Núi Voi quê tôi.

       “Kiến An có núi ông Voi
       Có sông Văn Úc, có đồi Thiên Văn”
       Câu ca này có lẽ ra đời vào tháng 1 năm 1888, dưới thời thuộc Pháp khi chính quyền thuộc địa thành lập tỉnh Kiến An, khi đó huyện An Lão thuộc đơn vị hành chính này.
       Núi Voi (Tượng Sơn) là một ngọn núi cao nhất ở phía bắc Kiến An (143m), bên bờ sông Lạch Tray, nằm giữa hai xã An Tiến và Trường Thành. Sở dĩ có tên này là do núi có hình một con voi đang nằm phủ phục, lưng quay về thôn Phương Chử (xã Trường Thành), đầu quay về thôn Tiên Hội (xã An Tiến). Đây là một thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng của quê tôi. Nó nằm nổi bật giữa một vùng đồng bằng mênh mông, dưới chân là con sông Lạch Tray, xa xa là sông Đa Độ uốn khúc. Ngọn núi này đã được ghi trong sử sách. Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “Núi Voi ở cách huyện An Lão 8 dặm về phía Tây Bắc, hình thế như con voi nằm, núi có hang, trong có nhiều thạch nhũ”. Sách Hải Dương toàn hạt dư địa chí thì ghi: “Núi Voi, cao khoảng 50 trượng, rộng khoảng 30 mẫu. Trong núi có hang Voi phong cảnh đẹp. Động Voi ở sườn núi, trông tựa hàm voi, có thể chứa được hơn 100 người, trông lên thấy được ánh sáng; phía dưới có hai giếng: giếng bên phải nước rất trong, giếng bên trái nước đục, trông không thấy đáy.
       Núi Voi cũng từng được người nước ngoài nhắc đến. Thế kỷ 17, các thương thuyền của công ty Đông Ấn (Hà Lan) đã giao thương buôn bán bằng đường thủy với Đàng Ngoài (Bắc Kỳ). Năm 1688, trong cuốn sách Du hành và Khám phá, tác giả  William Dampier đã mô tả con đường tiến vào sông Thái Bình qua cảng thị Dome (Tiên Lãng) để tới Phố Hiến đã lấy mốc núi Voi làm tiêu: “Con sông (hay cửa sông) thứ hai là đường chúng tôi đi vào. Nó rộng và sâu hơn nhiều so với nhánh thứ nhấtTôi không biết tên chính xác của nó là gì, nhưng để phân biệt với nhánh kia, tôi sẽ gọi nó là sông Domea, tại vì thành thị đáng kể thứ nhất mà tôi trông thấy trên bờ mang tên ấy. Cửa con sông này ở vĩ tuyến 20 độ 45 phút, đổ ra biển cách Rokbo độ 20 lý (96 km) về phía đông bắc. Giữa hai con sông này có nhiều dải cát hõm sâu rất nguy hiểm, trải dài ra xa khơi đến 2 lý (9,6 km) hoặc hơn thế nữa.…  Mốc đánh dấu con sông này là một trái núi to, cao và rất dài ở trong đất liền, mà người ta gọi là Núi Voi. Phải chiếu thẳng mũi tầu về phía quả núi ấy theo hướng tây bắc, một phần tư ngả về phương bắc, sau đó căng buồm đi vào bờ sẽ thấy nước nông hơn”. 
       Với nhiều hang động lớn và được bao bọc bởi hai con sông Lạch Tray, Đa Độ cùng với địa thế hiểm trở, Núi Voi đã từng được lựa chọn là căn cứ quân sự – hậu cần qua nhiều thời kỳ chống ngoại xâm và chiến tranh. Vào những năm 40 sau công nguyên, nữ tướng Lê Chân cũng đã chọn Núi Voi để xây dựng căn cứ, luyện quân chống ách đô hộ của nhà Đông Hán.
       Thế kỷ 16, tại Núi Voi nhà Mạc đã xây dựng căn cứ tiền đồn lớn để bảo vệ cửa ngõ Dương Kinh (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) với thành lũy, hang hậu cần, đấu đong quân và đào sông, khơi ngòi để luyện binh. Trong thời kỳ này, nhiều công trình kiến trúc như cung điện, thành quách, chùa chiền được tu bổ ở khu vực núi Voi. Tuy nhiên, đến nay các công trình này không còn, chỉ còn lại dấu tích qua một số địa danh như hang Chạn (bếp), kênh nhà Mạc, phủ chúa.
       Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, núi Voi là căn cứ khởi nghĩa chống Pháp của các lãnh tụ Lãnh Tư và Cử Bình.
       Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Núi Voi cũng từng là căn cứ chống Pháp, trở thành tên gọi của đại đội du kích Núi Voi do Huyện Ủy An Lão cho thành lập vào đầu năm 1949, rồi Tiểu đoàn Núi Voi (giữa năm 1949). Những cán bộ, chiến sĩ Núi Voi đã chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, từng làm khiếp đảm quân Pháp. Câu ca “Đứng trên đỉnh núi ta thề, không giết được giặc không về núi Voi” một thời trở thành phương châm chiến đấu của dân quân, du kích và bộ đội  địa phương huyện An Lão.
       Du kích Núi Voi được sự nuôi dưỡng, chở che của nhân dân toàn huyện An Lão, đặc biệt là hai xã An Tiến và Trường Thành đã thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường. Nhiều đồng chí bị địch vây hãm trong hang Núi Voi hàng tuần, đói cơm, khát nước, bị bom đạn và hơi cay của địch, vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Hiện nay tại núi Voi có cái hang mang tên Gìa Vị để lưu dấu kỷ niệm về người du kích già thường trực canh gác, đánh kẻng báo cho du kích, bộ đội ta về sự xuất hiện của quân thù. Ngoài ra còn có hang Thành Ủy – một địa chỉ đỏ đánh dấu thời kỳ Thành ủy Hải Phòng sơ tán về đây để lãnh đạo quân và dân thành phố chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.
       Thời kỳ chống Mỹ, núi Voi là một trận địa phòng không bảo vệ cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Trung đội gái Núi Voi, với 28 xạ thủ, vai vác đại liên 12 ly 7 lên đỉnh núi Voi phục kích, chống trả oanh liệt với máy bay Mỹ. Tháng 11-1967, chị em du kích đã bắn rơi một máy bay siêu âm A4 của giặc Mỹ, được thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và huy hiệu của Hồ Chủ Tịch. Truyền thống kiên cường của du kích và bộ đội núi Voi đã được lưu dấu trong lịch sử quân sự quân Khu Ba, trở thành biểu tượng anh hùng của huyện Kiến An cũ.
       Ngày nay ngay dưới chân núi có động Long Tiên cùng hang Nam Tào, Bắc Đẩu. Trong động thờ bà Lê Chân.
       Các hang động đẹp tại Núi Voi có thể kể ra như hang Chiêng (gõ vào vách đá phát ra tiếng kêu vang), hang Cá Chép, hang Họng Voi (có đường thông với sông Lạch Tray dưới chân núi), hang Bể… Đặc biệt là trong các hang động này có rất nhiều lớp nhũ đá, măng đá với muôn hình vạn trạng độc đáo như hổ phục, đầu voi, rồng chầu… Ngoài ra, trên đỉnh Núi Voi còn có một tảng đá bằng phẳng, hai bên có hai tảng đá giống như ghế ngồi. Tương truyền, trong những ngày mây mù thường có các vị tiên xuống đánh cờ.
       Du khách lên tới đỉnh Bàn Cờ, vị trí cao nhất của núi Voi có thể nhìn thấy bốn phương làng mạc, cánh đồng, sông xa như một bức tranh phong cảnh tuyệt mỹ. Từ đây du khách sẽ thấy núi Voi được hình thành từ ba ngọn, mỗi ngọn đều có kết cấu tự nhiên khác nhau, ở giữa trung tâm là thung lũng Hồ Sen, từ đó mở ra Thung Gianh và Đấu Đong Quân, vàm Chúa Thượng, vàm Chúa Hạ (nơi tập trận của nhà Mạc), leo lên cao là hang Cửa Vuông có bể nước cổ, lưng chừng núi có hang Thóc nơi nghĩa quân chống Pháp giấu lương thực ngày xưa, hang Giếng lần suống mãi chưa thấy đáy, động Họng Voi rộng thênh thang đủ sức chứa cả trăm người,
       Hiện nay chùa Long Hoa – công trình kiến trúc đặc sắc thời nhà Lý bị tàn phá bởi thiên tai, chiến tranh và thời gian nay đã được Giáo hội Phật giáo VN thành phố Hải Phòng xây dựng lại trên diện tích 14 ha, với tổng kinh phí 185 tỷ đồng. Điểm nhấn đầu tiên do bàn tay con người khởi tạo là pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nặng trên 17 tấn, Đại hồng chung nặng 1,025 tấn: đã được hô thần an vị và khai quang từ tháng 10/2010. Tại xã An Tiến quê tôi, đền thờ nữ tướng Lê Chân năm 2009 đã được khởi công tôn tạo và mở rộng với vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính như đền thờ, tả vu và hữu vu, nghi môn, thảm viên xanh, nhà thủ từ.
       Với những công trình văn hóa đặc sắc đã và đang được mở mang xây dựng ngày càng khang trang nêu trên cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, hệ thống hang động độc đáo, hy vọng khu Di tích lịch sử và danh thắng núi Voi sẽ ngày càng cuốn hút khách du lịch, trở thành niềm tự hào cho người dân An Lão quê tôi.

Thi Văn.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học