Phạm Gia Mô – công thần nhà Mạc.

Ảnh minh họa sắc phong triều Nguyễn.

Phạm Gia Mô thuộc dòng dõi Phạm Sư Mạnh – một văn sĩ nổi tiếng đời Trần. Chi họ này sau di cư về làng Quỳnh Khê, huyện Kim Thành, Hải Dương, rồi di cư về làng Lê Xá, huyện Nghi Dương (Kiến Thụy-Hải Phòng nay). Ông là cháu của Phạm Cao (có tài liệu viết là Phạm Hạo). Phạm Hạo dự thi tiến sĩ khoa Đinh Mùi triều Lê Thánh Tông, nămồng Đức thứ mười tám (1487), đỗ Hoàng Giáp, làm quan đến chức Thượng Thư.

Phạm Gia Mô người làng Lê Xá, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông từng làm quan dưới triều Lê sơ và sau đó là triều Mạc. Ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Ất Sửu (1505), niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất, đời vua Lê Uy Mục. Đến năm Quang Thiệu thứ năm (1520) đời Lê ông đã được thăng Thượng thư bộ Lễ, tước Hoành Lễ hầu.

Với Mạc Đăng Dung – thái tổ Hoàng đế nhà Mạc ông có quan hệ thông gia và cùng huyện, lại làm quan đồng triều nhà Lê sơ nên khá thân thiết. Chính ông đã bày mưu kế giúp Mạc Đăng Dung nắm trọn binh quyền của triều đình, tạo điều kiện để họ Mạc lật đổ ngai vàng họ Lê. Do đó khi nhà Mạc giữ ngai vàng, Phạm Gia Mô được xếp vào loại công thần khai quốc, được ban tước cực phẩm: Khai phủ Bình chương Quân Quốc trọng sự, Thái sư, Hải quốc công, tước Hoành lễ hầu và được dựng phủ đệ ở quê nhà (khu đất ngoài đê, gần bến xe Lê Xá). Khi nhà Lê Trung hưng lại, đã trả thù ông khốc liệt (giống như trả thù nhà Mạc). Con cháu ông bị giết hại, truy sát, phủ đệ ở Lê Xá và mồ mả bị triệt hạ. Tên ông ở bia Tiến sĩ Văn miếu Quốc tử giám cũng bị đục bỏ. Con trai ông là Phạm Gia Môn cũng làm quan với nhà Mạc sau bị nhà Lê Trung hưng bức hại.

Phải đến đời Nguyễn dân làng Đồng Mô cùng tổng mới có thể thờ ông làm Thành hoàng. Đền thờ ông đã đổ nát trong chiến tranh.

Thần sắc (triều Nguyễn) do Viện Viễn Đông bác cổ sưu tầm về ông hiện còn lưu giữ ở thư viện Hán – Nôm (Hà Nội).

P.V Thi biên soạn theo: Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân  vật lịch sử Việt Nam (từ khóa “Phạm Gia Mô”).- Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1992; Website “hophamvietnam.org” và  Tư liệu điền dã.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học