Một số loại hình lễ hội dân gian Hải Phòng

Lễ hội Vật cầu ở làng Kỳ Sơn (huyện Kiến Thụy)

Lễ hội là một nét văn hoá đặc biệt trong đời sống của người dân Việt Nam trong nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Đó là lý do vì sao các lễ hội thường diễn ra ở các vùng quê nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có những công trình kiến trúc mang bản sắc dân tộc như: Đình, chùa, đền, miếu.

Lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa thu – giai đoạn nông nhàn của người dân. Sau những thời gian lao động vất vả, người dân muốn thư giãn, giải trí, đồng thời tri ân công đức của các bậc thánh, thần, những người có công với làng, với nước, cầu cho mưa, gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang, vật thịnh, con người may mắn. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, tâm linh và đời thường… là một hoạt động cộng đồng có sức hút lớn đối với mọi người, mọi tầng lớp xã hội.

Lễ hội Hải Phòng không nằm ngoài những mục đích nói trên, trong đó lễ hội tri ân người có công với dân tộc ở Hải Phòng chủ yếu là các lễ hội tôn thờ những nhân vật có công đánh giặc ngoại xâm, tiêu biểu như:

Ngô Vương Quyền và nhiều bộ tướng có công đánh trận Bạch Đằng lần thứ nhất được nhân dân tôn thờ gắn với các lễ hội như: Lễ hội “Từ Lương Xâm” (nay thuộc quận Hải An) hàng năm tổ chức từ 16 đến 18 tháng Giêng Âm lịch nhằm tôn thờ Đức Vương Ngô Quyền cùng các tướng lĩnh được phối thờ như Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận, hay tại chùa Hoàng Pha (xã Hoàng Động-Thủy Nguyên) phối thờ Thành hoàng làng được dân sở tại tôn thờ là Ba anh em họ Lý tên là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo có công giúp Ngô Vương Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Hội làng Trinh Hưởng (xã Thiên Hương – Thủy Nguyên) tôn thờ 3 anh em họ Đào (Đào Tế, Đào Lai và Đào Độ) là những người đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do vua Lê Hoàn lãnh đạo trên sông Bạch Đằng năm 981 (bắt đầu từ ngày 11 tháng 1 đến hết ngày 13 tháng 1 âm lịch). Trong đó, ngày 12 tháng Giêng là ngày lễ chính của làng, đó là ngày các vị thắng trận trở về quê hương, khao thưởng dân làng.

Lễ hội chạy đá của làng Kỳ Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) trước đây thường được mở vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nay chuyển sang mồng 9 tháng Giêng xuất phát từ tích sử sau:

Kỳ Sơn vốn là dải đất ven biển miền duyên hải Bắc Bộ có từ thời Tiền Lý (544-602). Đình Kỳ Sơn thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, tên thật là Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn. Lúc thiếu thời, tướng Đào Hạo thông minh, tinh nghịch. Khi đi học, ngài thường bày trò giấu đá xuống ao, hồ rồi cùng đồng môn xuống mò tìm, ai nhanh nhẹn đưa được đá lên bờ thì người ấy thắng. Sau này, khi trở thành tướng giỏi của triều Lý, ngài thường dùng cách này để luyện quân, tạo cho quân tướng có sức khỏe, khả năng chịu đựng gian khổ trong mùa đông giá rét, sức dẻo dai mới giành chiến thắng. Khi ngài mất, đình làng Kỳ Sơn vẫn thờ một viên “đá thần” cho tới ngày nay. Lễ hội chạy đá cũng bắt nguồn từ đó. Ngày mở hội, một cụ cao niên khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, mặc trang phục tế chỉnh tề, trịnh trọng vào đình, thành tâm khấn xin được rước đá thiêng ra ngoài. Đi đầu là đội trống và kiệu rước, một người cầm cây nêu đi theo. Đá rước từ đình ra bến Đầm (nay là giếng làng) rồi được cụ cao niên trong làng thả xuống nước. Những thanh niên tham gia chạy đá được cử ra từ hai xóm, mỗi xóm cử 5-7 người làm lễ tại đình và được chủ tế ban cho mỗi người một chén rượu, một miếng trầu ăn cho ấm bụng rồi tham gia chạy đá. Khi dứt 3 tiếng trống lệnh, những thanh niên hướng về giếng mà mò tìm đá. Cuộc mò tìm kết thúc khi ai tìm được đá đưa về đình là thắng cuộc. Người xưa quan niệm, ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc. Chạy đá còn có ý nghĩa rèn luyện tinh thần, khí chất của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Phiến đá to nặng, nhẵn, trơn, đòi hỏi người tham gia có sức khoẻ, sự mưu trí, nên “chạy đá” mang đậm tinh thần thượng võ.

Địa bàn thành phố Hải Phòng còn một số lễ hội tại các nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng lĩnh có công đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, tiêu biểu là lễ hội đền Phú Xá. Đền Phú Xá (nay thuộc phường Đông Hải 1 – quận Hải An) là nơi tích trữ lương thảo chuẩn bị cho chiến dịch Bạch Đằng năm 1288, đồng thời diễn ra cuộc khao thưởng quân sĩ có công trước khi kéo quân về căn cứ Vạn Kiếp. Đền còn phối thờ bà Bùi Thị Từ Nhiên,  người con dâu họ Phạm làng Phú Lương (nay là Phú Xá), được phong là nữ tướng hậu cần. Bà có công lao to lớn vận động nhân dân đóng góp lương thảo và chế biến lương thực phục vụ cho quân sĩ trong trận Bạch Đằng.

Lễ hội tổ chức từ ngày 18 đến 20 tháng 8 (ÂL) để tri ân công lao của đức Thánh Trần và nữ tướng Bùi Thị Từ Nhiên.

Địa bàn huyện Thủy Nguyên, nhân dân xã Liên Khê hàng năm vào ngày 20 tháng 8 (ÂL) cũng tổ chức lễ hội đền Thụ Khê (xã Liên Khê) thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc. Tương truyền Hưng Đạo Đại Vương đã đặt Đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng tại đây tiêu diệt quân xâm lược Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Hiện nay, tại nhiều đình, đền trên địa bàn thành phố thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và các danh tướng, người có công trong trận Bạch Đằng đều tổ chức lễ hội tri ân công lao các anh hùng, nghĩa sĩ như: Hoàng tôn Trần Quốc Bảo, Tây Giang hầu Phạm Hữu Điều, Đông Giang hầu Vũ Nạp (đền Tràng Kênh); Lễ hội đình Từ Lâm xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo thờ vị thành hoàng Hoa Duy Thành, danh tướng có công trong kháng chiến chống Nguyên Mông thời Trần…

Lễ hội với trò chơi dân gian nhằm ôn lại tích xưa gắn với giai thoại luyện quân của các danh tướng:

Tiêu biểu như lễ hội vật cầu, chạy đá ở làng Kỳ Sơn (nêu trên). Lễ hội vật cầu thường tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng tại sân đình Kim Sơn. Tương truyền, vật cầu vốn là hình thức luyện quân do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sỹ.

Loại lễ hội luyện quân này cũng có ở huyện Cát Hải (tiêu biểu là hội kéo Xa mã ở xã Hoàng Châu).Đình Hoàng Châu tôn thờ các vị thành hoàng: Liễu Hạnh Công chúa Thượng đẳng thần, Đô Nguyên soái Tuyên Nghi chi thần và Phó Nguyên soái duy Bùi Đại Vương. Ngoài ra còn phối thờ Đức vua Đông Hải đại vương, Đức vua bà Nam Hải Quốc mẫu đại vương và các vị hậu thần. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, Mẫu Liễu Hạnh là đệ nhất Thượng thiên thánh Mẫu – thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tâm thức dân gian; Hai vị nhân thần gồm Đô Nguyên soái Tuyên Nghi Đại Vương và Phó Nguyên soái duy Bùi Đại Vương là những võ quan thời Hậu Lê, có công lớn trong tiễu trừ hải tặc, đã nhiều lần hiển linh giúp nước, che chở bảo vệ dân vùng ven biển. Hàng năm, người dân Hoàng Châu mở lễ hội Xa mã – rước kiệu từ ngày mùng 9 đến 12 tháng 6 (Âm lịch), trong đó chính hội là ngày mồng 10 tháng 6 (âm lịch). Trong Lễ hội, ngày mồng 9 tháng 6 diễn ra nghi lễ rước nước, lễ cáo yết.

Ngày mùng 10 tháng 6 là ngày nghinh thần. Từ rất sớm, Chủ tế và Cai đám đã phải ra đình thắp hương xin phép các vị thánh thần cho làng vào lễ hội. Tiếp đến, 6 Đình phe gồm các trai tân, có sức khoẻ (4 người cầm cờ, 2 người cầm chiêng), tay cầm cờ thần, đầu chít khăn mỏ rìu đỏ, áo thụng vàng, thắt đai đỏ, quần bó ống vái thánh thần 4 vái, tay múa cờ, miệng reo hò: “Ơ, giai bản xã rước chư vị ra ban cho phải”. Sau đó Đình phe vào đình rước 2 ông xa mã ra ngoài sân hội. Đội nam quan, nữ quan (đội hình phù giá) vào rước lần lượt kiệu long đình, long ngai Đức Đô Nguyên soái, Phó Nguyên soái, long ngai hai vị Đức vua Đông Hải và Đức vua bà Nam Hải (thường gọi là long ngai, kiệu Chào) và kiệu Thánh mẫu Liễu Hạnh ra trước cửa đình để bắt đầu cho nghi lễ Xa mã – rước kiệu vào lúc 10 giờ. Trong rước kiệu đình Hoàng Châu, vai trò của những Đình phe rất quan trọng. Đình phe cầm cờ múa trước khi rước kiệu là để cho các thế lực hắc ám không thể tranh chỗ ngự trên kiệu của các Thánh. Hơn thế trong lúc rước kiệu, nếu thấy có kiệu rước nào mệt, không thể tiếp tục được nữa nhưng các Thánh vẫn ngự và bay tiếp thì lúc đó chỉ có Đình phe mới có thể dừng kiệu lại được và đổi vai để cho đám phù giá khác vào thay hoặc dừng hẳn kiệu lại.

Nét đặc biệt của nghi lễ rước kiệu đình Hoàng Châu mang dấu ấn văn hoá riêng của vùng biển. Nó không giống với lễ rước của các làng quê khác phải có cờ thần, cờ tiết mao, chấp kích, bát bửu, phường bát âm, chiêng, trống đi theo một trật tự nhất định mà trong không gian và thời gian linh thiêng, con người được hoà vào cùng đội rước, được chứng kiến những cỗ kiệu bay, kiệu quay trên đôi vai của những nam thanh, nữ tú phù giá. Thông thường kiệu long đình được rước trước, rồi mới đến kiệu mẫu Liễu Hạnh và các cỗ kiệu khác. Nhưng trong khoảnh khắc của sự siêu linh đạt độ đỉnh điểm thì đôi khi các cỗ kiệu cùng phù giá cũng phiêu linh cùng Thánh thần, không còn theo một trật tự hay quy luật nào.Trên đôi vai của những phụ giá, kiệu Thánh có thể du ngoạn khắp chốn trong vùng như chùa, miếu; bay ra cánh đồng, bờ biển để vãn cảnh sơn thuỷ.

Bên cạnh nghi lễ rước kiệu bay, lễ hội truyền thống đình làng Hoàng Châu không thể thiếu nghi lễ, trò diễn xa mã – kéo ngựa. Trò diễn này nhằm tưởng nhớ hai võ tướng Đô Nguyên soái và Phó Nguyên soái mà người dân Hoàng Châu bao đời phụng thờ tại đình và 2 miếu giáp Đông, giáp Tây của làng. Xa mã gồm có ngựa và cỗ xe. Ông ngựa được tạo tác bằng gỗ, thân sơn nâu, có dây cương, yếm hoa, yên ngựa chạm trổ hoa văn, đeo hoa tai hình lá đề, cổ đeo lục lạc.

Trò diễn với sự tham gia của hai đội đại diện cho giáp Đông và Tây trong trang phục truyền thống, quần chít ống như các quân sĩ xưa. Giáp Đông trang phục màu đỏ, giáp Tây trang phục màu vàng. Xa mã mỗi giáp từ 15 đến 20 người, trong đó có 3 Đình phe mặc áo nâu vàng, đầu chít khăn mỏ rìu đỏ, thắt đai đỏ và các trai đinh trong trang phụng áo nâu, quần thụng. Hai ông Đình phe đứng trên xa mã một tay ôm cổ ngựa, một tay rung lục lặc để tạo khí thế xung trận, một ông Đình phe ngồi khom lưng phía cuối xa mã múa cờ thần. Các trai đinh thì chia đều làm đôi để phân bổ theo hai bên dây kéo, một người cầm đầu dây (người cầm chịch), bên cạnh đó có người cầm chiêng gõ tưng bừng.

Khi hai giáp vào vị trí, các đội cùng hò reo: “Ơ giáp Đông ta đàn dây cho đều. Ơ giáp Tây ta đàn dây cho đều”. Cuộc chơi bắt đầu, hai cỗ xe ngựa dưới sự điều khiển khéo léo, nhịp nhàng của người chỉ huy chuyển động nhanh chậm, lượn vòng thật điệu nghệ. Xa mã giáp Đông sẽ di chuyển từ Đông sang Tây; Xa mã giáp Tây sẽ di chuyển ngược lại từ Tây sang Đông. Bên nào muốn giành giải thưởng của làng phải kéo ngựa chạy đủ ba vòng, không chạm vạch. Đội thắng cuộc phải ở vòng trong.

Ngoài những lễ hội lịch sử như trên, Hải Phòng còn có lễ hội mang ý nghĩa kinh tế như lễ hội rước lợn ông Bồ ở làng Kỳ Sơn huyện Kiến Thụy được tiến hành vào ngày 10 tháng Giêng hay lễ hội Lễ hội xuống biển, được tổ chức tại làng chài Trân Châu từ ngày 4 – 6 tháng giêng hàng năm. Lễ hội tiến hành như sau: Sau khi lễ tế thủy thần, long vương, một hồi trống hiệu lệnh vang lên, hàng trăm trai tráng tay cầm chèo hò reo chạy tới thuyền của mình để kịp ra nơi quy định nhanh nhất. Một người chèo, một người tung lưới và gõ nhịp vào nơi mạn thuyền. Gõ càng mạnh, càng dồn dập, cá càng hoảng sợ chạy vào lưới càng nhiều. Đến trưa nổ pháo lệch thu quân, mọi người khiêng cá vào đình để các bô lão chấm thi. Con cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống than rực lửa đỏ giữa sân để tế thần, còn lại chia cho mọi người lấy lộc. Ai đánh được cá to nhất hoặc nhiều cá nhất được trao giải.

Lễ hội tưởng nhớ những phúc thần có công mở ấp, dựng làng, chữa bệnh, truyền nghề, dạy học …cho dân:

Tiêu biểu là Lễ hội Minh Thệ vào ngày 14 tháng Giêng ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy nhằm tri ân Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Bà là người đã lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu) và lập ra hội thề chí công vô tư (hội minh thề) lưu truyền đến ngày nay.

Lễ hội tưởng niệm người có công truyền nghề làm bánh đa cho dân ở thôn Lạng Côn, xã Đông Phương (Kiến Thuỵ) xuất phát từ thần tích sau:

Vào thế kỷ 10, Chu Xích công là người Hoa đến trang Đại Trà làm nghề thuốc và dạy học. Sau, ông được tiến cử vào triều Tiền Lê và được Lê Hoàn tin dùng làm tướng. Khi giặc Chiêm đến xâm chiếm, ông được theo nhà vua đi đánh trận. Ông làm bánh đa nhúng vào nước sôi, thêm chút muối cho vừa miệng, trở thành món ăn cho quân lính chinh chiến nơi xa. Còn có loại bánh đa tráng mỏng, phơi khô, nướng trên than hoa, ăn giòn tan, vị ngọt bùi vừa dễ ăn lại có thể để được rất lâu. Sau khi lập công lớn, thắng trận, ông được phong chức Thượng thư và ban thực ấp ở tổng Đại Trà. Trở về làng, ông đem theo bí quyết làm bánh đa dạy cho dân làng. Khi ông mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, lập miếu thờ.

Đến thế kỷ 13, trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, Phò mã Đô úy Trần Quốc Thi cũng góp phần vào chiến thắng lẫy lừng của quân – dân nhà Trần. Ông còn có công giúp dân tổng Đại Trà khai hoang, mở ấp mới. Sau khi ông mất, dân làng đưa ông vào miếu thờ như một vị thành hoàng cùng với Chu Xích công.

Có lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, may mắn trong làm ăn, có thể kể ra đây là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với nghi thức chọi trâu và hiến sinh dâng thủy thần mong thần Điểm Tước phù cho thuận gió ra khơi, bình an, đánh bắt được nhiềm tôm cá.

Lễ hội rước Ngũ Linh Từ và bơi thuyền cầu đảo ở huyện Tiên Lãng tiêu biểu cho tục cầu nước trong tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc bộ.

Theo dân gian, huyện Tiên Lãng có 5 ngôi đền thiêng (Ngũ Linh Từ) đó là:

– Đền Để Xuyên (di tích lịch sử cấp Thành phố) thuộc thôn Để Xuyên xã Đại Thắng thờ 5 vị Thành Hoàng: Duy Linh, Nam Hải, Xa Lâu, Đống Thung, Á Thành Hoàng Thụy.

– Đền Hà Đới thuộc thôn Hà Đới xã Tiên Thanh thờ tướng quân Trần Quốc Thành và Băng Ngọc công chúa (Di tích lịch sử cấp Quốc gia).

– Đền Canh Sơn thuộc thôn Vân Đôi xã Đoàn Lập thờ 2 vị Thành Hoàng là Kinh Sơn và Trí Minh có công giúp vua Hùng đánh quân Thục (Di tích lịch sử-văn hóa Thành phố)

– Đền Long Bì thôn Tử Đôi xã Đoàn Lập thờ Bạt Hải có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh Tống và tiến sỹ Vệ Đàn đời vua Lê Tương Dực (làm tới chức Thượng thư bộ hình) là Di tích lịch sử cấp Thành phố.

– Đến Gắm thờ Thượng tướng quân Thái phó Ngô Lý Tín (đời Lý) được phong tặng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Gặp năm nào trời hạn hán, không mưa nhân dân lại tổ chức lễ hội rước Ngũ Linh Từ và tổ chức hội bơi thuyền cầu đảo. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 7, trong thơ ca dân gian còn lưu truyền câu ca dao:

Lụt lội thì tháo cống Đôi

Trời làm hạn hán thì bơi đầm Bì.

Theo kể lại của các bậc cao niên, năm nào trời làm hạn hán, nhiều tháng không mưa quan tri huyện sức cho chánh tổng, lý trưởng các tổng có các làng Để Xuyên, Hà Đới, Vân Đôi, Tử Đôi, Cẩm Khê rước các thánh về đình Cựu Đôi (tại Trung tâm huyện Tiên Lãng hiện nay) để tế đảo vũ cầu mưa. Đội hình rước thánh về đình để tế đảo vũ đi trước là đội cờ gồm 8 lá cờ vuông và cờ đuôi nheo, đi đầu là cờ thanh long (tiền thanh long) cuối cùng là cờ bạch hổ (hậu bạch hổ), các màu cờ khác thuộc ngũ hành đi ở giữa có nô dịch đi cùng (trong đội hình rước không có nữ) tiếp đến là phường bát âm, sau đó là kiệu và cuối cùng là các bô lão và chức dịch tại các tổng.

Việc tế lễ tại đình Cựu Đôi do tri huyện đứng ra làm chủ tế, được tổ chức 3 ngày, nếu trời mưa thì việc tế lễ đã hoàn tất, nếu trời không mưa thì tri huyện sức cho tổng Tử Đôi tổ chức bơi thuyền cầu đảo.

Nhận sức của tri huyện, chánh tổng, lý trưởng và kỳ hào ở các thôn trong tổng Tử Đôi bèn họp bàn tổ chức việc tế, việc tổ chức tế lễ được giao cho 2 thôn Vân Đôi và Tử Đôi tổ chức, kinh phí được lấy từ quỹ công của Tổng. Việc tế lễ do chánh tổng và lý trưởng điều hành. Tế liên tục 3 ngày, buổi sáng tại đến Kinh Sơn, buổi chiều tại đền Bì, các gia đình trong các làng sắm lễ dâng cúng tại đền Kinh Sơn, nếu 3 ngày đầu không mưa, tế tiếp 3 ngày nữa, trời vẫn không mưa thì tổ chức bơi thuyền cầu đảo tại đầm Bì. Đầm Bì còn có tên gọi  là đầm Cửa trước ở cửa đền Kinh Sơn và Đền Bì, mặt đầm khá rộng, có độ sâu từ 2 – 3m. Đây là con đầm tiêu nước cho cả một vùng rộng lớn của nhiều xã. Điểm bơi xuất phát từ đền Bì bơi đến cầu Nhân Vực

Trên mặt đầm Bì cắm 9 giáo xuất phát, các đội bơi tập trung tại giáo xuất phát. Khi có trống lệnh của ban tổ chức thì đẩy cho thuyền đi (không có các đội bơi thuyền nữ tham gia), gần đây khi tổ chức khôi phục lại lễ hội bơi thuyền Ban Tổ chức có cho các đội nữ tham gia), 9 đội bơi cùng một lúc tạo nên không khí náo nức, sôi động. Các đội bơi một vòng khép kín, quay về lấy thẻ ở giáo xuất phát và hoàn thành vòng đua. Giải được tính theo ngày, nếu bơi 3 ngày thì thành tích sẽ là kết quả trung bình cộng, nếu ngày thứ nhất, hoặc ngày thứ hai có mưa thì cuộc bơi thuyền cầu đảo cũng kết thúc.

Sau 67 năm gián đoạn (lễ hội được tổ chức lần cuối năm 1946), ngày 1/9/2013

UBND huyện Tiên Lãng tổ chức khai mạc lễ hội rước ngũ linh từ tại đình Cựu Đôi, thị trấn Tiên Lãng. Lễ hội này sẽ được tổ chức 5 năm một lần với các nghi thức rước, tế dân gian truyền thống.

Dạng lễ hội cầu mưa cũng thể hiện rõ trong lễ hội đền Bì dưới ở thôn Tử Đôi, xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng và đền Bì trên ở thôn Vân Đôi gọi là đền Canh Sơn (hay Kinh Sơn). Gặp năm nào trời hạn hán, thiếu nước nhân dân lại tổ chức cầu đảo tại các nơi này rất linh ứng. Lễ hội đền Bì dưới được tổ chức từ ngày 1 tháng 11 đến 15 tháng 11 (âm lịch) nhưng chỉ tế lễ một ngày 10 tháng 11. Trước khi lễ hội người ta rước tượng ngài Trần Vệ Đàn ở miếu, ngài Bạt Hải long vương Đại vương ở nghè về đình làng dự lễ hội.

Tại đền Canh Sơn xưa, hàng năm làng có hai lần tế tự tại đền vào tháng 2 và tháng 8. Đến nay lễ hội cầu đảo được nhân dân thôn Vân Đôi xã Đoàn lập tổ chức thành lễ hội truyền thống 2 năm/lần vào ngày 2/9 (dương lịch).

Theo hồ sơ thần tích, “đền Bì là một trong 5 đền linh thiêng ở huyện Tiên Lãng, khi nào có hạn hán thì nhân dân địa phương lập đàn cầu mưa”. Theo các cụ cao niên trong làng, đền Bì rất linh thiêng, vào những năm hạn hán kéo dài, kênh mương cạn kiệt, đồng ruộng thiếu nước, người dân địa phương lập đàn làm lễ cầu đảo. Ngay sau khi dân làng hoàn thành lễ tế trời đất cầu cho mưa thuận, gió hòa thì trời liền đổ mưa, hoặc chỉ sau một vài hôm cầu đảo là có mưa.

Những năm gần đây, ở Hải Phòng còn có những lễ hội tôn thờ những danh nhân văn hóa nổi tiếng của địa phương, làm rạng danh cho quê hương – đất nước như lễ hội đền Trạng Trình tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vào các ngày 6, 7, 8 tháng 1 (dương lịch) hàng năm; Lễ hội đền thờ trạng nguyên Lê Ích Mộc tại thôn Thanh Lãng, xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên vào ngày 15 tháng 2 âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn dạy học, giúp dân địa phương phát triển kinh tế của quan Trạng. Thông qua những lễ hội này người ta còn giáo dục truyền thống hiếu học, tôn vinh người tài khoa cử.

Ở đâu cũng vậy, lễ hội dân gian bao giờ cũng gồm 2 phần: lễ và hội.

Phần lễ do sắc mục, lý dịch phụ trách và do các Chủ tế, phụ tế, đội tế, trai đinh (khiêng kiệu) và Đình phe (cầm cờ) trong làng thực hiện theo nghi thức nghiêm ngặt của nhà nước phong kiến.

Phần hội thường diễn ra trên sân đình với các cuộc vui chơi như ca hát, diễn tuồng, chèo và trò chơi như tam cúc điếm, bắt vịt (tại đền Phú Xá và một số di tích lịch sử huyện An Dương), bắt cá trạch trong chum, bịt mắt bắt dê, đánh đu, đi cầu thùm, cờ tướng, cờ người, đi cà khoeo (ở một số địa phương ven biển), kéo co, chọi gà…

Ở Hải Phòng ngày nay, trong phần hội, ngoài trò chơi dân gian (ít dần), người ta còn tổ chức các trò chơi hiện đại như thi đấu cờ vua, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, vật..v.v.. thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Có thể nói lễ hội dân gian là hoạt động văn hóa quần chúng vừa có tính chất văn hóa tâm linh, vừa là hoạt động tinh thần sôi động, có tác dụng cố kết cộng đồng, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Những lễ hội thể hiện bản sắc văn hóa tốt đẹp cần được bảo lưu, kế thừa trong nhân dân nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhân dân, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước và tự hào dân tộc.

Thi Văn – Lê Thế Loan (Hội Văn nghệ Dân gian HP) 

sưu tầm, biên tập.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học