Tìm hiểu xuất xứ tên gọi Thành phố Hải Phòng

alt

(Ảnh sông Tam Bạc thời Pháp. Nguồn: Internet)

Chúng ta thường hỏi: “ Hải Phòng” Tên thành phố quê hương có từ bao giờ. Tranh luận về điều này người ta đưa ra một số giả thiết:

  1. “ Hải Phòng” là tên rút ngắn trong cụm từ Hải tần phòng thủ- khu vực Duyên hải mà nữ tướng Lê Chân được Hai Bà Trưng giao canh phòng, bảo vệ sau khi Hai Bà lên ngôi.
  2. “Hải Phòng” là tên gọi nha Hải Phòng sứ hoặc đồn Hải Phòng ở bến Ninh Hải, có nhiệm vụ canh phòng cửa biển do viên quan Bùi Viện lập từ năm 1870 đời vua Tự Đức.
  3. “Hải Phòng” là tên rút ngắn từ tên một cơ quan có trách nhiệm canh phòng cửa biển và thu thuế giao thương thời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng.

  Trong 3 giả thiết trên thì giả thuyết thứ nhất dễ bị bác bỏ, bởi cụm từ “hải tần phòng thủ” là chỉ chung việc phòng thủ bờ biển (cũng như nha Hải Phòng thời Nguyễn được lập ở các tỉnh ven biển với chức năng canh phòng bờ biển). Vả lại, nếu tên gọi “ Hải Phòng” có từ thời Lê Chân thì sao trong các thư tịch cổ chưa bao giờ thấy nhắc đến?

Còn cho rằng địa danh “ Hải Phòng” là bắt nguồn từ tên một cơ quan được đặt từ đời Tự Đức trên đất Hải Dương: Hải Dương thương chính quan phòng (hay Hải Dương quan phòng, Hải Dương phòng khẩn quan phòng) cũng không có lý lắm bởi triều đình nhà Nguyễn đã cho đặt Hải dương quan phòng (hay nha Hải Phòng) ở nhiều địa phương ven biển hoặc có đường biên giới biển giáp nước ngoài với chức năng là cơ quan bảo vệ, canh phòng chủ quyền của đất nước chứ không chỉ ở riêng ở Hải Dương.Ví dụ nha Hải Phòng ở Nghệ An, nha Hải Phòng Thanh Hóa, nha Hải Phòng ở Thái Bình…

Giả thuyết thứ hai có nhiều lý do được chấp nhận hơn, tức là tên thành phố Hải Phòng bắt nguồn từ đồn Hải Phòng trên bến Ninh Hải.

Ngược lại quá khứ chúng ta biết rằng, tên “Ninh Hải” liên quan nhiều đến tên gọi Hải Phòng.Vào thập niên 70 của thế kỷ 19, bến Ninh Hải (trên đất làng Cấm Gia Viên nay) còn thuộc tỉnh Hải Dương, đã là một cảng sông tấp nập thuyền bè buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Theo hòa ước Phidastre ký ngày 15/03/ 1874 (còn gọi là hòa ước Giáp Tuất) giữa đại diện Cộng hòa Pháp là Phidastre với đại diện triều đình nhà Nguyễn có đoạn ghi: Chính phủ An nam cam kết mở cửa thông thương các cảng Thị Nại ở tỉnh Bình Định, Ninh Hải (Hải Phòng) ở tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và cho đi qua sông Nhị Hà từ biển cho tới Vân Nam (mục 11 của Hòa ước).

Như vậy là từ năm 1874, bến bờ Ninh Hải bên bờ sông Cấm đã được gọi là cảng. Trong mục 11 bản Hòa ước này cũng đã xuất hiện từ Hải Phòng đặt trong ngoặc đơn cạnh địa danh Ninh Hải với tư cách đồng nghĩa với từ Ninh Hải. Bản phụ lục của Hòa ước Philastre còn có đoạn ghi: “Ở Ninh Hải, viên lãnh sự và tùy tùng tiếp tục đóng ở đồn chừng nào họ thấy cần để bảo đảm an toàn cho việc buôn bán. Ông ta mai sau ở trên một khoảng đất 5 mẫu sẽ được nhượng địa”. Vậy đồn ở Ninh Hải nói trên là đồn nào? Sách Viễn Đông của Paul- Bonnetain nói về hiệp định ký năm 1874 (hòa ước Phildastre) có đoạn viết: Lính Pháp sẽ rời khỏi thành Hà Nội rút về Cửa Cấm ở trong đồn Hải Phòng. Theo đây thì đồn Hải Phòng nằm trên bờ sông Cấm. Đặc biệt trong cuốn: “Nguồn gốc của vấn đề Bắc Kỳ” do Jean Dupuis xuất bản năm 1896 có đoạn mô tả về đồn Hải Phòng cho ta rõ thêm vị trí của đồn Hải Phòng: “Ngày 15 tháng 11- 1872 chúng tôi đổ bộ ở quãng trên, đối diện với vị trí hiện nay của Hải Phòng (đồn). Hải Phòng hồi đó chỉ là bãi lầy bùn, khi thủy triều lên thì bị ngập. Chúng tôi đổ bộ ngay trước mặt một cái đồn đắp bằng đất dựng ở ngã ba sông Tam Bạc và Cửa Cấm, có nhiệm vụ bảo vệ lối ra vào ở cửa biển này.

Vậy là đồn Hải Phòng án ngữ tại ngã ba sông Tam Bạc và sông Cấm, sau này cùng với diện tích nhượng địa mà triều Nguyễn cắt cho Pháo đã trở thành tiền đề cho tên gọi tỉnh Hải Phòng (năm 1883) và sau đó là thành phố Hải Phòng (năm 1888) dưới thời Pháp.

Tên gọi Hải Phòng đã có từ năm 1870 trước khi người Pháp đặt chân đến đây (1872). Sau này bến Ninh Hải trở thành nhượng địa của Pháp thì họ quen gọi nơi đây là Hải Phòng. Việc dùng tên gọi Hải Phòng mà không dùng tên Ninh Hải có thể là vì người Pháp quen gọi đồn Hải Phòng, nơi đồn trú và nơi đặt cơ quan lãnh sự của họ.

Cái tên Hải Phòng đựoc hành chính hóa và trở thành địa danh từ khi thực dân Pháp thành lập tỉnh Hải Phòng và sau đó là thành phố Hải Phòng.

Hiệp ước Harmand được ký ngày 25/08/1883 giữa Tổng ủy đại diện ngoại giao Cộng hòa Pháp Francois Jules Harmand và đại diện Triều đình Huế trên thế mạnh ngày một lấn tới của Pháp và thế yếu phải nhượng bộ ngày càng nhiều của triều Nguyễn.Trong đó có điều khoản ghi: “Tách Ninh Hải ra khỏi tỉnh Hải Dương và thành lập tỉnh Hải Phòng (Province) là một đơn vị hành chính cấp tỉnh”.

Với sự kiện ngày 19 tháng 7 năm 1888, khi toàn quyền Đông Dương Richaud ký nghị định thành lập các hội đồng của các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và ngày 03 tháng 10 năm 1888 khi vua Đồng Khánh ban đạo dụ nhượng lại cho chính quyền Pháp các vùng lãnh thổ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng thì Hải Phòng chính thức trở thành một thành phố thuộc địa. Phạm vi các thành phố sau đó được xác định chủ yếu bao gồm khu vực xung quanh tả ngạn và hữu ngạn sông Cấm cùng một số làng xã ngoại vi như Gia Viên, Đông Khê, Hàng Kênh, An Biên, Hạ Lý.

Như vậy, có thể thấy đô thị Hải Phòng ngay từ thời kỳ mới ra đời đã lấy cảng và sông Cấm làm vị trí trung tâm và định hướng trong qui hoạch và xây dựng.

Thành phố Hải Phòng nay còn được gọi là thành phố Hoa Phượng Đỏ (hay thành phố Cảng) đã ra đời từ một cảng sông, được người Pháp mở mang, đô thị hóa rồi đầu tư, xây dựng các cơ sở kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, dần trở thành một thành phố loại I theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp Saidi Carnot (ký ngày 19 tháng 7 năm 1888), ngang cấp với thành phố Sài Gòn (Grande Municipalite de Sai Gon) khi đó.

Hiện nay, sau khi Chính phủ xác định Hải Phòng là thành phố đô thị loại I Trung tâm cấp Quốc gia và ưu tiên đầu tư phát triển thành một cực tăng trưởng trong tam giác kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh thì vai trò của thành phố Cảng càng trở nên quan trọng đối với đất nước. Đó là niềm vinh dự và tự hào của người dân Hải Phòng, cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của Đảng bộ, quân và dân Thành phố đối với việc xây dựng và bảo vệ thành phố Cảng.

(Nguồn: Tìm hiểu xuất xứ tên gọi Thành phố Hải Phòng/ Thi Văn// tạp chí Khoa học và Kinh tế. – số 129, tháng 3- 2013. – Tr. 15- 16)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học