
Tượng Ninh vương Mạc Phúc Tư trong nhà thờ họ Mạc Phúc ở Hợp Thành -Thủy Nguyên.
Ninh Vương Mạc Phúc Tư là một trọng thần nhà Mạc, vị quan trấn nhậm tài năng vùng đất Hải Đông xưa, một người khiêm nhường, đức độ, đầy khí tiết, tuyệt đối trung thành với triều Mạc và có nhiều công lao trong việc bảo vệ vùng duyên hải Đông Bắc của Tổ Quốc. Ông được coi là thủy tổ của chi họ Mạc Phúc ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tại thôn Câu Tử Nội xã Hợp Thành (Thủy Nguyên) từ đường dòng họ Mạc Phúc cùng lăng mộ Vương được công nhận là Di tích Lịch sử của Hải Phòng. Chúng ta sẽ xem xét thân thế và công lao của ông với vương triều Mạc nói riêng và đất nước nói chung:
Trước hết, dưới góc độ lịch sử, Ninh Vương Mạc Phúc Tư là một thân vương nhà Mạc đã làm tròn trọng trách bảo vệ vùng phên dậu Đông Bắc của vương triều Mạc, thực hiện tốt chính sách “Tông tử duy thành” (người tôn thất như bức thành bảo vệ triều đình).
Vương sinh năm Giáp Thân (1524), là con trai thứ hai của Thái Tông Mạc Đăng Doanh, cháu nội của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Tuổi niên thiếu của Vương ở vào thời kỳ hưng thịnh của triều Mạc nên được hưởng sự giáo huấn đầy đủ. Vương bản tính thông minh, hiếu học, tư chất khoan hòa, cung kính, nổi tiếng tài năng đức độ, được sĩ thứ mến mộ. Không phải vô cớ mà Mạc Phúc Tư lại được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dành tình cảm đặc biệt. Mặc dù Mạc Phúc Tư ít hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm 33 tuổi nhưng vẫn được Trình Quốc Công coi như một người bạn, qua lại thơ phú.
Trong tập thơ Bạch Vân Am thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai bài thơ với tiêu đề là “Lưu đề Ninh Quốc công” và “Bộ Ninh Quốc công thi vận”. Nội dung hai bài thơ thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa Trạng Trình và Ninh vương Mạc Phúc Tư, đồng thời cũng cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá cao tài năng và đức độ của người bạn vong niên.
Bài “Lưu đề Ninh Quốc công”
Dịch nghĩa:
Tự tin chúng ta cùng một tấm lòng, cùng một đạo.
Ở nơi xa đến thăm nhau may được gặp gỡ.
Muốn rõ Quách Tử Nghi làm sao trọn được danh tiếng.
Giữ được yên là tuân theo mệnh trời.
Bài “Bộ Ninh Quốc công thi vận”.
Dịch nghĩa:
Xưa nay chức tể tướng điêu hòa âm dương thật khó,
May có dịp gặp nhau cùng vui chung
Trên lầu hát trăng sáng soi tỏ lòng nhau
Nơi chiếu rượu gió xuân thổi mát mặt
Thiên hạ nhiều người cho ông tài giỏi
Ít người biết tôi là người cầm bút
Con đường phía trước thênh thang rộng mở.
Cứ làm theo công nghiệp nhà nho thì nguy trở nên yên.
Về nhân phẩm, năng lực Ninh vương Mạc Phúc Tư:
Có thể nói Vương là một người tận tụy, khiêm nhường, có tài kinh bang.
Ngày 25 tháng Giêng năm 1540 Thái Tông Mạc Đăng Doanh băng hà, hoàng huynh là Thái tử Mạc Phúc Hải lên nối ngôi (vua Hiến Tông nhà Mạc) đã phong cho Vương chức Thái tể (Tể tướng). Làm quan đầu triều một thời gian, Vương ra sức chỉnh đốn hai ban văn võ, điều hòa phương lược để yên dân, củng cố cơ nghiệp tổ tông. Sau đó, thấy người em kế mình là Khiêm vương Mạc Kính Điển có tài lỗi lạc, Ninh vương rất lấy làm mừng, hy vọng có thể ủy thác trọng trách.
Tháng 5 năm Bính Ngọ (1546) vua Hiến Tông băng hà, tôn thất và triều thần suy tôn thái tử Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi với đế danh Mạc Tuyên Tông và tiến cử Vương làm Phụ chính đại thần để giúp rập vua trẻ. Lúc ấy, phò mã – Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi, một tướng tài cùng Hoằng Vương Mạc Chính Trung, Định Vương Mạc Phúc Sơn do bất đồng chính kiến trong việc chọn người kế vị đã gây chiến rồi rút quân về chiếm cứ vùng Yên Quảng. Nhà Minh có ý định lợi dụng việc này nhòm ngó nước ta, Ninh Vương bèn xin nhường chức Phụ chính đại thần cho Khiêm vương Mạc Kính Điển và xin đi trấn thủ lộ Hải Đông (bao gồm huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Bang-Đông Triều (thuộc Quảng Ninh). Vua Tuyên Tông chuẩn tấu cho Mạc Phúc Tư đi trấn nhậm vùng trọng địa của vương triều đã thể hiện sự tin tưởng vào lòng trung thành và khả năng của ông.
Sự việc trên cho thấy, Ninh vương Mạc Phúc Tư là người không ham quyền hành, sẵn sàng từ bỏ chức Tể tướng và Phụ chính đại thần vốn có uy thế và vị trí rất lớn trong triều đình để nhường chỗ cho người em kế mình là Mạc Kính Điển, người mà ông tin tưởng vào tài năng và đức độ. Điều đó cho thấy Vương đã đặt lợi ích quốc gia và vương triều lên trên hết.
Trong 46 năm (1546-1592) trấn nhậm lộ Hải Đông, Ninh vương Mạc Phúc Tư đã biến vùng đất này thành hậu cứ vững chắc của nhà Mạc, khiến quân đội Lê-Trịnh không thể xâm phạm. Suốt mấy chục năm từ giữa thế kỷ 16 đến năm 1592, quân Lê – Trịnh nhiều lần từ Thanh Hóa ra tấn công, đánh phá Sơn Nam, Ninh Bình, Sơn Tây, Thăng Long, riêng xứ Đông do Ninh Vương cai quản, họ không xâm nhập được. Đặc biệt, ở những năm này, nhà Minh không mấy khi gây hấn biên cương ngoại trừ lần Mao Bá Ôn và Cừu Loan mang quân áp sát biên giới dọa nạt rồi lại phải rút về và còn đẩy mạnh phát triển giao thương với Đại Việt ở vùng ven biển Đông Bắc.
Có được thành công này là nhờ Vương triều Mạc vừa khôn khéo ngoại giao vừa tăng cường binh bị, trong đó có công sức của Ninh vương Mạc Phúc Tư trong việc an dân, phát triển kinh tế, củng cố phòng ngự vùng Hải Đông mà ông được giao trấn giữ .
Trong thời gian trấn nhậm lộ Hải Đông, ông ra sức vỗ về dân chúng, tướng sĩ, giữ nghiêm quân kỷ, đoàn kết quân-dân. Với quan điểm “thực túc binh cường”, Vương đốc thúc đắp đê từ làng Định Vũ qua Đạo Tú đến hồ Quy, đào sông, khai ngòi, khai khẩn đất hoang, phát triển nông nghiệp trồng cây gây rừng, khuyến khích nghề đánh bắt thủy, hải sản. Những đê, bãi, rừng nhà Mạc ở trong hạt do Ninh vương gây dựng ngày nay vẫn còn tên và dấu tích ở Kiến Thụy, Yên Hưng, Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên. Chỉ riêng huyện Thủy Nguyên cũng đã có rất nhiều những di tích mà dân gian gọi với các tên: Thành Nhà Mạc, Đường Nhà Mạc, Đê Nhà Mạc, Rừng Nhà Mạc, Mả Ba Vua nhà Mạc.
Ninh Vương là người có nhiều công lao trong việc bảo vệ vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng này của nhà Mạc và thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống người dân nơi đây. Chủ trương lấy giao thương kinh tế để nuôi quân và an dân, Ninh Vương cho mở chợ Chanh ở Quảng Yên, chợ Thưa, chợ Đá Bia và phố Khách Long Mã ở huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên ngày nay). Hoạt động thương mại được hỗ trợ bằng mạng lưới giao thông thủy-bộ. Nhiều tài liệu văn bia cổ đã ghi lại việc chú trọng sửa sang đường sá và làm cầu, tu sửa cầu của nhà Mạc. Trên đường số 18 (Quảng Ninh) còn dấu vết những đoạn đường thời kỳ này từ Thảo Tân qua rừng Bãi Thảo chạy ven sông Lục Nam mà nhân dân địa phương vẫn gọi là “đường nhà Mạc, đầu voi, quán Sé”. Tại Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng) còn dấu tích những bến đóng thuyền của nhà Mạc.
Do vị trí giáp biển, nhiều kênh, rạch, sông ngòi của vùng Hải Đông, lại thấy rõ tầm quan trọng của việc trấn thủ sông – biển nên Vương chú trọng xây dựng nhiều thành lũy ven sông, biển để phòng thủ, đối phó với âm mưu thôn tính của nhà Minh, sự nhòm ngó của phương Tây cũng như thế lực Lê-Trịnh ngày càng mạnh lên.
Một loạt thành, luỹ ở Động Linh, Khoái Lạc (Yên Hưng), Xích Thổ (Hoành Bồ), đồn Thư Cung (Cẩm Phả), Vạn Ninh (Móng Cái), Vân Đồn ở bờ sông Chanh, thành trên đảo Ngọc Vừng (Quảng Ninh) và Xuân Đám (Cát Hải) được xây dựng. Vương cũng chính là người cho đắp thành Dền, Đấu Đong (nơi điểm quân) ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên – một căn cứ quan trọng trấn giữ ngã 3 sông nơi sông Giá và sông Đá Bạc hợp lưu để chảy ra sông Bạch Đằng.
Cùng các thân vương khác như con trai Mạc Thuần Trực, tôn thất Mạc Huệ Khánh… Ninh Vương chú trọng luyện tập quân thủy, bộ trên các sông, rạch, trong các thành lũy để tăng cường năng lực phòng thủ.
Nhìn nhận những đóng góp to lớn của Vương cho triều Mạc ở lộ Hải Đông mới thấy triều đình đã không nhầm khi lựa chọn Mạc Phúc Tư làm người trấn giữ vùng trọng địa này của vương triều. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, vương triều Mạc ngày càng yếu thế trước tập đoàn Lê-Trịnh, nhất là sau cái chết của Khiêm vương Mạc Kính Điển (1580).
Đầu năm Quý Tỵ (1593), sau khi bắt giết được vua Mạc Mậu Hợp, đánh chiếm được Thăng Long, Tuyên Quang, Kinh Bắc, các phủ Nam Sách, Hạ Hồng, Kinh Môn, quân Lê-Trịnh chia đường tiến đánh Hải Đông. Ninh vương chỉ huy quân chống cự, đồn Thư Cung bị đánh phá, quân Mạc tránh vào hang núi Cốt Mìn, địch gọi hàng không được đã đốt lửa hun chết các tướng sĩ và gia nhân. Thủy quân Mạc phân tán rút ra các đảo, Ninh vương cùng hai thân vương khác chỉ huy một cánh quân rút về căn cứ ở Thủy Đường (Thủy Nguyên). Địch truy đuổi, ba Vương cùng tướng sĩ liều mình quyết chiến, đến làng Thiểm Khê thì đều bị trọng thương. Lúc này Ninh vương đã 69 tuổi, vết thương nặng, đau buồn trước cơ đồ nhà Mạc không còn hy vọng cứu vãn, ông đã cùng hai thân vương ra cánh đồng ven sông tự sát, đó là ngày 22/2 Quý Tị (1593). Dân trong vùng an táng các ông, gọi phần mộ là Mả Ba Vua, lập miếu thờ và lưu truyền câu “Cửa nghè đồng dưới Mả ba vua Mạc”. Gọi như vậy vì lúc đầu an táng ba Vương tại đây và ở khu đồng dưới của làng, sau phu nhân của ông là bà Đoàn Thị Từ Linh chuyển hài cốt của Vương và của con trai là Thuần Trực ở thành Dền về an táng tại đống Án, phường Câu Tử, huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên).
Con cả Vương là Mạc Thuần Trực cùng tôn thất Mạc Huệ Khánh cố thủ thành Dền được 5 tháng, sau hết lương thực phải mở đường máu rút chạy, Mạc Thuần Trực hy sinh tại trận. Mạc Huệ Khánh cùng con cháu thoát được về vùng Giáp Sơn, dấu họ đổi tên lập ra làng Mai Sơn, nay thuộc thôn Trại Sơn, xã An Sơn huyện Thủy Nguyên.
Cái chết lẫm liệt của Ninh vương đã thể hiện tấm lòng trung trinh của một công thần nhà Mạc, thà chết để bảo toàn khí tiết chứ không đầu hàng giặc.
Với sự trả thù tàn khốc của quân Lê-Trịnh sau năm 1593 thì Mả Ba Vua dĩ nhiên không thể yên, nhưng khi chúng biết đến thì đã muộn vì con cháu đã đưa hài cốt các ông về táng ở Đống Án, trang Hùng Khê, nay là thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, Thủy Nguyên, đồng thời đặt tên thụy Mạc Phúc Tư là Mạc Phúc Triệu để giấu tung tích. Như vậy “Ba Vua” là do dân chúng gọi, vì thực chất chỉ là ba thân vương.
Với những công lao to lớn đóng góp cho đất nước và quê hương, tên Ninh vương đã được Hội Đồng NDTP Hải Phòng ra Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 đặt tên cho một con phố ở quận Dương Kinh là phố Mạc Phúc Tư thuộc phường Tân Thành với điểm đầu từ đường Phạm Văn Đồng đến đê biển I. Phố dài 1.680m, rộng 5,5m. Cũng trong nghị quyết này có 3 đường được mang tên các thân vương nhà Mạc là: Mạc Đăng Doanh (vua cha của ninh vương Mạc Phúc Tư), Mạc Quyết (em trai của Thái tổ Mạc Đăng Dung).
Năm 1993 phần mộ Ninh vương tại thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, Thủy Nguyên đã được chi họ Mạc ở thôn Câu Tử xây dựng lăng mộ to đẹp hơn và năm 2008 di tích này đã được UBND thành phố Hải Phòng xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố. Cuối năm 2021 chi họ Mạc Phúc đã tổ chức khánh thành công trình tôn tạo hậu cung Từ đường họ khang trang, tố hảo.
Đáng chú ý, Ninh vương Mạc Phúc Tư được coi là thủy tổ của chi họ Mạc Phúc ở Thủy Nguyên. Hậu duệ của ông may mắn thoát được sự trả thù khốc liệt của vua Lê, chúa Trịnh do thay tên, đổi họ để sinh sống khắp nơi và cũng do một nguyên nhân quan trọng khác sẽ nói sau. Ngày nay, họ truyền đời thờ cúng Vương và hướng về cội nguồn, bỏ nhiều công sức tra tìm tung tích mộ phần Ninh vương cùng các thành viên khác thuộc chi họ. Mới đây, ông Mạc Văn Quý – Trưởng ban quản lý lăng mộ nhà Mạc ở thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê (Thủy Nguyên) cho tôi biết, hiện con cháu chi họ Mạc ở Thủy Nguyên đã tìm thấy 15 ngôi mộ của các thành viên hoàng tộc, trong đó nhiều mộ có cả bia mộ chôn theo. Đặc biệt đã tìm được mộ phần của Quận chúa Trịnh Thị Nhâm, vợ của Mạc Đạo Trai (con trai của Ninh Vương Mạc Phúc Tư). Bà là con gái của Tiết chế Trường Quốc công (sau này được phong Bình An Vương) Trịnh Tùng – vị chúa gian hùng từng khuynh đảo triều Lê Trung Hưng và là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của nhà Hậu Lê, người đã thống lĩnh quân đội đánh đổ nhà Mạc.
Cần nói thêm về người con dâu đặc biệt của Ninh vương – bà Trịnh Thị Nhâm (có sách nói là Nhân), người mà có lẽ nhờ vào uy thế của cha là Trịnh Tùng đã bảo vệ được phần mộ của Ninh vương cùng các con, cháu ông không bị quân Lê-Trịnh truy tìm, hủy hoại.
Sau khi nhà Mạc bị diệt, trong khi con cháu hoàng tộc phải thay tên đổi họ và lẩn tránh khắp nơi thì ở Câu Tử Nội, những người họ Mạc vẫn giữ nguyên họ và được nhà Lê – Trịnh để yên. Nguyên là, những năm ở trang Hùng Khê (Câu Tử Nội), Ninh vương Mạc Phúc Tư lấy bà Đoàn Thị Từ Linh, sinh được ba con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai, Mạc Tảo An. Năm 1573 Đạo Trai theo chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển vào Thanh Hoa đánh nhà Lê, không may bị bắt ở lũy Phúc Bồi. Thấy ông tướng mạo oai phong, văn võ song toàn Trịnh Tùng mến tài, nên dụ hàng và gả con gái là Quận chúa Trịnh Thị Nhân cho. Thời kỳ này chúa Trịnh thường sử dụng các đại thần và tướng lĩnh nhà Mạc theo hàng, điển hình là năm 1550 Thái tể Lê Bá Ly, trạng nguyên-thượng thư Nguyễn Thiến và các tướng giỏi như Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Khải Khang, Lê Khắc Thận đã vào Thanh Hoa theo Trịnh. Ngược lại, nhà Mạc cũng lôi kéo các hàng tướng Trịnh-Lê về theo mình, kết quả năm 1558 Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn trở về theo Mạc và được trọng dụng. Miễn được gả công chúa làm phò mã, Quyện trở thành cha vợ vua Mạc Mậu Hợp rồi sau đó liên tiếp lập công đánh bại quân Lê Trịnh, thành danh tướng Bắc triều. Kết quả đó lôi kéo Lê Khắc Thận, dù đã làm tới thái phó của Lê Trịnh vẫn vượt luỹ về theo Mạc năm 1572.
10 năm sống ở Thanh Hóa, đến khi họ Trịnh muốn lợi dụng Mạc Đạo Trai chống lại dòng họ mình, Mạc Đạo Trai đã tự sát để bảo toàn danh tiết. Bà Trịnh Thị Nhân vô cùng thương cảm, vì không có con trai nên xin với chúa Trịnh Tùng nhận Mạc Hữu Đạo (con Mạc Thuần Trực) và là cháu Mạc Phúc Tư về Thăng Long nuôi dạy thành tài. Lớn lên, Hữu Đạo thi đỗ làm quan tới chức Thượng xá hầu triều Lê – Trịnh. Nhưng chỉ ít lâu sau ông xin từ quan, đưa bà Trịnh Thị Nhân về trang Hùng Khê ở Thủy Đường để phụng dưỡng và chăm sóc phần mộ ông, cha.
Họ Mạc ở đấy vì thế không phải đổi họ và phát triển đến ngày nay.
Đặc biệt, ở Thiểm Khê có ngôi mộ ngờ là mộ vua Mạc Đăng Dung, do việc khai thác đất đá làm phát lộ. Năm 2006 trong quá trình khai thác khoáng sản tại phía bắc núi Phượng Hoàng, công ty cổ phần vật tư xây dựng Tiến Thành tìm thấy một ngôi mộ trong lòng núi tại đây. Công ty tiến hành chuyển mộ ra vị trí tạm thời tại nghĩa trang của làng văn hóa Thiểm Khê ở khu vực núi Thành Dền. Những báo cáo Kết quả khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và Hội thảo đánh giá giá trị Khu di tích Thành Dền-Đấu Đong thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê của Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hải Phòng nêu: “Ngôi mộ có kích thước lớn, có nhiều đồ vật chôn cất cùng. Ngôi mộ này đã được doanh nghiệp di chuyển cách nơi phát hiện khoảng 500m và được xây kiên cố bằng gạch, đá ốp lát bằng gạch men”. Năm 2010, Hội đồng Mạc tộc ở huyện Thủy Nguyên cho rằng đây là mộ của Thái Tổ Mạc Đăng Dung dựa vào nhận định của các nhà ngoại cảm thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người khi đến nghiên cứu ngôi mộ. Sau đó, Hội đồng Mạc tộc đã xây nhà tạm để con cháu làm lễ khi về viếng thăm mộ. Hiện chưa thể xác định chính xác niên đại cũng như người được táng trong ngôi mộ đó, vì lẽ, ngôi mộ chưa được các nhà khoa học khai quật để nghiên cứu. Nhiều năm nay con cháu họ Mạc đã bỏ nhiều công sức truy tìm nơi an táng Mạc Thái Tổ nhưng vẫn chưa có kết quả xác đáng. Năm 2018 cũng từng có một giả thiết về nơi chôn cất hài cốt vua Mạc Đăng Dung nhưng chưa được các nhà nghiên cứu kết luận chính thức. Số là, ngày 06/05/2018 nhóm Nghiên cứu Khoa học xã hội độc lập của TS. Nguyễn Văn Vịnh đã khai quật được 2 tấm bia đá cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại cống Cá, thôn Thanh Trì, xã Kiến thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đặc biệt, trên tấm bia thứ 2 có khắc chữ nho bài thơ nói về việc di dời long cốt 3 vị vua Mạc về làng Lý Dương, thôn Hạ Đồng (xã Cổ Am – Vĩnh Bảo) là quê của vợ cả Trạng Trình ở Cổ Am:
Khởi tạo nghiên trụ tất
Ngã cầu Mạc đắc chiêu
Tam đế mai phụ lý
Dương hương Hạ Đồng thôn.
Được nhà Hán-Nôm học Hoàng Phan ở thị trấn Vĩnh Bảo dịch thoát nghĩa như sau:
– Đời sau tất xảy ra chuyện đồn đại nói xấu vua Mạc như vua Trụ.
– Ta mong muốn đời sau nhà Mạc được sáng tỏ.
– Nên di dời long cốt của 3 vị Vua (ba vị vua Mạc ở đây là Thái Tổ Mạc Đăng Dung, mất năm 1541; Thái Tông Mạc Đăng Doanh, mất năm 1540; Hiển Tông Mạc Phúc Hải, mất năm 1546).
– Về làng Lý Dương, thôn Hạ Đồng.
Nếu như vậy thì long cốt vua Mạc Đăng Dung phải chăng là được Trạng Trình táng đâu đó ở làng Lý Dương, thôn Hạ Đồng (xã Cổ Am – Vĩnh Bảo) chăng?. Cũng chẳng có gì là chắc chắn bởi lời lẽ trên bia rất khó hiểu, người dịch lại luận giải nghĩa một cách chủ quan, khiên cưỡng.
Về ngôi mộ ở thôn Thiểm Khê được tình cờ tìm thấy năm 2006 nói trên, TS. Hoàng Văn Kể (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng) – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng có ý kiến cho rằng: “Nghiên cứu ngôi mộ này, tiếp cận từ truyền thống chôn cất của vua, chúa chế độ phong kiến, cách thức chôn cất (đào vào sườn núi 9m, sâu 7m); kích thước quan, quách khổng lồ (dài 4m; rộng 1,9m; cao 1,6m); ván bằng gỗ quý dày 10 cm cùng nhiều binh khí, đồ đồng, vật dụng, gốm sứ chôn cùng… thì đây phải là mộ của một nhân vật đặc biệt quan trọng trong xã hội đương đại lúc bấy giờ”.
Thời xưa, nơi chôn cất vua chúa thường được giữ bí mật, cùng với mộ thật còn có nhiều mộ giả, đề phòng thế lực đối địch đào lên. Do vậy nơi an táng Hoàng đế Mặc Đăng Dung chắc chắn phải bí mật tuyệt đối, không dễ gì tìm được. Vậy “Long Sơn” , nơi an táng Mạc Đăng Dung mà sách Đại Việt thông sử nói đến liệu có phải là núi Phượng Hoàng ở Liên Khê-Thủy Nguyên hay một nơi nào khác?
Đoạn trích trong Đại Việt Thông Sử (Lê Quý Đôn – 1759): Liệt truyện – Mạc Đăng Dung có nói về việc này:
“Khi Đăng Dung bệnh nặng, truyền mệnh Phúc Hải phải kíp về kinh sư, để trấn an nhân tâm, và coi xã tắc là trọng. Phúc Hải bèn trở về Kinh sư. Ngày 27 thuộc ngày Ất Hợi, Đăng Dung chết, tiếm ngôi vua 3 năm, truyền ngôi rồi ra ở ngoài 12 năm, thọ 59 tuổi. Có di chúc: Dựng đàn chay cúng phật”…
“Tháng 9, ngày Mậu Thân, Phúc Hải sai Thái úy Trung quốc công Mạc Như Quế, Thái bảo Dương quốc công Đặng Đôn Tín vào phụ chính. Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Liêm quận công Mạc Ninh Bang dâng tờ sách đặt ngụy thụy Đăng Dung là “Nhân minh Cao Hoàng đế “, miếu hiệu Thái tổ. Tháng 10 ngày Canh Thân an táng tại Long Sơn, mộ hiệu là An Lăng”. Thông tin này cũng rất mù mờ vì địa danh “Long Sơn” (núi Rồng) có ở nhiều nơi. Ngay như Đồ Sơn-Hải Phòng cũng có núi Rồng thuộc phường Ngọc Xuyên, nơi có đền Cô Chín suối Rồng. Vả lại, nơi chôn cất Hoàng đế Mạc Đăng Dung chắc chắn phải được nhà Mạc giữ bí mật tuyệt đối để tránh thế lực thù địch trả thù nên tác giả Đại Việt thông sử sao có thể biết mà khẳng định là Mạc Đăng Dung được an táng ở Long Sơn nào đó.
Ngày 6 tháng 9 năm 2020, tôi có giới thiệu với TS. Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng ông Trần Thái – một pháp sư theo dòng Mật tông Tây Tạng với hy vọng nhờ pháp sư sử dụng khả năng thấu thị xem có thể xác định ngôi mộ ở Thiểm Khê có phải là mộ của vua Mạc Đăng Dung hay không. Ông Thái từng là thành viên Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng tiềm năng con người Việt Nam (khu vực Miền Nam) và đã giúp nhiều gia đình tìm được mộ liệt sĩ. Trên đường dẫn chúng tôi đến thăm viếng, dâng hương ngôi mộ này, ông Hoàng Văn Kể có nói, sau nhiều lần mời một số nhà ngoại cảm đến xác minh ngôi mộ, họ đều khẳng định đây là ngôi mộ Hoàng đế (có thể là Mạc Đăng Dung).
Buổi trưa ngày 6-9-2020 đó, Pháp sư Thái sau khi thắp hương, đi quanh ngôi mộ rung chuông, đọc thần chú đã toát mồ hôi, khẳng định ngôi mộ phát ra năng lượng rất mạnh, tuy nhiên pháp sư nói không thể hỏi vong là ai được. Nói thêm về một ngôi mộ được chôn bên trái, dưới chân mộ Hoàng đế mà ông Mạc Văn Quý-Trưởng ban Quản lý khu lăng mộ nhà Mạc nói là của công chúa Thanh Thanh được di chuyển đến gò này cùng mộ Hoàng đế: Khi thắp hương ngôi mộ này, pháp sư Thái nói nhìn thấy dưới mộ là một cái chum (điều này ông Quý khẳng định là đúng) và chỉ cho chúng tôi một hiện tượng lạ là cả bó hương nghi ngút khói nhưng chỉ có một cây hương rung rung nhẹ. Ông nói đó là bà công chúa đang mừng vui.
Cuối cùng, ngôi mộ Hoàng đế mà con cháu tộc Mạc ở Thủy Nguyên cho là của Thái Tổ Mạc Đăng Dung có chính xác hay không cần đợi các nhà khoa học, khảo cổ học nghiên cứu và kết luận.
Có điều, thành Dền và núi Phượng Hoàng từng là căn cứ phòng ngự của nhà Mạc do ninh vương Mạc Phúc Tư cho củng cố, xây dựng trong thời gian trấn nhậm (1546-1593) và ông lại là thân vương, trọng thần được triều Mạc tin tưởng tuyệt đối nên rất có khả năng Vương đã được ủy thác bí mật mai táng hoàng đế Mạc Đăng Dung trong lòng núi Thành Dền để che dấu con mắt nhòm ngó của kẻ thù. Vả lại, do có mối quan hệ đặc biệt với Trạng trình nguyễn Bỉnh Khiêm – một người rất giỏi phong thủy, lý số nên biết đâu Mạc Phúc Tư đã được Trạng Trình tư vấn cho việc chôn giấu long cốt Thái tổ Mạc Đăng Dung ở đây (đây chỉ là giả thuyết của tôi).
Tất cả đang đợi câu trả lời của các nhà khoa học.
P.V Thi, Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng.