Mùa xuân hy vọng
(Tùy bút)
Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Mùa xuân 2019 đã đến với thành phố Hoa Phượng Đỏ mang theo những hy vọng về một tương lai tươi sáng của thành phố tiền tiêu bên bờ biển Đông – một hải tần phòng thủ từ thời nữ tướng Lê Chân trấn nhậm đất này.
Hải Phòng- vùng đất địa linh, nhân kiệt của Tổ quốc với những tên đất, tên người vang danh trong lịch sử dựng nước và giữ nước như dòng sông Bạch Đằng từng 3 lần nhấn chìm chiến thuyền quân xâm lược phương Bắc và được văn sĩ Phạm Sư Mạch cảm thán “Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật/ Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Hải Phòng có những nhân vật lịch sử nổi tiếng như người nữ tướng anh hùng của Hai Bà Trưng có công lập ra trang An Biên, tham gia chống quân Đông Hán xâm lược và được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là Thượng đẳng Thần, nay được người Hải Phòng tôn làm Thành hoàng bản thổ hay Thái sư Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung lập ra một Vương triều chấn hưng xã tắc với kinh đô thứ hai là Dương Kinh (ở Kiến Thụy). Hải Phòng còn có những bậc hiền tài như trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nức tiếng về tài lý số khiến người Trung Hoa phải thán phục “An Nam lý học hữu Trình tuyền”, trạng nguyên Trần Tất Văn với bài biểu làm lui hàng vạn quân Minh xâm lược do Mao Bá Ôn thống lĩnh, hay danh tướng như Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi phò vua giúp nước, từng đánh dẹp quân Minh xâm lấn biên giới khiến người Trung Quốc khiếp sợ. Thời hiện đại lại có những nhân vật tài năng như Nguyễn Bình được Hồ Chủ Tịch phong Trung tướng đầu tiên của quân đội ta và được Bác cử vào miền Nam thống nhất các lực lượng vũ trang chống Pháp hay nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà lập thân từ hai bàn tay trắng mà chế ra loại sơn tốt ngang với sơn Pháp mà gía lại rẻ hơn, cạnh tranh ngang ngửa với người Pháp.
Những địa danh như cầu Đất, cầu Tre, cầu Rào, sông Lấp, sông Cấm, chợ Đổ bình dị, thân thương, gây thích thú cho khách ngoại tỉnh đến Hải Phòng và nhiều khi lại trở thành đề tài đàm tiếu trong những buổi “trà dư tửu hậu” khi toàn là “lấp, rào, cấm” của thành phố này những năm xưa cũ nay đã không bị vin vào đó để chê bai bởi những cây cầu (cả vượt sông, biển lẫn vượt bộ) đẹp, hiện đại mọc lên như nấm. Đó là những cầu Bính, cầu Rào 2, cầu Niệm 2, cầu An Dương 2, cầu vượt biển Lạch Huyện, cầu đôi Tiên Cựu, cầu đôi Quý Cao, cầu Hàn, cầu Đăng, cầu Tam Bạc, cầu Bạch Đằng trên tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng ra thành phố Hạ Long đã rút ngắn thời gian xe chạy chỉ còn 30 phút, cầu Vũ Yên 1, cầu vượt nútÂÂÂÂÂÂ giao: Lê Hồng Phong – Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh – Cầu Rào 2 hay cầu vượt nút giao thông Nguyễn Bỉnh Khiêm- Đình Vũ. Đó là chưa kể những cây cầu đang và sắp được xây dựng như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi sẽ kết nối khu vực trung tâm thành phố với Trung tâm Hành chính – chính trị đang được xây dựng bên Thủy Nguyên.
Thật không hổ danh khi giờ đây Hải Phòng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu – những cây cầu thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển, góp phần đưa Hải Phòng đi lên. Những cây cầu cùng với hệ thống đường giao thông trục nội đô như Hồ Sen – Cầu Rào 2; đường trục đông – tây (từ xã Bắc Sơn tới phường Đông Hải 2) và đường 10 được mở rộng, nâng cấp, nút giao thông nam cầu Bính… đã và sẽ giải tỏa lưu lượng giao thông của một thành phố đang ngày một mở rộng ra 5 cửa ô như 5 cánh hoa của bông phượng đỏ.
Còn nhớ năm 1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – nhà thơ Tố Hữu từng tặng Hải Phòng bài thơ khen những đổi mới trong xây dựng công trình thủy, thủy lợi và phát triển kinh tế
Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô
Đào sông, lấn biển dựng cơ đồ
…
Rạo rực Sáu Kho, vui Bến Cảng
Khang trang Tam Bạc, rạng Thành Tô…
Hơn 30 năm sau, thành phố của chúng ta không chỉ xây dựng thêm nhiều cầu cống, mở nhiều tuyến giao thông nội đô mới, lấp biển xây dựng nhiều công trình, cầu cảng hiện đại, khu nghỉ dưỡng – vui chơi với quy mô lớn mà còn chỉnh trang bộ mặt đô thị đẹp hơn, văn minh hơn trong đó có việc bê tông hóa ngõ xóm, đường làng ở cả thành thị và nông thôn, thậm chí làm cả đường bê tông ra đồng ruộng, bờ mương với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Được thành phố hỗ trợ về xi măng toàn bộ, nhân dân nô nức hưởng ứng, hiến đất, góp công, góp tiền mở rộng đường đi, lối lại phong quang, sạch đẹp, tạo giao thông nội đồng thuận tiện, dễ dàng. Rõ là “Nghĩa Đảng, lòng dân, ý Bác Hồ” đã tạo nên một việc làm chưa từng có trong cả nước.
Trong xây dựng đất nước, người Hải Phòng với tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, thường đi đầu trong khó khăn để đổi mới phát triển kinh tế tạo nên những “sóng Duyên Hải” (lá cờ đầu về sản xuất công nghiệp) hay khoán hộ trong nông nghiệp, làm cơ sở cho Đảng ta ban hành Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV (tháng 1/1981) về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, tạo ra không khí phấn khởi trong nông thôn và bước phát triển mới về nông nghiệp để rồi sau đó ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, tạo nên bước đột phá về năng xuất lúa khiến nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới.
Hải Phòng từ xưa đến nay luôn được xác định là thành phố có vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa kinh tế quan trọng vùng Duyên hải, thành phố cảng lớn, trung tâm dịch vụ, công nghiệp; logistic chủ chốt miền Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng hội đủ tất cả các loại hình giao thông và là cửa chính ra biển của toàn miền Bắc. Đồng thời đây cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ nên không có gì khó hiểu khi Hải Phòng được Trung ương quan tâm đặc biệt và dành cho những cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển.
Để xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng Hải Phòng trong nghị quyết 32 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khi Hải Phòng được xác định là động lực phát triển của vùng trọng điểm kinh tế miền Bắc, một Đô thị loại I Trung tâm cấp Quốc gia, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã nỗ lực hoạch định đường lối, ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và thu hút đầu tư từ nhiều nguồn (trong và ngoài nước) một cách bài bản cả về hạ tầng cứng và cơ chế mềm (chính sách, thủ tục) cả về nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu đề ra.
Mừng sao khi những cố gắng 3 năm qua (kể từ khi triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020) của Đảng bộ và nhân dân thành phố đã được đền đáp một phần bằng những kết quả đáng phấn khởi trong năm 2018: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 16,25% (cao nhất từ trước đến nay), gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước. Hạ tầng đô thị đã thay đổi nhanh chóng khi được đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ với nhiều tuyến đường, công viên, nút giao thông, cầu vượt, cảng mới (nhất là cảng nước sâu Đình Vũ). Dải đô thị trung tâm thành phố giờ đây đã xứng với lời khen là dải trung tâm dài, đẹp nhất Việt Nam khi được cải tạo, xây dựng đẹp đẽ, văn minh trên độ dài hơn 2 km từ công viên Tam Bạc đến vường hoa cổng Cảng. Sáng, chiều nhìn cảnh người dân thảnh thơi đi bộ thể dục, dạo chơi trên bờ hồ tam Bạc, sông Lấp phong quang, sạch sẽÂÂÂÂÂÂ khó ai có thể hình dung xưa kia đây lại là nơi nhếch nhác, lộn xộn đến thế nào. Đêm đến, đải trung tâm thành phố rực rỡ muôm màu sắc dưới ánh đèn và những tia nước từ đài phun, lấp lóa ánh điện qua vòm cây cùng dòng người, xe tấp nập khiến những ai lâu ngày xa thành phố nay trở về ắt phải ngỡ ngàng.
Giờ đây, những công trình lớn như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Cảng quốc tế Lạch Huyện, cầu – đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện đã trở thành hiện thực cùng dự án đường cao tốc ven biển Hạ Long – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa mà Hải Phòng đang cùng 5 tỉnh chuẩn bị khởi công sẽ kết nối giao thông các tỉnh Duyên hải miền Bắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
 Ảnh cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cây cầu biển dài nhất Việt Nam
Nếu mục tiêu xây dựng Hải Phòng thành một đô thị xanh – sạch – đẹp-văn minh thực hiện được thì thành phố Hoa Phượng Đỏ của chúng ta sẽ là điểm đến hấp dẫn của dân du lịch trong, ngoài nước cũng như người lao động đến tìm kiếm cơ hội sống.
Và nữa, khi tuyến cáp treo vượt biển dài và lớn nhất thế giới ra đảo Cát Bà được xây dựng sẽ tạo nên kỳ quan thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Di sản thiên nhiên thế giới. Hy vọng Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên sẽ được đánh thức tiềm năng lớn về du lịch với những dự án đầu tư ngàn tỷ của các tập đoàn kinh tế Vingroup, Him Lam, Sun Group, FLC.
Không phải vô cớ mà lượng khách du lịch đến Hải Phòng tăng đột biến (đạt 7,79 triệu lượt), vượt mức kế hoạch 5 năm 2016-2020 (7,5 triệu lượt).
Với những cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thường xuyên lắng nghe, giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và dành những ưu đãi hấp dẫn mà những tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước đã nối tiếp nhau chọn Hải Phòng làm điểm đến để đầu tư và đã thành công như LGE, LGD, Bridgestone, Fuji Xerox, JX Nippon Oil, Rent-A-Port, Vingroup, Sun Group, BRG…
Nhờ việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử mà chỉ số đo lường hài lòng đối với sự phục vụ hành chính của thành phố đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Hải Phòng giờ đây trở thành một trong những tỉnh, thành phố thu hút được vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất.
Không chỉ tự hào với những kết quả về phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng đô thị, chúng ta còn tự hào với thành tích giáo dục. Hoa Trạng nguyên nở rộ, vui thay khi nhiều năm nay Hải Phòng luôn đứng ở vị trí thứ nhì cả nước về thành tích đào tạo học sinh giỏi. Số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế của Hải Phòng luôn cao. Năm học 2017-2018 chúng ta đứng thứ nhì toàn quốc với 91/106 thí sinh đoạt giải, trong đó có 11 giải nhất, đứng đầu toàn quốc về số học sinh đoạt giải nhất; Có 3 Huy chương Olimpic quốc tế và 1 dự án đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Hoa Kỳ năm 2018.
Tuy còn một số tồn tại và hạn chế nhưng với truyền thống anh hùng của hải tần phòng thủ, trong xu thế hội nhập quốc tế và phát triển, Hải Phòng như một con tàu được Đảng chèo lái, quyết khắc phục những trở ngại và tồn tạiÂÂÂÂÂÂ để vươn ra biển lớn.
Và không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Giá còn nữ tướng Lê Chân nhỉ
Ắt phải khen con cháu Bác Hồ.
(Nguồn: Mùa xuân hy vọng/Phạm Văn Thi//Tạp chí Khoa học & Kinh tế Hải Phòng. – Số tháng 3/2019)