Phải chăng Phật giáo truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam đầu tiên qua ngả Đồ Sơn (Hải Phòng)?.

Bán đảo Đồ Sơn nhìn từ trên cao.

       Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam có câu hỏi đặt ra là Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường nào và phải chăng đạo Phật được truyền bá vào châu thổ sông Hồng đầu tiên qua ngả Đồ Sơn – Hải Phòng?. Vấn đề nữa là, trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt thì Chử Đồng Tử là một trong bốn vị thánh bất tử nên truyện ông đi buôn, học đạo Phật rồi rủ vợ là công chúa Tiên Dung cùng tu đạo là một chuyện rất thú vị, cần được nghiên cứu để trả lời câu hỏi có phải Chử Đồng Tử là tín đồ Phật giáo đầu tiên của nước ta.
       Một số tác giả có những luận điểm khác nhau về vấn đề này. Có người thì cho rằng đạo Phật được truyền bá sớm nhất vào Việt Nam là ở thời Hùng Vương thứ III (hoặc Hùng Vương thứ 18) và đệ tử đầu tiên của đạo Phật là Chử Đồng Tử. Luận cứ này dựa trên truyện Chử Đồng Tử được truyền đạo (truyện Nhất Dạ Trạch trong sách Lĩnh Nam trích quái). Trong đó có nói đến việc trên đường đi buôn trên biển, Chử Đồng Tử có ghé vào núi Quỳnh Viên (có sách chép là Quỳnh Vi), được một đạo sư giảng pháp và khi về tặng cho hai pháp khí là cái nón và cây gậy phép. Có người lại cho rằng vùng Đồ Sơn là nơi đầu tiên du nhập đạo Phật từ Tây Trúc (Ấn Độ) ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên (cuối thời Hùng Vương). Địa danh núi Quỳnh Viên nhiều người cho rằng là ở cửa Sót (Hà Tĩnh), có người thì lại cho là ở Đồ Sơn – Hải Phòng như hai tác giả Trịnh Minh Hiên (nhà sử học) và Đồng Hồng Hoàn trong cuốn sách “thành NêLê – Đồ Sơn thời Asoka”. Theo tôi thì núi Quỳnh Viên thuộc tỉnh Hà Tĩnh bởi những chứng cứ sau đây:
       Thực tế có tồn tại một dãy núi có tên Quỳnh Viên trên bản đồ nước ta. Quỳnh Viên là tên xưa nhất của dãy Nam Giới, thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sách “Nghệ An chí” của tiến sỹ Bùi Dương Lịch (thời Gia Long) chép: “Huyền sử đời Hùng Vương tương truyền rằng Chử Đồng tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở Rú Bể nên gọi là núi Quỳnh Viên và đó cũng là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới này”. Nam Giới – Quỳnh Viên nằm bên Cửa Sót, một trong bốn cửa biển lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Mặt trước dãy núi Nam Giới – Quỳnh Viên lấn ra tận bờ biển Đông nên nhiều người cho rằng thủa xưa các thuyền buôn nước ngoài thường ghé vào đây lấy nước ngọt. Nam Giới chính là biên giới Việt Nam ta với quốc gia Chiêm Thành ở phía nam thủa còn tồn tại vương quốc này. Năm 1470, khi vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành qua cửa Sót – Hà Tĩnh có bài thơ với 2 câu nói về núi Quỳnh Viên – Nam Giới: “Di miếu mạn truyền kim Vũ Mục/Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (dịch nghĩa: Ngôi miếu còn lại ngày nay truyền rằng đó là miếu thờ Vũ Mục. Kể về ngọn núi danh tiếng thì có núi Quỳnh Viên xưa). Trong đó Vũ Mục là tướng Lê Khôi (cháu Lê Lợi), nhân vật lịch sử đã tử trận trên đường đi chinh phạt Chiêm Thành về và được mai táng tại đây. Cứ cho là Chử Đồng Tử học đạo ở núi Quỳnh Viên thì không có nghĩa là đạo Phật đã được truyền bá tới nhiều cư dân ở đây. Bởi nếu vậy thì ở vùng này chắc phải có truyền thuyết về tháp cổ tương tự tháp Asoka ở Đồ Sơn để ghi dấu nơi đây đã được phổ biến đạo Phật.
       Huyền sử Chử Đồng Tử được nhà sư tên Ngưỡng Quang hay Phật Quang tặng 2 pháp khí (cây gậy và cái nón) mà sau đó dùng nó để biến thành lâu đài, thành quách, binh lính, kẻ hầu hạ  tất nhiên không có sức thuyết phục, nhất là truyện lại xảy ra cách đây mấy nghìn năm. Tuy nhiên trong đó cũng có thể có vài phần là hiện thực như việc học đạo, cứu người. Còn núi Quỳnh Viên có phải ở Đồ Sơn không thì cần các bằng chứng xác đáng hơn. Việc chúng ta cần xem xét là những chứng cứ xác thực về việc đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam từ ngả nào.
       Dựa trên các thư tịch cổ bằng chữ Hán hiện còn lưu trữ do người Trung Hoa ghi chép chứ không phải truyền thuyết thì giờ đây đa phần các học giả, người nghiên cứu lịch sử Phật giáo đã ngả về luận điểm là đạo Phật được truyền vào nước ta vào thế kỷ thứ III trước công nguyên qua các nhà sư Ấn Độ đi theo các thuyền buôn nước họ tới Việt Nam khi ghé vào vùng biển Đồ Sơn. Chúng ta sẽ xem xét các cứ liệu sau đây:
       Trong tập thơ “Đồ Sơn bát vịnh” của hương cống triều Hậu Lê là Hoàng Văn Hoàn, tự Miễn Trai, hiệu Hiếu Tử – một người trong tộc họ Hoàng ở Đồ Sơn mà từ đường dòng họ còn lưu giữ được có bài thứ 5, nhan đề “Tháp Sơn hoài cổ” (lên núi Tháp nhớ truyện xưa). Bài thơ có nhắc đến tháp cổ của vua Adục (Asoka), chuông cổ chùa Vân Bản là những di tích, vật chứng lịch sử:
       Tháp cổ trơ nền đám cỏ vùi,
       Dục Vương đi khỏi bỏ hoang thôi.
       Ngàn cân vật báu reo dòng nước,
       Chín đợt phù đồ hoá kiếp đôi.
       em>Chống búa anh tiều ngơi dốc đá,
       Đuổi trâu chú mục xuống lưng đồi.
       Lên cao muốn gặp sư đàm đạo,
       Nghe tiếng chuông đâu điểm một hồi.
       Từ bài thơ có thể thấy trên núi Tháp (do có tháp Tường Long được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng năm 1058) từng có một bảo tháp do nhà vua Ấn Độ là Adục vương cho xây dựng (tháp Asoka). Tương truyền tháp Tường Long được xây trên nền tháp Asoka hoặc gần đó. Năm 2017 thành phố Hải Phòng đã hoàn thành việc phỏng dựng lại ngôi tháp Tường Long xưa tại địa điểm từng tồn tại của nó trên đỉnh Long Sơn thuộc phường Ngọc Xuyên-Đồ Sơn. Tháp Asoka được cho là do nhà sư Ấn Độ khi truyền đạo ở Đồ Sơn đã xây dựng theo phong cách các tháp từng tồn tại dưới thời vua Asoka để lưu dấu việc đạo Phật được truyền bá ở đây. Một số tài liệu cổ Trung Hoa cũng nhắc đến địa danh thành Nê Lê và tháp Adục (Asoka), theo đó cái tên Nê Lê có nghĩa là bùn đen được nhiều tác giả gán cho vùng Đồ Sơn.
       Nê Lê trong các tài liệu chữ Hán được viết là “泥黎”. Tác giả Claude Madroll (người có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á) trong tác phẩm Le Tonkin ancien BEFEO, XXXVII (xuất bản 1937, tr. 262-332) căn cứ theo mặt chữ Hán đã giải thích Nê Lê có nghĩa là “bùn đen”. Từ đó Claude Madroll cho rằng Nê Lê ở vùng Đồ Sơn – Hải Phòng, bởi vùng này có nhiều bùn đen.
       Về địa lý, do nằm giữa hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc, hàng năm Đồ Sơn nhận hàng vạn m3 phù sa chảy ra. Bởi vậy vùng này được bồi đắp nhiều bùn đất. Có lẽ bởi vậy mà vùng này được gọi là xứ bùn đen (Nê Lê) chăng?.
       Tên gọi Nê Lê đã được một số thư tịch cổ Trung Hoa nhắc tới.
       Theo tài liệu Giao Châu ký (交州記, thế kỷ IV) của Lưu Hân Kỳ (劉欣期) thời Đông Tấn, thì “…Thành Nê Lê ở phía đông nam huyện An Định, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A-dục xây dựng vẫn còn. Những người đốn hái củi gọi là Kim tượng.”
       Sách Thủy kinh chú (thế kỷ VI) của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy, dẫn theo sách “Lâm Ấp ký” (林邑記) chép: “Từ Giao Chỉ đi về phía Nam, có ngách sông chảy ra từ phố Đô Quan Tắc. Con sông này từ phía đông đi qua huyện An Định, đi ngang với sông Trường Giang ở phía Bắc. Trong sông, có nơi Việt vương đúc thuyền đồng. Khi nước triều rút, người ta còn thấy dấu vết. Sông lại chảy về phía đông, cách sông có thành Nê Lê, nghe nói là do vua A-dục dựng”.
       Vùng đất An Định được sách “Sử học bị khảo” của Đặng Xuân Bảng xác định là đất gần biển, lại ở phía đông của Câu Lậu. Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng viết: “An Định là huyện cổ thời Hán, một trong 10 huyện thuộc quận Giao Chỉ. Một phần huyện này và một phần của hai huyện Kê Tử, Câu Lậu (đều ở phía bắc đồng bằng Giao Chỉ) nằm trong địa bàn Hải Phòng ngày nay”. Mà trong Thủy kinh chú ghi rõ: “thành Nê Lê ở đông nam huyện An Định”, vậy chắc chắn thành Nê Lê ở Đồ Sơn Hải Phòng vì khu vực này chỉ có dải đất Đồ Sơn là bán đảo chạy dài nhô ra biển theo hướng đông nam.
       Ở Đồ Sơn có một ngôi chùa thiên tạo trong vách núi còn gọi là hang Cốc Tự  thuộc khu 1, phường Vạn Sơn. Theo lời kể của các Phật tử tại chùa, thủa xưa có nhà sư nước Thiên Trúc (thường gọi là sư Bần) đã đến truyền đạo và tu hành tại chùa Hang và viên tịch tại đây. Ông cùng các đệ  tử còn dựng chùa trên núi Chòi Mòng (Mẫu Sơn). Trước kia chùa Hang nằm sát mép biển (thời kỳ biển tiến), trải qua thời gian, đến nay biển lùi xa nên hang Cốc Tự nằm ở vị trí hiện nay (bên đường nhựa từ khu I vào khu II Đồ Sơn).

Tượng sư Bần (Phật Quang) trong chùa Hang – Đồ Sơn.

       Đến nay ở Đồ Sơn còn trong nhân dân còn lưu truyền nhiều câu thơ nói về chùa Hang:
       Chùa Hang , động Phật, hang Dơi
       Bốn phương tám hướng chẳng nơi nào bằng
       Hay:
       Chùa hang cảnh Phật nhiệm mầu
       Ấy là Bụt mọc hay bầu Tiên xây.
       Ngược lại quá khứ:
       A Dục vương (Asoka) là một vị vua sùng đạo Phật, từng trị vì tại Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước CN). Ông là một quốc vương từng chinh phạt và thống nhất được một lãnh thổ rộng lớn trên lục địa Ấn Độ (lớn hơn ngay cả Ấn Độ hiện nay). Nhờ sự ủng hộ tích cực của nhà vua nên đạo Phật đã phát triển mạnh trong vương quốc của ông và được truyền đi nhiều nơi bên ngoài Ấn Độ.
       Các nghiên cứu cho thấy, sau lần kiết tập kinh điển lần thứ III, với sự ủng hộ tích cực của vua A Dục và Đại lão Hòa thượng chủ tọa Moggaliputta Tissa, nhà vua đã cử 9 phái đoàn đi khắp nơi trên thế giới truyền đạo. Các nhà sư đã đi cùng thuyền buôn của các thương gia Ấn tới các nước bằng đường biển. Trong đó, đoàn thứ 8 do ngài Sona và Uttara đã đến vùng Kim Địa (bao gồm nước Miến Điện, các nước Đông Dương và một phần Mã Lai. Khi đến Việt Nam, đầu tiên đoàn đã ghé vào Nêlê – Đồ Sơn. Một trong số các nhà sư đã ở lại tu tập ở hang Cốc Tự (chùa Hang) và truyền giáo lý nhà Phật. Nhà sư này có thể là sư Bần (hay Phật Quang?) mà truyền ngôn ở Đồ Sơn nói đến. Cũng có thể Chử Đồng Tử trên đường đi buôn cùng thương gia giàu có nào đó đã ghé vào đây xin nước ngọt, gặp nhà sư và được truyền đạo Phật.
       Củng cố cho giả thuyết này còn có huyền tích lưu truyền ở Đồ Sơn và Kiến Thụy về việc Chử Đồng Tử cứu con bà Đa. Ở vùng Đồ Sơn, Kiến Thụy Hải Phòng có truyền thuyết về việc Chử Đồng Tử trên đường ra biển buôn bán có ghé vào hang Cốc Tự (chùa Hang – Đồ Sơn) gặp sư Bần (người Ấn Độ) đang truyền đạo ở đó, được ngài cảm hóa đã bỏ nghề đi buôn để tu Phật. Đây có lẽ là chứng cứ cho rằng Chử Đồng Tử cũng là một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo cổ truyền từ Ấn Độ vào Việt Nam 200-300 năm trước công nguyên.
       Truyện rằng, trên đường về Hưng Yên qua lối sông Đa Độ chảy qua địa phận trang Cốc Liễn (thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy nay), Chử Đồng Tử dã dùng cây gậy thần (một trong 2 pháp khi sư Phật Quang tặng) cải tử hoàn sinh con bà Đa bị chết đuối nên được dân làng cảm tạ, trả ơn, nhưng ông nhất quyết không nhận. Dân chúng hỏi danh tính, ông cho biết tên là Đông An, người xứ Tứ Xuyên rồi ra đi. Sau đó mẹ con bà Đa lập miếu thờ tri ân công đức ngài, gọi là miếu thị Đa (nay không còn do thiên nhiên, thời tiết hủy hoại). Sau này, dân làng cho người dò tìm thì được biết ở vùng Đông An, đất Tứ Xuyên (xã Vĩnh Hóa, tổng Phúc Dương thuộc Hưng Yên nay) có một thần nhân tên là Chử Đồng Tử, có phép thuật, thường đi khắp nơi cứu nhân, độ thế bèn dựng đình thờ ông làm Thành hoàng làng với duệ hiệu là thần Đông An.
       Người viết bài này từng đến đình làng Cốc Liễn (ngày 6/4/2017), gặp ông Rọm – Trưởng làng Văn hóa và bác Vũ Lệnh Năng – nguyên cán bộ Ban nghiên cứu lịch sử thành phố Hải Phòng để tìm hiểu về lịch sử miếu Thị Đa và cụm di tích đình – chùa Cốc Liễn. Được biết, tại đây hiện thờ thần Đông An (hay Chử Đồng Tử) – Thành Hoàng của làng và phối thờ cả Đông Hải Đại vương. Hiện nay đình Cốc Liễn còn lưu giữ được các đồ thờ như long đình, bát biểu, ngai thờ thánh, hương án tiền, cuốn thư quán tẩy sổ, chưa kể 2 vật tượng trưng là thanh gươm và chiếc gậy phép. Ở đây chiếc gậy phép là của thánh Chử và thanh gươm là của Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (một viên tướng cuối đời Lý).
       Ban quản lý cụm Di tích đình – chùa Cốc Liễn còn lưu giữ được 17/21 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam phong Thượng đẳng thần kèm mỹ tự cho Thành Hoàng làng là Đông An, trong đó sắc phong đầu tiên mang niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 6 được dân làng lưu giữ, còn đến ngày nay cùng với 20 đạo sắc phong khác từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn (Khải Định năm thứ 9).
       Trong tác phẩm “Le Boudhisme en Annam des origines jusqu’au XIII è Siècle” (1932) – cố giáo sư Trần Văn Giáp đã công bố rằng: Viện Viễn Đông Bác cổ đã tìm thấy một số cuốn sách cổ có giá trị về lịch sử Phật giáo nước ta ở Hải Phòng hoặc gần khu vực Hải Phòng, đó là hai bản “Tam tổ thực lục” được cất tại chùa Pháp Vũ, làng Đồng Lại, huyện Vĩnh Lại (thuộc Hải Dương), nay là huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ngoài ra còn có “Ngự chế Thiền uyển thống yếu kế đăng lục” của Như Sơn, phụng chiếu thảo (gồm 3 quyền, bản khắc gỗ) được cất ở Nguyệt Quang tự (chùa Đông Khê – Hải Phòng).
       Vậy thì có thể khẳng định hay không câu hỏi Phật giáo đã từng hiện hữu đầu tiên ở Hải Phòng, trước cả trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Thuận Thành (Bắc Ninh)?.
       Đáng chú ý là nghiên cứu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, C.Madrolle cũng cho rằng Phật giáo truyền vào xứ Đông (vùng Hải Dương – Hải Phòng) trước hết từ Nê Lê (Đồ Sơn hiện nay).
       Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy, vùng đất Hải Phòng ngày nay đã có nhiều sự thay đổi đáng kể vào thời kỳ biển tiến và biển lùi. Vùng biển Hải Phòng xưa kia từng tiến sâu vào đất liền, rất gần Cổ Loa, Luy Lâu… và sau này, đến thế kỷ 18, với các sông ngòi chằng chịt của hệ thống sông Thái Bình và sông Hồng, giao thương buôn bán ở miền Bắc đã khá phát triển. Các nhà hàng hải, nhà buôn Hà Lan từng vẫn lấy núi Voi huyện An Lão (Hải Phòng) để làm mốc xác định vào nội địa Đàng Ngoài (miền Bắc) buôn bán.
       Hiện nay, để nghiên cứu xác thực tháp Asoka ở vị trí nào tại Đồ Sơn và  có tồn tại thành NêLê mà thư tịch cổ Trung Hoa nói đến hay không là việc không đơn giản. Có lẽ chỉ khoa học khảo cổ dưới nước mới trả lời chính xác được câu hỏi này (điều mà hiện nay chúng ta chưa thể làm được). Nhưng nếu kết hợp với công tác nghiên cứu điền dã, khai quật, khảo cổ chắc chắn sẽ đem lại những kết quả khả quan cho vấn đề nghiên cứu đạo Phật du nhập vào Việt Nam, nhất là để khẳng định luận điểm Đồ Sơn là nơi đầu tiên tiếp thu Phật giáo cổ Ấn Độ.

       PV. Thi, Hội KHLS Hải Phòng.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học