Nên chăng cần xây dựng tượng đài tưởng niệm các tướng sĩ thời Trần đã anh dũng hy sinh trong trận Bạch Đằng năm 1288 tại núi Hoàng Tôn (Thủy Nguyên)?.

Đền thờ Trần Quốc Bảo tại núi Hoàng Tôn (Tràng Kênh-Thủy Nguyên).

       Người dân Việt Nam ta không mấy người không biết tới trang sử hào hùng của dân tộc thời Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Vó ngựa người Nguyên tung hoành khắp cả châu Âu, châu Á, bắt cả dân tộc đại Hán láng giềng làm nô lệ, nhưng ba lần kéo quân sang nước Đại Việt chúng ta, ba lần phải ôm đầu máu chạy về, cam chịu thất bại thảm hại.
       Sông Bạch Đằng là nơi diễn ra ba trận đánh nổi tiếng chống quân xâm lược phương Bắc: Ngô Vương Quyền đánh quân Nam Hán năm 938, Lê Đại Hành đánh quân Tống năm 981, Nhà Trần đánh quân Nguyên Mông năm 1288. Trong đó Nguyên Mông là kẻ thù mạnh nhất làm cho trận chiến trên sông Bạch Đằng thời đó ác liệt nhất, oanh liệt và vẻ vang nhất.
       Sau chiến thắng, rất nhiều tướng sỹ của nhà Trần đã hy sinh anh dũng, bởi địa hình trên dòng sông chảy xiết ra biển  nên rất nhiều tử sỹ không có khả năng tìm thấy thi thể, trong đó có các tướng là vương tôn công tử, thế hệ cháu của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Nhân Tông ngày ấy cho chọn một vị trí bên bờ sông Bạch Đằng làm lễ tế vong hồn các anh hùng liệt sỹ. Đó là một ngọn núi nằm tại thôn Tràng Kênh, lại lấy chân núi làm khu mộ tượng trưng để cúng tế các anh hùng liệt sỹ, rồi cho dựng một đền thờ tại nơi đó. Vì vậy cụm núi tại thôn Tràng Kênh được gọi là núi Hoàng Tôn (cháu vua), đền thờ tại chân núi gọi là Hoàng Tôn từ (đền thờ các cháu nhà vua), vua phong cho đền thờ cấp bậc “Thượng Đẳng thần từ”. Các triều sau gọi di tích này là: Thượng đẳng thần từ minh hiển thiên tử Hoàng Tôn”
       Không hiểu tại sao trong sách Đồng Khánh địa dư chí lại đưa ra sự tích là có tướng quân Trần Quốc Bảo – con vua Trần Anh Tông đã tham gia trận đánh trên sông Bạch Đằng và hy sinh tại Tràng Kênh nên người dân lập đền thờ tại đây. Hiện nay di tích này có tên là đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, một di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia. Buồn cười là vua Trần Anh Tông sinh năm 1257, khi trận chiến xảy ra nhà vua mới 12 tuổi, làm sao có con là liệt sỹ Trần Quốc Bảo được. Vậy mà người ta vẫn có đủ hồ sơ để cấp bằng di tích quốc gia cho đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo. Đúng ra nhà nước phải cho xây tượng đài liệt sĩ cho các tướng sỹ thời nhà Trần để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ ngày trước, vinh danh chiến thắng thời Trần, nêu cao chí khí và niềm tự hào dân tộc.
       Để minh chứng những điều chúng tôi vừa nêu, xin mời quý vị hãy tham khảo 2 tấm bia đá hiện đặt tại đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo tại núi Hoàng Tôn, xã Tràng Kênh huyện Thủy Nguyên.
       Bia thứ nhất: LỆNH CẤP TẠO LỆ BI
       Nguyên văn:
       令給造例碑
       令旨
       元帥統國政青都王令旨水棠縣長涇社涇村祠承阮廷祿鄭文儒神祝吏鄭探阮有才等玆有海陽處贊治承政吏參政良洲士武勉備謂屬內
       水棠縣長涇社奉祀上等神祠明顯天子皇孫懷德感化重熙普潤洒難匡美扶運佑民助威護國佑民厚德至仁弘休威勇綏休普惠楊武扶祚助運洪恩剛毅雄斷弘休普化睿哲保物安民
       明監靈應濟世偉略賢德豐功宣力贊治勝義才明勇略楊威大王稔著靈應迊年濤得雨未有洒掃夫共準給以便奉事
       等因應凖給本社黎富壽阮藍等其十八人為洒掃夫本祠應務系糧季錢并搜差各事并摠準饒其所該并別貧人不得勾慢違者處罪
       依令
       壹應準給上等神祠掃夫十八人應務黎富壽長涇社十八人民項十八歲
       永祚捌年玖月初壹日
       本社社長阮有客再撰寫壬
       寅年再撰寫
       Dịch Nôm:
       LỆNH CẤP TẠO LỆ BI
       Lệnh chỉ
       Nguyên soái Thống quốc chính Thanh Đô vương lệnh chỉ: Thủy Đường huyện Tràng Kênh xã Kênh thôn từ thừa Nguyễn Đình Lộc, Trịnh Văn Nho, thần chúc Lại Trịnh Thám , Nguyễn Hữu Tài đẳng tư hữu Hải Dương xứ tán trị thừa chính lại tham chính Lương Châu Sĩ Vũ Miễn Bị vị thuộc nội
       Thủy Đường Huyện, Tràng Kênh xã “thượng đẳng thần từ minh hiển thiên tử Hoàng tôn”, hoài  đức cảm hóa trọng hi phổ nhuận, sái nan  khuông mỹ phù vận  hựu dân trợ uy hộ quốc,  hựu dân , hậu đức chí nhân hoằng hưu uy dũng, tuy hưu phổ huệ dương võ phù tộ trợ  vận, hồng ân cương nghị  hùng đoán hoằng hưu phổ hóa duệ triết, bảo vật an dân, minh giám linh ứng, tế thế vĩ lược, hiền đức phong công, tuyên phương tán trị, thắng nghĩa tài, minh dũng lược dương uy đại vương, nhẫm trứ linh ứng, nghênh niên đào đắc vũ vị hữu sái tảo cung khất chuẩn cấp dĩ tiện phụng sự.
       Đẳng nhân ứng chuẩn cấp bản xã Lê Phú Thọ, Nguyên Lam đẳng kỳ thập bát nhân vi sái tảo phu bản tử ứng vụ. Hệ lương quý tiến tịnh sưu sai cát hậu nghiệp  chuẩn nhiêu kỳ sở cai, tịnh biệt bần nhân bất đắc câu giả xử tội.
       Y lệnh
       Nhất ứng chuẩn cấp thượng đẳng thần từ tảo phu thập bát nhân ứng vụ, Lê Phú Thọ, Tràng Kênh xã thập bát nhân, dân hạng thập bát tuế.
       Vĩnh tộ bát niên cửu nguyệt sơ nhất nhật
       bản xã xã trưởng Nguyễn Hữu Khánh tái soạn tả
       Nhâm dần niên tái soạn tả
       Dịch nghĩa:
       Bia ghi lệnh  cử dân phu coi sóc đền thánh
       Lệnh ban xuống
       Nguyên soái Thống quốc chính Thanh Đô vương (1) ban lệnh cho các ông từ thừa (2) Nguyễn Đình Lộc, Trịnh Văn Nho , thần chúc Lại Trịnh Thám , Nguyễn Hữu Tài người thôn Kênh, xã Tràng Kênh, huyện Thủy Đương.
       Nay có người là tán trị thừa chính lại, tham chính Lương châu sĩ (3) Vũ Miễn Bị có sớ tâu rằng
       Ở xã Tràng Kênh, huyện Thủy Đường có ngôi đền thờ rất thiêng, được phong là  “Thượng đẳng thần từ minh hiển thiên tử Hoàng tôn (4)”, kèm theo các mỹ tự “Hoài  đức cảm hóa, trọng hy phổ nhuận, sái nan  khuông mỹ, phù vận  , trợ uy, hộ quốc, hựu dân, hậu đức chí nhân, hoằng hưu uy dũng, tuy hưu phổ huệ, dương võ phù tộ, trợ  vận, hồng ân, cương nghị  hùng đoán, hoằng hưu phổ hóa, duệ triết, bảo vật an dân, minh giám linh ứng, tế thế vĩ lược, hiền đức phong công, tuyên phương tán trị, thắng nghĩa tài, minh dũng lược, dương uy đại vương”, vô cùng linh ứng, nhưng đến nay vẫn chưa có người trông nom quét dọn. Vậy kính cẩn tấu xin quan trên  chuẩn cấp nhân công làm việc thường xuyên   để tiện  cho việc hàng năm phụng thờ.
       Nhân thể thuận cho bản xã các ông Lê Phú Thọ, Nguyễn Lam và 18 nhân đinh trong xã làm việc trông nom thờ phụng tại đền, mọi tiền sưu thuế, tạp dịch phu phen đều được miễn. Các người tự quản lý nhân viên, không được phiền nhiễu điềù gì khác. Kẻ nào làm sai sẽ bị xử tội.
       Y lệnh
       Ngày 01 tháng 9 năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626)
       Xã trưởng Nguyễn Hữu Khách soạn lại và chép
       Năm dựng bia này là năm Nhâm Dần (1662)
       CHÚ THÍCH:
       (1) Thanh Đô vương. Thanh Đô vương Trịnh Tráng (), (sinh 6 tháng 8 năm 1577, mất 28 tháng 5 năm 1657), thụy hiệu Văn Tổ Nghị vương (文祖誼王), là chúa Trịnh thứ 2 thời Lê Trung hưng, chính thức xưng vương khi còn tại vị, nắm thực quyền cai trị Đàng Ngoài từ năm 1623 đến 1657
       (2) Từ thừa, thần chúc là những người chuyên việc cúng tế tại đền.
       (3) Tham chính Lương châu sĩ là chức quan hành chính cấp tỉnh
       (4) Thượng đẳng thần từ minh hiển Thiên tử Hoàng Tôn: Thiên tử Hoàng Tôn các cháu của nhà vua (ở đây là vua Trần Thái Tông). Trần Thái Tông (陳太宗): sinh 9 tháng 7 năm 1218, mất 5 tháng 5 năm 1277, tên khai sinh là Trần Cảnh (陳煚), là vị hoàng đế đầu tiên của triều Trần nước Đại Việt.
       Trần Thánh Tông (陳聖宗): sinh 12 tháng 10 năm 1240, mất 3 tháng 7 năm 1290, tên húy Trần Hoảng (陳晃) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Trần nước Đại Việt, trị vì từ ngày 30 tháng 3 năm 1258 đến ngày 8 tháng 11 năm 1278.
       Vua Trần Nhân Tông (陳仁宗): sinh 7 tháng 12 năm 1258, mất 16 tháng 12 năm 1308, tên khai sinh là Trần Khâm (陳昑), tự là Thanh Phúc, là vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt, con trai vua Trần Thánh Tông. Ông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293
       Trần Anh Tông (陳英宗): sinh 25 tháng 10 năm 1276, mất 21 tháng 4 năm 1320, tên khai sinh là Trần Thuyên (陳烇), là vị hoàng đế thứ tư của triều Trần nước Đại Việt, con trai vủa Trần Nhân Tông. Ông ở ngôi từ tháng 4 năm 1293 đến tháng 4 năm 1314
       Căn cứ vào gia phả các vị vua nhà Trần ở trên chúng ta thấy vua Trần Nhân Tông (tại vị 1278-1293)  là vị vua tham gia chỉ đạo cuộc chiến trên sông Bạch Đằng  năm 1288 chống Nguyên Mông. Cùng thế hệ với ông đều là các cháu của vua Trần Thánh Tông. Vì vậy trong sách Đồng Khánh địa dư chí ghi tướng quân Trần Quốc Bảo là con của vua Trần anh Tông tham gia trận đánh tại sông Bạch Đằng là không đúng, vì lúc đó vua cha Trần Anh Tông mới 12 tuổi, khó có thể có  vợ chứ đừng nói có con là Trần Quốc Bảo.
       – Minh Hiển: hiển hiện trong sáng, ý nói rất linh thiêng
       – Thượng đẳng thần từ : Đền được phong cấp Thượng đẳng thần (thứ hạng cao nhất trong ba hàng Thượng, Trung, Hạ bậc thần linh)
       (Như trong sắc chỉ nói trên một ngôi đền xưa dùng tới 18 dân đinh thay phiên nhau trông coi, quét dọn chứng tỏ đây là một ngôi đền lớn.)
       Bia thứ 2: SỰ TÍCH  MIẾU HIỂN THÁNH (trích)
       Nguyên văn:
       古跡顯聖廟
       荊門府水棠縣長涇社涇村鄉長巨小等為重修顯聖靈應碑記
       常謂神至德其盛盛乎廟之貌壯嚴你壯哉水棠之大縣有此長涇之名鄉社高叵一山山上建立一廟左則馬鞍十眉突屹繞向青龍有則鳳凰之萬仞巍峨朝來白虎前有大江一帯登清焉一抱朱雀 於前後水有溪九迴轉之玄武於後真海陽雄虎之狀弟一勝驗也實乃名藍古跡古人有行 …
       丁酉年貳月貳拾貳日
       Dịch Nôm:
       Cổ tích hiển thánh miếu.
       Kinh Môn phủ, Thủy Đường huyện, Tràng Kênh xã, Kênh thôn .Hương trưởng cự Tiểu đẳng vi trùng tu Hiền thánh linh ứng bi ký.
       Thường vị. Thần chí đức kỳ thịnh, thịnh hồ. Miếu chi mạo, tráng nghiêm, nhĩ tráng tai. Thủy Đường chi đại huyện, hữu thử Tràng Kênh chi danh, hương xã trung cao phả nhất Sơn, Sơn thượng kiến lập nhất miếu. Tả tắc Mã Yên. thập mi đột ngật nhiễu hướng thanh long, hữu tắc Phượng Hoàng(1) chi vạn nhận nguy nga triều lai Bạch Hổ(2). Tiền hữu đại giang nhất đới, Đăng thanh yên nhất bão chu tước ư tiền, hậu thủy hữu khê cửu hồi chuyển chi huyền vũ ư hậu. Chân Hải Dương hùng hổ chi trạng đệ nhất thắng nghiệm dã, thực nãi danh lam cổ tích cổ nhân hữu hành …
       Đinh Dậu niên nhị nguyệt nhị thập nhị nhật.
       Dịch nghĩa:
       Sự tích Miếu hiển Thánh.
       Quan viên lớn nhỏ cùng toàn dân thôn Kênh xã Tràng Kênh huyện Thủy Đường phủ Kinh môn dựng bia ghi lại việc trùng tu miếu Thánh.
       Thường nghe: công đức của thần càng cao sâu thì miếu thờ thần phải uy nghiêm, tráng khí. Hùng vĩ thay huyện lớn Thủy Đường ta, nơi đây có xã Tràng Kênh nổi tiếng. Trong xã có ngọn núi cao vút , chân núi có ngôi miếu linh thiêng, bên trái là dãy núi Mã Yên lượn vòng quanh co như rồng chầu uốn khúc, tạo thế Thanh Long. bên phải là núi Phượng Hoàng cao vạn trượng lớp lớp như hổ chầu tôn phương Bạch hổ., phía trước là giải sông Đằng cuộn dòng chảy xiết đổ ra biển lớn làm phương Chu Tước, đằng sau là chín khe suối nước chảy không ngừng hợp làm nguồn Huyền vũ. Thực là vùng đất hùng tráng bao la của xứ Hải Dương ta , xếp vào bậc nhất danh lam cổ tích mà ông cha xưa đã tạo dựng nên ,…
       Ngày 22 tháng 2 năm Đinh Dậu (1657)
       CHÚ THÍCH:
       (1) Núi Mã Yên và núi Phượng Hoàng là do tác giả tự gọi tên các núi trong khu vực tổng Dưỡng Động cũ, trên bản đồ chúng tôi không thấy đề tên hai núi này.
       (2) Tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả Thăng long, hữu Bạch hổ là bốn phương NAM, BẮC, ĐÔNG, TÂY theo Kinh dịch, ở đây tác giả lập bia hình như lầm lẫn về phương hướng. Đứng ở núi Hoàng Tôn, phía Đông là sông Bạch Đằng chứ không phải phía Nam. Tuy nhiên qua bài viết cho ta thấy sông Bạch Đằng xưa chính là sông Đá Bạc bây giờ (xem sơ đồ dưới đây):

Vũ Hoàng – nhà nghiên cứu Hán-Nôm.

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học