Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà dự báo, hoạch định chiến lược

Nói đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người ta nghĩ ngay đến danh xưng Trạng Trình, người được xem là có thể tiên đoán những chuyện thế sự sẽ xảy ra 500 năm sau ngày ông mất. Và thực tế, nhiều chuyện lịch sử đã diễn ra khá trùng khớp đến kỳ lạ. Về tài dự đoán chỉ bằng những câu SẤM hết sức cô đọng so với hiện thực đã diễn ra thì càng ngẫm càng thấy ngạc nhiên. Và như mặc nhiên dân mình xem ông là nhà lý số bậc nhất Việt Nam, xưa nay chưa ai sánh kịp.

Lịch sử Việt Nam thế kỷ 16 là một 100 năm nhiễu nhương loạn lạc. Nhà Lê sơ bước vào thời vận mạt, giặc giã nổi lên khắp nơi phải nhờ một tay Tướng Mạc Đăng Dung tài ba đứng ra chèo chống mới dẹp nổi. Vua thế thì mất ngôi về tay Đăng Dung là phải! Các tướng cũ của nhà Lê gốc gác Xứ Thanh lui về đất tổ mưu việc phục hồi. Tướng Nguyễn Kim bấy giờ đã dẫn đầu lực lượng này. Ông cùng con rể Trịnh Kiềm đã từng bước xây dựng lực lượng để rồi nhà Lê lấy lại được vùng đất từ Thanh hóa trở vào làm địa bàn cho vương quốc Nam triều – được sử gọi là thời Lê trung hưng – một vương quốc trì trệ, bảo thủ. Nhà Mạc sau khi dành được ngôi thì cai quản vùng đất từ Ninh Bình trở ra, được gọi là Bắc triều – một vương quốc mới hình thành, có tư duy kinh tế cởi mở, sớm thấy xu thế tiến bộ của thủ công nghiệp, thương mại… nên đã vận dụng bước đầu vào phát triển kinh tế, đưa vùng Đông bắc nước ta giàu mạnh hẳn lên.Thời Mạc Thái Tông được tóm trong câu:“Đêm ngủ không phải đóng cửa. Ngoài đường không ai nhặt của rơi”.

Cuộc nội chiến Nam triều – Bắc triều kéo dài đến mấy chục năm. Năm 1545 Nguyễn Kim bị đầu độc chết, con rể Trịnh Kiềm lên thay. Khi thấy mình đủ quyền lực thì tính đến chuyện loại bỏ dần anh em đàng vợ đồng thời âm mưu thoán ngôi vua… Thế sự cực kỳ rối ren, tranh đoạt quyền lực giữa vua với vua, giữa vua với bày tôi và cả giữa các bày tôi với nhau vô cùng quyết liệt, một mất một còn.

Trong bối cảnh đó Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi lên như một “Chiến lược gia” mà ai âm mưu việc lớn hay lúc lâm vào thế hiểm cũng đều tìm đến ông để xin lời chỉ giáo. Xin dẫn ra bốn chuyện để minh chứng:

1. Chuyện thứ nhất: Vào thời Nam triều – Bắc triều (1527- 1592) nhà Lê tồn tại được trước hết là nhờ vào sự phò dập của các Tướng Trịnh – Nguyễn và tiếp đó một phần là nhờ vào công đức tiếng thơm của các đời vua trước để lại,vẫn còn lưu luyến trong lòng dân. Cái tiếng thơm này  cùng quan niệm “tôi trung không thờ hai chúa” đã cản trở và không tập hợp được quan lại, trí thức, dân chúng về với nhà Mạc, mặc dù dưới thời Mạc khởi nghiệp cuộc sống của dân chúng khá ổn định.Vua Trang Tông thời Lê trung hưng là do Nguyễn Kim tìm về dựng lên để đồ sự khôi phục nhà Lê (1533). Kế đó Vua Trung Tông được lập năm 1548, kế vị vua Trang Tông, cũng do Trịnh Kiểm gầy dựng. Khổ nỗi ông vua này chẳng tài cán gì, nhiều tật xấu, chỉ tại vị làm vì được 8 năm thì mất. Vua không có con, dòng dõi nhà Lê ly tán cũng chẳng dễ tìm, binh quyền nằm trong tay nên ý định thoán ngôi của Trịnh Kiểm là tất nhiên. Song, cái gương nhà Mạc (1527) gây ra bao loạn lạc phân tâm đang hiện hữu sờ sờ trước mắt đã làm ông lưỡng lự, phân tâm. Vì thế ông đã bí mật cử người đến hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghe xong sứ giả trình bày, ông Trạng không nói gì cả mà chỉ quay ra nói với đầy tớ:“Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ”. Rồi ông sai đầy tớ sang chùa bảo chú tiểu dọn chùa, thắp hương để ông ra lễ Phật. Gặp tiểu ông dặn: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”.

Nghe Sứ giả thuật lại chuyện, Trịnh Kiểm hiểu ý và cho người đi tìm dòng dõi nhà Lê để lập nên vua Anh Tông (1556) còn ông thì lập phủ chúa bên cạnh với quyền lực còn trên cả… vua!

2. Chuyện thứ hai: Năm 1545 Nguyễn Hoàng, con thứ của Nguyễn Kim khi thấy anh trai mình là Nguyễn Uông bị anh rể Trịnh Kiểm bức hại liền bí mật sai người đến xin Trạng Trình chỉ giáo tìm cách bảo toàn. Trạng Trình dắt sứ giả ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái, vạn đai dung thân!”.

Hiểu được ngầm ý, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái mình xin với Trịnh Kiểm (anh rể) cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Nhờ đó mà Nguyễn Hoàng thoát hiểm và đặt nền móng cho cuộc mở cõi về phương nam, tạo ra hình hài chũ S cho nước Việt ngày nay Cuộc Nam tiến này dẫn đến việc vẽ lại bản đồ địa chính trị vùng Đông Nam Á.

3. Chuyện thứ Ba: Ông sinh thời và lập thân vào triều Mạc. Bốn mươi tư tuổi mới đi thi lần đầu và đỗ ngay trạng nguyên trong khoa thi thứ ba của nhà Mạc. Làm quan chỉ 8 năm rồi xin về nghỉ ngơi ở ẩn làm trí sĩ. Tuy vậy, khi triều có công việc lớn vua Mạc đều cho người về hỏi ý kiến. Có việc trọng đại thì đón ông về Thăng Long nghị bàn. Điều đó chứng tỏ ông là một “kho trí khôn” của đất nước mà vua nào cũng biết tên, chúa nào cũng biết mặt nhờ cậy.

Khi nhà Mạc suy vi, bị chúa Trịnh dồn ép đến đường cùng vua Mạc đã cho người đến hỏi ông phương cách bảo tồn lực lượng thì ông đã đưa ra lời khuyên: “Cao Bằng tuy nhỏ, có thể giữ được”. Nhờ lời chỉ giáo ấy nhà Mạc dời đô về Cao Bằng và cầm cự được thêm 80 năm nữa mới đứt hẳn.

4. Chuyện thứ tư: Trước đây nói đến biển ta chỉ nói nhiều về “Biển bạc, rừng vàng”. Gần đây ta mới đề cập đến tính chất sống còn của đất nước liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là quá trình nhận thức thông qua thực tiễn nên không thể trách cứ được ai. Ấy vậy mà cách đây gần 500 năm, nhân chuyến đi ngao du ông đã viết bài thơ “Cự ngao đới sơn – ( Rùa lớn đội núi)” chép trong “Bạch vân am thi tập” với các câu quý giá sau:

Vạn dặm Biển Đông nắm trong bàn tay

Ức năm Cõi Nam vững chắc trị bình.

Thì ra cụ đã chỉ cho chúng ta ý nghĩa sống còn phải giữ biển từ lâu mà ta không thấu!

Từ các chuyện trên ta có thể đưa ra mấy nhận thức sau:

– Phải là người hiểu biết sâu sắc nắm rõ thời cuộc, cùng các suy đoán tình huống có thể để rồi cuối cùng rút được những kết luận chính xác, hợp cả lý và tình mà ai cũng phải chấp nhận đó là phương án hợp tình hợp lý,tối ưu, lợi mình lợi nước.

– Các kết luận trên chỉ có thể có ở một trí tuệ siêu phàm, dựa vào các phân tích biện chứng về: tương quan lực lượng cùng xu thế phát triển trên nền tảng tình hình dân sinh kinh tế xã hội, lòng dân lúc bấy giờ. Như một nhà quân sự thực thụ ông  rất quan tâm đến vai trò và tác động điều kiện tự nhiên đến xã hội, lịch sử…lời khuyên hay chỉ dẫn hoàn toàn không đơn giản chỉ là một lời SẤM như một điều ngẫu nhiên. Vậy:

1.Nguyễn Bỉnh Khiêm được đánh giá là nhân vật có ảnh hưởng nhất đến lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ 16 là điều rõ ràng. Song, chỉ qua mấy điều lượm lặt trên tôi còn thấy đúng ra phải tôn vinh ông là NHÀ DỰ BÁO HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC ĐẠI TÀI, XƯA NAY HIẾM mới đúng tầm vóc.

2. Phân tích các lời khuyên của ông cho các bậc vua chúa đến xin chỉ giáo toát lên một điều ông là NGƯỜI CHÍ TÌNH VÌ NƯỚC VÌ DÂN, MỘT CHÍ SĨ YÊU HÒA BÌNH. Các chỉ giáo mang tầm chiến lược của ông đều được ông “mách nước” bằng giải pháp cụ thể, từ đó tháo gỡ kịp thời ngòi nổ giữa các thế lực tranh đoạt, tránh họa mất nước, góp phần an dân. Thật tài tình là các giải pháp ông đưa ra các bên đều thấy thỏa đáng, có thể chấp nhận được, không thiên vị bên nào. Mấy ai có được mưu trí vẹn toàn gỡ rối bằng ông, công cứu nước giải nguy như ông? Bên được lợi nhất là Nước Việt ta và Dân Việt ta.

Xin lưu ý rằng Cái tên nước VIỆT NAM  ngày nay cũng chính ông là người đề xuất và nhắc đến nhiều lần trong các tác phẩm của mình.

Tóm lại công quả của ông để lại cho dân, cho nước này lớn lắm!

Vậy có đôi dòng của “người ngoại đạo” gửi các bạn đọc chơi và xin được chỉ giáo thêm!

Lưu ý:

*Tư liệu của bài được tham khảo trong,”Đại Việt sử ký toàn thư” bản năm 1697,“Việt Nam sử lược”của Trần Trọng Kim, “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải và Google.

Trần Ngọc Lai  –  Kỹ sư thủy lợi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học