Phố Cầu Đất – tên phố dân giã mà thân quen (tên bài do admin đặt)

Ảnh phố Cầu đất thời Pháp thuộc.

          Phố Cầu Đất là con phố ở trung tâm thành phố Hải Phòng, kéo dài từ ngã tư Cầu Đất, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú – Nguyễn Đức Cảnh đến ngã tư Trần Quốc Toản (Lạch Tray) – Tô Hiệu – Lê Lợi, cắt qua các phố Trần Nhật Duật – Lê chân, Lương Khánh Thiện – Cát Dài. Phố dài 610m, rộng 11m. Vỉa hè đoạn từ ngã tư Cầu Đất-Trần Phú đến ngã tư giao với hai phố Trần Nhật Duật-Lê Chân bên trái dài 80m, rộng 4m, bên phải dài 90m rộng 4m; đoạn từ Trần Nhật Duật – Lê Chân đến ngã tư Lương Khánh Thiện – Cát Dài, bên trái dài 220m, rộng 4m, bên phải dài 217m, rộng 2,5m, đoạn còn lại đến ngã tư Thành đội, bên trái dài 230m, rộng 4m, bên phải dài 245m, rộng 4m. Hệ thống thoát nước đoạn ngã tư Cầu Đất – Lương Khánh Thiện dài 340m đặt cống hộp 500 x 600mm, đoạn tiếp đến ngã tư Thành đội bên trái dài 275m, đặt cống hộp 500 x 600mm dưới lòng đường cách bó vỉa hè trái 1,6m, bên phải dài 280m đặt cống F.800mm dưới hè phải sát bó vỉa hè. Dù vậy, do địa hình thấp hơn phố Trần Phú – Nguyễn Đức Cảnh nên khi trời mưa to phố Cầu Đất thường bị ngập lụt kéo dài.
          Phố Cầu Đất vốn thuộc xã Gia Viên và An Biên cũ. Trước giải phóng (1955) thuộc khu Ga. Đây là một trong những phố có vị trí quan trọng và nhộn nhịp, sầm uất nhất của thành phố. Lúc mới mở phố được đặt tên là Pôn Đume (Avenue Paul Doumer) – tên viên toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó nhân dân ta đã gọi là Cầu Đất. Năm 1946, phố mang tên đại lộ Hồ Chí Minh. Năm 1954 phố đổi tên thành Trần Hưng Đạo. Năm 1963 gọi lại là Cầu Đất.
          Tại sao phố lại gọi là “cầu đất” thì xuất phát từ nguyên nhân sau:
          Trước đây giữa hai làng An Biên và Gia Viên có con lạch nhỏ gọi là Liêm Khê, vốn là nhánh phụ của sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm. Chính con lạch này là tiền thân của kênh đào Bonnan được đào vào năm 1885. Bắc qua lạch, ở khu vực quán hoa hiện nay có một chiếc cầu nhỏ bằng tre, trên mặt đắp đất nên dân ta thường gọi là Cầu Đất. Tên phố sau này có nguồn gốc từ đó. Sau đấy Pháp thay thế cầu đất bằng cầu sắt, gọi là cầu Đume. Năm 1925, khi lấp kênh Bonnan, cầu sắt bị dỡ bỏ. Mặc dù thời gian trôi qua với nhiều đổi thay, hai làng An Biên và Gia Viên ngày càng bị cuốn vào quá trình đô thị hóa nhưng cái tên Cầu Đất không mất, nó vẫn tồn tại đến ngày nay.

Cầu Pôn Đume thời Pháp thuộc.

           Thời Pháp thuộc đây là một phố buôn bán và có nhiều nghề thủ công, chủ yếu là của người Việt như giầy da, bật bông, bánh kẹo, tiệm ăn, hiệu tạp hóa, chụp ảnh. Nói đến phố Cầu Đất không thể không nhắc đến nhà sách Mai Lĩnh (vừa là hiệu sách, vừa là nhà xuất bản), đây là một cơ sở cách mạng trong thời kì Cách mạng Dân chủ.
          Trên phố này những năm 80-90 từng có ba cửa hàng bách hóa lớn, một hiệu sách quốc doanh, một rạp chiếu bóng – Rạp Công Nhân dựa trên cơ sở rạp Cadinô (Casino) trước đây, đã được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhiều lần.
          Ngày nay phố Cầu Đất vẫn là một trung tâm buôn bán sầm uất của thành phố với những hiệu vàng, kính mắt, cửa hàng ăn uống, giải khát… Đặc biệt, phố này còn có nhiều cơ sở sản xuất-kinh doanh bánh cao lâu, bánh ngọt nổi tiếng nhất Hải Phòng như “Như ý”, “Đông phương”, “Thanh lịch”.
          Do vị trí của một con đường trung tâm, lại dẫn ra cửa ô phía nam thành phố và khu du lịch Đồ Sơn nên lưu lượng người và xe cộ qua lại rất đông, thường bị ùn tắc giao thông mỗi khi có xe lửa chạy qua đường sắt cắt ngang phố.

Ảnh phố Cầu Đất nay.

          P.V Thi biên soạn-bổ sung theo sách “Lược khảo tên đường phố và địa danh Hải Phòng” của tác giả Ngô Đăng Lợi.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học