
Hình ảnh cầu Rào 1 giờ đây đang trở thành dĩ vãng.
Cầu Rào 1.
Cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray, trên đường Hải Phòng đi Đồ Sơn (trước có tên là đường 14, đường 353, nay mới được đổi tên là Phạm Văn Đồng). Vì cầu thuộc địa phận làng Rào, tên nôm của làng An Khê, nên dân ta thường gọi như vậy.
Vào những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Pháp làm đường Hải Phòng – Đồ Sơn dẫn đến nơi nghỉ mát và xây pháo đài quân sự ở mỏm núi Ngọc. Nhưng còn sông Rào rộng chưa bắc cầu nên cản trở đi lại, mặc dù đã có phà kéo bằng dây cáp. Những người có trách nhiệm của Hội đồng Thành phố đã bàn đến việc bắc cầu qua rông Rào. Nhưng do có nhiều ý kiến khác nhau trong Hội đồng thành phố và công luận về việc nên làm cây cầu này hay đắp đập, mặt khác cũng do khó khăn về tài chính nên tháng 2/1907, Thống sứ Bắc Kỳ mới quyết định chuyển số tiền 8000đ tài trợ cho Hải Phòng xây một khách sạn để làm cầu Rào. Tuy nhiên, việc triển khai khá chậm.
Lúc đầu, cầu Rào đặt ở gần cổng khách sạn Chuyên gia hiện nay, làm bằng sắt, dài 174m. Tháng 12/1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ta đã lột hết ván lát mặt cầu và phá một số thanh giằng ngang. Năm 1947, Pháp đã sửa lại và đặt lô cốt ở hai đầu cầu để bảo vệ.
Năm 1960, ta đã sửa chữa lớn, nhưng ngày 2-9-1969 bom Mỹ đã phá sập cầu. Ta phải đặt cầu phao để thay cầu cứng. Suốt thời kỳ chiến tranh, cầu bị đánh phá ác liệt.
Sau hoà bình, tháng 8-1976, cầu Rào được làm lại ở vị trí hiện nay, bằng phương pháp lắp hẫng dùng bê – tông cốt thép dự ứng lực. Ngày 28-1-1980, cầu được khánh thành. Cầu mới dài 174m, rộng 12m.
Ngày 16-7-1987, cầu lại bị sập nhịp mố phía Bắc. Vì vậy phải dỡ bỏ và được làm lại bằng sắt kiên cố với hai làn xe như hiện nay vào năm 1989. Tuy nhiên cầu đã xuống cấp, bề rộng phần xe chạy 7m không đáp ứng nhu cầu khai thác vận tải ngày càng tăng và thường xuyên gây ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực.
Để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, ngày 31/10/2019 UBND TP Hải Phòng phê duyệt Quyết định Dự án số 2659/QĐ-UBND xây dựng mới cầu Rào 1 và được điều chỉnh tại Quyết định số 2143/QĐ-UBND ngày 24/7/2020. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt. Tổng mức đầu tư là 2.265.197 triệu đồng.
Ngày 13/10/2020 Thành phố Hải Phòng đã chính thức khởi công xây dựng cầu Rào 1 mới thay thế cây cầu đã cũ nhằm kết nối cửa ngõ phía Nam của thành phố với các quận huyện Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy… Đây là cây cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính gồm 11 nhịp dầm, gồm 03 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên. Các cầu nhánh bờ phía quận Hải An và quận Ngô Quyền thiết kế gồm 02 nhánh rẽ lên xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, bề rộng mặt cắt ngang Bcn= 9m, mỗi nhánh gồm 7 nhịp kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường 353 và đường Lạch Tray. Khoang thông thuyền rộng 50m, cao 7m. Nhịp vòm thép bờ phía quận Dương Kinh có chiều rộng mặt cầu B= 30,5m, vuốt nối vào đường 353 hiện trạng; phần nhịp dẫn bờ phía quận Hải An và Ngô Quyền có chiều rộng mặt cầu B=23,5m, quy mô theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị cấp thứ yếu, chiều dài cầu khoảng 456,5 m; kích thước khoang thông thuyền BxH = 50mx7m.
Phối cảnh cầu Rào 1 (mới) đang thi công.
Hiện các nhà thầu thi công đang tổ chức làm ngày, làm đêm 3 ca để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2021.
Cầu Rào 2.
Năm 2012 thành phố xây dựng thêm một cây cầu mới không xa cầu Rào 1 (cũng trên sông Lạch Tray) gọi là Cầu Rào 2.
Ngày 20-12-2012, cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc hoàn thành cây cầu này không chỉ góp phần nâng cấp hệ thống giao thông Hải Phòng mà còn có ý nghĩa quan trọng ghi dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Phần Lan, nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cây cầu mang kiểu dáng châu Âu:
Xét về độ hoành tráng, cầu Rào 2 không bằng cầu Bính, nhưng ở góc độ thiết kế và xây dựng, những người thi công cầu Rào 2 đều tự hào đây là cây cầu đẹp và hiện đại nhất Hải Phòng, nối quận Lê Chân với quận Dương Kinh.
Được thiết kế bởi những nhà thiết kế cầu hàng đầu châu Âu, cầu Rào 2 mang dáng dấp của một cây cầu ở châu Âu. Không màu mè, nhưng chắc chắn, hài hòa với kiến trúc cảnh quan. Cũng là cầu dây văng như cầu Bính, song cầu Rào 2 chỉ thiết kế 1 trụ tháp cao 47,363m đặt lệch về phía quận Lê Chân. Cầu có chiều dài 248m, bề rộng mặt cầu 25,5m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu có kết cấu dầm thép liên tục với sơ đồ nhịp 70+120+40m = 230m, chiều cao khổ thông thuyền 7m, chiều rộng thông thuyền 50m, đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 700m, rộng 36m.
Tham gia xây dựng cầu Rào 2 có nhiều doanh nghiệp đến từ châu Âu, đó là nhà thầu chính MTHøjgaard a/s (Đan Mạch), tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh tư vấn Finnroad, WSP (Phần Lan) và TEDI (Việt Nam). Các nhà thầu phụ nước ngoài là RUKKI (Phần Lan) sản xuất và cung cấp dầm thép; FREYSSINET (Pháp) cung cấp và lắp đặt cáp văng; Maurer Søhne (Đức) cung cấp gối cầu, khe co giãn Mageba (Thụy Sỹ), màng chống thấm INDEX (Italia), lưới địa kỹ thuật tường chắn TENAX (Đức) và SAVCOR (Phần Lan) cung cấp, lắp đặt thiết bị quan trắc cầu. Cùng các thầu phụ Việt Nam có tên tuổi là Công ty cổ phần IDC thi công móng cọc, Công ty CP Lisemco lắp ráp, sơn dầm thép.
Thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công đều đến từ châu Âu nên cầu Rào 2 đạt chất lượng đúng đẳng cấp châu Âu. Khi màn đêm buông xuống, cùng với ánh sáng đèn đêm của thành phố, dải ánh sáng từ cầu Rào 2 tạo cảnh quan đẹp lung linh vắt qua sông Lạch Tray. Cầu Rào 2 càng có ý nghĩa hơn khi là công trình trọng điểm đầu tiên của thành phố Hải Phòng hoành thành nhân dịp chào đón Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 do Hải Phòng đăng cai.
Cầu Rào 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Không chỉ vậy, cây cầu còn là điểm nhấn kiến trúc phía Đông Nam thành phố, khơi dậy tiềm năng, phát triển đô thị của quận Lê Chân và quận Dương Kinh, đồng thời còn có ý nghĩa thiết thực cho việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồ Sơn.
P.V Thi