Thượng tướng Lê Quang Hòa (1914-1993)

Ảnh thượng tướng Lê Quang Hòa  – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

          Lê Quang Hòa tên thật là Lê Thành Kim, sinh ngày 2/2/1914 tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân nghèo. Quê hương ông là một trong những làng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng, do vậy mà ông được giác ngộ cách mạng từ rất sớm.
          Năm 1938, Lê Quang Hòa được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Dân chủ thành Hoàng Diệu (Hà Nội) – một tổ chức chính trị – xã hội của thanh niên. Tại đây, ông tích cực tham gia vào các phong trào của thanh niên chống đế quốc, đòi các quyền tự do dân chủ.
          Tháng 6 năm 1939, Lê Quang Hòa được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Cũng trong năm này, vào cuối tháng 12, ông bị mật thám bắt khi đang đánh máy tập tài liệu Nghiệp đoàn của Thành ủy Hà Nội. Chính quyền thực dân kết án ông 5 năm tù khổ sai và giam tại các nhà lao: Hoà Bình, Hoả Lò,  Sơn La. Trong tù ông tích cực đấu tranh, được bầu vào Ban lãnh đạo, Ban Chi uỷ nhà tù.
          Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Ông trốn thoát, về Sơn Tây bắt liên lạc với tổ chức, được Đảng phân công làm Bí thư Ban cán sự (sau này gọi là tỉnh Ủy) Sơn Tây, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở đây.
          Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa Tháng 8, thực hiện nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 8-6-1945, Chiến khu Trần Hưng Đạo (Đệ tứ chiến khu) hay Chiến khu Đông Triều chính thức được thành lập, gồm Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, Kinh Môn, Thanh Hà, Thủy Nguyên, Uông Bí, Yên Hưng, và một phần Kim Thành, sau mở rộng tới Kiến An, Đồ Sơn, Quảng Yên, Hòn Gai. Trong đó trung tâm là Đông Triều, Chí Linh.
          Ngày 13/9/1945 Lê Quang Hòa được Đảng điều động vào quân đội, được cử làm đặc phái viên Quốc phòng ở đệ tứ chiến khu Đông Triều. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, các đội du kích quân của chiến khu Đông Triều đã liên tiếp hạ nhiều đồn bốt và phục kích nhiều trận thắng lợi. Địa bàn Chiến khu rộng lớn và tình hình an ninh, trật tự trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám rất phức tạp. Cùng với sự hình thành các đội quân du kích chống Nhật cũng xuất hiện các toán phỉ cướp phá và bọn đặc vụ Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lăm le giành chính quyền. Nhân dân điêu đứng vì nạn đói, nạn cướp mong ngóng một cuộc giải phóng. Điều này đặt ra cho đội quân cách mạng nhiệm vụ nặng nề.
          Là phái viên chính trị của Bộ Quốc phòng, công tác tại chiến khu Đông Triều, Lê Quang Hòa góp phần mình vào công tác giáo dục chính trị, chỉ đạo, hướng dẫn đường lối kháng chiến của Đảng trong quân và dân Chiến khu. Theo lời kể của Lê Quang Hòa, khi về Hải Phòng tiếp xúc, làm việc với Tư lệnh Chiến khu lúc mới giành được chính quyền ở thành phố (ngày 23/8/1945) – đồng chí Nguyễn Bình, một người chỉ huy gan dạ, căm thù giặc và đầy nhiệt huyết nhưng cũng nóng nảy và mang phong cách tự cao của một thủ lĩnh nghĩa quân chưa được giác ngộ nhiều về chính trị, ông đã phải rất khéo léo thuyết phục, kiềm chế hành động bột phát của tư lệnh Nguyễn Bình để tránh cho người chỉ huy này ra những quyết định mạo hiểm với quân Tầu Tưởng. Lúc đó Bộ tư lệnh chiến khu của Nguyễn Bình đóng ở nhà băng Năm Sao (trụ sở của hãng tàu biển Năm Sao dưới thời Pháp thuộc). Sau giải phóng, tòa nhà này là Sở Thương nghiệp Hải Phòng, nay là ngân hàng VietinBank. Dựa vào uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Quang Hòa đã khéo léo phổ biến cho vị Tư lệnh này chủ trương, sách lược đối phó với thù trong, giặc ngoài của Hồ Chỉ Tịch mà chính quyền và các lực lượng vũ trang ta cần phải áp dụng trong hoàn cảnh cách mạng đang trong giai đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”. Dần dần đồng chí Nguyễn Bình cũng nghe ra (sau đó đồng chí Nguyễn Bình được Hồ Chủ Tịch gọi lên Hà Nội trao nhiệm vụ vào thống nhất, chỉ huy các LLVT miền Nam chống Pháp xâm lược). Đồng chí Nguyễn Bình được Hồ Chủ Tịch phong Trung tướng đầu tiên trong quân đội ta.
          Chiến khu Đông Triều trở thành chỗ dựa cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở vùng Đông Bắc, cùng các địa phương đập tan chính quyền thực dân phong kiến và tay sai trước và trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, góp phần cho tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.
          Ngày 15/10/1945, theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quốc được phân chia làm 9 chiến khu (sau gọi là Khu). Khu 3 thuộc Bắc Bộ, gồm 8 tỉnh, thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, Hải Phòng. Ông Hoàng Minh Thảo làm Quân khu trưởng, ông Lê Quang Hòa là Chính trị ủy viên (gọi tắt là Chính ủy). Đây là một chức vụ lãnh đạo đảm nhiệm công tác Đảng-công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Việt Nam, có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đường lối cách mạng của Đảng trong quân đội ta. Trên cương vị này, ông Lê Quang Hòa đã góp phần quan trọng trong việc cùng ban lãnh đạo Khu 3 chỉ huy quân và dân 8 tỉnh, thành giữ vững thành quả của Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong vô vàn khó khăn, thử thách của thời kỳ đầu ta mới giành được chính quyền. Bộ Chỉ huy chiến khu 3 đóng tại một ngôi chùa của huyện An Hải (nay là huyện An Dương). Căn cứ vào chủ trương “Hòa để tiến” của Thường vụ Trung ương Đảng vào giai đoạn đó (tháng 3 năm 1946), Bộ Chỉ huy chiến khu 3 đã bàn bạc và đặt kế hoạch ra sức củng cố, tăng cường lực lượng, xúc tiến việc sửa soạn cho cuộc kháng chiến chống Pháp khi mà thời gian ta trì hoãn với Pháp để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể kéo dài hơn.
          Ở Hải Phòng, quân Pháp diễu võ dương oai, khiêu khích, lấn tới. Quân Tưởng nấn ná không chịu rút theo điều khoản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 mà Hồ Chủ Tịch ký với Pháp. Bọn phản động tăng cường xuyên tạc, phá hoại việc thi hành Hiệp định, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Bộ chỉ huy Chiến khu 3 trong đó có Chính ủy Lê Quang Hòa đã ngày đêm bàn bạc, lãnh đạo Chiến khu và các lực lượng vũ trang thành phố đối phó, hạn chế sự phá hoại của các thế lực thù địch, cố gắng kéo dài thời gian hòa hoãn với quân Pháp để chuẩn bị lực lượng, phương tiện cho cuộc kháng chiến sớm muộn sẽ nổ ra.
          Chiều ngày 20-10-1946, Hồ Chủ Tịch trên đường từ Pháp trở về bằng đường biển có ghé qua thành phố Hải Phòng. Đồng chí Lê Quang Hòa cũng vinh dự được đứng trong hàng đội quân danh dự của ta tại cầu tàu bến Ngự đón Bác Hồ. Trong những cuộc gặp gỡ sau đó với quân và dân Hải Phòng, Người luôn nhắc nhở ta phải tăng cường chuẩn bị, cảnh giác đối phó với cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi mà dã tâm kẻ thù đã lộ rõ.
          Lực lượng vũ trang chiến khu Ba được Bộ Chỉ huy của đồng chí Hoàng Minh Thảo, Lê Quang Hòa thực hiện chủ trương Trung ương phát triển mạnh mẽ để sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Ngoài các đơn vị của quân khu, mỗi tỉnh đều có các đơn vị tập trung cỡ trung đoàn hoặc tương đương, Đội ngũ cán bộ quân sự được tăng cường từ khu đến cơ sở. Hệ thống tổ chức Đảng được kiện toàn, hệ thống chính trị viên được tổ chức từ trên xuống dưới. Việc chuẩn bị kháng chiến được đẩy mạnh nhất là ở khu vực Hải Phòng, nơi có sân bay Cát Bi, hải cảng và lực lượng quân đội Pháp đồn trú. Nhờ vậy, chúng ta đã không bị bất ngờ khi quân Pháp nổ súng mở đầu chiến tranh ở Hải Phòng vào ngày 20/11/1946. Quân và dân Hải Phòng đã anh dũng chiến đấu quyết liệt với quân đội Pháp hơn hẳn ta về lực lượng và trang thiết bị, vũ khí trong 7 ngày đêm bảo vệ thành phố trước khi rút ra vùng ngoại thành tiếp tục kháng chiến.
          Trong giai đoạn Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng gay go, ác liệt; ngày 25 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Liên khu 3 trên cơ sở hợp nhất khu 2 và khu 3 và xác định rõ phương hướng cùng cả nước chủ động đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đánh bại âm mưu bình định của địch, xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến ngày càng lới mạnh. Địa bàn Liên khu 3 rộng lớn gồm các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình. Ông Hoàng Sâm được cử giữ chức vụ Liên khu trưởng, ông Lê Quang Hòa lưu nhiệm làm Chính trị Ủy viên.
          Trong giai đoạn 1948-1949, ông Hòa là Chính trị ủy viên tại Chiến khu 3, kiêm nhiệm Bí thư Quân khu ủy, Ủy viên thường vụ Liên khu ủy Liên khu 3.
          Là thủ trưởng chính trị của Khu và Liên khu, đại diện Đảng phụ trách quân đội, ông Lê Quang Hòa gánh vác trách nhiệm nặng nề trước Đảng và cấp trên về mọi mặt công tác Đảng và quân sự, có thể “tối hậu quyết định” ở các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên (theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, xuất bản 1996. Tr. 187).
          Đảm đương nhiều cương vị lãnh đạo, vô cùng bận rộn, lại phải sống và làm việc trong điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn, ông đã cùng Bộ Chỉ huy chiến khu, Liên khu vượt qua mọi khó khăn, thử thách lãnh đạo nhân dân các tỉnh, thành  (trong đó có Hải Phòng, Kiến An) chiến đấu chống lại sự  xâm lược trở lại của thực dân Pháp, góp phần tích cực trong những năm đầu kháng chiến gian khổ của dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp Liên khu ba có 230.000 người tình nguyện tòng quân cho cách mạng, tiến hành chiến tranh nhân dân, đánh phá giao thông, căn cứ địch trong vùng tạm chiếm, chống địch khủng bố, càn quét, chuyển nhiều đơn vị sang bộ đội chủ lực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh.
          Thời kỳ này, công tác Đảng, công tác chính trị của lực lượng vũ trang khu và liên khu, có sự tham gia của Lê Quang Hòa đã làm được một số công việc, cùng với cấp ủy, chính q          uyền, nhân dân và các lực lượng cách mạng phát triển,
          Mở rộng lực lượng, xây dựng hậu phương và nền kinh tế kháng chiến, ngăn chặn, phá các cuộc tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng của địch. Công tác Đảng trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang ở khu được chú trọng hơn. Nhờ vậy công tác Đảng và chính trị có tác động không nhỏ tới thắng lợi của cách mạng.
          Cũng trong năm 1949, Lê Quang Hòa còn được cử làm chính ủy Mặt trận Trung Du, Bí thư Đảng ủy Mặt trận này.
          Từ năm 1950-1955, ông là Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam. Giai đoạn này, Bộ Tổng tham mưu mới được thành lập (ngày 11 tháng 7 năm 1950). Với chức năng là cơ quan đầu ngành tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về công tác Huấn luyện đối với quân nhân trong Nhà trường, Dân quân và Tự vệ trong Quân đội Việt Nam, Cục Quân huấn đứng đầu là đồng chí Lê Quang Hòa đã có nhiều đóng góp trong  lãnh đạo, chỉ đạo, huấn luyện  nâng cao trình độ chính trị, quân sự của lực lượng bộ đội, dân quân, tự vệ và du kích.
          Từ năm 1955 đến năm 1957, Lê Quang Hòa là hiệu trưởng kiêm Chính ủy Trường Văn hóa quân đội, kiêm Cục trưởng Cục văn hóa.
          Trên cương vị mới, vừa là nhà quân sự, vừa là nhà giáo, Lê Quang Hòa vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo nên lứa văn nghệ nghệ sỹ đầu tiên của quân đội ta đồng thời xây dựng cơ sở ban đầu của nền văn hóa cách mạng Việt Nam.
          Năm 1959 Lê Quang Hòa được thăng hàm Thiếu tướng.
          Từ năm 1957 đến năm 1973, ông được Đảng và quân đội tin tưởng giao  phó nhiều chức vụ quan trọng:
          – 1957-1960 là Chính ủy kiêm Bí thư đảng ủy Trường Sĩ quan Lục quân.
          – 1960-1963 là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy binh chủng pháo binh.
          – Từ 1963-1967 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
          – 1967-1973 là Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu 4.
          Năm 1973, Thiếu tướng Lê Quang Hòa được cử làm trưởng đoàn Quân sự miền Bắc trong Ban Liên hiệp quân sự bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Mỹ, Mặt trận DTGPMN Việt Nam) tại Sài Gòn, sau đó là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đẩu tiên của Quân đoàn 1 QĐND Việt Nam.
          Năm 1974 ông được thăng hàm Trung tướng.
          Năm 1975, ông là Phái viên của Ban thường vụ Quân ủy Trung ương ở Huế, rồi Phó Chính ủy – Ủy viên thường trực Quân ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia lãnh đạo cánh quân phía Đông tiến về Sài Gòn.
          Năm 1976, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ đạo công tác phía Nam và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
          Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV.
          Từ năm 1977 đến năm 1980 ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4,
          Năm 1986, ông được phong hàm Thượng tướng, đảm nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Thanh tra quân đội.
          Là người tham gia cách mạng từ thời kỳ trứng nước, Lê Quang Hòa đã có nhiều cống hiến quan trọng cho Đảng và Nhà nước, giữ nhiều cương vị lãnh đạo. Ông là một trong những người thành lập Chiến khu 3 và cũng là người có công lớn trong việc xây dựng chiến khu vững mạnh, góp phần đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.
          Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, Lê Quang Hòa đã trải qua rất nhiều cương vị khác nhau. Là một người gan dạ, thông minh, quyết đoán, luôn mang hết tâm, sức phục vụ cách mạng và nhân dân, không nề hà gian khổ, hi sinh nên dù ở bất kì cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt trọng trách của mình. Với những cống hiến to lớn cho Đảng, Nhà nước và Quân đội, Lê Quang Hòa đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng quí giá:
          – Huân chương Hồ Chí Minh
          – 2 huân chương Quân công hạng nhất
          – Huân chương Chiến thắng hạng nhất
          – Huân chương kháng chiến hạng nhất
          – Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất
          – Huân chương Chiến công hạng nhất
          – Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba
          – Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng
          Lê Quang Hòa kết hôn với bà Nguyễn Thị Minh Nhã – nguyên phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và có người con gái là Đại tá Lê Minh Hằng – Trưởng phòng huyết học của Bệnh xá Bộ Tổng tham mưu.
          Ông Lê Quang Hòa mất ngày 15 tháng 12 năm 1993 tại Hà Nội, thọ 79 tuổi.

          Phạm Văn Thi – Hội kHLS Hải Phòng biên soạn, có tham khảo tài liệu:
          – Những chặng đường chống Mỹ (hồi ký)/Trung tướng Lê Quang Hòa. – Nxb. Quân đội nhân dân, 1982. – 259 tr.
          – Bác của chúng ta (hồi ức)/Lê Quang Hòa, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung… -Nxb. QĐND; Hà Nội, 1985. – Tr. 49-59
          – Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam. – Nxb. QĐND; Hà Nội, 1996. – Tr. 148, 466, 477.
          – Lịch sử quân sự Việt Nam trực tuyến (http://www.vnmilitaryhistory.net). – ngày 05/12/2011
          – Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang quân khu 3 (1945-2000). – Nxb. Quân đội nhân dân, 2005. – Tr. 67- 68

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học