
Theo các nhà nghiên cứu về dòng họ, trong các dân tộc Việt Nam, họ Nguyễn chiếm khoảng 40 % dân số. Đối với thành phố Hải Phòng, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng có lẽ người mang họ Nguyễn cũng rất đông và chiếm tỷ lệ cũng rất cao. Gần đây Hội đồng họ Nguyễn của thành phố Hải Phòng được thành lập, rồi Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn thuộc Hội đồng họ Nguyễn cũng được hình thành, đây là lực lượng nòng cốt, chỗ dựa vững chắc cho những hoạt động sinh hoạt của Hội đồng họ Nguyễn của thành phố Hải Phòng.
Để cùng những người họ Nguyễn Hải Phòng tìm hiểu về cội nguồn dòng họ, xin được đóng góp với dòng họ những nghiên cứu của cá nhân với tấm lòng thành tri ân lên các vị tổ tiên họ Nguyễn chúng ta.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, họ Nguyễn được hình thành rất sớm, đứng vào hàng những họ đầu tiên của người Việt Nam. Vua Kinh Dương Vương, thủy tổ của người Việt và cũng là người mang họ Nguyễn. Bởi vậy Ngài cũng là Thủy tổ của tộc Nguyễn ở Việt Nam.
Qua nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực di sản văn hóa, được tiếp cận với tài liệu Hán Nôm của nhiều địa phương trong thành phố Hải Phòng. Đặc biệt do được duyên, nên năm 2011, các vị cao niên làng Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo tặng bộ tài liệu ngọc phả (thần phả- bản phô tô)của một số vị Phúc thần bằng chữ Hán Nôm của tiền nhân làng Cổ Am sao chép lưu giữ (có lẽ trước đây vùng đất trên đều thuộc làng Cổ Am). Trong bộ thần phả trên có ghi chép về vị Phúc thần Nguyễn Đông Tỉnh Đại Vương. Ngài quê ở trang Cổ Am (nay là thôn Trung Am, quê hương của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) là tướng của vua Hùng Huy Vương (vua Hùng thứ 6) có công đánh giặc xâm lược Ân. Đền thờ Ngài Đông Tỉnh hiện ở làng Trung Am, xã Lý Học. Đền ở vị trí rất gần với khu di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Bỉnh Khiêm, đền đã xếp hạng di tích lịch sử của thành phố Hải Phòng năm 2013.
Nghiên cứu trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Ân. Đây là cuộc xâm lược đầu tiên của thế lực phong kiến phương Bắc xuống nước ta, diễn ra vào khoảng năm 1271 – 1213 trước Công nguyên. Trong cuộc kháng chiến với giặc Ân tại Hải Phòng, ngoài Ngài Đông Tỉnh, còn có các vị: hai chị em Vũ Thị Lê Hoa, Vũ Hồng ở làng Ráng (Thanh Lãng), xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, 4 anh em họ Đặng, làng Bích Động, Liên Am, Vĩnh Bảo và Ngài Hùng Sơn, quê ở làng Sò (tên Nôm của làng Nghĩa Lộ), xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải. Cũng như Ngài Đông Tỉnh, các vị trên được chép trong thần tích lưu giữ tại địa phương. Các vị đều hiển thánh làm Thành hoàng làng, được người dân địa phương dựng đền, miếu thờ phụng, các nơi đó đã xếp hạng di tích cấp thành phố, cấp quốc gia.
Như vậy đến thời điểm này bước đầu kết luận Ngài Nguyễn Danh Thoa, thân phụ của danh tướng Nguyễn Đông Tỉnh là gia đình họ Nguyễn xa xưa, sớm nhất, đầu tiên của những gia đình họ Nguyễn ở thành phố Hải Phòng. Ngài Nguyễn Danh Thoa có thể được tôn vinh như bậc thủy tổ của dòng họ Nguyễn ở Hải Phòng.
Gia đình Ngài Nguyễn Danh Thoa và Nguyễn Đông Tỉnh Đại Vương là một niềm vinh dự, tự hào đặc biệt của dòng họ Nguyễn ở Hải Phòng. Để nhân dân, cùng với những người họ Nguyễn Hải Phòng hiểu biết đầy đủ về thân thế sự nghiệp của Ngài Nguyễn Đông Tỉnh. Chúng tôi xin được cung cấp toàn bộ nội dung dịch ra tiếng Việt bản thần tích của Ngài Nguyễn Đông Tỉnh dưới đây.
Ngọc phả ghi chép về vị thủy thần Đông Tỉnh Đại vương, xuất thế thời Hùng Huy Vương (vua Hùng thứ 6), bản chính của Bộ Lễ trong triều đình:
Nước Việt ta xa xưa trời đất được phân chia định vị ở khu vực sao Dực, sao Chẩn, điều đó sách trời đã ghi chép rõ ràng. Núi sông của quốc gia được gìn giữ, định yên bờ cõi. Kinh Dương Vương là vị vua khai mở ra quốc gia và trị vì đất nước, sau đó truyền cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra một bọc có một trăm trứng, trúng nở ra 100 người là các vị tổ của bách Việt. Lạc Long Quân phân cho 50 người con làm thủy thần, 50 người con làm sơn thần, trấn giữ, trị vì các nơi của đất nước và cùng hưởng lộc quốc gia. Các vị cùng ước nguyện, khi gặp gian nguy thì báo, để đến giúp đỡ nhau. Triều Hùng Vương cha truyền, con nối được 18 đời. Thời Hùng Vương, các vị thủy thần thường xuất thế sinh làm con gia đình có phúc lớn trong đời để giúp nước, che chở cho nhân dân.
Vào đời Hùng Vương thứ 6, vua là Hùng Huy Vương, đóng đô ở Phong Châu. Nhà vua lấy đức giáo hóa nhân dân, dân tình sống hòa thuận, mọi nơi người dân yên vui trong đời sống với công việc cày cấy và đào giếng. Bốn phương thanh bình, vua tôi, quần thần hòa hợp. Vào thời đó tại trang Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương có gia đình ông Nguyễn Danh Thoa, lấy vợ người cùng trang là bà Hoàng Thị Lưu. Hai ông bà thường bỏ tiền của cấp giúp cho người dân nghèo khó ở khu Đông, xứ Ma Vương. Tại đất khu Đông có một giếng nước, nước giếng rất trong mát, khí ở dưới giếng thường bốc lên rất sáng, đẹp. Thời ấy đêm tối ở xứ Ma Vương thường nghe thấy tiếng người nói rằng: “Trời sai Đông Tỉnh giáng trần, đầu thai làm con bà Hoàng Thị Lưu, để giúp vua, đây là vị có tài năng siêu việt, sau sẽ đánh đuổi giặc Ân xâm lược và sẽ được phụng thờ làm thần ở khu Đông”. Vào một buổi tối trời trăng, sao sáng đẹp, hai ông bà Thoa, nhân khi nhàn rỗi ngồi uống rược vui vẻ ở sân nhà. Đương lúc uống rược vui vẻ, bỗng thấy một con rắn trắng từ trong giếng nước bay lên và như nhảy múa ở trên sân trước mặt ông, bà Thoa. Ông Thoa nghĩ là quái vật định đánh con rắn trắng, nhưng phu nhân nói với ông rằng: “Gia đình ta luôn làm điều âm công, thiện đức, gặp rắn trắng đây không phải là quái vật mà là báo điềm tốt lành, biết đâu những câu truyền ngôn hằng đêm trong khu Đông là điều ứng nghiệm cho gia đình ta. Phải chăng là điềm báo phúc của trời đất đã chứng cho những lời thỉnh cầu của gia đình ta”. Ông bà Thoa sau đó lập một đàn lễ và trai giới tế lễ cầu thiên, địa giúp cho tai ách thành bình an, họa chuyển thành phúc.
Cũng từ thời đó bà Hoàng Thị có chửa, mang thai 12 tháng đến năm Nhâm Thìn, vào ngày 10 tháng Giêng, bà sinh một người con trai, thần thái rất phong độ, khí chất hùng vĩ, hơn hẳn người thường, có thể tìm hàng trăm năm không có ai sánh bằng. Ba tuổi ông bà đặt cho người con tên là Tỉnh (Tỉnh Công, còn gọi là Đông Tỉnh). Thời điểm sinh ra Tỉnh Công, tại khu Cổ Am trời đất bỗng tối mù mịt, ban ngày mà như ban đêm, già trẻ trai gái trong khu đều nghe như có người nói rằng: “Gia đình họ Nguyễn ở khu Đông sinh ra Phúc thần”. Mọi người nghe vậy còn tỏ ra nghi hoặc liền đến gia đình ông Thoa, quả nhiên thấy bà Lưu đã sinh ra cậu con trai. Đến năm Tỉnh Công lên 6 tuổi, tự nhiên có dịch bệnh lớn giáng xuống, các vùng địa phương khác gần đất Cổ Am, người chết rất nhiều, duy chỉ có Cổ Am, khu Đông các gia đình vẫn mạnh khỏe, bình an. Tại Cổ Am ban đêm người dân thường mộng thấy các linh hồn của tiền nhân về hội họp và nói khu đất này rất hạnh phúc vì gia đình họ Nguyễn có người con là Tỉnh Công có quyền năng nên các ma quỷ không thể xâm nhập vào khu vực này. Bởi vậy mọi gia đình, con, cháu đều an toàn. Nhân dân khu Đông sau khi tỉnh giấc mới biết mọi người đều nằm mộng như vậy, hiểu ra được mọi chuyện và tin đó là sự thật. Mọi người liền cùng nhau đến gia đình ông Thoa hành lễ và thưa với ông bà rằng: “Mọi chuyện trong khu Đông đã được báo trong mộng, nay người dân đến để được xin làm thần tử của Tỉnh Công, mong cầu được sự bình an”. Tỉnh Công nhận lời và hứa sẽ giúp đỡ, bảo vệ cho nhân dân trong khu. Đến năm Tỉnh Công 13 tuổi, biến cố bất hạnh đến với gia đình, trong hai năm liền cha, mẹ Tỉnh Công lần lượt qua đời. Tỉnh Công thương xót cha mẹ, ông gào khóc thảm thiết đến tận trời xanh. Tỉnh Công chọn nơi đất tốt để làm lễ an táng cho cha, mẹ. Tỉnh Công than rằng: “Ta được cha, mẹ sinh ra và nuôi dưỡng yêu thương như vạn lá trên cây, nay tình thân bị chia rẽ, ta sẽ phải làm tất cả mọi việc dù là nhỏ nhất đến to lớn như nghìn tứ mã, vạn chuông, nếu cần thì ta cũng quyết sẽ thực hiện, để báo đáp công ơn của cha mẹ”. Từ thời đó Tỉnh Công nuôi chí lớn, được biết trên Kinh thành có lớp học của Tiên Sinh Hải Đường, Tỉnh Công liền lên xin vào học. Tỉnh Công học được một số năm, thiên kinh, vạn quyển đều tinh thông, tam lược, lục thao đều quán triệt, các môn học về kiếm, cung, phi ngựa, binh pháp đều tinh thông. Tỉnh Công phát triển cao lớn mình dài 8 thước, sức lực có thể địch được vạn người.
Thời đó tại hai châu Tụ Long, Bảo Lạc thuộc đạo Tuyên Quang có bọn giặc cướp nổi lên, quốc gia phải cử quân binh chống giữ. Tỉnh Công biết chuyện, lòng ông trỗi dậy, chí khí tang bồng dâng trào. Ông nghĩ là con người không màng sự giầu có mà phải được lưu danh ở hậu thế, tiếng thơm để lại trăm năm. Sinh trong thời quốc gia có sự biến, thân phải vẻ vang, nếu có chết vì đất nước thì cũng là điều vinh dự. Tỉnh Công liền vào triều đình xin yết kiến nhà vua. Nhìn thấy Tỉnh Công nhà vua biết ngay ông không phải là người thường, phải là bậc thủy thần xuất thế. Nhà vua hỏi tên tuổi rành mạch về Tỉnh Công, sau đó ban phong Tỉnh Công chức “Long Hầu Đại thống chế”, giao cầm quân diệt giặc và ban cho sau này được hưởng lộc ấp tại địa bàn huyện ở quê nhà. Đông Tỉnh bái tạ nhà vua, ông dẫn 5 vạn binh tiến đánh vào đồn trại quân giặc tại hai châu Tụ Long, Bảo Lạc. Chỉ một trận đã chém được vô số tướng giặc, thu giữ được rất nhiều binh lương, khí giới. Quân giặc bị đánh tan, Đông Tỉnh đưa quân về Kinh thành khải hoàn. Quốc Vương được tin thắng trận mở đại yến tiệc khao thưởng tướng sĩ. Nhà vua phong cho Đông Tỉnh được hưởng lộc ấp tại huyện quê nhà. Đông Tỉnh bái tạ xin vua được về quê hương Cổ Am, trang khu Đông. Vào một ngày nhân dân khu Đông cùng nhau đến bái tạ Đông Tỉnh. Đông Tỉnh hành lễ bái yết gia tiên, phụ mẫu kính lễ tiên linh dòng họ rất chí tâm, chí thành, chí kính. Thời gian trôi đi qua một năm Đông Tỉnh thường gần gũi với người dân địa phương. Ông nói với nhân dân rằng: “Ta cùng mọi người trong trang, khu tình nghĩa như thầy, trò, tình cảm ấy rất sâu sắc có từ lâu rồi. Nay mọi người yên ấm hạnh phúc, ta chịu ơn sâu của nhà vua được hưởng lộc ở huyện nhà. Ta mong muốn sau này khi quá cố, mọi người sinh sống trên đất bổng lộc của ta được miễn trừ tô thuế, binh dịch và trùng tu cung sở của ta lưu lại cùng với người dân và cũng là nơi thờ ta làm thần”. Các bậc phụ lão trong khu đều lĩnh hội ý kiến của ông.
Từ thời đó Đông Tỉnh cùng với nhân dân hưởng cuộc sống yên vui, hạnh phúc cùng thanh bình của đất nước. Ông thường đi du ngoạn khắp đó đây xem mọi nơi sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp của đất nước. tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân, những thú vui của người dân ở khắp các vùng miền. Đến các nơi đền, miếu thờ các vị thánh, thần linh thiêng. Hằng năm vào các tiết ông lại về triều để bái yết vua Hùng Huy Vương, sau lại về nơi cung sở tại trang Cổ Am để tiếp đãi tân khách, cố nhân. Ông thường khuyên bảo, động viên mọi người làm nông, chăn tằm, dệt vải, ông giúp trừ mọi tai ương cho người dân. Quê hương cùng đất nước sống trong cảnh thanh bình, vô sự.
Bỗng một ngày có thư cáo cấp, giặc Ân huy động 50 vạn tinh binh sang xâm lược nước ta. Giặc Ân kéo đến chiếm đóng vùng dưới Châu Sơn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Cờ xí, giáo mác của giặc rợp cả trời, đất. Vua Hùng Huy Vương rất lo lắng, vua cho lập đàn để tế lễ cầu xin trời, đất, bách thần phù hộ. Nhà vua đích thân thực hành trai giới làm chủ đàn tế lễ trong ba ngày. Đàn tế lễ vừa xong thì trời đất tự nhiên nổi phong ba, sấm chớp, sau đó xuất hiện một lão nhân người cao hơn chín thước, ngồi trên quả núi ven đường. Lão nhân cười nói và múa cây phất trần. Mọi người thấy vậy liền vào tâu với nhà vua, vua cho là bậc kỳ nhân liền cho xa giá và đích thân nghênh đón lão nhân vào đàn lễ. Nhân đó nhà vua hỏi lão nhân rằng: “Nay có giặc đến xâm lược, muốn thắng được giặc phải làm gì, mong lão nhân chỉ giáo”. Lão nhân lập một quẻ bói và nói với nhà vua rằng: “Quốc gia có nhiều người tài ở các nơi, nhà vua không nên lo lắng. Nay tại đất Kinh Bắc có vị đại thần giáng sinh để giúp nước, người này mới có 3 tuổi, nhưng là bậc kỳ nhân, tuy tuổi nhỏ nhưng có thể chống giặc mang lại thanh bình cho đất nước”. Nói xong lão nhân bay lên trời biến mất. Nhà vua biết tổ tiên đã giúp chỉ giáo những điều để đánh giặc. Nhà vua bèn cho sứ giả đi chiêu mộ hiền tài các nơi trong thiên hạ. Vào một ngày sứ giả đến hương Phù Đổng, quận Bắc Ninh, đạo Kinh Bắc, nơi ấy có gia đình phú gia sinh hạ được người con trai đặt tên là Thiết Xung. Cậu bé lên ba tuổi nhưng chỉ ăn, nằm trên giường và chẳng nói chẳng cười. Hôm đó người mẹ nghe thấy tiếng sứ giả của triều đình, liền nói với sứ giả: “Con tôi nay đã ba tuổi, nhưng chỉ nằm và ăn uống một chỗ, không thể nhận chức tước của triều đình để tham gia đánh giặc báo ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha, mẹ được”. Thiết Xung nghe thấy mẹ nói với sứ giả, liền đột nhiên mở miêng nói với mẹ cho mời sứ giả vào trong nhà. Người mẹ thấy rất lạ kỳ liền nói với mọi người dân trong hương. Nhân dân trong hương thấy vậy rất kinh hãi liền ra mời sứ giả vào nhà. Thiết Xung bật đứng thẳng dậy và nói với sứ giả rằng: “Hãy mau quay về triều báo với nhà vua, trước tiên cho người về ngay trang Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương, nơi ấy có Đông Tỉnh Thống chế, người ấy là thủy thần giáng thế, đang là cận thần của nhà vua có thể cầm 10 vạn quân để chống giặc. Sứ giả hãy tấu với vua luyện rèn cho ta một con ngựa sắt cao 1 trượng, một roi sắt dài 1 trượng, một nón sắt, 1 bộ quần áo bằng sắt mang đến đây cho ta. Ta sẽ đi đánh giặc, nhà vua không cần lo lắng”.
Sứ giả vội về triều tâu lên vua, nhà vua rất vui mừng, cấp tốc cho làm theo lời Thiết Xung. Nhà vua cho người về trang Cổ Am chiếu Tỉnh Công về triều. Đông Tỉnh nhận chiếu về ngay triều, nhà vua lập tức ban cho Đông Tỉnh lĩnh ấn, cờ tiết Đại Tướng lĩnh 10 vạn tướng, binh của triều đình. Tỉnh Công cho luyện rèn ngựa sắt, roi sắt, nón sắt, quần áo sắt mang đến cho Thần Vương. Thần Vương vươn mạnh người, thân thể rung lắc, miệng nói lớn và tự nhiên thân thể cao 18 thước. Thần Vương mặc quần áo sắt, đội nón sắt cầm roi sắt nhảy lên lưng ngựa và hô lớn “Ta là thiên tướng nhà trời”, ngựa của Thần Vương phi như bay về Châu Sơn cùng Đại tướng Đông Tỉnh đánh thẳng vào đồn trại giặc Ân. Chỉ trong một trận mà như cầm được đá trong tay, tinh thần giặc thất tán, chúng chạy tán loạn. Thần Vương cùng Đông Tỉnh truy đuổi đánh địch, roi sắt của Thần Vương bị gãy, Ngài nhổ tre bên đường để làm vũ khí đánh địch. Giặc Ân bị đánh tan, Thần Vương phi ngựa đến núi Sóc Sơn rồi bay về trời. Tỉnh Công dẫn quân về triều khải hoàn chiến thắng. Nhà vua rất vui mừng ban phong chức tước cho Thần Vương là “Phù Đổng Thiên Vương”, ban cho 100 khoảng ruộng, và ban cho hương Phù Đổng lập miếu phụng thờ Ngài. Thời gian ấy Tỉnh Công tấu xin nhà vua cho về cung sở tại khu Đông. Đông Tỉnh mở tiệc lớn, mời tả, hữu quân tướng cùng nhân dân trong hương đến dự yến tiệc. Đang lúc yến tiệc bỗng trời đất tối đen, cũng lúc ấy có rồng, phượng đến chầu, dưới sông các loài ngư thủy lớn như: cá kình, cá ngạc, rùa…nổi lên như múa, ở giếng nước có mây ngũ sắc bay lên. Tỉnh Công tự nhiên hóa thành rắn trắng và trườn vào trong giếng rồi biến mất. Đó là ngày 25 tháng 12. Đời sau có thơ khen rằng:
Sinh hóa lai đồng tại tỉnh nhân
Sinh vi danh tướng, hóa vi thần
Thiên thu tiết khí chiếu nhiên tại
Vạn cổ huân danh lẫm nhược tân.
Tạm dịch:
Thần Sinh, hóa cùng tại nơi giếng
Sinh là tướng giỏi, hóa Phúc thần
Ngàn năm linh thiêng dân thờ phụng
Đền thờ uy danh mãi trường tồn
Nhân dân khu Đông rất kinh hãi, liền làm biểu tấu về triều đình, nhà vua cảm thương cho một bậc huân tướng có nhiều công lao với đất nước. Vua ban phong cho Ngài là Đại Vương, ban cho khu Đông lập miếu phụng thờ, hằng năm xuân, thu nhị kỳ cho quan về làm lễ cúng tế Ngài. Bốn mùa, 8 tiết đều hương hỏa, tế lễ thần, mãi mãi cùng với sự trường tồn thịnh vượng vủa quốc gia.
Vua ban phong: Đông Tỉnh Đại Vương, chuẩn cho trang Cổ Am lập miếu phụng thờ.
Từ thời gian đó đến sau này, vào thời tiền Lý, hậu Lý, Đinh, Lý, Trần, Lê, Ngài Đông Tỉnh thường hiển hiện phù nước, giúp dân linh ứng sáng tỏ, nên các triều vua đều ban sắc phong, mỹ tự để phụng thờ, được người dân tế lễ muôn đời cùng với trường tồn của trời đất.
Tôn phụng khai, ngày sinh, ngày hóa, các tiết tịch cùng húy kỵ. Nhất thiết cấm không được dùng hai chữ “Đông Tỉnh”. Trong khi hành lễ cấm không được dùng sắc phục mầu vàng và mầu trắng.
Thần sinh vào ngày 10 tháng Giêng, lễ dùng bàn trên là cỗ chay, bàn dưới cỗ có thịt lợn đen, xôi, rược, được ca hát 3 ngày
Thần hóa ngày 25 tháng 12, lễ dùng bàn trên cỗ chay, bàn dưới cỗ xôi, rược
Ngày khánh hạ (ngày mừng thắng trận) 10 tháng 3, lễ dùng thịt lợn đen, xôi, rược, được ca hát 1 ngày
Ngày khánh hạ 12 tháng 7, lễ dùng thịt châu, thịt bò, xôi, rược được ca hát 1 ngày
Vào ngày tốt tháng 8, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572), quan Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, Nguyễn Bính phụng soạn thần tích
Ngày tốt tháng 10 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), quan Quản giám bách thần, Tri điện Hùng lĩnh, thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân theo chính bản triều trước phụng sao lại
Hải Phòng tháng 11 năm 2022. Sưu tầm, nghiên cứu và biên dịch thần tích: Nguyễn Đình Chỉnh – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng.