Phật giáo Việt Nam dưới thời nhà Mạc

alt

Phật giáo Việt Nam từng có giai đoạn phát triển cực thịnh khi đạo Phật trở thành Quốc giáo (triều tiền Lê, triều Lý) và có những Quốc sư như Pháp Thuận, Ngô Khuông Việt và Minh Không mà nhà Vua cũng phải kính trọng và tham vấn việc trị quốc, an dân. Do nhiều nguyên nhân, dần dần đạo Phật suy giảm vị thế và đến khi nhà Hồ (Hồ Quý Ly) thay thế nhà Trần rồi nước ta bị nhà Minh đô hộ thì đạo Phật không còn vị trí đáng kể trong xã hội Đại Việt.

Kể từ khi Lê Hoàn lên ngôi năm 980 mở đầu cho thời kỳ đạo Phật thịnh và đến năm 1407 khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ để thống trị nước ta và thi hành âm mưu đồng hóa Văn hóa Việt thì phật giáo suy vi.

Giai đoạn cuối thời Hậu Lê khi triều chính suy đồi, kỷ cương hỗn loạn, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi với một số lãnh tụ cát cứ các địa phương thì Vua cũng trở lên bất lực không duy trì được vai trò trị quốc. Trong tình hình ấy, với thế lực mạnh và thực quyền của mình, Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê Cung Hoàng, lập lên nhà Mạc (tháng 6 năm 1527).

Trong 65 năm tồn tại chính thức (1527-1592) khi định đô ở Thăng Long và xây dựng Dương Kinh (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy nay) quê hương mình làm kinh đô thứ hai, nhà Mạc đã thực thi một số chính sách thúc đẩy kinh tế, thương mại, mỹ thuật dân tộc, kích thích Phật giáo và nhất là mở mang thi cử tuyển chọn nhân tài giúp nước.

Triều Mạc tuy trị vì ngắn ngủi nhưng cũng mang lại cho đất nước bước khởi sắc về trật tự xã hội, kinh tế và văn hóa trong đó có việc chấn hưng Phật giáo.

Nhà Mạc không ban hành chính sách cụ thể về tôn giáo tín ngưỡng nhưng dựa trên những việc làm thực tế của vua quan, các thành viên hoàng tộc trong việc cúng tiền, tặng đất hưng công, xây dựng chùa chiền, tạc tượng chứng tỏ triều đại này rất quan tâm tới việc phát triển đạo Phật.

Ngay sau khi nắm quyền, Mạc Đăng Dung đã cho sửa sang lăng miếu của vua Lê ở Nam Kinh và định kỳ cúng tế. Có quan điểm cho việc làm này chỉ là mị dân, che mắt thế gian, mong yên lòng người, tránh sự phản kháng của quần thần nhà Lê. Nhưng đánh giá như vậy có thật khách quan không? Nếu Mạc Đăng Dung không phải người nhân đức trung nghĩa thì sao lại làm vậy? Lịch sử Việt Nam đâu phải không có chuyện, để độc bá thiên hạ, các triều đại sau đã triệt phá dấu tích của các vương triều trước. Nên xem việc duy trì lễ cúng tế tông miếu nhà Lê của Mạc Đăng Dung không phải chỉ để tri ân một triều đại đối với đất nước. Lớn hơn thế, việc ông làm là để tôn vinh công trạng của nhà Lê với lịch sử dân tộc trong quan điểm “uống nước nhớ nguồn”.

Tiếp đó Mạc Đăng Dung lệnh cho trưởng thái giám hiệu Thụy Trúc thiền sư xây dựng chùa bà Đanh (chùa Thiên Phúc) ở Kiến Thụy – Hải Phòng. Có thể coi việc làm này là sự mở đầu cho công cuộc sửa sang, xây dựng lại những ngôi chùa đã bị phá bỏ trong thời kỳ thuộc Minh và lãng quên bởi nhà Lê sơ, tạo tiền đề cho sự phát triển của đạo Phật. Tư liệu văn bia thời Mạc là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ trở lại của đạo phật. Trong số 146 bia thời Mạc còn lại tới nay có tới 109 bia chùa với nội dung về ruộng đất chùa, việc xây dựng và người hưng công.

Đi tiên phong cho việc xây dựng chùa tháp, tạc tượng, đúc chuông là các thành viên của hoàng tộc nhà Mạc, tiếp đó là những người hiển danh có điều kiện kinh tế, cuối cùng là nhân dân địa phương. Theo tư liệu văn bia, có hàng trăm thành viên trong hoàng tộc và các đại thần của triều đình tham gia tu bổ và xây chùa phật.

Trong số những thành viên của hoàng tộc cung tiến tiền của xây dựng chùa trước hết phải kể đến các vị đương kim hoàng thượng như: Mạc Phúc Nguyên, đã ban “Cấm tiền” cho chùa Linh Cảm (Từ Sơn – Bắc Ninh, năm 1557), Mạc Mậu Hợp cúng 20 lạng bạc vào chùa Hoa Tân (Hải Phòng, năm 1582). Đặc biệt, Thài Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được xem là người cung tiến nhiều nhất hoàng tộc. Bà đã cúng 30 mẫu ruộng và 6000 lá vàng cùng bạc tiền cho trên chục ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh (Kiến Thụy nay) và vùng phụ cận. Do công đức xây chùa, bà được dân gian tôn phong là “mẫu nghi thiên hạ, là Phật sống trên trần gian”. Chính vì lẽ đó bà Thái Hoàng Thái Hậu được dân làng nhiều nơi tạc tượng thờ còn để lại đến ngày nay ở một số chùa thành phố Hải Phòng.

Vị Thái hoàng Thái Hậu này còn tham gia xây chùa Thiên Phúc (như đã nói ở trên) cùng các thành viên hoàng tộc khác như: Hoàng Thái Hậu họ Phan, Khiêm Thái Vương họ Mạc, Tĩnh Quốc Thái phu nhân họ Nguyễn, Tu Hòa Thái Trưởng công chúa họ Mạc, Bảo Gia thái trưởng công chúa họ Mạc, Phúc Thành thái Trưởng công chúa họ Mạc, Khiêm Thái Vương phi họ Mạc,…..Tổng cộng 33 người. Đặc biệt bà Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành Thái trưởng công chúa tham gia xây dựng hàng chục ngôi chùa, quán, trong đó có Ninh Tiên. Tình cảm và niềm tin tôn giáo khiến họ trở thành tín đồ có pháp danh: Đức Quảng (Mạc Ngọc Liễn) và Từ Đức (phúc Thành) như nhà tu hành thực thụ. Các thành viên trong hoàng tộc đã công đức xây khoảng 80/168 ngôi chùa được xây dựng thời kỳ này.

Sự hưng khởi của đạo Phật vào thời nhà Mạc còn thể hiện ở chính sách ruộng đất. Nhà nước cho phép cá nhân cúng ruộng vào chùa dưới dạng làm công đức và đặt hậu. Chính vì vậy, dưới thời Mạc hầu như chùa nào cũng có ruộng, trong đó nhiều chùa có số ruộng lớn hàng chục mẫu như: chùa Pháp Vũ (Thường Tín – Hà Nội) 70 mẫu, chùa Hoa Tân (Hải Phòng) 50 mẫu, chùa Nghiêm Quang ( Hải Phòng) 31 mẫu, chùa Thiên Phúc (Hải Phòng) 25 mẫu 1 sào 2 thước.

Còn ở những nơi xa kinh kỳ như Ninh Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, việc xây dựng chùa đều do các quan địa phương khởi xướng với sự tham gia đóng góp của nhân dân trong làng xã.

Vào thế kỷ XVI, trong phạm vi kiểm soát của Bắc triều (Triều Mạc làm chủ từ vùng đất Ninh Bình trở ra Bắc), Phật giáo lại có điều kiện hưng khởi. Khắp vùng Hải Dương, An Bang, Sơn Tây, Kinh Bắc chùa chiền mọc lên khá nhiều. các chùa Vĩnh Nghiêm, Luy Lâu thuộc Kinh Bắc đã được trùng tu. Trên đất Hải Dương các chùa Quỳnh Lâm, Sùng Quang, Đông Sơn được tu bổ lại to lớn, đẹp đẽ hơn.

Tư liệu về mỹ thuật đời mạc đến nay rất nghèo nàn vì chiến tranh và sự trả thù, thủ tiêu của tập đoàn Lê-Trịnh:

Năm 1592 khi truy kích quân Mạc ở huyện Thanh Hà thì nhà cửa tại các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn bị quân Lê-Trịnh đốt cháy gần hết.

Khi Chúa Trịnh giúp vua Lê khôi phục kinh sư đã đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai Hải Phòng, hủy bia đá ở mộ các thân vương nhà Mạc, chặt hết cây trồng trong lăng.

Tuy nhiên nhân dân nhiều nơi, nhất là người xứ Đông (gồm các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) vốn rất cảm tình với nhà Mạc đã gìn giữ được một số di vật quý giá mà từ trước năm 1945 ta đã biết là các bia đá và chân đèn gốm khắc rõ các niên hiệu thời Mạc, sau đó lại biết tượng Mạc Đăng Dung và bà bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ Mạc Đăng Dung) ở chùa Thiên Phúc (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy, Hải Phòng); Tượng Mạc Đôn Nhượng ở chùa Phúc Linh (thôn Nhân Trai, xã Đại Hà, Kiến Thụy).

Năm 1987 pho tượng Đức Vua (nhà Mạc) bằng đá ở chùa Hưng Khánh, thôn Trung Hành, xã Đằng Lâm (nay thuộc quận Hải An, Hải Phòng) được hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hạnh và Nguyễn Anh Tuấn đoán định thuộc thời Mạc.

Năm 1992, Viện Mỹ thuật đã trở lại 3 ngôi chùa trên để thẩm định phong cách và tìm hiểu những văn tự bổ trợ góp phần làm rõ niên đại và nhân thân tượng.

Ở chùa Thiên Phúc, tượng bà Vũ Thị Ngọc Toản ở trong vòm có 2 chữ Động Phủ, phía nam có 2 dòng chữ “trung nguyên tân hội niên tứ nguyệt sơ nhất nhật” “Tăng Phúc Huyền phụng hoành” cho biết tượng được làm từ năm 1551 do nhà sư Phúc Huyền tổ chức làm. Còn tượng Đức Vua ở chùa Hưng Khánh tìm được dòng chữ “Quý mùi niên, Trung Hành xã. Phù Đông Hầu tạo – Kính chủ xa – Ngũ nhân tạo” cho biết niên đại của tượng là 1583, do ông Phù Đông, tước hầu ở xã Trung Hành đặt làm (hay tạc tượng mẫu), còn tạc trực tiếp là 5 người thợ ở xã Kính Chủ.

Trở lại chùa Phúc Linh, pho tượng đá cho là của Mạc Đôn Nhượng có tước hiệu là Khiêm Vương. Nhưng Khiêm Vương lại là tước hiệu của Mạc Kính Điển còn tước hiệu của Mạc Đôn Nhượng là Ứng Vương. Vả lại pho tượng lại có dáng hình giống như tượng Đức Vua (Thái tổ Mạc Đăng Dung) ở chùa Hưng Khánh đã nói ở trên và chùa Bạch Đa và chùa Đại Linh dưới đây. Ngoài ra ở chùa Phúc Linh còn có pho tượng gỗ Ông Thiện có dáng dấp chung gợi nhớ tượng Mạc Đăng Dung ở chùa Thiên Phúc (Trà Phương). Phải chăng pho tượng đá ở đây cũng là Đức Vua (Mạc Đăng Dung) như ở chùa Hưng Khánh, còn pho tượng gỗ mới là Mạc Đôn Nhượng.

Chùa Phúc Hải (xã Đa Phúc) có pho tượng đá đức vua to bằng người thực, đội mũ bình thiên, áo hoàng bào, cầm hốt, ngồi ngai, tạc năm 1580. Chùa Đại Linh (thôn Đại Trà, xã Đông Phương, Kiến Thụy) có hai pho tượng đá là Đức Vua và Quan âm tọa sơn, tạc năm 1570. Chùa Thiên Phúc (thôn Hòa Liễu) có khá nhiều tượng đá có thể thuộc thời Mạc. Bên cạnh bộ tượng Tam Thế phải kể đến hai tượng Ông Hoàng được tạo hình mang dáng dấp tượng Đức Vua ở các chùa

trên, chỉ khác là ngồi bục chứ không ngồi ngai.

Có thể thống kê được 7 pho tượng Đức Vua ở Hải Phòng được cho là vua Mạc (Mạc Đăng Dung hoặc Mạc Mậu Hợp). Hai vị vua này để lại dấu ấn trong dân gian vì Thái tổ Mạc Đăng Dung có công lập lên triều Mạc, còn Mạc Mậu Hợp là người giữ ngai vàng lâu nhất (1562-1592)

Chùa Minh Phúc (Thôn Minh Thị – Xã Toàn Thắng – Huyện Tiên Lãng) cũng có tượng bà Hoàng Thái Hậu Vũ Thị (Bà Hoàng Thái Hậu có tên là Vũ Thị Quỳnh là vợ ba Thái Tổ Mạc Đăng Dung) gắn vào tấm bia mang hình thức vòm động có 3 chữ “Vân Thủy Âm”. Tượng có hình khối, đường nét bố cục tương tự tượng bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản ở hai chùa Hòa Liễu và Trà Phương. Trong tâm thức người dân Kiến Thụy, Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản dường như được đồng hóa với hình tượng Phật bà Quan âm có lẽ bởi lòng thương dân và những đóng góp cho việc hưng công, cúng dàng xây dựng chùa chiền. Hội minh thề khởi nguồn ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy là một minh chứng cho thái độ chống tham nhũng, tư lợi của bà.

Cuộc nội chiến Lê Mạc kéo dài hơn 140 năm đã gây lên bao nỗi khổ triền miên cho nhân dân, khiến con người tìm đến với đạo phật như một cứu cánh tinh thần. Đạo Phật đã chỉ cho con người thấy cuộc đời là bể khổ trầm luân, giả tạm. Từ Hoàng Hậu, thân vương, công chúa triều Mạc đến dân thường đã tìm thấy ở đạo Phật niềm an ủi trong tâm hồn.

Cần phải nói rằng trong thời Mạc, giáo lý Phật giáo kém phát triển. Mặc dù dưới triều Mạc xuất hiện một thiền sư khá nổi tiếng là Chân Nghiêm trụ trì tại chùa Sùng Quang, xã Xuân Lâm, huyện Cẩm Giàng có nguyện ước bảo tồn truyền thống dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, nhưng nhìn chung thời này giáo lý không có gì mới. Thiền sư Chân Nghiêm cho in và công bố sách Thánh Đăng Ngữ lục và viết lời tựa cho sách này vào năm 1550 đời Mạc Phúc Nguyên. Sách ghi chép tiểu sử của 5 vị đại thiền sư đời Trần là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang và Trần Minh Tông. Hạn chế của Thánh đăng ngữ lục là có nhiều tài liệu trùng với  Tam Tổ Thực Lục và Khóa Hư Lục.

Thời Mạc, ở các chùa làng có khá nhiều pho tượng Phật có giá trị lịch sử và mỹ thuật. Đặc biệt, pho Quan Âm Nam Hải ở chùa Đa Tốn (Gia Lâm-Hà Nội) có 42 tay lớn và 652 tay nhỏ. Đối với loại tượng quan âm nhiều tay thì đây là pho tượng ra đời sớm nhất ở nước ta. Mặt tượng có kiểu chân dung với vẻ đôn hậu, tươi mát của người thôn nữ Việt Nam bình dị.

Từ mật độ đình, chùa được xây dựng dưới thời Mạc và việc người dân bí mật bảo vệ hình tượng các thân vương nhà Mạc như Mạc Đăng Dung, Mạc Đôn Nhượng, 2 bà Hoàng Thái Hậu nói trên… cho thấy nhà Mạc đã biết cách lấy lòng dân thông qua hoạt động hoằng dương đạo Phật, đề cao khoa cử và như thế mới giải thích được việc tại sao khi nhà Mạc thất thế mà lòng dân xứ Đông vẫn tin theo (Nhiều tượng Đức Vua được che dấu dưới ao, giếng hay tượng bà Hoàng Thái Hậu, công chúa Mạc ẩn dưới lốt Phật bà quan âm, chúa Thượng Ngàn).

Cuối cùng, để đánh giá công lao của nhà Mạc đối với đạo Phật và văn hóa dân tộc, xin dẫn ra đây nhận định sau của các học giả: trong cuốn Mỹ thuật thời Mạc (Hà Nội, 1993), các nhà nghiên cứu khi xem xét mỹ thuật thời Mạc thể hiện trên các kiến trúc, điêu khắc, trang trí đình chùa, tượng Phật, tượng thờ, gốm sứ đã kết luận thời nhà Mạc trị vì là thời đại chấn hưng của Phật giáo sau hàng trăm năm bị ức chế bởi chủ trương dương Nho ức Phật của nhà Lê sơ. Sự hưng khởi này đã tạo ra sức sống mãnh liệt cho một nền mỹ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, dân gian.

Phạm Văn Thi

(CLB Hải Phòng học)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học