Ngành nông nghiệp Hải Phòng với những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

         Bác Hồ trong một lần về thăm Kiến An.

          Sinh thời, ngay từ lúc còn bôn ba nơi hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát sao những diễn biến phong trào cách mạng Việt Nam.Khi về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng của toàn dân.Người cũng luôn dàng cho Hải Phòng sự quan tâm sâu sắc.Tất cả các lĩnh vực công tác cách mạng ở Hải Phòng đều được người quan tâm chỉ đạo, tất cả các giai cấp tầng lớp nhân dân đều nhận được sựu chăm sóc ân cần của Người.Cùng với toàn Đảng bộ và toàn thể nhân dân nhân dân Hải Phòng, ngành Nông nghiệp luôn nghi nhớ trong mình những lời căn dặn của Người để vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nỗ lực phấn đấu đạt tới những thắng lợi rất tự hào.
          Trước tiên là những chỉ đạo cụ thể của Người đối với ngành nông nghiệp Hải Phòng thông qua các bài nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng những lần người về thăm thành phố Cảng.
          Ngày 2/6/1955, ngay sau khi thành phố được giải phóng Bác Hồ đã về thăm Hải Phòng. Bác đã căn dặn bà con nông dân “ Nông dân thì thi đua tăng gia sản xuất nhiều lúa, nhiều khoai để tiếp tế cho thành phố, cho xí nghiệp và bộ đội. Thế là đã lợi nước lại lợi nhà” (bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng trên báo Nhân dân số 458 ngày 4/6/ 1955).
          Ngày 30/5/1957, hai năm sau ngày giải phóng Hải Phòng, Bác lại về thăm Hải Phòng, Nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố, Người chỉ rõ: “còn có những việc trước mắt mà chúng ta phải lo, phải làm, nếu không kịp lo, không kịp làm sớm thì có hại. Đó là việc đắp đê và chuẩn bị giữ đê” và Người nhắc nhở: “Vì vậy, ngoài các cụ, có nhiều cán bộ ở đây, tôi nhắc chú ý đắp đê tốt, chuẩn bị giữ đê phòng lụt” (bài nói chuyện với đại biểu nhân dân Hải Phòng ngày 30/5/1957 in trong cuốn “Hồ Chủ tịch sống mãi trong lòng nhân dân Hải Phòng”, Sở Văn hóa- Thông tin xuất bản năm 1970).
          Ngày 31/3/ 1959, trong bài nói chuyện với cán bộ các ngành, quân, dân, chính Đảng Hải Phòng, khi thấy Hải Phòng không đạt kế hoạch gieo cấy vụ chiêm do hạn hán. Bác đã chỉ đạo đối với những diện tích khó khăn về nước tưới: “Cần phải chuyển sang trồng màu, chỗ nào chuyển được thì chuyển ngay, chuyển cho tốt, không dùng dằng”. Người dặn dò: “ cần phải chống hạn tích cực, phải tiêu diệt bệnh nấm lúa, phải ra sức trừ sâu” và “phải dùng nhiều thứ tuyên truyền cổ động để thúc đẩy tăng gia sản xuất.
          Ngày 18/1/ 1960, về thăm Kiến An (Hải Phòng) nói chuyện với cán bộ, Đảng viên và nhân dân Kiến An. Người dặn dò cán bộ: “phải dân chủ, phải khéo quản lý kỹ thuật, phải khéo giáo dục xã viên vui vẻ và phấn khởi sản xuất. Cán bộ phải thật sòng phẳng, phải chí công vô tư. Hiện nay ở một vài nơi có hiện tượng cán bộ tham ô lãnh phí. Điều đó phải được chấm dứt ngay”.Và Bác chỉ rõ trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phải: “làm thủy nông cho tốt để chống hạn, chống úng, chống mặn; bón nhiều phân; cầy sâu, cuốc kỹ; chọn giống tốt; trừ sâu diệt chuột; cải tiến kỹ thuật”.

Bác Hồ trong một lần gặp gỡ nông dân.
         

         Từ những chỉ đạo giản dị nhưng rất sâu sắc của Bác, có thể thấy ý nguyện, tư tưởng của Người về phát triển sản xuất nông nghiệp thành phố Hải Phòng: Sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng phải không ngừng thâm canh tăng năng suất. Thực hiện được mục tiêu đó trước hết phải làm thật tốt tu bổ đê điều, phòng chống thiên tai vì Hải Phòng là thành phố ven biển có nhiều sông lớn chảy qua. Phải làm tốt công tác thủy nông chống hạn, chống úng, chống mặn. Phải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là khâu giống. Phải tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất và hướng kỹ thuật cho người lao động. Phải có cơ chế quản lý tốt.
          Gần nửa thế kỷ trôi qua, những lời căn dặn của Bác Hồ về phát triển nông nghiệp thành phố Hải Phòng đã soi sáng, dẫn lối cho sản xuất nông nghiệp Hải Phòng phát triển đi lên, góp phần quan trọng vào những thành tựu kinh tế xã hội chung của toàn thành phố qua các giai đoạn cách mạng.
          Nhớ lại ngày đầu Hải Phòng giải phóng (tháng 5/1955) khi tên lính thực dân cuối cùng rút khỏi thành phố, bộ đội và chính quyền cách mạng tiếp quản Hải Phòng. Lúc đó Hải Phòng là một thành phố lạc hậu, kinh tế đình đốn, nông thôn xơ xác tiêu điều, đồng ruộng bị hoang hóa, đời sống các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân đói rách lầm than. Thêm vào đó, trận bão lớn tháng tháng 9 năm 1955 đổ bộ vào Hải Phòng đã làm hàng trăm km đê biển bị vỡ, trên 3 vạn mẫu lúa bị ngập nước mặn không được thu hoạch, hàng ngàn gia đình bị nước cuốn trôi….
          Trong hoàn cảnh ấy, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng đã tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó khôi phục và phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngành nông nghiệp mới được thành lập đã tập trung hướng dẫn chỉ đạo các địa phương làm thủy lợi, thau chua rửa mặn, khai hoang, phục hóa, cải tiến nông cụ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.
          Cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp được thành phố quan tâm đầu tư xây dựng ngay từ những năm đầu giải phóng. Trước hết là công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình đào mương An Kim Hải dài trên 200 km, công trình cống Rỗ (Tiên Lãng), cống Câu Thượng (An Lão), xây dựng các trạm giống cây trồng, gia súc và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
          Sau 10 năm khôi phục và phát triển sản xuất theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng đã có bước phát triển đáng kể: Năng suất lúa từ 18.7 tạ/ha năm 1955 đã vượt lên đạt 39.3 tạ/ ha. Mức lương thực huy động cho Nhà nước đạt 39 ngàn tấn, tăng 20 lần so với năm 1955. Đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân nông thôn bước đầu được cải thiện.
          Từ năm 1965 đến 1975 là thời kỳ vừa xây dựng kinh tế, vừa trực tiếp đánh trả cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ, vừa chi viện cho đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà; tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đường cho nông nghiệp Hải Phòng hoàn thành sứ mệnh vẻ vang góp phần cùng với quân, dân thành phố và cả nước bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, non sông thu về một mối. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do chiến tranh gây ra nhưng một số công trình thủy lợi đầu mối phục vụ tưới tiêu nước vẫn được đầu tư xây dựng; các nông trường, trạm, trại quốc doanh sản xuất giống, lúa rau, màu, cây công nghiệp, giống lợn Móng Cái, gà công nghiệp, các giống ngỗng, vịt cao sản, giống cá nước ngọt, nước lợ, cơ sở lai kinh tế lợn…được đầu tư xây dựng với qui mô lớn. Nông nghiệp bước đầu được trang bị cơ giới. Tất cả các huyện đều có trạm máy kéo với gần 100 máy kéo lớn và vài trăm máy kéo nhỏ, đưa diện tích làm đất bằng máy lên trên 30%. Đường điện được kéo đến các thôn, xã để vận hành các trạm bơm điện phục vụ bơm nước.
          Trên 1000 cán bộ có trình độ Đại học, Trung cấp và công nhân kỹ thuật được đào tạo từ các trường đại học Nông nghiệp, trường đại học Thủy lợi và trường Trung cấp nông nghiệp của thành phố được tăng cường cho các đơn vị và cơ sở sản xuất. Nhiều giống lúa mới có năng suất cao được khảo nghiệm và nhanh chóng đưa ra sản xuất đại trà. Tiến bộ kỹ thuật lai kinh tế lợn được chỉ đạo áp dụng rộng rãi, đã đưa trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân từ 40- 45kg/con, lên 65kg/ con. Các giống rau ôn đới chất lượng cao như: khoai tây, hành tây, cà rốt, bắp cải KCROSS, dưa chuột, được chỉ đạo gieo trồng rộng rãi ở nhiều vùng, từng bước hình thành vụ sản xuất thứ 3 trong năm, đó là sản xuất vụ đông, một vụ sản xuất có tiềm năng lớn, có hiệu quả cao.
          Sau khi đất nước thống nhất, do chiến tranh kéo dài, do tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý trong nông nghiệp không còn phù hợp làm cho sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và của Hải Phòng giai đoạn 1976- 1980 lâm vào tình trạng trì trệ kém phát triển; đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân gặp nhiều khó khăn. Trăn trở, băn khoăn trước sự trì trệ trong sản xuất, sự sa sút trong đời sống nhân dân, lãnh đạo thành phố, các huyện và ngành nông nghiệp thấm nhuần tư tưởng của Bác “phải khéo quản lý (quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý kỹ thuật), phải khéo giáo dục xã viên làm cho xã viên vui vẻ, phấn khởi sản xuất” (Huấn thị của Người khi về thăm Kiến An ngày 18/1/1960); Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng trên cơ sở tổng kết thực tiễn tháng 6/1980 đã ra Nghị quyết số 24/NQ- TU và sau đó tháng 1/1981 Ban Bí thư Trung Ương Đảng đã ra Chỉ thị số 100/CT-TW về cải tiến quản lý trong nông nghiệp, khẳng định chủ trương áp dụng và mở rộng hình thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhân dân và người lao động.
          Đó là bước khởi đầu rất quan trọng, tạo ra một động lực mới mạnh mẽ trong nông nghiệp. Quần chúng xã viên đã gắn bó với đồng ruộng. Phong trào đầu tư thâm canh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, vật nuôi sôi nổi rộng khắp, nhằm vượt khoán mang lại lợi ích cho gia đình, HTX và Nhà nước.
          Chỉ sau một năm thực hiện NQ24 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung Ương Đảng, cùng việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng tiếp tục được khởi sắc và dành được thắng lợi rất đáng phấn khởi. Năm 1981 năng suất lúa đã vượt qua “cửa ải 5 tấn” một cách vững chắc, năm 1983 đã đưa năng suất lên 63,3 tạ/ha. Sản lượng lương thực đạt gần 30 vạn tấn. Mức lương thực Nhà nước huy động đạt trên 10 vạn tấn, tăng 3- 4 lần so với những năm trước, giảm được từ ½ đến 2/3 số lượng lương thực Nhà nước phải cung cấp cho Hải Phòng so với những năm trước. Chăn nuôi tiếp tục phát triển. Đàn lợn năm 1984 đã đạt 30 vạn con, tăng 8 vạn con so với năm 1980.
          Sự nghiệp khai hoang lấn biển xây dựng các vùng kinh tế mới được đẩy mạnh đạt trên 1 vạn ha canh tác, mở ra các khu kinh tế mới như: Tân Thành, Hải Thành (huyện Kiến Thụy), Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng)….Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
          Sau khi có chỉ thị 100 của Ban Bí thư, Hải Phòng đã không ngừng tổng kết hoàn thiện các hình thức khoán trong nông nghiệp, bỏ dần những yếu tố tiêu cực, bảo thủ trong công tác tổ chức và quản lý HTX. Từ khoán sản phẩm đến khoán theo đơn giá và tiến đến khoán gọn từng loại sản phẩm trong nông nghiệp là những cải tiến đáng kể trong công tác quản lý HTX.
          Hải Phòng được đánh giá là “cái nôi” là quê hương, là địa phương đi đầu cả nước về đề xuất và chỉ đạo thực hiện cơ chế khoán sản phẩm.
          Đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 10- BCT ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp với nội dung chủ yếu là: Tổ chức lại sản xuất trong các HTX, đặt rõ vai trò tự chủ trong sản xuất kinh doanh của xã, hội viên, điều chỉnh và đổi mới các quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý giữa HTX và xã, hội viên, đổi mới quan hệ phân phối bảo đảm cho người lao động yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Các HTX nông nghiệp của Hải Phòng đã có bước chuyển đổi quan trọng trong hình thức tổ chức và công tác quản lý. Đã điều chỉnh lại quan hệ sở hữu, giao quyền sử dụng đất lâu dài cho xã, hội viên, hóa giá trâu bò và nhiều tài sản khác, giảm phần lớn số cán bộ quản lý HTX, điều chỉnh qui mô HTX phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất và trình độ quản lý của cán bộ. Ban quản lý HTX chuyển sang hoạt động dịch vụ cho xã, hội viên. Từng bước chuyển HTX từ điều hành quản lý tập trung sang kinh doanh dịch vụ cho hội, xã viên, giúp xã viên những khâu mà họ không có hiệu quả như tưới tiêu nước, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng vật tư,…
          Cùng với việc tập trung chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý HTX nông nghiệp thành phố đã giành kinh phí thỏa đáng đầu tư cho các chương trình KHKT đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: chuơng trình cấp 2, cấp 3 hóa giống lúa, chương trình giống lợn, chương trình cây ăn quả, chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, đầu tư vắc xin phòng bệnh cho lợn và trâu bò, các chương trình khuyến nông…
          Do đổi mới cơ chế quản lý được đầu tư đúng hướng, sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và Hải Phòng có sự vượt bậc. Đã đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực, vượt lên đủ ăn, thừa gạo để sản xuất gạo, đứng hàng thứ 3 trên thế giới; thành phố Hải Phòng từ chỗ thiếu lương thực gay gắt đã vượt lên đạt mức lương thực bình quân đầu người gần 260kg người/ năm vào năm 2005; nếu tính riêng khu vực nông nghiệp thì mức lương thực bình quân đầu người đạt 430 kg người/ năm. Tổng đàn lợn 1995 đạt trên 37 vạn con, tăng 2,7 lần so với năm 1965.
          Từ năm 1996 trở lại đây là thời kỳ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là ngọn đuốc sáng soi đường, là cơ sở lý luận để cả nước và thành phố Hải Phòng hoạch định các cơ chế chính sách, lựa chọn để đẩy nhanh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng đã được xác định cụ thể qua các nghị quyết của Đảng bộ thành phố như: Nghị quyết đại hội VII, đại hội VIII, Nghị quyết đại hội lần 8 ban chấp hành Đảng bộ thành phố (Khóa 7) về đẩy nhanh CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn Hải Phòng thời kỳ 2001- 2010, các mục tiêu, quan điểm đó là:
          Xây dựng nông nghiệp Hải Phòng theo hướng CNH- HĐH sản xuất hàng hóa lớn hiệu quả bền vững: hướng vào sản xuất chế biến thực phẩm, thủy sản có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, phục vụ du lịch, xuất khẩu và bảo đảm yêu cầu cạnh tranh trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
          Thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gắn thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với đô thị hóa nông thôn và xây dựng, phát triển, quản lý đô thị Hải Phòng. Đầu tư thực hiện CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn phải trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo theo quy  hoạch và hiệu quả kinh tế xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ưu tiên đầu tư ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực, CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và phải gắn với an ninh quốc phòng, tăng cường quản lý nhà nước giải quyết tốt những vấn đề xã hội nông thôn.
          Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn những năm qua, mặc dù gặp nhiều thiên tai và những khó khăn do ảnh hưởng nhiều mặt kinh tế trong nước cũng như quốc tế nhưng năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, đảm bảo an toàn lương thực và kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiến lên trình độ mới, khoa học công nghệ được tăng cường trong quan hệ sản xuất, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao, các thành phần kinh tế trong nông thôn được khuyến khích phát triển có hiệu quả cao là do động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật nông thôn, nhất là khu vực nội thành được phát triển nhanh, các vấn đề xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, góp phần quan trọng ổn định xã hội.
          Có thể khẳng định rằng: trong qúa  trình xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp cả nước nói chung, với Hải Phòng nói riêng, đã được soi sáng và định hướng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới.
          Theo những lời dặn của Người, ngành nông nghiệp đã từng bước phát triển đi lên vững chắc, ý nguyện của Người “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã được thực hiện trọn vẹn. Trong bước đường đi tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp Hải Phòng để ra chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp, sớm hoàn thành sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn.
          (Nguồn: Ngành nông nghiệp Hải Phòng với những lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh/ Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn Hải Phòng// Thông tin Khoa học xã hội và nhân văn Hải Phòng . – số 1, năm 2013. – tr. 3-8). PV. Thi sưu tầm.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học