Những nghệ nhân điêu khắc gỗ tiêu biểu của làng nghề truyền thống Bảo Hà

Ảnh tượng Linh Lang đại vương ở miếu Bảo Hà

Là hội viên Hội văn hóa – văn nghệ dân gian Hải Phòng, tôi có quen biết nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ – người thợ tài hoa có công đầu trong việc phục chế bức tượng Linh Lang Đại vương có thể chuyển động được ở miếu Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo. Nghe nói nhiều về bức tượng biết đứng lên, ngồi xuống này, tôi tò mò muốn đến tận nơi để tìm hiểu, thế nên đã hẹn anh Tụ về quê anh – thôn Bảo Hà xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, một làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc, tạc tượng và sơn mài hơn 500 năm nay.

Nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ ở bên cạnh hồnước trước cửa miếu Bảo Hà với không gian rộng rãi, thoáng đãng. Ở tuổi 56 (anh sinh ngày 19-02-1964) mà đầu anh đã điểm bạc màu thời gian.

Sinh ra trong một gia đình nông dân có 4 người con (3 trai, 1 gái) với nghề truyền thống là tạc tượng, làm đồ thờ, con rối nên anh sớm bị lôi cuốn bởi nghề này. Gia đình anh tính đến nay đã 4 đời làm nghề điêu khắc – sơn mài (từ đời cụ). Ngay từ khi 9-10 tuổi anh đã cầm cưa, cầm đục học nghề từ ông nội nên bàn tay trở lên chai sạn với những vết sẹo năm tháng. Trong gia đình, ngoài anh ra thì anh trưởng cũng làm nghề sơn mài, em gái cũng làm đồ mỹ nghệ khảm trai, con trai anh nay cũng theo nghề của anh là làm điêu khắc, sơn mài. Nhưng có lẽ anh là người thợ nổi bật nhất trong gia đình. Anh kể rằng, từ năm 13 tuổi, anh đã theo ông bác là Nguyễn Văn Nguôn đi đây, đi đó hành nghề tạc tượng, làm điêu khắc đình, chùa. Bố anh là thợ cơ khí thời kỳ những năm 60-70 và khi về hưu (năm 1978), ông cũng theo nghề gia đình là điêu khắc, sơn mài.

Là một địa phương có nghề truyền thống nổi tiếng miền Bắc này, nghề điêu khắc, sơn mài ở Bảo Hà đã phát triển mạnh trong những năm 80 khi sản phẩm này có thị trường tiêu thụ nhiều là các nước Xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Đông Âu. Gia đình anh giai đoạn đó cũng như nhiều gia đình có nghề truyền thống đều ra nhập Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp – một hình thức lao động, sản xuất tập thể mà ở Bảo Hà là HTX mộc – sơn mài. Đến giai đoạn thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu truyền thống là các nước Xã hội chủ nghĩa bão hòa bởi hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh với hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thì Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ này ở Bảo Hà phải giải tán. Từ năm 1984 (khi giải tán HTX) đến năm 1989 Nguyễn Văn Tụ tham gia dạy nghê điêu khắc-sơn mài cho các lớp học nghề của huyện An Dương, sau do hoạt động này khó khăn, anh quay về địa phương theo ông bác làm nghề mộc và sơn mài.

Tích lũy dần kinh nghiệm sản xuất và dạy nghề, từ năm 1992 đến nay Nguyễn Văn Tụ đã mở xưởng sản xuất riêng hành nghề điêu khắc-sơn mài và truyền nghề cho những ai muốn theo học.

Thế là, từ niềm yêu thích những bức tượng, con rối sinh động, có hồn do cha ông làm lên, cộng với năng khiếu điêu khắc, anh miệt mài lao động, sáng tạo mấy chục năm, để đến nay đã trở lên một người thợ giỏi, được Hội làng nghề Việt Nam công nhận là nghệ nhân làng nghề dân gian truyền thống.

Anh có xưởng điêu khắc gỗ ngoài mặt đường làng, chuyên làm tượng, đồ thờ như bàn thờ, hạc thờ, bát biểu, kiệu bát cống, long ngai và đại tự, cuốn thư… là những sản phẩm điêu khắc-sơn mài đòi hỏi nghệ thuật chạm, khắc gỗ tinh xảo và đánh bóng, phủ sơn cầu kỳ.

Từ năm 1993 đến nay, ngoài việc cung ứng nhiều sản phẩm điêu khắc – sơn mài cho khách hàng các vùng, miền (cả cho Việt Kiều), làm vừa lòng nhiều khách hàng khó tính. Mỗi năm Nguyễn Văn Tụ còn truyền nghề cho 2-3 người đến từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên…Có năm anh dạy nghề cùng lúc tới 5 người. Tổng cộng số học viên được anh truyền dạy (trong đó có nhiều người thành tài về quê hành nghề, mở xưởng) lên tới 8 – 9 chục người.

Lại nói về miếu Bảo Hà và pho tượng Linh lang Đại vương mà nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ có công đầu trong việc phục chế:

Miếu Bảo Hà là công trình do chính bàn tay của những người thợ tài hoa thế kỷ XIII tạo nên, được trang trí hoa văn tinh xảo và có những bức tượng đẹp lưu giữ tới nay. Giờ đây nó đã trở thành một địa điểm tham quan thú vị trong tuyến du lịch du khảo đồng quê phía nam thành phố Hải Phòng.

Năm 1991, miếu Bảo Hà được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2001, xã Đồng Minh muốn phục chế bức tượng Linh Lang Đại vương có từ thời Lê Trung hưng đã cũ, hỏng. Những người có trách nhiệm ở địa phương đã tổ chức cuộc thi làm mô hình phục chế bức tượng để chọn ra người có khả năng nhất. Trong số 20 đề tài dự thi của các tác giả, mô hình bức tượng (nhỏ bé, cao 20 cm) với hệ thống cơ học miêu tả chuyển động của nó mà anh Tụ dầy công xem xét thực địa ngoài miếu Bảo Hà làm ra đã thuyết phục được Ban Tổ chức cuộc thi và một công ty du lịch thành phố tài trợ. Mô hình tượng do anh thiết kế với hệ thống chuyển động cơ học sáng tạo thêm (ngoài hệ thống chuyển động cũ xưa kia) được anh trình bày nguyên lý chuyển động có sức thuyết phục đã khiển nhà tài trợ – Công ty du lịch lữ hành thành phố cấp kinh phí 30 triệu đồng cho việc làm lại bức tượng và hệ thống chuyển động của nó. Không phụ sự tin tưởng của mọi người, anh Tụ đã thành công trong việc tạc lại bức tượng với khuôn mặt thanh tú, có hồn, cao 1,60 m (gấp đôi bức tượng cũ) đồng thời khiến nó chuyển động đứng lên, ngồi xuống một cách khoan thai như bây giờ.

Cụ Nguyễn Văn Nghĩa – Trưởng ban khánh tiết khu Di tích miếu Bảo Hà năm nay đã ngoài 80 tuổi cho biết: Bức tượng Linh Lang đại vương gần 700 tuổi ở miếu Bảo Hà này là sự sáng tạo của nghệ nhân Bảo Hà xưa, các nghệ nhân đã tạo tác pho tượng với khuôn mặt sống động, chân và tay pho tượng có nhiều khớp có thể tháo dời để tượng cử động được và dễ thay trang phục. Tượng được nối với hệ thống chuyển động dấu dưới gầm sập thờ và sau cánh cửa gian hậu cung. Tượng có thể chuyển động khi có sự điều khiển trực tiếp bằng tay, hay tự động (khi mở, đóng cánh cửa gian thờ). Trải qua thời gian, pho tượng hư hỏng dần cùng hệ thống chuyển động và chính nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ đã khôi phục bức tượng và làm cho nó có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhẹ nhàng.

Theo thần phả, Linh Lang là hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông. Khi giặc Tống xâm lược nước ta (năm 1076), hoàng tử đã cầm quân đánh giặc. Trong một đợt hành quân, ngài đã tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Khi ngài mất, dân làng xây miếu thờ ngay trên nền đồn binh xưa. Sau đó người ta tạc tượng ngài để thờ như một vị Thành hoàng làng.

Để mục sở thị tác phẩm kỳ lạ này, cụ thủ từ dẫn chúng tôi vào gian hậu cung – nơi đặt tượng. Ngài mặc hoàng bào, ngồi trên ngai, tay trái cầm điệp văn. Cụ đẩy cánh cửa gỗ bên phải điện thờ thì bức tượng từ từ đứng lên, khi khép cánh cửa lại thì bức tượng lại dần trở về tư thế ngồi ban đầu. Thú thực, nếu không biết trước điều này có lẽ tôi đã giật mình kinh ngạc.

Tại nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ, để chỉ cho tôi cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống cơ học điều khiển bức tượng đứng lên – ngồi xuống, anh mang mô hình bức tượng gỗ thu nhỏ gắn hệ thống điều khiển chuyển động ra giải thích.

Theo đó thì mông bức tượng nối liền với một đuôi gỗ (tạm gọi là đòn bẩy) và được nối với vật nặng (đối trọng) bằng dây dòng dọc giấu dưới gầm sập thờ đặt tượng nên nhìn từ ngoài sẽ không thấy hệ thống chuyển động. Vật đối trọng lại được nối với cánh cửa gian hậu cung bằng hệ thống tay đòn – giòng dọc. Bức tượng chuyển động theo nguyên lý truyền lực, đòn bẩy và dùng lực đối trọng. Khi đẩy cánh cửa vào thì cánh cửa làm dây dòng giọc căng lên, truyền lực kéo vật đối trọng (gắn với đòn bẩy) chìm xuống, nhấn cho đòn bẩy đẩy bức tượng đứng lên (hai đầu gối và hông tượng có khớp nối có thể xoay qua xoay lại và chân tượng thì cố định chặt khiến tượng chỉ chuyển động theo phương thẳng đứng). Ngược lại, khi khép cánh cửa thì nó truyền lức vào cánh tay đòn – giòng dọc khiến vật đối trọng bông lên, giảm sức gìm, khiến tượng ngồi xuống. Để dễ hình dung, ta có thể coi cơ cấu chuyển động này giống như cấu tạo một cái vó bè người ta bắt cá ở vùng sông nước mà đòn bẩy ở đây chính là hai gọng vó, vật đối trọng là vật nặng treo dưới phần cuối gọng vó đòn bẩy và dây dòng giọc chính là dây căng giữa đầu này của gọng vó nâng và đầu kia có treo vật đối trọng của gọng vó đòn bẩy.

Thật đáng khâm phục khi những người thợ Bảo Hà xưa đã biết vận dụng nguyên lý chuyển động của cái vó bè vào việc chế tạo hệ thống chuyển động của bức tượng.

Khi đại tu bức tượng Linh Lang, nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ đã có 2 sáng tạo đáng chú ý.

Thứ nhất, nghệ nhân Tụ đã thay các khớp gỗ ở đầu gối và hai hông tượng bằng các bạc đồng nhằm tăng độ bền và trơn hơn bởi chúng được tra dầu nhờn khiến tượng đứng lên, ngồi xuống một cách êm ái.

Thứ hai, anh đã thêm một vật đối trọng thứ hai nối với vật đối trọng đòn bẩy bằng giòng dọc (đối trọng của đối trọng) để khi khép cửa lại thì nó sẽ kéo vật đối trọng thứ nhất bông lên, làm cho tượng dễ dàng ngối xuống hơn (ngày xưa chỉ có một vật đối trọng lên khi khép cánh cửa để tượng ngồi xuống thì rất nặng).

Thôn Bảo Hà không chỉ có những người thợ giỏi như nghệ nhân Nguyễn Văn Tụ. Hiện nay làng này còn có những người có khả năng điêu khắc – sơn mài nổi tiếng như nghệ nhân Hoàng Văn Sầm (năm nay 80 tuổi) hay ông Đỗ Văn Bưởng, Bùi Văn Lãng…Trong đó, ông Sầm, ông Bưởng và một số bàn tay vàng khác còn có khả năng truyền thần vào gỗ. Từ bức ảnh chụp một người nào đó, các ông có thể tạc lên bức tượng chân dung người đó với khuôn mặt rất giống người thật và có hồn. Rất nhiều người đã đặt các ông truyền thần gỗ chân dung người thân quá cố của mình (tôi cũng nhờ nghệ nhân Hoàng Văn Sầm tạc bức tượng nhỏ cao 30 cm về người bố đã mất của mình)

Làng nghề điêu khắc truyền thống Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo sau những giai đoạn thăng trầm của lịch sử giờ đây đang phục hồi, phát triển, thu hút đông đảo khách hàng và du khách trong, ngoài nước.

Thi Văn, Hội Văn nghệ Dân gian

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học