Nhà gỗ cổ tại Hải Phòng – tiềm năng du lịch văn hóa.

Một ngôi nhà gỗ lim 5 gian.

          Theo thông tin từ những người sáng lập Hội nhà gỗ cổ Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính nhà gỗ cổ truyền có tuổi đời mấy chục năm đến mấy trăm ở Hải Phòng có đến hơn 3.000 căn. Trong đó ở Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo là những địa phương còn có nhiều nhà cổ hơn cả. Trong số những ngôi nhà gỗ cổ đó có rất nhiều nhà đẹp mang giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử cao, có thể đưa vào các tua tham quan du lịch. Điển hình, ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng có khoảng hơn 150 ngôi nhà dựng bằng gỗ lim có giá từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng.
          Xưa kia những nhà gỗ cổ đều là nhà của những gia đình quyền quý, quan lại, giàu có. Ngày đó, những gia đình giàu sang xây dựng nhà gỗ thường để tiếp khách hay là nơi thờ cúng tổ tiên.

Bên trong một ngôi nhà gỗ điển hình.

          Vào những năm chiến tranh, những ngày đầu đất nước mới giành lại độc lập, đời sống kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, những ngôi nhà gỗ cũng bị mai một.
          Một thời gian trước đây, trào lưu phá bỏ nhà kiểu cũ, xây nhà ống, nhà cao tầng diễn ra khá rầm rộ trong đời sống người dân. Vì vậy, có không ít ngôi nhà cổ, đặc biệt là nhà gỗ ở nhiều điạ phương bị dỡ bỏ, đập phá một cách không thương tiếc. Trong số đó, có rất nhiều ngôi nhà gỗ cổ được làm từ những loại gỗ quý, chạm khắc hoa văn tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ cao. Đi ngược với xu thế đó, cũng có một số người lại đi tìm mua những xác nhà gỗ cổ về dựng lại. Tuy nhiên con số đó không nhiều và ở chốn đô thị, những ngôi nhà đó hiện trở thành những không gian sống hiếm có, thậm chí đáng mơ ước của nhiều người.
          Nhưng người Hải Phòng giờ đây có xu hướng quay trở lại với nếp sống dân dã thôn quê, rời xa sự náo nhiệt, quay trở về với không khí yên bình, cảm giác yên tĩnh, khi sống trong những căn nhà gỗ cổ xưa. Điều đó vừa mang lại cảm giác ấm áp, bình yên, lại thể hiện được sự sang trọng.
          Nhà gỗ cổ truyền thường làm bằng nhiều loại gỗ, nhưng thông thường bằng gỗ lim. Vì gỗ lim có độ bền cao, có sức chống chịu trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, mưa, nắng. Nhà gỗ lim lại mát về mùa hè, ấm về mùa đông, tốt cho sức khỏe của con người.
          Những căn nhà gỗ cổ truyền thường được xây dựng kiểu kiến trúc nhà 3 gian hay 5 gian 2 trái đặc trưng của vùng Bắc Bộ xưa. Thường 3 gian giữa được gia chủ dùng làm phòng khách, 2 bên còn lại kê giường, tủ. Hai trái thường được xây “lồi” ra bên ngoài, đây được xem như là phần kín của ngôi nhà để gia chủ dùng làm phòng ngủ hay cất giữ những thứ quan trọng trong gia đình.
          Các gian nhà được phân chia bằng các cột, 3 gian thông nhau, nơi giáp ranh giữa 3 gian chính và 2 trái được ngăn cách bởi bức tường gỗ. Nhà gỗ cổ truyền được thiết kế kiên cố với hệ thống xà, rường, cột, kèo bằng gỗ…
          Ở Hải Phòng, trong khu vực nội thành, hiện cũng có những ngôi nhà gỗ cổ như vậy. Len lỏi trong những ngôi nhà cao tầng, vẫn có những ngôi nhà gỗ cổ có niên đại hàng trăm năm, nằm yên bình trong lòng phố xá nhộn nhịp. Không chỉ phù hợp để ở, những ngôi nhà này còn có một giá trị lớn cả về văn hóa cũng như phục vụ hoạt động du lịch của thành phố.
          Những người yêu thích nhà gỗ cổ, đồng thời cũng là những người được kế thừa, được sở hữu những ngôi nhà gỗ cổ giá trị ở Hải Phòng đã cùng nhau thành lập Hội Nhà gỗ cổ truyền từ năm 2015. Chủ tịch Hội Nhà gỗ cổ truyền Hải Phòng, hiện nay là ông Vân Nam – nguyên Giám đốc Sở Thương nghiệp Hải Phòng.
          Theo các thành viên của Hội nhà gỗ cổ truyền Hải Phòng, nhà gỗ cổ truyền không chỉ là một nơi để ở đơn thuần, mà kiến trúc nhà gỗ còn là một biểu hiện của chiều sâu văn hóa dân tộc. Bảo tồn kiến trúc nhà gỗ cổ truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục và phát huy nền văn hóa dân tộc truyền thống, góp phần phục hưng lại không gian văn hóa cổ đang bị mai một.
          Ông Nguyễn Văn Ca ở xã Thủy Triều (Thủy Nguyên, Hải Phòng) là người làm nghề mộc đời thứ 8 trong một gia đình có nghề truyền thống. Với tuổi nghề 40 năm, ông đã làm nhà gỗ từ năm 20 tuổi và truyền nghề cho 300 người. Với việc duy trì, sáng tạo và phát triển nghề mộc – điêu khắc, năm 2014, UBND thành phố Hải Phòng đã phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hải Phòng” cho ông.
          Ông cho hay: làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng mà đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ dựng nhà. Người thợ phải kiêng kị cho gia chủ từ khâu chọn gỗ. Dựng nhà tùy vào gia chủ làm nghề gì thì dựng theo cung có lợi cho sự phát triển của gia chủ. Ví dụ: Gia chủ làm nghề buôn bán, thợ sẽ dựng nhà theo cung Tài; gia chủ làm nghề bàn giấy, thợ làm nhà theo cung Quan..v.v.
          Ngôi nhà gỗ của ông dựng từ năm 2006, lấy ý tưởng từ kiến trúc cung đình Huế, Thời gian dựng ngôi nhà khoảng 1 năm, với tổng chi phí trên 3 tỷ đồng. Tầng 1 của căn nhà xây bê tông dùng làm nơi sinh hoạt cho gia đình, tầng 2 (dựng bằng gỗ lim) có 3 gian với 4 cột trụ, 3 cửa chính. Đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong làm nhà. Nếu vào trong nhà ông mới thấy sự sang trọng, mỹ quan của kiến trúc và điêu khắc gỗ lim khiến ta phải trầm trồ tán phục.

Nhà ông Ca ở xóm 5, xã Thủy Triều  – Thủy Nguyên.

          Ở Việt Nam từ xa xưa, nhà gỗ đã được người dân ưa chuộng vì phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như tính cách của người Việt. Đều là nhà gỗ nhưng ở mỗi địa phương, mỗi gia đình lại có cách dựng nhà, cách chạm trổ khác nhau. Nhìn vào kiểu nhà, cách chạm trổ hoa văn, người ta có thể biết hoàn cảnh đời sống, nếp sinh hoạt, sự hiểu biết cũng như tính cách của người chủ nhà. Vì vậy, những ngôi nhà cổ truyền còn lại cho đến thời điểm này đều được coi là những di sản văn hóa có giá trị rất lớn, cần được giữ gìn và bảo tồn.
          Tại Hải Phòng, trong khoảng 3000 ngôi nhà cổ rải rác ở khắp các quận, huyện, hiện có rất nhiều ngôi nhà gỗ cổ đẹp và có niên đại cao, được nhiều người biết đến và yêu thích, điển hình như nhà của ông Bùi Thanh ở 187, khu 10, phường Đằng Hải, quận Hải An; nhà ông Phạm Văn Thăng ở 67 Cầu Đen, núi Đối, Kiến Thụy, nhà ông Đào Ngọc Thạch ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, nhà ông Hoàng Đình Phúc (quận Đồ Sơn), ông Nguyễn Kim Tín (quận Lê Chân)… …Những ngôi nhà này đều là “của hiếm” trên đất Cảng bởi giá trị lịch sử và đường nét hoa văn, kiểu nhà độc đáo mà bất kỳ ai đến thăm đều thích thú.
          Trong đó có ngôi nhà gỗ kiểu Nhật hiếm có của ông Vũ Xuân Nhài (quận Lê Chân), nhà gỗ cổ với nhiều vật dụng độc đáo của ông Phạm Văn Thăng (huyện Kiến Thụy)…
          Theo thông tin từ Hội nhà gỗ cổ truyền Hải Phòng, có những du khách nước ngoài khi biết được ở Hải Phòng, ngoài những kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ 20 còn sở hữu nhiều không gian nhà gỗ cổ truyền thống của Việt Nam rất thích thú và mong sớm được chiêm ngưỡng. Nếu đưa được không gian nhà gỗ cổ truyền của Hải Phòng vào tua du lịch văn hóa, chắc chắn hoạt động du lịch của thành phố sẽ hấp dẫn hơn. Người dân khi đến với Hải Phòng không chỉ đến với những địa danh quen thuộc từ lâu mà còn được tham quan những điểm đến mới là những không gian nhà gỗ cổ truyền, qua đó hiểu hơn về kiến trúc nhà ở của người Việt qua từng thời kỳ.

 Thi Văn tổng hợp, giới thiệu.

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học