Số phận “lận đận” của 2 bia đá cổ được tìm thấy tại Hải Phòng.

Sau khi được tìm thấy, hai bia đá cổ đã bị cho là bia trôi nổi, không rõ nguồn gốc, bị chính quyền yêu cầu không được nghiên cứu tiếp. Nhưng sau 2 năm, hai bia đá tiếp tục được công nhận, được phép nghiên cứu, xác định lại.

  alt

(Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh – Trưởng nhóm nghiên cứu độc lập đang thuyết trình tại tọa đàm sáng 28.5. Ảnh: MC)

  Sáng ngày 28.5, tại Đồ Sơn, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Thành phố Hải Phòng đã tổ chức tọa đàm khoa học về 2 bia đá được tìm thấy ở thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Theo ông Hoàng Văn Kể – Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Hải Phòng – hai bia đá này được nhóm Nghiên cứu độc lập do tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh đứng đầu tìm thấy tại bãi sông, triền đê, cạnh cống Cá, thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng vào tháng 5.2018. Cả hai bia này được cho là có liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được một số học giả nhận xét là có giá trị trong nghiên cứu khoa học lịch sử, trên bia ghi chữ “Di ngôn chí”- được dịch nghĩa là “lời chỉ bảo cho hậu thế”.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tìm thấy, Sở Văn hóa thể thao Hải Phòng đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng báo cáo, cho rằng nhóm nghiên cứu độc lập đưa 2 bia đá lên là sai quy định pháp luật, đồng thời đề nghị UBND TP Hải Phòng không cho nhóm nghiên cứu tiếp vì cho rằng 2 bia đá là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có giá trị.

Sau đó, trước các ý kiến của Cục Di sản văn hóa đề nghị Hải Phòng kiểm tra thực tế, tiếp nhận quản lý hiện vật theo quy định, cùng với các ý kiến phản đối của giới khoa học trí thức Hải Phòng, tháng 11.2018, UBND TP Hải Phòng đồng ý cho các tổ chức khoa học, chuyên gia được nghiên cứu 2 bia đá trên. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cũng chưa tổ chức các bước tiếp theo để nghiên cứu hai bia đá được.

Sự việc dừng đến năm 2019, các nhà khoa học đã tiếp tục khảo sát thực tế và có nhiều bài viết, báo cáo được gửi về Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng, nhưng  mọi việc vẫn rơi vào im lặng.

Đến ngày 19.3.2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 2120/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giao cho UBND TP Hải Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thu thập thông tin về quá trình phát hiện hiện vật, tổ chức nghiên cứu, đánh giá để có kết luận chính xác về giá trị của các di vật, hiện vật phát hiện theo quy định về di sản văn hóa, đồng thời yêu cầu các đơn vị có giải pháp phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, địa điểm khảo cổ và các dị vật khảo cổ.

Sau khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hải Phòng giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Tại buổi tọa đàm sáng ngày 28.5, các đại biểu tham gia tọa đàm gồm các nhà sử học, khảo cổ, thư pháp… đánh giá hai bia đá trên là bia đá cổ, song chưa khẳng định chính xác thuộc niên đại nào vì cần phải có thiết bị công nghệ hiện đại kiểm chứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số học giả tại tọa đàm, “bia đá này tương tự các bia thời Mạc, vào khoảng thế kỉ XVI”.

Sau tọa đàm, các cơ quan quản lý sẽ cùng với các học giả, nhà khoa học tổ chức tiếp tục nghiên cứu về 2 bia đá, hiện đang được niêm phong tại UBND xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

(Nguồn: Số phận “lận đận” của 2 bia đá cổ được tìm thấy tại Hải Phòng/Mai Chi//Báo “Lao động online”. – ngày 28/5/2020)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học