Nhà thư pháp Lê Thiên Lý – người truyền lửa cho thế hệ trẻ (tên bài do administrator đặt)

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức thư pháp do ông vẽ.

       Trong nhiều năm gần đây, người dân thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương khác trong cả nước (Thủ đô Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế, thành phố Hồ Chí Minh…) đều biết đến thầy Lê Thiên Lý – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề thành phố Hải Phòng, Giám đốc Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán – Nôm học Hải Phòng, Kỷ lục gia thư pháp Việt Nam, Kỷ lục gui-nets thế giới. Mỗi độ Tết đến – Xuân về, nhiều người lại háo hức đón chờ chính tay thầy viết tặng những chữ đầu năm như “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Bình An”, “Đăng khoa”…mong một Năm mới có nhiều điều tốt đẹp, gia đình hạnh phúc, con cháu chăm ngoan, học giỏi, gia đạo hưng long, hiếu thuận…
       Thầy Lê Thiên Lý sinh ra và lớn lên trên quê hương Hợp Đức, Kiến Thụy, Hải Phòng (nay là phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn) – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy đã lên đường nhập ngũ, chống giặc ngoại xâm, mong góp sức mình bảo vệ tổ quốc. Hòa bình lập lại, rời quân ngũ, thầy tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Vào tuổi 50 của cuộc đời, một cơ duyên đã đưa thầy Lê Thiên Lý đến với Thư pháp Hán – Nôm từ năm 1998 khi lên Văn Miếu – Quốc tử giám, Hà Nội xem triển lãm Thư pháp của cụ Lê Xuân Hòe. Nhận thấy, đây là một truyền thống, một nét văn hóa đẹp từ rất lâu đời của cha ông ta, từ đó, thầy bắt đầu nghiên cứu, miệt mài học tập và luyện viết thư pháp Hán – Nôm. Thời gian cứ dần trôi, những tâm huyết, trí tuệ, công sức của thầy đã kết tinh thành những mảnh vàng óng ánh trong “Làng thư pháp”, dần tỏa sáng không những ở thành phố Hải Phòng, mà còn lan tỏa ra khắp nhiều địa phương trong cả nước và đến với bạn bè quốc tế năm châu. Thầy đã viết hàng chục vạn bức thư pháp cho những người yêu thích trong và ngoài nước; 15 năm, thầy cho chữ đầu năm tại đền thờ Nhà Mạc (Kiến Thụy), đền thờ Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm (Vĩnh Bảo) và nhiều địa phương khác tạo nên nét đẹp văn hóa xin chữ đầu năm, dần lan tỏa khắp thành phố, được nhân dân tin yêu, đón nhận.
       Từ những trăn trở, suy nghĩ: Cuộc sống của nhân dân ta rất phong phú, sáng tạo; Dân tộc ta rất anh hùng trong chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, sáng tạo trong lao động, sản xuất, có chiều sâu văn hóa mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; Suy đến cùng, chữ viết cũng được hình thành và phản ánh cuộc sống của con người, bề dầy lịch sử của dân tộc ta; Vậy chữ viết cũng có thể tái hiện lại những cuộc sống sáng tạo đó của nhân dân và người Việt Nam phải có một nét thể hiện thư pháp rất riêng. Sau rất nhiều thời gian tìm tòi, thể nghiệm, thầy Lê Thiên Lý trực tiếp sáng tạo ra hai thể thư pháp mới là “Nhân diện thư” và “Vật điều thư”.
       Nhân diện thư: Là chữ được biểu đạt, thể hiện thành chân dung người như: các nhà yêu nước, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa, thi sỹ…; những hoạt động của con người trong lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc như: Người nông dân đang cày cấy, anh công nhân đang sản xuất, anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc; Nhà thi sỹ với cây bút…; tên gọi của mỗi con người chúng ta đều có thể thể hiện thành thư pháp.

Bức thư pháp chữ Tâm hình mặt người do nhà thư pháp Lê Thiên Lý vẽ.

       Vật điểu thư: Là chữ được biểu đạt thành những hình vật, những con vật gần gũi với con người như: Canh Tý được viết cách điệu thành con chuột; Tân Sửu năm nay được viết cách điệu thành con trâu; Chữ phượng được viết thành con chim phượng; Chữ Duyên (bằng Hán tự) được viết thành đôi chim…

Chữ Canh Tý được cách điệu hình chim phượng của ông Lê Thiên Lý.

       Nhờ hai loại hình Nhân diện thư và Vật điều thư, tại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thắng Long – Đông Đô – Hà Nội, thầy Lê Thiên Lý thể hiện 1000 chữ “Long”: Chữ Long là vua Hùng, Vua Lý Thái Tổ, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung, Nguyễn Du,  là truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử, là người công nhân, nông dân, anh bộ đội bảo vệ Tổ quốc… Nhờ 1000 chữ Long này, thầy được vinh danh Kỷ lục gui-nét Việt Nam. Phát huy kết quả này, thầy tiếp tục sáng tạo thể hiện 1000 chữ Long trên chiếc gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) với đường kính 1,2 mét. Quá trình thể hiện 1000 chữ Long trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu là một quá trình sáng tạo và khoa học. Sáng tạo ở chỗ là: Thể hiện 1000 chữ Long không trùng nhau, sắp xếp sao cho cân đối, hài hòa, không thừa, không thiếu trên một chiếc đĩa; Khoa học ở chỗ là chiếc đĩa rộng 1,2 mét, bằng đất sét để định vị, giữ cho nguyên vẹn từ chế tác, đến vẽ, rồi nung qua lửa là rất nhiều vấn đề kỹ thuật được đặt ra. Với nhiều yếu tố có một không hai trên thế giới, tháng 8 năm 2019, chiếc đĩa gốm Chu Đậu với 1000 chữ Long đã được kỷ lục gui-nét thế giới vinh danh. Như vậy, chiếc đĩa gốm Chu Đậu vinh danh trong kỷ lục gui-nét thế giới, thì làng nghề gốm sứ của Việt Nam và nghệ thuật thư pháp Việt Nam được vinh danh.
       Trong quá trình tìm hiểu, giao lưu, nhận thấy tục khai bút đầu Xuân là một nét đẹp của cha ông ta, khai bút là “khai tâm, khai trí, khai sáng” cho một năm mới, thầy Lê Thiên Lý đã viết đề cương, xây dựng và triển khai Lễ hội khai bút đầu Xuân tại Đền Nhà Mạc (Kiến Thụy), đền thờ Tiến sỹ Lê Đức Liêu, làng Quỳnh Hoàng, xã Nam Sơn, đình An Hồng Phúc, xã An Hồng (An Dương), đền Bát vị Đại vương, chùa Thắng Phúc (Tiên Lãng), đền thờ Chu Văn An –Vạn thế sư biểu (Chí Linh, Hải Dương) và rất nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tạo nên một nét đẹp văn hóa đầu Xuân, phong trào học tập sôi nổi và nâng cao chất lượng ở những địa phương này.
       Để thư pháp ngày càng phát triển sâu rộng trong đời sống văn hóa nhân dân, thầy Lê Thiên Lý đã trực tiếp tổ chức và tham gia rất nhiều cuộc triển lãm về thư pháp Hán-Nôm, thư pháp Việt: Triển lãm nhân kỷ niệm 1000 và 1010 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, 50 năm Ngày Hải Phòng giải phóng, 6 lần tham gia triển lãm thư pháp tại Fetstivan Huế; Tham giao giao lưu thư pháp với Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội, Câu lạc bộ thư pháp các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh…để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, dấu ấn về nghệ thuật thư pháp thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương trong cả nước.
       Cùng với miệt mài nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm viết thư pháp Hán – Nôm, với tâm nguyện là truyền thụ nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta cho thế hệ hôm nay, thầy Lê Thiên Lý đã tổ chức 16 Lớp thư pháp Hán – Nôm cơ bản với gần 30 học viên và dạy không thu học phí tất cả các lớp. Không quản ngại học viên ít hay nhiều, trời nắng hay mưa rét, đường sá xa xôi, thầy Lê Thiên Lý vẫn nhiệt tình đến lớp để truyền thụ cho các môn sinh những điều căn bản về chữ Hán, chữ Nôm, 214 bộ thủ, 110 khẩu quyết chữ Hán, cách cầm bút viết 47 nét viết cơ bản và 10 cách thể hiện viết chữ Hán đẹp, cách bố cục, trình bày một bức thư pháp, cách viết “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”, cách viết thư pháp tiếng Việt ngày nay, cách sáng tác câu đối, đại tự, cách đặt tên cho con. Ngoài truyền thụ những kiến thức, thầy miệt mài nghiên cứu, soạn giáo án, từ tất cả các tài liệu cổ kim để hướng dẫn cho các học viên. Không phụ công lao dạy dỗ của thầy, học viên 16 khóa thư pháp Hán – Nôm cơ bản đã tranh thủ thời gian, miệt mài luyện tập, trăn trở trên từng con chữ “Thánh hiền”. Gần 300 môn sinh các lớp thư pháp do thầy Lê Thiên Lý làm Chủ nhiệm là hơn 300 đôi cánh chim bay đi, mang theo “Hồn Việt”, “Văn hóa Việt” đến nhiều miền quê của đất nước và bạn bè quốc tế; trong đó có 9 học viên được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề thành phố Hải Phòng.
       Với nhiều công lao đóng góp truyền thụ thư pháp – nét đẹp văn hóa dân tộc, năm 2014, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tôn vinh thầy Lê Thiên Lý tại Nhà hát lớn Hà Nội danh hiệu: “Nghệ nhân thư pháp” – một trong bốn nghệ nhân Thư pháp của Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Năm 2019, được vinh danh trong Kỷ lục gui-nét thế giới với 1000 chữ Long thể hiện trên đĩa gốm Chu Đậu.
       (Nguồn: Truyền lửa thư pháp cho thế hệ trẻ/Th.s Trần Quốc Huy-Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Làng nghề TP Hải Phòng//website: Langngheviet.com.vn. – ngày 08-03-2021); PV. Thi giới thiệu, minh họa ảnh.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học