
Cầu Niệm được sửa chữa, nâng cấp năm 2016.
Cầu Niệm nằm trên quốc lộ 10, con đường huyết mạch của miền đồng bằng châu thổ Đông Nam sông Hồng. Cầu Niệm vắt qua sông Lạch Tray – một chi lưu của sông Văn Úc – khởi nguồn từ thôn Quán Trang, xã Bát Trang (huyện An Lão), gặp biển tại cửa Lạch Tray. Thực ra, người Việt thuở trước không có lệ đặt tên chung duy nhất cho một con sông chảy suốt từ nguồn đến biển mà thường đoạn sông chảy qua địa phương nào thì đặt tên sông theo địa danh ấy. Đoạn sông Lạch Tray có cây cầu này bắc qua, từng có tên là sông Niệm vì sông chảy qua, bồi đắp lên xã Vĩnh Niệm, huyện An Dương xưa, mà hiện nay là phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân. Bởi thế, khi có cây cầu bắc ngang sông Niệm thì dân chúng quanh vùng gọi cây cầu ấy là cầu Niệm.
Ngày xưa, đò ngang qua sông Niệm được duy trì liên tục, lâu dài trường tồn trong lịch sử và được nhớ lại như một nét đẹp trong đời sống văn hóa, giao thông cổ truyền. Từ khi Hải Phòng quy hoạch xây dựng đô thị hóa, cảng biển ra đời và tỉnh lỵ Kiến An hình thành thì nhu cầu qua lại bến đò Niệm ngày càng cao. Trong những năm tháng nửa đầu của thế kỷ XX này, có một người họ Lương ở làng Tiểu Trà (Kiến Thụy) xin nhận thầu với chính quyền bảo hộ Pháp kinh doanh chạy phà đưa đón khách qua sông. Đến năm 1934, một người Pháp tên là Robert đưa ra kế hoạch xây cầu Niệm.
Cầu Niệm đầu tiên được xây dựng trên cơ sở tận dụng những nguyên liệu thừa trong thiết kế thi công cầu Giá (Thủy Nguyên). Đầu cầu treo thiết kế chạy đúng trước cửa đình Niệm Nghĩa, một công trình kiến trúc cổ đặc sắc, cho nên đình phải dỡ bỏ. Chính quyền thực dân buộc phải bồi thường cho dân làng 1 vạn đồng tiền Đông Dương để di chuyển đình về vị trí hiện nay. Cầu Niệm đầu tiên được khánh thành vào đầu năm 1936. Các phương tiện và người qua lại cầu đều phải nộp tiền. Cầu hẹp không đủ cho hai xe ô tô qua lại nên ở giữa phải mở một chỗ rộng để xe tránh nhau theo chiều xuôi ngược. Cầu dài 157m, rộng 6m, hai bên kè rộng 3,2m. Lúc đầu sàn cầu làm bằng gỗ, sau được rải đá, láng nhựa củng cố cho vững chắc.
Cầu Niệm – một nhân chứng lịch sử của Hải Phòng thời hiện đại: Ngày 26/9/1940, các chiến hạm của Nhật đổ quân lên bến Khuể (phía An Lão) qua thị xã Kiến An sang Hải Phòng; 14 giờ cùng ngày, đại diện quân đội Pháp đóng tại thành phố ra tận cầu Niệm ký văn bản đầu hàng quân đội Nhật. Đêm mồng 9/3/1945, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Pháp nổ ra. Pháp tập trung quân đến cầu Niệm bố trí lực lượng với ý định phá cầu chống Nhật, nhưng chưa đầy một ngày đã nộp vũ khí đầu hàng. Ngày 29/4/1946, bộ đội của tỉnh đội Kiến An đột kích tấn công Sở Xi – măng đen cũng rút về căn cứ qua cầu Niệm. Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/11/1946), cầu Niệm là nơi quân và dân nội thành Hải Phòng tản cư sang Kiến An chuẩn bị kháng chiến trường kỳ.
Năm 1950, thực dân Pháp cho thiết kế xây dựng lại cầu Niệm phục vụ cuộc chiến tranh sa lầy của chúng. Cầu do Công ty Dragage khởi công từ năm 1951 đến năm 1953 thì hoàn thành (nhưng hai đầu cầu vẫn dở dang); cầu dài 170m, rộng 6,2m, nhịp cao 2,8m. Thực dân Pháp cho xây một lô cốt bên sông để bảo vệ cầu. Đến ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955), ngành cầu – đường non trẻ thành phố nhận nhiệm vụ hoàn thiện nốt phần còn lại của cầu.
Trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, cầu Niệm là một trong những mục tiêu đánh phá của không lực Hoa Kỳ nhằm chặt đứt mạch máu giao thông của đất Cảng kiên cường. Ngày 18/11/1972, tên lửa Mỹ đã làm đổ cầu Niệm nhưng giao thông vẫn thông suốt nhờ hệ thống cầu phao.
Ngày 19/5/1980, nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cầu Niệm mới được khởi công xây dựng bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực và phương pháp lắp hẫng. Sau 20 tháng thi công, ngày 1/12/1981, lễ thông cầu được tổ chức trong niềm hân hoan của nhân dân thành phố và đội ngũ những người thợ cầu Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm sử dụng, cầu Niệm ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thông với lưu lượng người và xe cộ qua lại. Do vậy cầu được tiến hành nâng cấp, sửa chữa từ năm 2014. Sau gần 2 năm thi công, 0h00 ngày 17/10/2016 cầu Niệm được chính thức thông xe.
Cầu Niệm được coi là một trong những cánh hoa thành phố đang xòe rộng ra các cửa ô để phát huy hết các tiềm năng của một thành phố đang trỗi dậy trên con đường phấn đấu đưa Hải Phòng thành một thành phố văn minh, hiện đại vào năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu giao thông của một thành phố – trung tâm cảng biển khu vực miền Bắc, Hải Phòng cũng vừa khánh thành một cây cầu mới thuộc Dự án Đại lộ Đông-Tây mà người dân gọi là cầu Niệm 2. Đó là cây cầu vượt sông Lạch Tray, nối phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) với phường Đồng Hòa (quận Kiến An). Cầu Niệm 2 là cây cầu nằm trên trục giao thông Đông-Tây nối cảng Đình Vũ đến quốc lộ 10 theo hướng đông – tây, bắt đầu từ xã Bắc Sơn (huyện An Dương) đến phường Nam Hải (quận Hải An). Cầu Niệm 2 thuộc dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phong được tài trợ một phần vốn từ ngân hàng thế giới WB (175 triệu USD) với tổng mức đầu tư lên đến 276,6 triệu USD. Tuyến đường Đông-Tây này dài 20,7km, còn gọi là đường Worlbank đi qua 5 quận, huyện Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An và An Dương, được khánh thành, đi vào hoạt động dịp 13/5 và vừa được đặt tên là Đại lộ Bùi Viện.
Ảnh cầu Bùi Viện (cầu Niệm 2).
Cầu Niệm 2 là gói thầu có giá trị lớn nhất trong các gói thầu của dự án với mức đầu tư 733 tỷ đồng, bao gồm xây dựng cầu và đường dẫn dài 543,7m, rộng 50,5m với 4 làn xe chạy và 2 làn phụ trợ. Riêng phần cầu vượt qua sông Lạch Tray dài 200m. Cây cầu này cũng mới được đặt tên là cầu Bùi Viện, một danh nhân văn hóa thời nhà Nguyễn, đã có công góp phần vào việc hình thành cảng Hải Phòng và là tư lệnh của lực lượng Tuần duyên quân triều đình, bảo vệ an ninh, trật tự vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Cầu Bùi Viện với chiều dài hơn 700m, rộng 50,5m, là cây cầu quan trọng trong tuyến giao thông cắt ngang thành phố từ Đông sang Tây, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố Cảng.
Thi Văn.