Nhân cách đạo đức và chí khí doanh nhân Nguyễn Sơn Hà – tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt. (Tham luận Hội thảo KH “Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà – những đóng góp to lớn của ông và gia đình cho đất nước và thành phố”)

 

Nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà (1894-1980)

Trong công cuộc đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kinh tế nước ta có sự phát triển đi lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân.

Ngày nay, trong quá trình lập thân, lập nghiệp, thế hệ hôm nay cần học tập tấm gương tiêu biểu của một doanh nhân tài ba, yêu nước, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để làm giàu cho bản thân, gia đình và có ích cho xã hội – tấm gương Nguyễn Sơn Hà, người có thể coi là ông tổ của ngành sơn dầu Việt Nam thời Pháp thuộc.

Nguyễn Sơn Hà quê gốc ở làng Phượng Cách, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Thân phụ Nguyễn Sơn Hà là Nguyễn Mễ, một lực điền khỏe mạnh, có thể gánh gánh lúa to đến mức đi qua cổng làng không lọt, đã cùng với bạn bè lập phường gặt thuê và hát chèo, rồi tham gia nghĩa quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp tiến ra miền Bắc. Không thể không tin rằng tấm gương yêu nước của người cha cũng ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc của Nguyễn Sơn Hà sau này.

Ở tuổi 15 thì Nguyễn Sơn Hà mồ côi cha. Là anh cả gia đình 7 miệng ăn nên trách nhiệm đặt lên vai ông rất nặng nề. Anh em ông đùm bọc nhau, vừa làm vừa học.

Nguyễn Sơn Hà kinh doanh thành đạt trên đất Cảng Hải Phòng và hoạt động chính trị – xã hội, văn hóa chủ yếu ở nơi này. Thưở trẻ, trước khi lập hãng sơn riêng năm 1917, Nguyễn Sơn Hà từng làm công cho Hãng sơn Xô-va Côt-tuy (Sauvage Cottu) của người Pháp ở Hải Phòng. Với ý chí khởi nghiệp, ông đã kín đáo học kỹ nghệ làm sơn của hãng. Nhà chủ có một tủ sách quý về hoá học, về công nghệ sản xuất sơn, về nghề in…Những lúc chủ đi vắng, ông lục lọi tìm đọc những sách về nghề sơn. Để có trình độ tiếng Pháp khá hơn, ông mời thầy người Pháp về nhà dạy vào buổi tối. Vừa học kỹ thuật trong sách, ông vừa tranh thủ gần gũi anh em công nhân để hỏi han kinh nghiệm. Tuy chỉ làm nhân viên đánh máy, rồi kế toán của hãng, nhưng mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật đến cách tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…ông đều để tâm học hỏi. Khi đã nắm được những bí quyết trong nghề làm sơn và kinh doanh sơn dầu, Nguyễn Sơn Hà quyết định tự lập làm ăn. Ông quyết định tách khỏi ông chủ người Pháp, mở xưởng sơn riêng của mình (năm 22 tuổi). Có lẽ, ông chủ người Pháp, không ngờ rằng cậu thanh niên bản xứ chăm chỉ công việc, siêng năng đọc sách này sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với mình trong tương lai.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bán chiếc xe đạp làm vốn, ông mở cửa hàng nhỏ nhận việc kẻ biển, quét vôi, sơn nhà cửa và bắt tay vào chế thử sơn dầu ở Hải Phòng. Lúc đầu, công cụ làm sơn chỉ có chiếc cối đá mua ở chợ về để nghiền bột, mấy anh em ông vừa là chủ, vừa là thợ chung sức chung lòng quyết tâm lập nghiệp từ cái cửa hàng nhỏ nhoi ấy. Sau nhiều lần sản xuất thử bị thất bại, ông vẫn kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm và dồn tâm sức nghiên cứu cách dùng nguyên liệu trong nước như cây trẩu, cây thầu dầu, nhựa thông…Chẳng bao lâu những loại sơn, xay từ cối đá được “đóng hộp” đem bán ra thị trường, với nhãn hiệu “Resistanco” (tiếng Pháp nghĩa là “bền chặt”) với giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô, bóng đẹp hơn sơn của Tây. Sản phẩm ngày một nhiều chủng loại như sơn Resitanco 3 để sơn khung xe đạp, sơn Đuy-rô-lắc để sơn vỏ ô-tô… Với nhiều cách tiếp thị thị trường mà bây giờ nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng áp dụng cộng với chất lượng tốt, giá lại rẻ hơn của Tây nên sơn của xưởng Nguyễn Sơn Hà dần chiếm được tín nhiệm của người dùng, bán được ngày càng nhiều. Nguyễn Sơn Hà đã mua được máy xay bằng sắt thay cho cối đá nên năng suất và chất lượng sơn ngày càng khá hơn.

Ông mua được cửa hàng trên phố La-Côm, tức phố Hoàng Văn Thụ ngày nay. Lúc đầu, ông chỉ có khả năng dựng nhà tre vách đất cho thợ ở, khi khá giả, ông mua hẳn 41 căn hộ (mỗi căn hơn 120m2) ở ngõ Sơn Lâm bây giờ, để thưởng dần cho thợ thuyền. Ông Nguyễn Sơn Hà đặt tên cho hãng sơn là Gecko, lô gô có hình con tắc kè xanh cong đuôi bám vào thân cây cổ thụ.

Trong quá trình làm ăn, Nguyễn Sơn Hà luôn giữ chữ tín với khách hàng, lắng nghe ý kiến của mọi người để xem xét, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm nên tiếng tăm và sơn của ông ngày càng được tiêu thụ rộng khắp.

Thấy Nguyễn Sơn Hà làm ăn phát đạt, bọn thực dân và tư bản Pháp, tư bản Hoa kiều hùa với nhau mở chiến dịch hòng làm ông sập tiệm. Lúc đầu chúng vu cáo ông là buôn lậu. Một lần có mẻ dầu không may bị bốc cháy, lấy cớ đó chúng ra lệnh cấm ông sản xuất, bắt ông dọn ra ngoại ô. Khi nhà máy mới được xây dựng xong, công việc làm ăn vừa vào nề nếp, viên Đốc lý Hải Phòng lại ra lệnh “đóng cửa ngay nhà máy, vì ô nhiễm môi trường” (trong khi địa điểm xây dựng nhà máy chính do viên Đốc lý này giới thiệu)…Bằng kinh nghiệm, khôn khéo và quan hệ tốt với các luật sư tranh cãi, được người Việt ủng hộ, ông lần lượt vượt qua mọi thủ đoạn cản trở, gây khó dễ và phá hoại của chính quyền thực dân và các đối thủ cạnh tranh “chơi xấu” để tồn tại và phát triển.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trước hai đối thủ không cân sức: tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều trên đất Cảng, cũng như doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà với tài năng kinh doanh của mình, đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí sắc bén và tận dụng sự siêng năng, khéo tay của người Việt để chiến thắng và vươn lên làm giàu cho gia đình, làm lợi cho nhân dân. Chỉ có điều, ông “Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi (nhiều hơn Nguyễn Sơn Hà 20 tuổi) cuối cùng đã không chiến thắng nổi tư bản người Hoa và Pháp nên phá sản, chỉ có Nguyễn Sơn Hà là trụ được.

Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Nguyễn Sơn Hà quyết định bỏ thêm vốn, mở rộng xưởng, tăng sản lượng sơn mà thị trường đang cần, đưa Resistanco trở thành thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh thắng lợi với các hãng sơn lâu đời của Pháp. Khi đã có tiếng về chất lượng sản phẩm, hãng sơn của Nguyễn Sơn Hà đã giành được phần lớn thị trường trên toàn cõi Đông Dương. Hãng sơn của cụ Nguyễn Sơn Hà đã vươn lên đứng độc quyền đại lý ở Phnôm Pênh, Bangkok và cả trên đất Pháp.

Một khó khăn cho sản xuất sơn thời đó là nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ Pháp. Nguyễn Sơn Hà chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại như: mua đồn điền 300 mẫu ở Đò Lèn (Thanh Hoá) để trồng chẩu lấy dầu; ký hợp đồng mua dầu thông dài hạn ở Quảng Yên; xin khai thác mỏ đá màu ở Đông Triều (Quảng Yên) và Thanh Hoá; khai thác mỏ sét xanh ở Sơn Tây, đất sét trắng, vàng, đỏ ở Hải Dương…Theo ông, sự chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước không chỉ khơi dậy tiềm năng của Tổ quốc, đưa lại công ăn việc làm cho người dân, mà còn góp phần vượt lên trên sự kìm hãm và chèn ép của tư bản ngoại bang.

Xuất thân từ gia đình nghèo, Nguyễn Sơn Hà luôn có sự cảm thông với người lao động và tận tình giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Với lòng yêu nước, bên cạnh ý chí vượt mọi gian khó, vươn lên làm giàu cho gia đình, dòng tộc, Nguyễn Sơn Hà cũng không đứng ngoài đời sống chính trị-xã hội, muốn góp sức mình giải quyết các vấn nạn, khó khăn của nhân dân. Điều đó giải thích vì sao không chỉ làm giàu, Nguyễn Sơn Hà còn tham gia các hoạt động xã hội để giúp ích cho đồng bào còn nghèo khổ của mình như: đứng đầu Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng; lập trường Dục Anh nuôi dạy trẻ mồ côi; chu cấp lương thực cứu đói người nghèo… Nguyễn Sơn Hà ở trong Hội đồng Kinh tế Đông Dương và với uy tín của một nhà tư sản trong giới công thương, ông Nguyễn Sơn Hà ra tranh cử Hội đồng Thành phố Hải Phòng, là ủy viên Hội đồng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Trí Tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế. Năm 1944, ông Nguyễn Sơn Hà giúp 4 vạn đồng Đông Dương làm tài chính cho Đảng. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó của Đảng, việc làm này thật sự quý báu.

Thực dân Pháp luôn rêu rao chúng sang Việt Nam để khai hóa văn minh nhưng niềm hy vọng của người Việt Nam vào chính sách khai hóa của Pháp đã tan thành mây khói, khi trên trang nhất các báo ở Pháp thường có dòng tít: Không bao gìờ nên kỹ nghệ hóa xứ Đông Dương, phải để cho người Annamite trở về với đồng ruộng của họ. Đây là chính sách ngu dân của chính quyền Pháp đối với một số nước thuộc địa. Điều này làm cho nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà bất bình. Ông nghĩ rằng, muốn thoát khỏi thân phận nô lệ của người dân mất nước thì người dân phải hiểu biết. Và muốn hiểu biết thì phải biết chữ. Trong lúc đó 95% người Việt Nam không biết đọc, biết viết. Ông suy nghĩ rất nhiều về câu nói của người xưa: “Nhân bất học bất tri lý”. Từ sự vận động của cụ Nguyễn Tất Tố, Nguyễn Sơn Hà thành lập một chi hội dạy chữ quốc ngữ ở Hải Phòng. Nhưng công việc của lúc đầu gặp quá nhiều khó khăn. Chính quyền Pháp thì làm ngơ, các quan lại người Việt thì không ai ủng hộ, công chức thì rụt rè… nhưng quần chúng thì vô cùng nhiệt huyết hưởng ứng.

Nhờ kiên trì vận động, cuối cùng, ông và bạn bè đã thành công. Số người học chữ quốc ngữ ngày càng đông và lan rộng ra các vùng lân cận như Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai…Chính quyền Pháp rất khó chịu về phong trào học chữ quốc ngữ do Nguyễn Sơn Hà khởi xướng và tổ chức. Bọn mật thám theo dõi ông ráo riết. Chúng tìm nhiều cớ để hòng ngăn chặn phong trào này. Thỉnh thoảng chúng lại đuổi người này người nọ là thành viên của hội với lý do họ là Cộng sản. Lúc đó Hội truyền bá chữ quốc ngữ có 100 giáo viên. Lớp học mở ở mọi nơi và có nhiều giáo viên dạy đến bốn ca một ngày. Ông Nguyễn Sơn Hà vừa lo đối phó với chính quyền Pháp và bọn tay sai, vừa bỏ tiền của gia đình mình mua giấy bút cho học viên và hỗ trợ đời sống cho giáo viên. Ông Nguyễn Sơn Hà mang hết sức lực và của cải để đóng góp vào sự phát triển dân trí. Phong trào học chữ quốc ngữ phát triển đến năm 1945.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ông sẵn sàng hy sinh tài sản đi theo kháng chiến, đồng cam cộng khổ với nhân dân, hằng tâm, hằng sản đóng góp tiền của, sức lực, trí tuệ cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đó là phẩm chất đạo đức nổi bật của ông. Ngoài ra ở ông cũng còn phẩm chất khác quyết định thành công là sống ngay thẳng và trọng chữ tín. Có một chuyện như sau: Một trong những người bạn cộng tác với ông cùng nhau thành lập hãng sơn đầu tiên lấy tên của ba thành viên sáng lập, chỉ cần hành xử không minh bạch là ông từ bỏ luôn để người bạn ấy tiếp tục tự làm rồi lập ra một hãng sơn cũng có tiếng, riêng ông chuyển hẳn sang một dòng sản phẩm khác với những dấu ấn công nghệ vượt trội nhờ những sáng chế của riêng mình, đó là nhãn hiệu “Reisstanco” nổi tiếng đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn ngoại đương thời.  

Chuyện khác, chỉ một người thợ cả giỏi tay nghề của ông bị rủ rê vào Nam lập nghiệp mang theo những bí quyết nghề nghiệp của ông, thay vì sự phàn nàn, hay kiện tụng, Nguyễn Sơn Hà quyết tâm mở rộng kinh doanh vào phía Nam để khẳng định đẳng cấp của mình… 

Năm 1945, khi thấy quá nhiều trẻ em chết đói, ông đã lập ra Trường Dục Anh (ở số 46, phố Lạch Tray) để nuôi dạy 400 trẻ mồ côi. Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì những trẻ mồ côi này đã lớn và lên đường đi theo kháng chiến. Sau này nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ cách mạng.

Cũng cần nói thêm, bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, thứ thất của ông Nguyễn Sơn Hà cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong buổi đầu chính quyền các mạng ở Hải Phòng. Ông bà đều là những yếu nhân của các tổ chức xã hội yêu nước ở Hải Phòng lúc bấy giờ. Năm 1945-194 bà còn là Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời Hải Phòng.

Ngôi nhà số 49 Lạch Tray, căn biệt thự của gia đình ông Nguyễn Sơn Hà – di tích lịch sử của thành phố vừa được trùng tu, sửa chữa lại. Nơi đây từng là nơi gặp gỡ bàn công việc của nhiều nhà hoạt động cách mạng như Tư lệnh chiến khu Đông Triều – tướng Nguyễn Bình với Ủy ban khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám và từng được Hồ Chủ tịch chọn làm nơi tiếp đón, nghỉ ngơi cho viên thuyền trưởng Pháp đã chở Người cùng đoàn tháp tùng chở về trong chuyến thăm Pháp năm 1946.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước gặp vô vàn khó khăn. Chính phủ VNDC Cộng hòa ra lời kêu gọi “Tuần lễ Vàng”. Trong tuần lễ đặc biệt này, những người con của ông Nguyễn Sơn Hà đã cùng tiểu đội thanh niên xung phong của họ đi hết phố này đến phố khác để kêu gọi mọi người tham gia giúp Chính phủ. Và gia đình đóng góp cho Chính phủ nhiều nhất ở thành phố Hải Phòng lại chính là gia đình nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà. Trong chiến dịch quyên góp này, ông Nguyễn Sơn Hà đi cùng vợ là Ngọc Mùi và con gái Sơn Thạch, đóng góp tiếp 4 vạn Đông Dương (khi đó, 2,5 đồng/ tạ gạo) và 10,5 kg vàng.

Sau Tuần lễ vàng, Ông Nguyễn Sơn Hà nhận được điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp, mời về gặp tại Bắc Bộ Phủ. Đồng chí thay mặt Chính phủ giao cho ông Nguyễn Sơn Hà đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Nhưng ông đã khước từ chức Bộ trưởng. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Sau vài đêm suy nghĩ, tôi tự xét thấy mình học ít, tài sơ nên không dám nhận chức vụ quá to lớn, ngoài sức mình, sợ sau này sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề quốc kê dân sinh”. Những người như ông Nguyễn Sơn Hà thời nay quả là hiếm. Ông vừa là người không màng đến danh lợi, vừa là người biết xét cái được, cái mất giữa cá nhân mình và Tổ quốc.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cử tri ở Hải Phòng đã tín nhiệm bầu nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà vào Quốc hội khóa 1. Ông trở thành người đại biểu cho quyền lợi, ý chí của nhân dân.

Đáng chú ý, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội có 242 đại biểu, ông Nguyễn Sơn Hà và ông Ngô Tử Hạ (nhà tư sản kinh doanh in ấn) là 2 người can đảm đứng lên phản đối một vài điều khoản trong Hiến pháp. Ông Nguyễn Sơn Hà không đồng ý khi Hiến pháp đã không ghi một chữ nào về quyền của công dân Việt Nam được tự do kinh doanh và ông Ngô Tử Hạ thì muốn Quốc hội phải có 2 viện lập pháp và hành pháp riêng rẽ. Ông Nguyễn Sơn Hà thắc mắc tại bản Hiệp ước mồng 6 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Việt Nam lại công nhận quyền của người Pháp được tự do kinh doanh trên đất Việt Nam mà hiến pháp lại không công nhận quyền tự do kinh doanh của người Việt. Ông nói rằng, nếu người Việt Nam không có quyền đó thì không thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế nước nhà lên được. Và như vậy, hàng hóa Pháp lại có cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Nghe ông giãi bày như vậy, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng lên giải thích. Người nói: “Tuy trong Hiến pháp không ghi những điều khoản ấy nhưng người Việt mình chẳng những được tự do kinh doanh, mà còn được Chính phủ khuyên khích, bảo hộ cho là khác nữa, ông không phải lo”. (Tinh thần này đã được xác nhận trong lá thư Hồ Chủ Tịch gửi giới công thương từ ngày 13/10/1945). Chuyện này cho thấy tính cách thẳng thắn, không ngại đấu tranh cho công bằng của cụ Nguyễn Sơn Hà.

Ngày 20/11/946 quân đội Pháp gây hấn, chiến tranh 7 ngày nổ ra ở Hải Phòng mở đầu cho cuộc Toàn quốc kháng chiến. Gia đình ông Nguyễn Sơn Hà trước đó đã đóng góp rất nhiều tiền của cho việc mua và sửa chữa vũ khí trang bị cho tự vệ Hải Phòng chiến đấu và chính người con trưởng của ông – Nguyễn Sơn Lâm đã hy sinh trong trận chiến mở màn với quân Pháp khi trúng mảnh đạn cối vì nhường mũ sắt cho chiến sĩ liên lạc. Nguyễn Sơn Lâm tiêu biểu cho lớp thanh niên yêu nước thời đó bởi dù là con nhà giàu nhưng biết gắn mình với sự nghiệp cứu nước, hăng say công tác quân sự, từ chối ra nước ngoài học tập.

Về người con xuất sắc giống cha với tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc có thể ngắn gọn như sau: Học trường Tây, Sơn Lâm luôn là học sinh giỏi (A1), đẹp trai, lịch lãm, là cây thể thao luôn nhất về chạy nhanh, nhảy cao, nhảy xa, cây văn nghệ số 1 ở trường Albert Sarraut. Anh tham gia tổ chức bí mật Việt Minh năm 1944. Sơn Lâm thi tú tài xuất sắc được hai giáo sư người Anh và người Pháp tháo ngay đồng hồ đeo tay tặng.  Sơn Lâm rất hiếu thảo với cha mẹ, thường sáng tác bài hát để các em hát chúc phúc, chúc thọ cha mẹ: “Đầu năm, anh em con cùng chung nhau mừng cho cha mẹ được vui sướng luôn/ bán buôn phát tài/ Đừng hay ốm đau/ Chúng con bao giờ cũng yêu thầy mẹ/ Và chúng con cùng nhau xin hứa rằng/ Cùng cố sao cho nên người ngoan ngoãn/ Và con xin học chăm được nhất luôn ở trường/ Để cho xứng đáng làm con thầy mẹ”.

Nguyễn Sơn Lâm chính là người được vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong ngày Lễ Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945 ở quảng trường thành phố Hải Phòng.

 Nguyễn Sơn Lâm được cha cho đi Pháp du học, nhưng tự nguyện xin ở lại chống Pháp, làm gương sáng cho tầng lớp thanh niên yêu nước. Tháng 11 năm 1946, đi học lớp quân chính khóa 1 về, Nguyễn Sơn Lâm được trên phân công phụ trách tự vệ khu 11 (gồm các xã Đông Khê, Phụng Pháp, Hạ Lũng), khu 7, khu 9, khu 10 . Vũ khí khan hiếm, cố gắng lắm mới chỉ mua được 5 khẩu súng Nhật cháy báng. Ông Phạm Tường (Chủ nhiệm Việt Minh khu 11) không quên sự giúp đỡ của gia đình cụ Nguyễn Sơn Hà đã giúp cho đại đội trang bị đầy đủ quân trang, vũ khí; cũng như lời tâm sự của Nguyễn Sơn Lâm: “Em được phép đi du học ở nước ngoài, nhưng em nhất quyết ở lại. Vì nếu chiến tranh xảy ra mà em lại ra đi, thì em tự coi như kẻ đào ngũ”. Nguyễn Sơn Lâm dặn Cha: “Tình hình rất là căng thẳng. Thầy mẹ nên tản cư ngay ra hậu phương. Còn con quyết một mất một còn với giặc.”

 Nguyễn Sơn Lâm là liệt sĩ đầu tiên hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hải Phòng. Biết tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ngay thư chia buồn. Đại đội phó Lê Hai (sau là Trung tướng) cùng nhân dân, tự vệ Đông Khê trân trọng phủ lên thi hài liệt sĩ Nguyễn Sơn Lâm lá cờ Tổ quốc và an táng ngay ở đình Đông Khê. Sau khi tái chiếm Hải Phòng, biết Nguyễn Sơn Lâm có uy tín, được dân làng kính trọng, bọn Pháp chi tiền xây lăng mộ thật khang trang để nhân dân thờ cúng.    

Như vậy để biết tại sao Nguyễn Sơn Hà lại thương tiếc con đến mức sau này ông đã đặt tên Nguyễn Sơn Lâm cho người con áp út. Sau mấy đêm mất ngủ, ông quyết định theo kháng chiến, bỏ lại toàn bộ nhà cửa, nhà máy, tiền ở ngân hàng và lên chiến khu Việt Bắc. Trong suốt những năm ở Việt Bắc, cùng bộ đội và cán bộ, nhân dân chịu đựng bao thiếu thốn, gian khổ ông đã mang hết tài trí để phục vụ kháng chiến, mày mò nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm quý phục vụ cách mạng như áo đi mưa, tăng bạt, thuốc ho thảo dược, kẹo ngậm chống ho, giấy than, mực in litô, vải nhựa cách điện để bọc dây thông tin cho bộ đội, được Hồ Chủ Tịch gửi thư khen ngợi.

Ở chiến khu, gia đình nhà tư sản phải chăn nuôi gà vịt và làm thêm những mặt hàng khác để sống và phục vụ kháng chiến như dùng nước rỉ đường ủ thành men, chế biến rượu canh-ki-na, làm xì dầu đặc, thuốc lá…

Biết tài của Nguyễn Sơn Hà, chính quyền thực dân Pháp và tay sai mấy lần nhắn tin cho ông rằng nếu trở về thành phố kinh doanh, chúng sẽ trả lại nhà cửa, đất đai và tiền trong ngân hàng, tạo điều kiện tốt để ông làm ăn. Nhưng điều đó cũng không làm ông chuyển ý.

Sau kháng chiến, ông Nguyễn Sơn Hà về Hải Phòng sinh sống, hiến hết số tiền còn lại trong nhà và tiền gửi ở ngân hàng (tổng cộng là 74.950 đồng 74 hào, quy ra khoảng 370 cây vàng lúc đó) cho Chính phủ. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa 2,3,4,5, tích cực đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ sau ngày hòa bình cho đến lúc từ trần, ông sống đạm bạc, đầy thiếu thốn như muôn vàn người dân khác trong một ngôi nhà chỉ có ba phòng và luôn lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Cho đến khi qua đời, trên ngực ông cũng không hề có một tấm huân chương dù từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc lại những kỷ niệm về ông với sự trân trọng và cảm phục nhất.

Họa sĩ Sơn Trúc, con gái thứ tám của cụ Nguyễn Sơn Hà kể: sau chiến tranh phá hoại năm 1972 của không quân Mỹ, ngôi biệt thự số 49 Lạch Tray của gia đình bị sạt một góc. Thành phố cấp cho ông một khoản kinh phí nhỏ để sửa chữa. Nhưng ông Sơn Hà nhất định không nhận. Ông nói, để dành cấp cho những gia đình lao động nghèo mất nhà mất cửa đang khó khăn hơn. Mỗi khi con cái trong nhà lỡ miệng phàn nàn cuộc sống khó khăn, lập tức bị ông chấn chỉnh: Phải hiểu đất nước còn nghèo, vừa thoát khỏi chiến tranh. Phải tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đang ra sức khắc phục. Gia đình ta phải gương mẫu…

Nguyễn Sơn Hà luôn lạc quan tin tưởng về tương lai đất nước đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời mình. 13 người con của ông không ai bỏ ra nước ngoài sinh sống như một số gia đình giàu có khác và không có ai làm doanh nhân dưới chế độ mới. Tất cả ở lại trong nước và cũng là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước như những gia đình bình thường, cũng không có ai thực sự giàu có. Bà Sơn Trúc – họa sĩ có tiếng của Hải Phòng, từng có tranh triển lãm tại Pháp (ít nhiều còn làm nghề liên quan đến sơn như cha – vẽ tranh sơn dầu, sơn mài) kể lại:  Khi anh em bà phải tham gia học tập cải tạo tư tưởng tư sản, ông  Nguyễn Sơn Hà đã luôn động viên. Đôi khi đường công danh của ai đó bị ảnh hưởng vì thành phần lý lịch “tư sản” đều được cha an ủi.

Cụ Nguyễn Sơn Hà có người con trai tên Nguyễn Sơn Giang. Ông Sơn Giang là một công nhân lái tàu điện bình thường ở Hà Nội sau năm 1954. Ông Giang vui tính, rất tài tử, đọc sách chơi nhạc, chụp ảnh. Về già có hẳn một Blog mang tên xe điện leng keng. Hàng ngàn bức ảnh thuộc về một quá vãng không dễ kiếm mà ông là tác giả, những ảnh chung, riêng xem rất thú vị mà ông đã công phu post lên.

Một người con trai gần út nữa của cụ Nguyễn Sơn Hà được bố đặt tên theo tên người anh trưởng liệt sĩ – Nguyễn Sơn Lâm, cũng làm công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, có người con trai là Nguyễn Hoàng Long. Có lẽ phải đến Hoàng Long, hậu duệ của cụ Nguyễn Sơn Hà mới có người thành công trong kinh doanh. Mới quá 30 tuổi một chút nhưng Nguyễn Hoàng Long đã lập thân, lập nghiệp khá chững chạc cả về phong độ, tính cách lẫn gia sản.

Hoàng Long thành lập công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Sơn Hà – SHAC tại Hải Phòng và qua hơn một chục năm hoạt động, vận hành khá thành công Công ty thiết kế Nhà đẹp – Xây nhà đẹp trọn gói Sơn Hà.

Hình như ông chủ trẻ của công ty mang tên ông nội mình cũng được thừa hưởng chút gien của bà nội bao năm là trợ lý cho ông nội luôn tuân thủ triết lý kinh doanh gắn lợi ích của mình với khách hàng và cộng đồng để làm nên cơ nghiệp? Bà nội của Nguyễn Hoàng Long – bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi mất năm 1997 hẳn yên lòng về người cháu nội từng tổ chức khá thành công các chương trình thiện nguyện của Công ty để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình thương binh, liệt sĩ. Đó cũng là việc làm nhân ái mà ông nội anh từng làm.

Với nhân cách cao đẹp, lòng yêu nước, công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, có thể nói gia tộc Nguyễn Sơn Hà là một gia đình nổi tiếng ở Hải Phòng và được Nhà nước ghi nhận Bằng Tổ quốc ghi công.

Nhằm tri ân, tên ông đã được đặt cho một con phố ở Hải Phòng, tên người con trưởng liệt sĩ của ông – Nguyễn Sơn Lâm cũng được đặt cho một con ngõ to ở thành phố Cảng.

Kể lại những chuyện trên là để chúng ta thấy được tấm gương tiêu biểu của một doanh nhân thành đạt, biết vượt mọi khó khăn để lập thân, làm giàu, có ích cho gia đình và xã hội. Và trên tất cả là lòng yêu nước, trung thành với Tổ Quốc. Nguyễn Sơn Hà là niềm tự hào về tài trí, nhân cách của người Việt Nam.

                                                                                                                 Phạm Văn Thi – CLB Hải Phòng học.

 

 

 

 




Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học