Ninh Vương Mạc Phúc Tư và những công trình hộ quốc, an dân ở Hải Đông.

Lăng mộ Ninh Vương Mạc Phúc Tư ở Hợp Thành – Thủy Nguyên.

       Nhà Mạc phát tích từ làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Nơi đây vốn đã có một thời cùng nằm trong một đơn vị hành chính với An Bang – Đông Triều (Quảng Ninh) với cái tên chung là lộ Hải Đông. Do vậy, ngoài việc xây dựng một kinh đô thứ hai ở Cổ Trai làm hậu cứ, các vua đầu nhà Mạc rất chú trọng việc phòng thủ vùng Đông Bắc của Tổ Quốc, một vùng có vị trí địa quân sự hết sức quan trọng. Với chính sách “Tông tử duy thành” (người tôn thất như bức thành bảo vệ triều đình) của người xưa, các vua Nhà Mạc đã giao việc trấn giữ vùng này cho thân vương tin cẩn và Ninh Vương Mạc Phúc Tư là một người được nhận nhiệm vụ này.
       Vua Thái tông Mạc Đăng Doanh có bảy con trai, gái. Mạc Phúc Hải là con trưởng, sau này lên ngôi với tên gọi Mạc Hiến Tông. Ninh vương Mạc Phúc Tư là thứ hai, Khiêm vương Mạc Kính Điển là thứ ba, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng là thứ bảy. Họ đều là những thân vương rường cột của nhà Mạc.
       Ninh vương Mạc Phúc Tư được coi là thủy tổ của chi họ Mạc ở làng Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Mạc Phúc Tư là con thứ của Thái Tông Mạc Đăng Doanh, cháu nội của Thái tổ Mạc Đăng Dung, sinh năm Giáp Thân (1524).
       Trong thời gian đóng quân ở Thủy Nguyên, Vương đã lấy vợ người địa phương. Gia phả họ Mạc ở Câu Tử có ghi chép về một người phu nhân của ông là Đoàn Thị Từ Linh, người phường Hùng Khê (nay là xã Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Bà có với ông ba người con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai và Mạc Tảo An.
       Tháng 5 năm 1546 vua anh Mạc Phúc Hải băng hà, thấy người em mình là Khiêm Vương Mạc Kính Điển có tài kiêm văn võ, Ninh Vương Mạc Phúc Tư xin từ chức Thái tể (chức quan đầu triều) kiêm Phụ chính đại thần (phụ tá cho vua cháu Mạc Phúc Nguyên) và tiến cử chức này cho Khiêm Vương Mạc Kính Điển, đồng thời xin đi trấn thủ vùng Hải Đông.
       Lúc ấy Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi (một tướng giỏi của nhà Mạc) do bất đồng quan điểm lập vua nhỏ kế vị đã cùng Hoằng vương Mạc Chính Trung, Định vương Mạc Phúc Sơn gây biến rồi rút về chiếm cứ vùng đất Yên Quảng (thuộc Quảng Ninh). Lúc này nhà Minh cũng có ý lợi dụng việc này để nhòm ngó nước ta nên việc phòng thủ lộ Hải Đông càng trở lên quan trọng.
       Trong hoàn cảnh vừa phải đối phó với tập đoàn vua Lê-chúa Trịnh, vừa phải đề phòng âm mưu xâm lược của ngoại xâm nước ngoài, nhà Mạc đã xây dựng một loạt thành lũy và cứ điểm phòng ngự ở những vị trí hiểm yếu của lộ Hải Đông.
       Quân Mạc cho xây dựng một loạt thành luỹ ở Động Linh, Khoái Lạc (Yên Hưng), Xích Thổ (Hoành Bồ), Cẩm Phả và Vạn Ninh (Móng Cái) và trên đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh). Ở Quảng Ninh, trong số các thành luỹ trên, duy nhất chỉ còn thành Xích Thổ là tới nay còn tương đối rõ dấu vết. Ở Yên Hưng còn có khu vực gọi là Đầm nhà Mạc ở vị trí giáp ranh huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) do Ninh Vương Mạc Phúc Tư khoanh vùng trồng cây ngập mặn, vừa bảo vệ đất đai, vừa làm nơi dấu quân.
       Ninh Vương Mạc Phúc Tư còn dựng vườn Thiên Long Uyển ở làng Yên Khánh, tả ngạn sông Giá thuộc thị xã Đông Triều, đối ngạn làng Quỳ Khê huyện Thủy Nguyên. Vườn hoa Thiên Long nay vẫn còn.
       Theo thư tịch cổ và gia phả họ Mạc ở Câu Tử (xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên), gia phả họ Hoàng gốc Mạc ở Hiệp An (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) thì sau khi thấy em kế mình là Khiêm Vương Mạc Kính Điển có tài lỗi lạc, Ninh Vương Mạc Phúc Tư rất lấy làm mừng. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1546) vua Mạc Phúc Hải qua đời, tôn thất và triều thần suy tôn thái tử Mạc Phúc Nguyên lên ngôi báu. Ninh Vương bèn xin nhường chức Phụ Chính đại thần cho Khiêm Vương Mạc Kính Điển và xin đi trấn thủ Hải Đông. Điều này cho thấy Mạc Phúc Tư là người khiêm nhường, biết đặt lợi ích dòng tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết.
       Khi ra trấn thủ xứ Hải Đông, để dân chúng an cư lạc nghiệp, Ninh Vương Phúc Tư cho đắp đê, đào sông khơi ngòi; khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích đánh cá, làm nghề muối; cho mở chợ Chanh ở Quảng Yên, chợ Thưa, chợ Đá Bia và phố Khách, Long Mã… ở huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên).
       Vương cũng cho xây nhiều thành quách, đồn trại, nơi luyện quân thủy, quân bộ; mở các cảng thị để buôn bán với nước ngoài…
       Trong thời gian trấn nhậm vùng Đông Bắc, Ninh Vương ra sức vỗ về dân chúng, tướng sĩ và với quan điểm “thực túc binh cường”, ông đốc thúc đắp đê từ làng Định Vũ qua Đạo Tú đến hồ Quy, đào sông, khai ngòi, khai khẩn đất hoang, trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh bắt thủy, hải sản. Những đê, bãi, rừng nhà Mạc ở trong hạt do Ninh vương gây dựng ngày nay vẫn còn dấu tích.
       Chỉ riêng huyện Thủy Nguyên cũng đã có rất nhiều những di tích mà dân gian gọi với các tên: Thành Nhà Mạc, Đường Nhà Mạc, Đê Nhà Mạc, Rừng Nhà Mạc, Mả Ba Vua nhà Mạc.
       Để duy trì một bộ máy quân sự suốt một thời gian dài 90 năm với liên miên các cuộc chiến với quân Lê –Trịnh như vậy thì việc kết hợp giao thương để lấy kinh tế nuôi quân được coi như một biện pháp phù hợp đối với nhà Mạc. Phát tích từ vùng sông nước, nhà Mạc thấy rõ tầm quan trọng của việc giao thương kinh tế thủy và trấn thủ sông – biển nên việc xây dựng một loạt thành lũy ven sông, biển được nhà Mạc chú trọng.
       Suốt mấy chục năm giữa thế kỷ 16, quân Lê – Trịnh nhiều lần tấn công, cướp phá Thăng Long cùng một số vùng khác, riêng xứ Đông do Ninh Vương cai quản, họ không xâm nhập được. Đặc biệt, ở những năm này, nhà Minh không những không dám đưa quân quấy phá, nhũng nhiễu vùng biên cương, mà còn đẩy mạnh phát triển giao thương với Đại Việt ở vùng ven biển Đông Bắc. Chỉ đến cuối thế kỷ 16, sau khi đã bình định được Thăng Long và Thái Nguyên, Cao Bằng, quân Lê Trịnh mới phá được quân Mạc ở lộ Hải Đông. Điều đó cho thấy năng lực lãnh đạo quân sự của các thân vương nhà Mạc, trong đó có Ninh Vương Mạc Phúc Tư trong viện trấn giữ Hải Đông là đáng khâm phục. Tuy nhiên, do thế lực Lê-Trịnh ngày càng mạnh, triều Mạc ngày càng suy yếu, nhất là sau khi vua Mạc Mậu Hợp bị bắt và hành hình thì tình hình càng trở lên bất lợi với lực lượng nhà Mạc trấn giữ lộ Hải Đông.
       Đầu năm 1593, quân Lê-Trịnh đánh tới vùng Đông Bắc, quân Mạc – những ai quyết không đầu hàng, trốn vào hang núi đều bị lửa hun chết. Mạc Phúc Tư và hai thân vương thoát khỏi cuộc truy đuổi ở Hoành Bồ, rút về Thành Dền và tiếp tục bị truy sát. Lúc này ông đã 69 tuổi, lại bị trọng thương, đau buồn trước cơ đồ nhà Mạc không còn hy vọng cứu vãn, đã cùng hai thân vương ra cánh đồng ven sông tự sát để bảo toàn khí tiết, đó là ngày 22 tháng 2 năm Quý Tị (1593). Dân trong vùng an táng các ông, gọi phần mộ là mả Ba Vua, lập miếu thờ và lưu truyền câu “Cửa nghè đồng Dưới – Mả ba vua Mạc”.
       Một thời gian dài các sử gia nhà Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn đều coi triều Mạc là “nhuận triều” bởi cho rằng đã cướp ngôi nhà Lê. Những năm gần đây, với quan điểm khách quan và công minh, các nhà sử học, nhà nghiên cứu đã đánh giá lại công lao của nhà Mạc đối với dân tộc, coi nhà Mạc là một vương triều chính thống đã có những đóng góp nhất định cho sự ổn định và phát triển của xã hội Đằng ngoài thế kỷ 16.  Và lòng dân bao dung và công bằng hơn các sử gia phong kiến nên trong tâm thức dân gian, dấu ấn nhà Mạc vẫn đậm nét. Bằng chứng là rất nhiều công trình của nhà Mạc được nhân dân gọi bằng tên của đích danh triều đại này: Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh đều có Thành Nhà Mạc; Quảng Ninh còn có đầm Nhà Mạc, cách bán đảo Đình Vũ bởi sông Bạch Đằng. Hải Phòng có Đường Nhà Mạc (nay là phố Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân); thành Nhà Mạc và đấu đong quân, hang Chạn (kho hậu cần) ở núi Voi; sông Nhà Mạc (sông đào) ở núi Voi huyện An Lão;
       Thử hỏi có triều đại nào các di tích lại được gọi theo tên triều đại nhiều như vậy và được nhân dân trân trọng gìn giữ hàng bao đời nay như thế ?
       Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói kỹ hơn về di tích lịch sử Thành Dền ở xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên – một căn cứ phòng ngự quan trọng của quân đội nhà Mạc và còn bởi nó liên quan đến cái chết hào hùng của Ninh vương Mạc Phúc Tư.
       Làng Thiểm Khê nằm ngay ngã ba sông Giá – sông Đá Bạc có một cứ điểm quân sự quan trọng của nhà Mạc – Thành Dền, cách bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ chưa đầy một cây số. Đây không chỉ là di tích gắn với trận chiến Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông năm 1288 mà còn là thành lũy phòng thủ của vương triều Mạc. Do vị trí địa quân sự quan trọng án ngữ ngã 3 sông – nơi hợp lưu của sông Giá và Đá Bạc để thông ra sông Bạch Đằng mà ngay từ thế kỷ 13, nhà Trần đã cho xây dựng thành Thạch Bích (thành Dền) để phòng quân Nguyên xâm lược. Nơi đây từng làm nên trận Trúc Động nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba.
       Từ nhiều năm trước, người dân Thiểm Khê đã nhiều lần phát hiện ra bãi cọc tương tự như các cọc được khai quật khảo cổ ở cánh đồng Cao Quỳ. Năm 1966 tại khu vực Cửa Cái (ngã ba sông Đá bạc giao sông Giá) nay là trại giam Xuân Nguyên đã phát lộ nhiều cây cọc Bạch Đằng dưới hố bom Mỹ, minh chứng cho trận chiến năm 1288 do Trần Hưng Đạo chỉ huy chống quân Nguyên Mông.
       Tới thế kỷ 16, đề phòng giặc theo lối sông Bạch Đằng, Mạc Phúc Tư cho lập hệ thống phòng thủ dọc hai bờ sông, ở bờ Nam có Thành Dền, Đấu Đong, Đượng Voi và đại bản doanh ở núi Phượng Hoàng (nay thuộc xã Minh Đức-Thủy Nguyên)
       Theo các nhà nghiên cứu, nhà sử học và ký ức của người dân địa phương, xưa kia nhà Mạc cho đắp một đoạn tường thành ở phía Đông (bằng đất núi trộn với đá dăm) từ núi Cổ Ngựa – núi Dẹo tới phía Đông Bắc của Thành Dền tại cửa Hàm Ếch, tạo nên bức tường thành có chiều dài khoảng 500m, cao hơn 10m. Tại phía Bắc, dưới chân núi Thành Dền cũng có một đoạn tường thành dài khoảng 1.000m. Chu vi của toàn thành bao gồm các dãy núi bao quanh và tường đắp bằng đất dài khoảng 4.000m…Người dân Thiểm Khê cho biết, trước năm 2000 vẫn còn một đoạn tường thành thấp chạy dài đến mép sông. Tuy nhiên, đến nay quá trình khai thác đất, đá đã làm thay đổi địa hình, phần lớn dấu tích tường thành không còn, chỉ còn dấu vết của 2 đoạn sườn núi Cổ Dẹo, một đoạn dài 28m, cao 13 đến 15m, chân thành rộng 8m; đoạn thứ 2 dài 76m cao 3m, chân thành rộng 8m.
       Gần thành Dền là Đấu Đong (nơi điểm quân) được nhà Mạc cho đắp thành gò đất hình bán nguyệt 7.000 m2 để quân binh đứng vào tính số lượng. Những năm 80 của thế kỷ trước, tại núi Thành Dền, người dân vẫn thấy những phần tường thành còn sót lại, đến nay thì hầu như chẳng còn gì.
       Cùng với những nghiên cứu của các nhà khoa học, báo cáo của UBND huyện Thuỷ Nguyên, hay trong Công văn số 470/KHĐT-VXH của Sở Kế hoạch & Đầu tư gửi UBND TP Hải Phòng đều có nêu, khu vực Thành Dền là khu vực phòng thủ của nhà Mạc, gắn với truyền thuyết là nơi an táng của các Vua nhà Mạc.
       Bảo tàng Hải Phòng cũng có báo cáo cho rằng, thời nhà Mạc (thế kỷ 16), Ninh vương Mạc Phúc Tư được nhà Mạc giao trấn giữ Hải Đông đã bồi đắp, xây dựng kiên cố thành Dền, thành Đấu Đong để làm căn cứ phòng thủ, luyện tập chống quân xâm lược.
       Có thể nói rằng, cụm căn cứ phòng thủ yếu địa ngã ba sông Giá – Đá Bạc thời nhà Mạc những năm 1546-1593 gắn liền với vai trò của Ninh Vương Mạc Phúc Tư với tư cách là một vị tướng, một vị quan trấn nhậm lộ Hải Đông, nơi ông đã bỏ nhiều công sức xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự và những công trình dân sinh để hộ quốc, an dân. Và cũng tại đây ông đã dũng cảm thà chết chứ không để kẻ địch bắt sống
       Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ học, khu vực núi Thành Dền còn có những hiện vật đồ đồng, đồ gốm thời Bắc thuộc và thời kỳ độc lập, tự chủ, trong đó có các mảnh bát tráng men ngọc, hoa văn khắc chìm, có ve lòng, có khung niên đại thời Lê – Mạc thế kỷ XV – XVI.
       Trong nhiều năm qua, việc khai thác khoáng sản ở khu vực xã Liên Khê diễn ra rầm rộ đã tàn phá cảnh quan, di tích. Nhiều dãy núi đá, trong đó có núi Thành Dền bị phá hủy, thậm chí khai thác sâu dưới lòng đất hơn 10m trên diện tích rộng hàng chục hécta. Điều đó dẫn đến nhiều di tích khảo cổ, dấu tích thành Thạch Bích, một số di tích tín ngưỡng cũng bị mất theo.
       Theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng, khu vực Thành Dền – Đấu Đong bao gồm các di tích lịch sử đã được xếp hạng, các di tích được khảo sát và đánh giá giá trị nằm ở các địa điểm núi Dền, Cổ Dẹo, Diệu Tú, Bụt Mọc, Bờ Tường, Hang Tằm cần phải được bảo vệ bảo tồn, tôn tạo và lập dự án để nơi đây trở thành điểm tham quan nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa cho nhân dân địa phương và du khách thập phương trong và ngoài thành phố, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
       Sau nhiều kiến nghị của nhân dân địa phương, nhất là ý kiến của chi họ Mạc ở Thủy Nguyên và đặc biệt cuộc hội thảo khoa học “Đánh giá giá trị di sản văn hóa khu di tích Thành Dền, Đấu Đong xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức năm 2015, việc bảo vệ các di tích liên quan đến chiến trận Bạch Đằng và vương triều Mạc đã được thành phố quan tâm thích đáng. Hoạt động khai thác đá, cát silic của các công ty xây dựng được cấp phép đã chấm dứt. Tuy nhiên cảnh quan và di tích lịch sử ở Liên Khê đã bị tàn phá nghiêm trọng, có lẽ chỉ còn 1/10 so với trước năm 2000.
       Để có cơ sở lập kế hoạch tôn tạo, bảo tồn khu di tích này, cuối năm 2021, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản cho phép Công ty CP Tập đoàn TH khảo sát, đề xuất quy hoạch và dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di sản văn hoá, lịch sử Thành Dền – Đấu Đong ở xã Liên Khê – Thủy Nguyên.
       Theo đề xuất từ Công ty Cổ phần Tập đoàn TH (có trụ sở tại thành phố Vinh – Nghệ An), khu vực nghiên cứu rộng khoảng 300 ha trên địa bàn 2 xã Liên Khê, Lại Xuân (huyện Thuỷ Nguyên), với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
       Định hướng nghiên cứu quy hoạch của Công ty nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục dựng tối đa có thể các địa danh, dấu tích, di sản văn hoá lịch sử. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông nội bộ, xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ hậu cần, hoàn trả mặt bằng các địa điểm khai thác khoáng sản, tạo lại cảnh quan nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử khu vực này cũng như thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
       Tại văn bản chấp thuận khảo sát, đề xuất quy hoạch của UBND thành phố Hải Phòng, nhà đầu tư phải hoàn thành việc khảo sát, đề xuất quy hoạch với UBND TP Hải Phòng xong trước 31/12/2021. Từ đó đến nay, không rõ công việc tiến triển đến đâu?.
       Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa của cha ông, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong nhân dân, thiết nghĩ thành phố Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc khảo sát, quy hoạch cụm Di tích lịch sử tại xã Liên Khê, Lại Xuân (trong đó có khu vực thành Dền, Đấu Đong) để xây dựng nơi đây thành bảo tàng truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương.
       (Nguồn: Ninh Vương Mạc Phúc Tư và những công trình hộ quốc, an dân ở Hải Đông  (Tham luận) /Phạm Văn Thi//Kỷ yếu Hội thảo KH “Ninh vương Mạc Phúc Tư – Thân thế và sự nghiệp” do Liên hiệp các Hội KH & KT Hải Phòng phối hợp với Hội KHLS thành phố và Chi họ Mạc Phúc ở Thủy Nguyên tổ chức ngày 24/3/2022)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học