Ngoài sân đêm trước một cành mơ

Tết đến, xuân về mọi người hay nói đến hoa đào, hoa mai. Trong văn học đại chúng cũng như văn hóa Phật giáo, có nhiều áng văn, thơ cảm tác về mùa xuân thường đề cập đến hoa mai.

Trong nền văn học viết, thơ văn đời Lý truyền được đến nay phần lớn chỉ được ghi lại trong “Thiền Uyển tập anh” (tập hợp những áng thi, kệ Phật giáo) – tập sách do Thiền sư Kim Sơn thuộc Thiền phái Trúc lâm viết vào năm 1337 (đời Trần) nhưng lại chủ yếu ghi chép những tác phẩm của các tăng sĩ đời Lý thuộc 3 dòng Thiền: Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu chi và Huệ phái Thiền sư Thảo Đường.

Đời Lý-Trần, các cao tăng học rộng, tinh thông Phật pháp, hiểu biết chính sự nên rất được triều đình và chúng dân kính nể. Đạo Phật thịnh hành nên nhiều người muốn tìm học giáo lý nhà Phật. Ngoài việc thuyết giảng, các nhà sư còn dùng “kệ”- một thể thơ ngắn gọn, súc tích mà dễ hiểu nhằm truyền đạt những quan niệm, triết lý huyền áo của nhà Phật bằng những hình ảnh, câu từ sinh động.

“Thiền Uyển tập anh” ghi lại nhiều bài kệ, trong đó có bài sau đây của Đại sư Mãn Giác đời Lý (bài kệ chỉ có 6 câu, không có đầu đề), lời Hán-Việt như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch giả Hoàng Xuân Hãn đã dịch ra quốc ngữ thế này:

Xuân qua trăm hoa rụng,

Xuân lại nở trăm hoa.

Trước mắt sự đời thoảng,

Trên đầu hiện tuổi già.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Ngoài sân đêm trước một cành mơ. ”

Đọc bản dịch này nhiều người ngạc nhiên, sao câu cuối lại dịch: “một cành mơ”. Đáng ra chữ “nhất chi mai” phải dịch là “một cành mai ” ?.

Bởi vì, từ trước đến nay nhiều người vốn đã rất quen với bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố :

Xuân ruổi trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Đêm qua, sân trước một nhành mai.

Cũng như nhiều bản dịch của các tác giả khác, Ngô Tất Tố giữ nguyên chữ “mai” trong nguyên tác. Thật ra thì trong chữ Hán “mai” là cây mơ. Ở Trung Quốc có nhiều mơ với các màu trắng, trắng phớt hồng chứ cây mai thì hiếm có (vì cây mai sống chủ yếu ở vùng khí hậu nóng quanh năm như miền Nam nước ta)

Cành mai đây chính là cành mơ chứ không phải là cành mai vàng như nhiều người lầm tưởng.

Thật vậy, vì đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nó mà hoàng mai tức là cây mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Lãnh thổ nước ta (Đàng ngoài) vào thế kỉ XI (thời Lý) lại chỉ mới đến chân đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) cho nên vào thời điểm ấy, xem như Đàng ngoài chưa thể có hoàng mai mà chỉ có hoa mơ… và hoa mơ trong thơ chữ Hán của các cụ nhà ta xưa chỉ dịch là hoa mai.

Trong “Hồng Đức quốc âm thi tập” của vua Lê Thánh Tông có bài thơ hoa mai như sau:

“…Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết,

Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”

Sắc hoa bạc phau phau ở câu thơ chính là sắc trắng của hoa mơ.

Vậy “mai” trong thơ của Mãn Giác chính là cây mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành mơ” là đúng. Vậy thì theo tôi, bản dịch của học giả Hoàng Xuân Hãn là sát nghĩa nhất.

Trong thơ nghệ thuật, tác giả có thể dùng hình ảnh tưởng tượng, thậm chí nhân cách hóa mà đưa vào để thể hiện ý thơ nhưng Kệ của Thiền Tông thì không phải như thế. Mọi việc, mọi vật trong Kệ phải là thực tế nhãn tiền (trực giác), vì vậy khi hoàng mai là loài hoa vốn không có ở miền Bắc nước ta vào thế kỉ XI thì chẳng thể nào Mãn Giác lại có thể đưa cành mai vàng ấy vào thơ được; Vậy thì “một cành mơ” là một hình ảnh thực tế làm phương tiện cho trực giác.

Cành hoa mơ được Mãn Giác đưa vào bài kệ cũng còn với một dụng ý khác nữa là gợi cho người đọc nhớ lại truyền thuyết “Niêm hoa vi tiếu” của Phật Thích Ca trên núi Linh Thứu:

Sách “Tông môn tạp lục” đời Tống (960-1127) có kể lại câu chuyện:

Vua Phạn Vương đến núi Linh Sơn hiến Phật cành hoa “Ba la” màu vàng kim và thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng tòa, đưa cành hoa lên cho đệ tử xem; tất cả đều không hiểu ngài muốn nói gì, đều lặng thinh, chỉ có Kim Sắc Đầu Đà Ca Diếp tươi nét mặt và mỉm cười. Thế Tôn liền nói: Ta đã có Chánh pháp nhãn tàng, Niết bàn diệu tâm, Thực tướng vô tướng, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp…

Theo Thiền Tông, Phật im lặng đưa lên một cành hoa là cách “lấy tâm truyền tâm” (sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò để đạt đến sự đồng nhất trong hiểu biết) và Ca Diếp là người đã giác ngộ được chân lí.

Bài thơ trên thường được người đời sau gọi là bài “Cáo tật thị chúng” (Báo bệnh bảo cho biết). Tên gọi này là do học giả Lê Quý Đôn thời Lê Sơ (thế kỷ 18) dịch đặt rồi sau đó người ta quen gọi chứ thực ra các bài kệ của dòng thiền Phật không bao giờ có tên.

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ như sau: Cuối tháng 11 năm 1096, Mãn Giác thiền sư ốm nặng, bèn gọi chúng đệ tử đến bên giường đọc bài kệ trên. Đọc xong ông ngồi kiết già mà viên tịch, ra đi ở tuổi 45

Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096) họ Nguyễn tên Trường, người xứ Lũng Chiền, làng An Cách, con của Trung Thư Viên Ngoại Lang Hoài Tố (một viên quan thời Lý), ham học, từ trẻ đã học hỏi nhiều và thông hiểu về tam giáo, được vua Lý Nhân Tông khen ngợi vì đàm đạo trôi trảy. Ông được gần vua và được ban cho tên Hoài Tín. Sau đó ông xuất gia, Sư Mãn Giác là đệ tử chân truyền của Thiền sư Quảng Trí và là giáo chủ của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đời thứ 8.

Vua Lý Nhân Tông và Hoàng Hậu rất mến trọng sư, cho xây một ngôi chùa cạnh cung Cảnh Hưng để tiện việc tham hỏi ông về Phật pháp. Sau khi thiền sư mất, Vua ban hiệu là Mãn Giác và làm tang lễ rất hậu, triều thần đều đưa tiễn, lại làm lễ hỏa táng, thu xá lợi, xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm (làng An Cách)

Rất tiếc, các sáng tác của Sư không còn lưu giữ được ngoài bài “Cáo tật thị chúng” rất nổi tiếng trong văn đàn Việt Nam.

Vô ngôn thông (Không cần nói mà đạt đạo) là tôn chỉ của đạo Thiền dòng Vô ngôn. Không nói nhiều, không kiến chấp, không ngộ nhận… chỉ lặng lẽ xem cuộc tuần hoàn của tự nhiên: “Xuân qua trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa nở/ việc đời qua trước mắt/ tuổi già đến trên đầu…” bài kệ chỉ mượn hình ảnh hoa, lá làm phương tiện truyền đạt ý: Cuộc đời con người ta cũng trôi theo vòng xoay của tạo hóa mà ở đây mùa xuân ngoài ý nghĩa tượng trưng cho sự sống còn có ý chỉ vòng tuổi một năm của đời người. Xuân, hạ, thu, đông – bốn mùa luân chuyển. Đời người với muôn sự việc cứ trôi nhanh: “Trước mắt sự đời thoảng”. Nhìn lại đầu mình thì tóc đã bạc lên mới thấy“Trên đầu già đến rồi”. Xuân đến rồi xuân đi là quy luật của tự nhiên cũng như tuổi già đến là điều không tránh khỏi. Theo quy luật thì hết xuân hoa phải rụng, thế nhưng trong câu thứ năm “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết” lại có sự phá chấp: Trong tận số vẫn nảy sinh sự sống “Ngoài sân, đêm trước một cành mơ” hay “đêm qua, sân trước một nhành mai” cũng vậy, đều muốn nói: sáng ra, ngoài sân đã thấy một nhành hoa mơ (mai) nở.

Ý nghĩa triết học của câu kệ cuối cùng hàm chứa nội dung: Đừng cố chấp với một sự đời nhất định. Trong cái bất biến vẫn có cái ngoại lệ: “xuân tàn” (hết) rồi mà vẫn có thể có “một” (số ít) cành hoa nở.

Tương lai tận cùng của Phật pháp cũng như ở đạo Thiền là cõi Niết bàn. Trong kiếp luân hồi có khi hoa tàn rụng cả nhưng cái suy tàn lại khởi đầu cho một tương lai mới. Cành mơ mới nở là hình tượng vô ngôn của niềm lạc quan của thiền nhân.

Chúng tăng ghi bài kệ của Thiền sư Mãn Giác đọc lúc sắp mất và mãi đến 7 thế kỉ sau, Lê Quý Ðôn mới chép lại và đặt tên: “Cáo tật thị chúng” nghĩa là “có bệnh bảo mọi người”. Sách vở nay cũng theo đó mà chép. Thật ra đầu đề này đã làm hỏng ý nghĩa sâu xa của bài kệ.

Nếu hiểu bài kệ của sư Mãn Giác thì không nên nói đến chuyện “có bệnh” ở đây. Mãn Giác nói “việc đời thoảng trước mắt; tuổi già đến trên đầu”…là hoàn toàn không có nghĩa bi quan. Đã là Thiền sư thì không bi quan trước lẽ sống – chết. Đạo phật quan niệm “sống gửi, thác về” (sống chỉ là gửi thân xác nơi trần thế; chết mới là trở về cõi Niết bàn). Tất cả sự việc xảy ra trong cuộc sống là hiện tượng chứ không phải bản chất. Thiền học dùng hiện tượng cuộc sống làm phương tiện kiến giải giúp cho sự ngộ đạo.

Vậy thì ở bài kệ của Mãn Giác: việc hoa tàn, hoa nở… việc chuyện đời trôi, tuổi già đến cùng với cái chết…, tất cả đều là vô thường, không có gì đáng bận tâm vì cuối cùng sự sống vẫn nảy sinh.

Thiền Tông đọc kệ để ngộ đạo. Bài kệ của Mãn Giác nhằm giúp ngộ đạo bằng con đường trực giác vậy sao lại có thể bi quan đặt tên bài thơ là “có bệnh bảo cho biết” được. Kiến giải khiên cưỡng này là không phù hợp với tinh thần lạc quan, yêu thiên nhiên của Phật giáo Thiền Tông.

Thiển ý của tôi: Các bài kệ của Thiền Tông đều không đề, vậy tốt nhất là đừng cố tìm lấy một đầu đề cho bài kệ của đại sư Mãn Giác.

Thi Văn sưu tầm, tổng hợp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học