nhưng giờ đây
vẫn tỏ rõ sức sống của nó, đồng thời đã và đang được phục hồi.
          7) Lễ hội của những người đi biển cầu cho sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều cá, tôm:
Tiêu biểu cho dạng lễ hội này là hội chọi trâu Đồ Sơn – một trong 15 lễ hội dân gian tiêu biểu cấp Quốc gia. Chọi trâu là một tục hiến tế thần Điểm tước Đại vương (vị thủy thần có hình tướng loài chim) – một thiên thần bảo trợ cho dân Đồ Sơn chống chọi với sóng to, gió lớn, tiêu diệt thủy quái và giúp đánh bắt được nhiều tôm, cá theo truyền thuyết của dân địa phương.

Chọi trâu Đồ Sơn

          Đua thuyền rồng cũng là một lễ hội truyền thống của ngư dân đi biển các vùng Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn… và được tổ chức vào khoảng tháng 4,5 dương lịch hằng năm khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam. Lễ hội đua thuyền rồng là hoạt động tâm linh đặc trưng, độc đáo của những người đi biển với mục đích cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên biển lặng trong để ngư dân ra khơi đánh cá đầy khoang, làm ăn phát đạt. Những lễ hội này tạo nên nét văn hóa biển độc đáo ở Hải Phòng.
Thuyền rồng để vua dùng gọi là “thuyền ngự”. Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo quan niệm dân gian, chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để chứng cho những mong ước, khẩn cầu của người tổ chức hội, dự hội, xem hội.
          Tại Đồ Sơn, hội đua thuyền rồng được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 4 tháng Giêng. Thuyền rồng đua biển có hình thoi dài 11m, rộng 1,5m với đầu rồng chạm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng rực rỡ, được đóng rất kỳ công, trên khoang chở từ 22 đến 26 thành viên cuộc đua. Đường đua dài 1km có cắm cờ báo hiệu ở hai đầu, thuyền đua sẽ phải đi 3 hoặc 4 vòng, thuyền nào về đích trước sẽ đoạt giải.
          Còn hội đua thuyền rồng trên biển trong lễ hội làng cá Cát Bà được tổ chức thường niên vào ngày 01 tháng 4 (dương lịch) tại nơi mà ngày 31/3/1959 Hồ Chủ Tịch đã đến thăm nhân dân làng cá. Ngày này giờ đây đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thủy sản Việt Nam và mở đầu cho mùa du lịch hè huyện Cát Hải.
Một nửa nội dung của lễ hội Cát Bà ngày 1 tháng 4 là các hoạt động thi đấu diễn ra trên biển, trọng tâm là cuộc đua thuyền rồng, giữa đội chủ nhà Cát Bà với các đoàn khách đến từ vùng Duyên hải Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ, cùng những tay chèo từ Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên…
          Ngoài ra, Ban Tổ chức còn có thêm các trò thi phối hợp, biểu diễn lướt ván đua thuyền thúng của cư dân miền Duyên hải, miền Trung tham dự lễ hội. Điều đặc biệt, tại ngày hội làng cá Cát Bà, hai loại hình thi đấu kéo co và múa rồng trên biển lẽ ra chỉ diễn ra trên đất liền, thì bây giờ tại ngày hội làng Cá ở huyện đảo Cát Hải đều được đưa xuống biển thi đấu và không chỉ có đội nam mà còn cả đội nữ đua thuyền (nam thi trên đường đua 6000 m, nữ 4000 m) với thời gian 30 phút.
          c) Quy trình của lễ hội:
          Thông thường, địa phương nào mở hội cũng đều tiến hành theo ba bước sau:
          – Chuẩn bị: Chuẩn bị lễ hội được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội sau và khi ngày hội đã đến gần. Chuẩn bị cho mùa lễ hội sau được tiến hành ngay sau khi mùa hội trước kết thúc, mọi khâu chuẩn bị đã có sự phân công, cắt cử mọi việc để đón mùa lễ hội năm sau. Khi ngày hội sắp diễn ra, công việc kiểm tra lại đồ tế lễ, trang phục, quét dọn, mở cửa di tích, rước nước làm lễ tắm tượng (mộc dục) cùng các đồ tế tự, thay trang phục mũ cho thần…
          – Vào hội: nhiều hoạt động diễn ra trong các ngày lễ hội, đó là các nghi thức tế lễ, lễ rước, dâng hương, tổ chức các trò vui. Đây là toàn bộ những hoạt động chính có ý nghĩa nhất của một lễ hội. Lễ hội thu hút nhiều đối tượng hay ít khách đến với lễ hội, diễn ra trong nhiều ngày hay một ngày hoàn toàn chi phối bởi các hoạt động trong những ngày này.
          – Kết thúc hội (xuất tịch, giã đám, giã hội): Ban tổ chức làm lễ tạ, đóng cửa di tích.
          d) Các nghi lễ trong lễ hội:
          Lễ hội là một sự kiện thực hiện rất nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội. Thông thường một lễ hội có các nghi lễ: lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ tế khai hội và tế giã đám.
          – Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần hay thần vị): lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Trước khi làm lễ mộc dục, có nơi người ta tổ chức lễ rước nước. Trước khi thực hiện việc tắm tượng (lau chùi tượng thờ) phải làm lễ cáo thần. Sau lễ mộc dục là tế gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng thần). Nếu thần không có tượng mà chỉ có bài vị (thần vị) thì áo mũ đặt lên ngai. Sau đó tượng thần (hay thần vị, hoặc có khi chỉ là áo mũ) đặt lên kiệu, chuẩn bị cho đám rước thần sáng ngày khai hội.
          – Lễ rước: trong một lễ hội ở Hải Phòng thường có rước thần, rước thành hoàng, rước văn. Lễ rước thần hay rước thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia…
          e) Địa điểm, đường đi tổ chức tế, lễ:
          Lễ hội thường tôn vinh đối tượng thiêng, đó là “Thánh”, “Thần”, nhưng thánh và thần thường được thờ ở đền, miếu. Đa số lễ hội thường được tổ chức ở nơi rộng rãi, tiện cho việc hành lễ và tổ chức các trò chơi là đình, đền. Do vậy, trước khi khai hội, người ta thường tổ chức cuộc rước thần đi theo lộ trình từ đền hoặc đình (nơi thờ) về nơi hành lễ, xong hội lại rước thần trở lại nơi thờ cũ. Sau lễ rước sẽ là lễ tế thần và khai hội. Đặc biệt có nơi, trong dịp lễ hội ngày nào cũng có rước, lễ rước này không phải rước thần mà là rước sớ (rước văn), tức bài văn cúng thần. Mỗi ngày người ta cúng thần bằng một bài sớ riêng. Trong đám rước văn, bài sớ cũng được đặt lên kiệu rước, gọi là kiệu văn. Trong lễ hội phủ Thượng Đoạn, ngoài việc rước tượng thánh Mẫu, người ta còn rước cả kinh Phật vì theo truyền thuyết, trong một kiếp hóa thân công chúa Liễu Hạnh đã quy y Tam bảo
          Có nơi sau khi tế lễ thần tại đình, đền người ta còn rước kiệu có bài vị hoặc tượng, mũ Thành hoàng quanh làng để Ngài thăm thú cảnh quê hương, xem dân làm ăn (như hội kéo ngựa gỗ ở xã Hoàng Châu – Cát Hải), lễ hội thờ thần Đông An (Chử Đồng Tử) ở làng Côc Liễn, xã Minh Tân (Kiến Thụy)… rồi mới đưa về nơi thờ tự.
          g) Thành phần lễ rước:
          Trong các lễ hội truyền thống thường quy định, người trực tiếp tham gia rước phải là nam giới tuổi từ 18 trở lên, không có phụ nữ, trừ một vài lễ hội thờ nữ thần như lễ hội Phủ Thượng Đoạn, lễ hội nữ tướng Lê Chân.
Người tham gia rước (gọi là giai đô), là những người được dân làng lựa chọn, cắt cử. Họ là những chàng trai khoẻ mạnh, có tài có đức, không có điều tiếng đáng chê trách trong
làng xóm. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình.
Đi trước đám rước thường có kiệu bát cống trên đặt tượng thánh, áo hoặc mũ Thành hoàng, long ngai trên đặt bài vị, sắc phong, lọng che (long đình), bát bửu chấp kích. Đi sau là phường nhạc bát âm tấu nhạc rộn rã cùng đoàn bồi tế là các cụ cao niên, rồi đến các mâm đựng đồ lễ như xôi, lợn quay, gà luộc, hoa quả, rượu, nước và đoàn người dân.
          h) Trò chơi dân gian: Trải qua thời gian, nhiều trò chơi dân gian xưa đã phai nhạt nhưng trong các lễ hội ngày nay vẫn có những trò chơi còn được bảo lưu. Tại lễ hội ở Hải Phòng có các trò chơi phổ biến như: Bịt mắt bắt dê (Thủy Nguyên), cầu thùm (Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy), bắt vịt, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đấu vật, cờ tướng (hội làng Cựu Điện – Vĩnh Bảo), kéo co, đánh đu, đấu cờ người, trọi gà, thi thổi cơm, thả diều, múa tứ linh (Hội Từ Lương Xâm ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, hội làng Thượng Điện xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo) thi pháo đất (Hội được tổ chức vào ngày 3 tháng 8 âm lịch hằng năm tại các xã Tân Hưng, Tam Đa, Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo). Trong đó thi pháo đất là một trò chơi độc đáo xuất phát từ truyền thuyết sau:
          Có truyền thuyết lưu truyền rằng pháo đất được hình thành trong quá trình đắp đê ngăn ngăn lũ ở đồng bằng Bắc Bộ. Truyền thuyết khác kể rằng vào năm 1288, trong khi đi đánh trận Bạch Đằng, con voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy ở khúc sông Hóa chảy qua đây, nhân dân quanh vùng đã dùng đất khô ném xuống chỗ voi đứng để cứu voi. Từ đó, các làng thi nhau tổ chức trò chơi pháo đất hằng năm để nhớ lại những ngày cả nước cùng góp sức đánh giặc Nguyên Mông.
          Một trò chơi phổ biến khác ở các vùng ven sông, biển Hải Phòng là đi cà kheo (một người) dưới nước hoặc trên cạn trên các sào tre dài sao cho vững và được đoạn dài nhất. Trò này thường diễn ra ở Kiến Thụy, Tiên lãng, Thủy Nguyên, Cát Hải, Đồ Sơn
          Trò chơi độc đáo nay ít nơi còn giữ được là chơi tam cúc điếm tại lễ hội đền Phú Xá (phường Đông Hải – quận Hải An) và hội làng Cựu Điện (xã Nhân Hòa – Vĩnh Bảo).
          Đây là một trò chơi khác với chơi tam cúc kiểu thông thường là kết hợp cả nghệ thuật xướng thơ, gieo vần. Ngoài những người dự chơi có bộ bài 32 quân còn có chiếc trống con (trống khẩu) và 36 que thẻ. Cuộc chơi chính thức chỉ gồm có 4 người: người xướng và 3 người tham gia. Người xướng – còn gọi là nhà cái, là người có giọng hay để xướng, đồng thời có vốn hiểu biết rộng rãi về các thể văn thơ cổ để kịp thời ứng tác gieo vần (thuộc nhiều tích truyện thơ cổ như: Kim Vân Kiếu, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm khúc…) Để kịp ứng tác cho trôi chảy. Cuộc chơi diễn ra tại Điếm (quán chăng đèn, kết hoa trong một khu vực sân đền) với sự chứng kiến của nhiều người tạo nên không khí sôi động, đậm chất văn học.
Ngoài những trò chơi dân gian, giờ đây tại các lễ hội người ta còn tổ chức các trò chơi hiện đại như: Thi cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, cờ vua cho các đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia.
          Một số lễ hội ở Hải Phòng không chỉ do một làng tổ chức mà còn do một vài làng, thậm chí cả tổng (đơn vị hành chính trên cấp xã, dưới cấp huyện) tổ chức như lễ hội Từ Lương Xâm, lễ hội phủ Thượng Đoạn…Nhiều lễ hội giờ đây không chỉ thu hút các thành viên làng, xã mà cả đông đảo du khách trong và ngoài thành phố (kể cả khách quốc tế) như hội chọi trâu Đồ Sơn, hội đua thuyền rồng Cát Bà. Điều đó chứng tỏ nét độc đáo, hấp dẫn của văn hóa dân gian vùng biển Hải Phòng. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển và quảng bá các lễ hội dân gian truyền thống của Hải Phòng là một việc làm cần thiết.

                           Phạm Văn Thi, Lê Thế Loan – Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học