Tôi chong đèn đọc thơ văn Đức Tổ Trí Hải đêm nay- Thích Thanh Tùng

Bức ảnh Đức Tổ Trí Hải chụp bán thân màu đen trắng còn đậm nét, có lẽ được mang từ ngoài Bắc vào, treo trong phòng khách thầy tôi là hình tượng quen thuộc mỗi ngày với tôi, khi tôi còn làm Sa di đang tu học ở chùa Giác Hoa vùng Gia Định nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

alt

Thời đó, mỗi khi rảnh việc, thầy tôi thường kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện xưa về Tổ. Đến năm 1979, Tổ đi tàu biển vào thăm Phật giáo đất phương Nam và tôi được tận mắt trông thấy Tổ bằng người thật. Tôi còn nhớ một buổi sáng trong phòng thầy tôi tại chùa An Lạc, thầy tôi y áo quỳ lạy Tổ và khóc, Tổ cũng khóc nữa. Hằng ngày, tôi được giao việc bưng cơm nước thị giả Tổ. Tổ lưu lại thành phố Hồ Chí Minh một thời gian ngắn và trở về Bắc một tháng sau, viên tịch tại chùa Phật Giáo Hải Phòng. Bây giờ đang mùa hạ Chư tăng an cư, đêm nay tôi ngồi chong đèn đọc thơ văn Tổ viết để lại và tìm hiểu Tổ đã hiện thân với phong cách nào qua thơ văn.

Đọc tập Hồi Ký Thành lập Hội Phật Giáo, chương Phật Học Tùng Thư, ngay phần mở đầu Tổ đã xác định mục tiêu của tổ chức là trước tác phiên dịch kinh sách bằng chữ quốc ngữ để phát hành truyền bá Phật pháp sâu rộng trong quần chúng.

Vậy thì, phong cách đầu tiên Tổ hướng tới là tính quần chúng.

Tính quần chúng

Bắt đầu từ chuyện ngụ ngôn. Loại chuyện này rất thích hợp với người bình dân ít học, không kể trẻ già ai cũng thích đọc, nhất là được viết với thể thơ lục bát song thất giản dị gần với ca dao. Câu chuyện Con Cáo bị Cành Cây Đập nói về sự vô minh của người đời sống với cái bóng không thật, nghĩ tưởng là thật. Không dám về ngôi nhà thật của mình. Đây là bi kịch của trần gian:

Có con cáo ở cành cây nọ
Gió rung cành đập vỡ tứ tung
Cúi đầu chạy thẳng dám trông
Suốt ngày quanh quẩn vẫn không dám về.
Chiều trông thấy cành kia động đậy
Tới nơi lại được phủ che
Tháng ngày lại được mọi bề yên vui
Ví kẻ bị thấy hơi nói động
Đã vội vàng làm nũng bỏ đi
Thân tâm lêu lổng hay gì
Ba năm cóc chết lại về núi thôi. (1)

Bút của Tổ viết dễ như dạo chơi. Tổ thường hay dùng thể thơ này vì nó gần gủi người Việt. Người xưa dùng hai câu của thất ngôn đường luật phối hợp với hai câu lục bát làm thành thể thơ hoàn toàn Việt Nam, âm điệu giàu hơn thơ đường. Nhưng trên thực tế, người Việt dùng lục bát viết ca dao nhiều hơn song thất lục bát. Bài chị ru em trong gia đình giáo dục, Tổ viết như hát ru dân gian:

Em ơi, em hỡi, em hời
Em ăn, em ngủ, em chơi chị mừng
Tham, ngu, giận em đừng có vướng
Ôn, nhu, hòa, em tưởng luôn luôn
Sau này em lớn em khôn
Học hành chăm chỉ lòng son chớ rời
Hạ hơi, hạ hỡi, hạ hời
Chị mong em tiến kịp người mới nên
Nên nhớ rõ thánh hiền thuở trước
Tốn bao công vì nước vì nhà
Hạ hơi, hạ hỡi, hỡi hà
Bao nhiêu công việc nước nhà mai sau.
Hết thảy đều trông vào em cả
Cơ nghiệp này em chớ bỏ rơi
Hạ hơi, hạ hỡi, hỡi hà
Em nên nhớ lấy những lời chị khuyên
Lễ, nghĩa cùng gương liêm xỉ nọ
Ăn mặc và chỗ ở đường đi
Từ nay em phải xét suy
Mượn hơi người thở có khi nào thành
Tài, trí, năng thân mình đầy đủ
Bao điều hay, chớ bỏ lỡ thời
Hạ hơi, hạ hỡi, hạ hời. (2)

Thời của Tổ, người mẹ thường nằm trên võng ru con hay chị ru em ngủ bằng những lời hát ru quen thuộc nơi đồng bằng Bắc bộ:

Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa (i i) nhà ông hỡi cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà nó (i ii ư) đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đi đòi
Mẹ con nhà nó (i i i a) vẫn ngồi đây (i i i) kia. (3)

Tổ làm theo loại hát ru này cho dân gian ru con bằng Phật pháp. Đứa trẻ lớn lên bằng điêu ru này, tâm hồn nó sẽ có lòng từ bi nhân hậu một cách tự nhiên. Tổ làm nhiều thể loại để giáo hóa mọi tầng lớp xã hội. Có khi thơ Tổ phảng phất hơi Kiều mà rất dân gian. Đọc đến đâu hiểu đến đó không cần người giải thích:

Sửa sang đón rước linh đình
Hương hoa chất đống, chật thành ngựa xe. (4)

Hai câu này viết trong bài Phật Vào Thành Vương Xá thuộc thể loại Phật hóa tiểu thuyết của Tổ. Rồi có hai câu khác cũng giống như thơ Kiều:

Khác nào hoa nở tối tàn
Cá kia gặp nước, rồng thời gặp mây. (5)

Câu này diễn tả cảnh Phật về thăm nhà, thuyết pháp độ cho vua cha về cảnh đời vô thường đến với tất cả mọi người không phân biệt ai sang ai hèn.

Khi vua cha tịch, lễ hỏa táng cử hành trang trọng nghi ngút mùi hương:

Cùng nhau sắm sửa đặt bầy
Lập đàn hỏa táng, chất đầy trầm hương. (6)

Thử đọc đôi câu Kiều lên, sẽ thấy không khác. Chất thơ Kiều, tôi nghĩ, Tổ cố ý đưa vào cho câu truyện kể nghe thêm ly kỳ và đúng nghĩa Phật hóa tiểu thuyết:

‘Trong các kinh sách Phật, có rất nhiều truyện ly kỳ thường gọi tỉnh những tâm hồn mê mộng sa ngã, khiến cho cải tà quy chính, toàn là những chuyện bổ ích cho nhân tâm thế đạo, phong hóa, luân thường.

………………………………

Nay muốn cho ai ai cũng hiểu đúng, tôi xin thành tâm cố gắng biết đến đâu tâu đến đấy, lược trích những cốt yếu trong các truyện biến thành bộ sách toàn là truyện trong đạo Phật, nên gọi là Phật hóa tiểu thuyết’. (7)

Người ta không khỏi kinh ngạc thời đó Tổ đã ý tưởng hoằng pháp rất mới. Sau này ở miền Nam thập niên 1965-1975 nhà thơ Phật giáo Phạm Thiên Thư dùng từ hơi khác là thi hóa kinh Phật, như kinh Ngọc thi hóa từ kinh Kim Cương, kinh Hiền thi hóa từ kinh Hiền Ngu.

Đọc thơ văn Tổ rất thú vị, tôi thấy bên cạnh tính quần chúng đậm đà còn hiện lên tính thời sự nồng nàn vì con đường hành đạo của Tổ là chấn hưng Phật giáo không có thời gian .

Tính thời sự

Tổ đặt câu hỏi rất thời sự trước tình trạng suy đồi của Phật giáo Việt Nam thời ấy trong một bài viết: ‘Tại sao phải chấn hưng Phật giáo’. Nhân Gian Phật Giáo Đại Cương, Hồi Ký Thành Lập Hội Phật Giáo Viêt Nam, và Phật Giáo Việt Nam là ba tác phẩm quan trọng của Tổ viết phản ảnh rõ thời sự Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam cần phải làm gì để chấn hưng.

‘Vì chưa đóng kịp bàn ghế cho học sinh trường đành dùng tạm án thư, trường kỷ, đôn. Cụ Lương Trúc Đàm dạy bên nam, cô Năm dạy bên nữ. Những cái đầu để chỏm ở giữa hoặc trái đào hai bên, chen với những mớ tóc đen nhánh quấn trong vành khăn nhiễu tam giang. Hết thảy đều cặm cụi, bậm môi tô những chữ a, chữ o, chữ e trên giấy (8). Sách ‘Đông Kinh Nghĩa Thục’ của Nguyễn Hiến Lê nói đây là lớp học đầu tiên của Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907.

Thời kỳ này phong trào học chữ quốc ngữ bắt đầu phôi thai và rất có ý nghĩa với cuộc vận động thống nhất chấn hưng Phật giáo Việt Nam sau này của Tổ.

Tổ gốc quê làng Quần Phương Trung, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tổ sinh ra và trưởng thành trong thời gian này.

Năm 17 tuổi, Tổ xuất gia tại chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thờ sư cụ Thích Thông Dũng làm Tôn Sư. Nuôi chí lớn chấn hưng Phật giáo, năm 25 tuổi, Tổ quyết định thành lập Lục Hòa Tịnh Lữ:

‘Từ đấy, chúng tôi quyết định tìm phương cách thành lập Hội Phật Giáo. Nhưng nếu không có phép tắc hẳn hoi thì rất dễ bị ghép tội hoạt động bất hợp pháp và sẽ dẫn đến tan vỡ. Bấy giờ chúng tôi phỏng theo lối tổ chức Hội Liên Xã ở các sơn môn vẫn có xưa nay.

……………

Có điều khác là chúng tôi không lấy tên Hội, vì từ ‘Hội’ có vẻ to tát quá, nên chúng tôi lấy tên là ‘Lục Hòa Tịnh Lữ’; có nghĩa là những người trong sạch làm bạn cùng nhau, tu theo Sáu phép hòa thuận của Đức Phật’. (9)

Thời gian của Lục Hòa Tịnh Lữ, Tổ hội ngộ được các trí thức Phật giáo tâm huyết cùng chí hướng như cụ Lê Toại thường viết bài về việc chấn hưng Phật Giáo; cụ Trần Văn Giác người Trà Vinh là hội viên hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học; cụ Nguyễn Hữu Kha Thiều Chửu đang dịch bộ Phật Học Từ Điển; và cụ Vũ Đình Chung hội trưởng Hội Đông Dương Liên Hữu Tương Tế.

Có một điều rất cảm động là những người này là những cư sĩ trí thức Phật giáo có vai trò hạt nhân ban đầu cùng với trí tuệ của Tổ đã đặt nền tảng cho những giai đoạn tổ chức thống nhất Phật giáo Việt Nam sau này được thành công.

Cũng thời gian này, khoa thi Hán cổ đã bị bãi bỏ. Trên thi đàn xuất hiện những bài thơ mới. Rồi những cuộc khẩu chiến về thơ mới thơ cũ xảy ra nẩy lửa. Cuối cùng, thơ mới được chấp nhận trên thi đàn. Và xuất hiện những tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ có nhiều độc giả ái mộ.

Xã hội Việt Nam đang chuyển mình thì Phật giáo càng cần sớm thay đổi để thích hợp với thời đại mới.

Do đó, Phật Học Tùng Thư được thành lập 1932. Và hai năm sau mới chính là mốc thời gian lịch sử của cuộc vận động chấn hưng thống nhất Phật giáo: Hội Phật Giáo Bắc Kỳ ra đời và trụ sở đặt ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Lúc này quả là thời kỳ vàng son của Hội.

Hội đã tụ họp được những nhà trí thức nổi tiếng và thỉnh được Đức tổ Thích Thanh Hanh để suy cử làm Thiền Gia Pháp Chủ của Phật giáo miền Bắc.

Và báo Đuốc Tuệ ra đời. Chủ bút là Hòa thượng Phan Trung Thứ và trưởng ban biên tập- nhà sử học Trần Trọng Kim cùng với các cây bút nổi tiếng như nhà nho Dương Bá Trạc, nhà văn Đồ Nam Tử, nhà báo Sở Cuồng Lê Dư, và nhà Phật học Thiều Chửu…

Năm tháng trôi qua, ‘Hội vẫn tích cực in kinh sách và báo Đuốc Tuệ vẫn phát hành như thường lệ. Hội còn trù bị xuất bản một tờ nhật báo lấy tên là ‘Tinh Tấn’ nhưng vì giấy khan hiếm nên chỉ mới ra mỗi tuần ba kỳ vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy’ (10). Báo Đuốc Tuệ hoạt động đến năm 1945 được 11 năm và đổi tên là Diệu Âm lúc này Tổ Tố Liên làm chủ bút. Và tên Hội cũng được đổi là Hội Phật Giáo Việt Nam theo sắc lệnh chính phủ.

Tuy nhiên, việc thống nhất Phật giáo Việt Nam vẫn cứ là vấn đề thời sự. Cho nên ‘ngày 10 tháng 4 năm 1951, ba vị Pháp Chủ đại diện cho Phật giáo toàn quốc đã ra lời hiệu triệu chiêu tập kỳ họp đại hội đồng để thành lập Hội Phật Giáo Thống Nhất toàn quốc’.

‘Kết quả, hội nghị đã nhất trí thông qua bản điều lệ và nội quy của Hội cũng như bầu được ban tổng trị sự cùng các ủy viên. Đúng 18 giờ ngày 9 tháng 5 năm 1951 hội nghị bế mạc’. (11)

Hội lấy tên là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Đến giai đoạn này, Phật Giáo Việt Nam đã bắt đầu hướng về quốc tế. Nhưng cuộc vận động thống nhất Phật Giáo vẫn chưa kết thúc. Phật giáo Việt Nam muốn thay danh xưng Tổng Hội ra Giáo Hội cho chính danh của một tổ chức Tôn giáo dân tộc mà lịch sử Việt Nam mặc nhiên thừa nhận.

Ngay phần mở đầu chương ‘Giáo Hội Tăng Già Việt Nam’ của Hồi Ký, Tổ viết:

‘Có người hỏi: trong Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã có Tăng già rồi nhất là viện Tăng Thống đã giữ phần tối cao cho toàn thể Phật giáo, cùng chung một tôn chỉ, mục đích là hoằng dương Phật pháp, giữ vững tinh thần dân tộc… Sao lại còn phải tổ chức Giáo Hội tăng Già Việt Nam? Giáo hội với Hội Phật Giáo có khác gì đâu?

Đứng về phương diện Hội mà nói tức là hiệp hội, các hội liên hiệp lại cùng nhau lập một hội để tiến hành theo chung một mục đích. Đây phải được nhà nước cho phép hay bắt giải tán. Hoặc tự những người trong tổ chức hội không muốn liên hiệp cùng nhau nữa, tự động giải tán và chỉ báo lại cho Nhà Nước là tan hội. Đối với pháp luật không còn gì nữa.

Còn nói về Giáo hội: chỉ những người thuần túy triệt để tín ngưỡng theo tôn chỉ giáo lý của vị giáo chủ sáng lập ra (thí dụ như Đức Phật Thích Ca sáng lập ra Phật Giáo), truyền bá giáo pháp của Ngài đã chứng ngộ cho chúng sinh nói chung, nói riêng là những người thay Ngài trong khi còn tại thế cũng như lúc Ngài đã viên tịch để duy trì, truyền bá giáo pháp ấy càng ngày càng sâu rộng và đời đời còn mãi.vậy phải là những người chân chính xuất gia như các tăng ni mới đảm nhiệm được việc đó, cũng như con cái giữ gìn cơ nghiệp của cha mẹ. Còn những người tại gia tu theo Phật pháp chỉ như những người học trò với thầy giáo thôi’. (12)

Đọc những dòng viết trên của Tổ, tôi không khỏi kinh ngạc, sững sờ tự hỏi tại sao thời đó Tổ lại có cái nhìn quán triệt về danh xưng tổ chức như vậy nhất là có lần tình cờ khi đọc ‘A Study of History’ (nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải) của Anold Tonynbee định nghĩa về xã hội:

‘Xã hội là hệ thống hoàn chỉnh của những liên hệ giữa con người với nhau. Do đó, các thành tố của xã hội không phải là những con người mà là những liên hệ giữa họ với nhau. Trong một cấu trúc xã hội, ‘các cá nhân chỉ là những foci (tiêu điểm) trong hệ thống liên hệ’. Bức tranh minh họa nổi tiếng tên sách Leviatthan của Hobbes hình dung xã hội như một người khổng lồ gồm vô số những hình người bằng người thật, là một hình dung nhân hình hóa sai lầm về hiện thực. Vì vậy, người ta luôn nói tới con người như những ‘thành viên’ của xã hội hay của một thể chế nào đó tạo thành xã hội (chẳng hạn: một câu lạc bộ, một giáo hội, một giai cấp, một gia đình, một ‘nghiệp đoàn’). Một tập hợp người có thể nhìn thấy và sờ thấy không phải là một xã hội mà là một nhóm. Khác với một xã hội, một nhóm có thể tụ lại, tan ra, có thể chụp ảnh được hoặc bị tiêu hủy’. (13)

Và cuối cùng, bản quy chế của Giáo hội được thông qua, Giáo Hội lấy tên là Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, vào ngày 14/9/1952.

Quả vậy, tính thời sự trong văn phong của Tổ có đủ những yếu tố cần thiết cho cây bút thời sự của một nhà báo như Trương Vĩnh Ký – chủ bút tờ Gia Định báo đòi hỏi:

‘Xin các Ngài chớ quên để ngày để tháng hẳn hoi. Phép làm chuyện phải kể tại chỗ nào? Ngày nào? Tháng nào? Nhơn cớ làm sao? Ban đầu làm sao? Khúc giữa thế nào? Sau hết ra việc gì? Lợi hay hại, may hay rủi, v.v…’ (14)

Nói chung, văn phong của Tổ đã thể hiện xứng đáng là một nhà cải cách lớn của Phật giáo Việt Nam nhìn từ trí tuệ lịch sử.

Đêm đã khuya. Tôi gấp tập Hồi Ký Thành Lập Phật Giáo Việt Nam và cuốn Phật Học Ngụ Ngôn để lại trên cái bàn gỗ. Và đi qua nhà Tổ. Tôi thắp lại nén hương vòng bị tắt. Đêm thật yên tịnh. Trong mùi hương, tôi nhớ mấy chữ ‘Mỹ Hồ Đức’ năm xưa Hòa thượng Trí Tạng viết thảo trên giấy hoa tiên tặng tổ khi Tổ vào thăm miền Nam. Bức thư họa này hàm ý muốn ca ngợi vẻ đẹp đức độ của Tổ đã khởi nguồn cho cuộc vận động thống nhất và chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 20 đến nay vẫn tiếp tục dòng chảy lịch sử của nó không dứt.

Thích Thanh Tùng
Chùa An Lạc
11 /9/2019 Kỷ Hợi

Chú thích:

(1)Phật Học Ngụ Ngôn/Sa môn Trí Hải – NXB. Tôn Giáo, 2015

(2)Gia Đình Giáo Dục/Sa môn Trí Hải – Chùa Quán Sứ , Hà Nội

(3)Hát Ru Việt Nam/Lư Nhất Vũ – NXB Trẻ, 2005

(4), (5), (6), (7) Phật Hóa Tiểu Thuyết/Tuyển tập II – Sa môn Trí Hải – NXB Tôn Giáo, 2001

(8)Đông Kinh Nghĩa Thục/Nguyễn Hiến Lê

(9), (10), (11), (12) Hồi Ký thành lập Hội Phật Giáo/HT. Thích Trí Hải – NXB Tôn Giáo 2004

(13) Nghiên cứu về lịch sử – một cách thức diễn giải/Anold Tonynbee/ nhóm dịch giả Nguyễn Kiến Giang – NXB Tổng Hợp TP.HCM

(14) Lịch sử báo chí Sài Gòn – TP.HCM
(1865-1995)/Nguyễn Công Khanh – NXB Tổng Hợp TP.HCM.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học