Nhớ lại những ngày rà phá thủy lôi ở luồng Nam Triệu, Hải Phòng.

Kích nổ thủy lôi Mỹ bằng tàu tự chế của Hải quân Việt Nam.

          Lời giới thiệu: Ngày 9/5/1972, đế quốc Mỹ cho hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4 từ hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi xuống luồng Nam Triệu (Hải Phòng), khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Hội, Sông Gianh, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, làm cho giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, hàng chục ngàn tấn hàng hóa chưa kịp bốc dỡ. Trước tình hình ấy, Quân chủng Hải quân xác định nhiệm vụ là phải hóa giải bằng được thủ đoạn của kẻ thù, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược..
          Xin giới thiệu về con tàu đầu tiên của quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ thí nghiệm rà phá thủy lôi Mỹ, khơi thông luồng lạch cho tàu ra vào cảng Hải Phòng:
         Giữa năm 1972, ngay sau khi đế quốc Mỹ thả thủy lôi luồng Nam Triệu, Hải Phòng và phong tỏa các cửa sông, bến cảng miền Bắc lần thứ hai, V- 412 được chọn là tầu đầu tiên cải tiến thành tàu phóng từ rà quét máy thủy lôi, khơi thông luồng lạch. Thực chất của việc cải tiến là biến con tàu thành “cục nam chân khổng lồ” để từ trường của nó phát ra đủ mạnh kích nổ thủy lôi MK- 52 của địch.

Tàu phóng từ phá thủy lôi tự chế của bộ đội Hải quân.

          Với sự tính toán của cơ quan kỹ thuật, V- 412 được quấn dây điện cỡ lớn xung quanh thân tàu và trang bị thêm 2 máy phát điện một chiều 39 KW để cung cấp điện cho cuộn dây. Công việc của cải tiến, lắp ráp trang thiết bị, được cán bộ, công nhân Xưởng X46 Hải quân làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, liên tục nhiều ngày đêm. Sau khi cải tiến, lắp ráp thiết bị xong, tàu được đưa về cảng của Đoàn 125 Hải quân ở Bính Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng và tiến hành chạy thử để thực hành thao tác kỹ thuật và hoàn thiện các trang thiết bị. Cùng với việc cải tiến tàu, Đoàn 125 đã bổ xung đủ quân số và điều động V-412 phối thuộc cho Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171. Tàu có một chi bộ và một chi đoàn, biên chế 12 đồng chí gồm: thuyền trưởng, thuyền phó, trưởng ngành cơ điện, 2 chiến sĩ cơ điện, 2 thủy thủ, 2 chiến sĩ chạy máy phát điện và các đồng chí y tá, chiến sĩ báo vụ, hàng hải.
          Thời gian đầu sau khi được cải tiến, Tàu V- 412 bước vào làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi thử nghiệm ở luồng Nam Triệu. Do tính chất công việc rất nguy hiểm nên mỗi buổi tối đi làm nhiệm vụ, khi những chiếc áo phao được mặc gọn ghẽ vào người, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều xác định mình là một thành viên trong đội cảm tử, sẵn sang chấp nhận hy sinh. Buổi thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào một đêm hè năm 1972. Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, Tàu V- 412 rời bến (Xưởng X46), xuôi dòng sông Cấm tiến về bãi thủy lôi trên luồng Nam Triệu, để lại phía sau những con tàu buôn lớn nối đuôi nhau nằm dọc theo bến cảng của thành phố biển thân yêu…Khi tàu vượt qua đèn Khuỷu, hai máy phát điện một chiều 39 KW được khởi động, cán bộ, chiến sĩ đã sẵn sàng, gọn gàng trong những chiếc áo phao cao su. Sau mệnh lệnh của thuyền trưởng: “Tất cả vào vị trí chiến đấu, bắt đầu phóng từ” thì những chiếc đèn xanh đỏ trên hộp tín hiệu điều khiển lập tức bật sáng nhấp nháy, báo hiệu các máy móc hoạt động bình thường. Con tàu trở thành “cục nam châm khổng lồ” sẵn sàng đối mặt với mọi nguy hiểm, hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Tàu từ từ tiến về hướng đèn Avan trong sự hồi hộp của chúng tôi. Xung quanh là một vùng nước mênh mông, âm thầm và bí ẩn. Âm thanh duy nhất lúc đó là tiếng nổ của máy tàu đều đều xen lẫn tiếng rú nhè nhẹ của máy phát xung điện và tiếng chân vịt đẩy nước. Nằm sâu dưới bùn, nước là những quả thủy lôi MK- 50, MK- 52, bom từ trường DST- 36 mà kẻ địch thả xuống có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt thủy thủ đoàn. Khi đi qua bến Hoàng Châu khoảng 0,5 hải lý, bỗng một tiếng nổ lớn phát ra cách tàu khoảng 20m về phía mạn trái 30 độ; Một cột nước to trắng xóa bùng lên trong đêm tối làm con tàu lắc lư chao đảo, trong giây lát nó đổ ào ào xuống bên trái mũi tàu… Lúc đó khoảng 20 giờ ngày 27/07/1972 – thời điểm quả thủy lôi đầu tiên ở luồng Nam Triệu được Tàu V- 412 kích nổ trong chuyến rà phá thử nghiệm. Tàu dừng máy, thuyền trưởng lệnh cho các vị trí kiểm tra, báo cáo. Vài phút sau, các vị trí lần lượt báo cáo người đủ, an toàn, máy móc trang thiết bị hoạt động bình thường. Tất cả anh em chúng tôi thở phào nhẹ nhõm xen lẫn sự vui mừng khôn xiết vì đã kích nổ thành công thủy lôi của địch. Sau khi báo cáo đầy đủ về sở chỉ huy, Tàu V-412 nhận được chỉ thị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà phá thủy lôi theo kế hoạch….
          Thành công đầu tiên đó đã cổ vũ, động viên củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trên Tàu tiếp tục tiến sâu vào bãi thủy lôi làm nhiệm vụ. Do tính năng và nguyên lý hoạt động của thủy lôi địch rất tinh vi nên việc 1 quả nổ ở khoảng cách 20 m là chưa đủ thuyết phục mọi người về độ an toàn cho người và phương tiện rà quét. Dù vậy, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi luôn sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng 4 giờ sáng ngày 28- 07- 1972, tàu được lệnh rời bãi lôi trở về cập bến X 46, kết thúc chuyến thử nghiệm đầu tiên trong sự vui mừng chào đón của các đồng chí trong sở chỉ huy và cán bộ kỹ thuật đã tham gia giải cứu con tàu.
          Sau đó, Tàu V- 412 chính thức được giao nhiệm vụ rà quét thủy lôi ở luồng Nam Triệu, chủ yếu là khu vực từ  Hoàng Châu đến đèn Avan. Những lần đi làm nhiệm vụ rà quét lôi sau đó đã trở thành quy luật: buổi chiều từ 17- 18 giờ, tàu rời X46 và đến sang sớm ngày hôm sau quay trở về để kiểm tra lại trang thiết bị, làm công tác chuẩn bị cho chuyến tiếp theo…Mỗi khi con tàu chìm sâu vào màn đêm cũng là lúc cuộc chiến đấu sinh tử lại bắt đầu: máy phát điện được khởi động; cán bộ, chiến sĩ gọn gàng trong chiếc áo phao cao su. Thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá ác liệt thì tàu trở về cập cảng Nhà máy cá hộp Hạ Long, đậu gần các tàu buôn nước ngoài. Ban đêm tàu hoạt động liên tục, có đợt tới 28 ngày. Chúng tôi hầu như không được nghỉ ngơi. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng cán bộ, chiến sĩ Tàu V-412 vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ.
          Một đêm nọ, như thường lệ, Tàu V-412 lầm lũi vượt sóng ra khơi. Máy móc vẫn hoạt động bình thường, liên lạc thông suốt, thời tiết tốt, trời quang, gió nhẹ. Khi đang đi trong tuyến quét Hoàng Châu – Avan được nửa đoạn đường, bỗng nhiên tàu rung lên thật mạnh, rồi hất nghiêng về bên phải, tiếng máy móc im bật, tiếp đó những cột nước và bùn đất ào ào đổ xuống trùm lên thân tàu từ đài chỉ huy về trước. Trước sức ép khủng khiếp, con tàu vẫn trụ vững, song anh em chiến sĩ thì hầu hết bị ngất, phải mấy phút sau mới tỉnh lại. Một chiến sĩ cơ điện bị hất xuống biển nhưng nhờ có áo phao nên vẫn an toàn và được anh em kéo lên Tàu kịp thời. Chỉ huy cho kiểm tra toàn bộ tàu, thân vỏ không bị thủng nhưng hai máy chính và hai máy phát điện không khởi động được, mui phía trước khung từ bị sập, khoang đặt hai máy phát điện bị bùn nước ngập đến đầu gối, tàu mất cơ động hoàn toàn. Hôm đó, ở bến Hoàng Châu có hai tàu tuần tiễu 100 tấn làm nhiệm vụ trực cấp cứu. Khoảng cách từ các tàu trực ở bến Hoàng Châu đến địa điểm Tàu V-412 không xa, nhưng vì phải cẩn trọng với thủy lôi địch rải dưới luồng nên gần 3 tiếng đồng hồ sau tàu trực tiếp mới tiếp cận được Tàu V-412. Tàu V412 được kéo về cập cảng Nhà máy cá hộp Hạ Long, sau đó được đưa vào X46 kiểm tra, sửa chữa.
          Tàu V-412 tiếp tục rà quét thủy lôi ở luồng Nam Triệu cho đến khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì được điều động rà quét khu vực biển Đồ Sơn. Số lượng thủy lôi, bom từ trường do Tàu V-412 rà quét được ở khu vực biển Đồ Sơn khoảng 6-7 quả. Tiếp đó, Tàu V-412 được giao nhiệm vụ rà quét ở các cửa sông từ Quảng Bình ra đến tỉnh Thanh Hóa nhưng không phát hiện có thủy lôi nổ. Sau những đợt rà quét này, Tàu V-412 được tháo gỡ khung từ, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện cho chiến trường, kết thúc oanh liệt giai đoạn tiên phong làm nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ phong tỏa trên các luồng sông, bến cảng và cửa biển miền Bắc xã hội chủ nghĩa”.
          (Nguồn: Nhớ lại những ngày rà phá thủy lôi ở luồng Nam Triệu, Hải phòng/ Nguyễn Văn Khơ// Tạp chí lịch sử Quân sự.- số 258 tháng 6 năm 2013.- tr.74- 75). PV. Thi sưu tầm, giới thiệu.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học