
Một góc Văn miếu Xuân La nay.
Trong 14 vị tiến sỹ được ghi danh tại Văn miếu thôn Xuân La, xã Thanh Sơn huyện Kiến Thụy có 2 người sinh ra ở thôn Xuân La. Đó là Bùi Tổ Chứ và Ngô Thái Cẩn. Trong đó một người đã để lại trong dân gian một giai thoại kỳ bí. Đó là Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn. Ông đỗ đệ nhị Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Canh Tuất năm 1550 đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Cảnh lịch 3, được phong chức chức Ngự sử.
Theo truyền thuyết, Tiến sỹ Ngô Thái Cẩn bố mất sớm, phải đi ở đợ để lấy tiền nuôi mẹ già, khi mẹ mất không có tiền làm tang lễ. Cực chẳng đã, Ngô Thái Cẩn phải cầm mảnh đất cùng căn nhà do tổ tiên để lại để lấy tiền lo tang lễ cho mẹ. Nhưng chữ nghĩa thì không biết nên văn tự cũng không biết viết, ông bị Trưởng bạ (chức cai dịch chuyên lo sổ cách điền bạ ở làng) miệt thị, khinh bỉ. Lo việc tang cho mẹ xong, không chịu nổi cảnh nghèo đói và bị coi thường ông đã bỏ làng đi biệt xứ để làm và học. Ngô Thái Cẩn quyết tâm dùi mài kinh sử, học đêm học ngày. Kỳ thi năm ấy ông đỗ tiến sĩ.
Sau bao nhiêu năm người dân không thấy ông trở về làng. Rồi một ngày, Triều đình tổng kết khoa thi, ban sắc về làng để dân làng nghênh đón vị tân Hoàng giáp (Tiến sĩ). Cai dịch và chức điền của làng vốn coi thường ông, không tin đó là Ngô Thái Cẩn nên không tổ chức nghênh đón. Dân tình Xuân La vì vậy cũng không ra nghênh đón. Giận người làng quá coi thường mình nên Ngô Thái Cẩn bực tức bỏ đi. Đi qua quán đá đến ao Lĩnh trong làng, ông lấy chiếc dây thừng buộc một hòn đá rồi ném xuống ao. Ông nguyền: “Bao giờ hòn đá này nổi, làng Xuân La mới nên người”.
Một đám rước tiến sĩ vinh quy bái tổ xưa.
Cũng kể từ đấy, sự học hành của làng Xuân La suy vong, dù có học giỏi đến mấy nhưng khi đi thi đều trượt. Bao nhiêu năm con em sĩ tử trong làng chán nản chẳng ai muốn học, bởi có chăm chỉ đến mấy thì công sức cũng đổ xuống sông, xuống biển. Lúc này mọi người mới nhớ tới lời nguyền về hòn đá của Ngô Thái Cẩn.
Tương truyền, ông làm quan trong Triều đình Nhà Mạc, có công khai hoang, mở đất, được vua tặng bài thơ, sau được hậu thế trạm khắc vào gỗ thành bức cuốn thư sơn son thiếp vàng thờ tại đình làng Cẩm La, xã Thanh Sơn. Về công lao mở đất, lập làng của Ngô Thái Cẩn, bia ký trong đình Cẩm La ghi lại thế này:
Khi được vua Mạc giao việc khẩn hoang, Ngô Thái Cẩn tổ chức cắm đất khai hoang ở vùng bên cạnh làng Xuân La. Ông chiêu mộ dân từ Đồng Bùi Gôi Nái bên Vĩnh Nại về lập làng Hương La. Từ đó, người dân gốc Đồng Bùi Gôi Nái gọi làng với tên thân mật là làng Nái. Dân làng làm ăn ngày càng ổn định, làng xóm ngày một trù phú. Đến thời Nhà Nguyễn, tên làng kỵ với tên bà hoàng tên Hương nên Ngô Thái Cẩn cho đổi tên làng thành Cẩm La. Khi ông mất, nhớ ơn ông, dân làng Cẩm La tôn ông là Thần hoàng làng, cùng góp công, góp tiền xây đình Cẩm La để thờ phụng. Vua Gia Long cũng ban sắc phong ông là Thành hoàng làng Cẩm La. Sắc phong hiện được lưu giữ trong đình Cẩm La.. Hàng năm cứ đến ngày giỗ ông mồng 6 tháng 2 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội, cúng tế uy nghi, duy trì cho đến ngày nay.
Về chuyện làng Xuân La từ khi hóa giải được lời nguyền nêu trên của Ngô Thái Cẩn mới có người đỗ đạt được người dân nơi đây kể lại rằng:
Năm 1997, trời hạn hán, cái ao mà người dân trong làng thường múc nước để tưới rau cũng bị khô cạn. Người trồng rau phải vét đáy ao thành những cái nhói sâu 1, 2 mét mới có nước tưới rau.
Trong khi đào vét đáy ao thì ông Vũ Văn Hoạt, một người dân trong làng đào được tảng đá hình trụ cao hơn 1m, bốn mặt rộng 0,25m đều có khắc nhiều chữ nho. Thấy vậy, mọi người mới nhờ người đọc hộ và biết được đây là một văn bia ghi chép danh tính 14 vị tiến sỹ nho học của huyện Nghi Dương đỗ đại khoa từ đời vua Lê Hồng Đức trở lại đây.
Dân làng bèn bàn nhau góp công, góp của dựng lại văn miếu, đưa những di vật đào được về thờ. Ban đầu, quy mô của văn miếu còn khiêm tốn, chỉ có một miếu nhỏ để hương khói thờ thánh hiền, một quán tư văn để dân làng và học sinh đến dâng hương, tìm hiểu lịch sử văn miếu.
Sau những lần xây dựng và sửa sang, nâng cấp văn miếu Xuân La vào các năm 2000, 2002 và nhất là năm 2017 thì con em trong làng đổ đại học, cao đẳng ngày càng nhiều (không biết có phải lời nguyền đá nổi đã được hóa giải hay không).
Từ năm 1997 trở lại đây, khi dân làng dựng lại Văn miếu thì những năm gần đây, trung bình mỗi năm làng Xuân La có 5-6 học sinh đỗ đại học. Đặc biệt, năm 1915 làng Xuân La có cháu Ngô Khương Duy (học sinh trường TH năng khiếu Trần Phú ) đoạt huy chương vàng kỳ thi Toán Quốc tế.
Vậy đấy. Hoàng Giáp Ngô Thái Cẩn từ một người nghèo khổ, bất hạnh, với nỗ lực phi thường và tinh thần chăm chỉ đã phấn đấu thi đỗ, làm quan, có công với dân làng Cẩm La để rồi được người dân nơi đây thờ làm Thành hoàng. Ông tiêu biểu cho truyền thống hiếu học, vượt khó trong lập thân, lập nghiệp, đáng để cho hậu thế noi theo.
Thi Văn biên soạn theo ngotoc.vn và tư liệu điền dã.