Một số con phố ở thành phố Hải Phòng thời thuộc Pháp và sau cách mạng Tháng Tám. (phần II)

Phố Cầu Đất ngày nay.

          Tiếp theo phần I:        
          Phố Chi Lăng:
          Từ đường Hùng Vương, gần đầu cầu Quay, nối với phố Vạn Kiếp ở gần bờ trái sông đào Hạ Lý, dài 200m, rộng 4,5m. Phố Chi Lăng là phố mới được đặt trên địa bàn xã Hạ Lý cũ. Trước giải phóng, phố thuộc khu Tam Bạc.
          Lúc mới mở, phố được gọi là đường Xi Măng (Ancienne route de la comenterie), dịch đầy đủ là đường cũ của Nhà máy xi măng. Năm 1954, phố được đổi tên như hiện nay: phố Chi Lăng.
          Tuy nằm ở xa trung tâm thành phố, nhưng phố Chi Lăng nằm ở vị trí gần sông đào Hạ Lý, một huyết mạch giao thông thuỷ quan trọng, đồng thời gần đường quốc lộ số 5 nên vận tải khá thuận tiện.
          Thời Pháp thuộc, có một số công ty lớn đặt xưởng thợ, kho tàng ở cạnh phố này. Trên phố có Nhà máy đóng tàu Sông Cấm (trước năm 1983 là Nhà máy cơ khí Hải Phòng). Đây nguyên là xưởng Sôpha thời Pháp.
          Phố Chợ Con:
          Từ phố Hàng Kênh đến đường Hồ Sen; dài 400m, đoạn Hàng Kênh – Chợ Con dài 150m, rộng 7,5m; đoạn còn lại dài 250m, rộng 5m. Vỉa hè bên phải dài 187m, rộng 5m, đoạn còn lại chưa có vỉa hè. Hệ thống thoát nước dài 300m đặt cống F.400mm dưới lòng đường.
          Phố thuộc địa phận xã Hàng Kênh cũ, trước giải phóng thuộc khu Hàng Kênh. Đây tuy là con đường nhỏ nhưng có vị trí khá thuận lợi cho việc đi lại và buôn bán.
          Thời Pháp thuộc phố gọi là Route du Marché de Chợ Con. Vì người Pháp đã đặt chợ Sắt ở khu nhượng địa, gọi là chợ Lớn (Grande Marché) nên ở khu bản xứ chợ được gọi là Chợ Con. Nhưng vì tiếng Pháp viết là Cho Con (không có dấu) khiến nhiều người hiểu là chợ Chó Con và suy ra ở đây bán nhiều chó con. Quả thực tại đây cũng bán nhiều chó con hơn nơi khác. Dân các xã Hàng Kênh, Dư Hàng… người từ Kiến Thụy, Đồ Sơn, Hải An trước đây thường đem hàng hóa tới bán.
          Cho đến thời tạm chiếm, phố Chợ Con còn có hình thước thợ, gồm phố Chợ Con hiện nay và một đoạn của đường Hồ Sen bây giờ, thông ra phố Tô Hiệu ở ngã tư Trại Cau.
          Khi có chợ, việc buôn bán khá sầm uất nhưng trước đó, khu vực chợ vào những năm đầu thế kỉ XX còn là vùng đất hoang, ngổn ngang gò đống và đầm lầy. Đi quá chợ một chút là nghĩa địa. Cuối nghĩa địa hai bên là hồ rộng. Nghĩa địa vào những năm 40 vẫn còn, sau đó dân các nơi kéo về đây ngày một đông, ao hồ được lấp dần, nghĩa địa bị san bằng. Ở đây ngoài dân làng Hàng Kênh còn có dân làng Xuân Cầu thuộc Bắc Ninh tới sinh sống và chuyên nghề làm giò chả. Một số nhà giàu mua đất lập ấp tạo ra những địa danh mới ở khu vực này: ngõ Phán An, ngõ Hàn Điềm.
          Nạn đói năm Ất Dậu (1945) ở gần ngõ Phán An đầu phố Chợ Con ngổn ngang người chết đói, sớm sớm xe bò chở xác đi, vôi bột rắc vào xác chết rơi trắng cả mặt đường. Sau giải phóng (1955), phố Chợ Con có nhiều thay đổi, những nhà xây mọc lên thay thế cho các nhà tranh lụp xụp ngày trước. Những vũng bùn lầy nước đọng không còn. Điện, nước máy đã được đưa vào tận các nhà trong ngõ sâu… Gần đây phố có cả nhà cao hai ba tầng.
          Những ngày đầu kháng chiến, ở đây là một ổ đề kháng của ta. Ngày 25 – 11 – 1946, sau khi lính Pháp chiếm được trại Bảo An binh, phố Ga và phố Tám Gian thì trụ sở Ủy ban bảo vệ thành phố và mặt trận trung tâm của ta bị uy hiếp. Theo lệnh của Ủy ban bảo vệ thành phố, ngã ba Chợ Con – Hàng Kênh, ngã tư Hồ Sen và ngã tư Trại Cau An Dương đã nhanh chóng hình thành phòng tuyến mới để chặn địch.
          Phố Cầu Đất:

Phố Cầu Đất thời Pháp thuộc.

          Từ ngã tư Cầu Đất – Hoàng Văn Thụ – Trần Phú đến ngã tư Trần Quốc Toản (nay là phố Lạch Tray) – Tô Hiệu – Lê Lợi, dài 610m, rộng 11m. Vỉa hè đoạn từ ngã tư Cầu Đất-Trần Phú đến ngã tư giao với hai phố Trần Nhật Duật-Lê Chân bên trái dài 80m, rộng 4m, bên phải dài 90m rộng 4m; đoạn từ Trần Nhật Duật – Lê Chân đến ngã tư Lương Khánh Thiện- Cát Dài, bên trái dài 220m, rộng 4m, bên phải dài 217m, rộng 2,5m, đoạn còn lại đến ngã tư Thành đội, bên trái dài 230m, rộng 4m, bên phải dài 245m, rộng 4m. Hệ thống thoát nước đoạn ngã tư Cầu Đất – Lương Khánh Thiện dài 340m đặt cống hộp F.500 x 600mm, đoạn tiếp đến ngã tư Thành đội bên trái dài 275m, đặt cống hộp F.500 x 600mm dưới lòng đường cách bó vỉa hè trái 1,6m, bên phải dài 280m đặt cống F.800mm dưới hè phải sát bó vỉa hè.
          Phố Cầu Đất vốn thuộc xã Gia Viên và An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Ga. Đây là một trong những phố có vị trí quan trọng và nhộn nhịp, sầm uất nhất của thành phố. Lúc mới mở phố được đặt tên là Pôn Đume (Avenue Paul Doumer) – tên viên toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó nhân dân ta đã gọi là Cầu Đất. Năm 1946, phố mang tên đại lộ Hồ Chí Minh. Năm 1954 phố đổi tên thành Trần Hưng Đạo. Năm 1963 gọi lại là Cầu Đất. Tại sao phố lại gọi là “cầu đất” thì nguyên nhân như sau:
          Trước đây giữa hai làng An Biên và Gia Viên có con lạch nhỏ gọi là lạch Liêm Khê, vốn là nhánh phụ của sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm. Chính con lạch này là tiền thân của kênh đào Bonnan được đào vào năm 1885. Bắc qua lạch, ở khu vực quán hoa hiện nay có một chiếc cầu nhỏ bằng tre, trên mặt đắp đất nên dân ta thường gọi là Cầu Đất. Tên phố sau này có nguồn gốc từ đó. Sau đấy Pháp thay thế cầu đất bằng cầu sắt, gọi là cầu Đume. Năm 1925, khi lấp kênh Bonnan, cầu sắt bị dỡ bỏ. Mặc dù thời gian trôi qua với nhiều đổi thay, hai làng An Biên và Gia Viên ngày càng bị cuốn vào quá trình đô thị hóa nhưng cái tên Cầu Đất không mất, nó vẫn tồn tại song song với những tên gọi chính thức khác của phố cho đến ngày nay.
          Thời Pháp thuộc đây là một phố buôn bán và có nhiều nghề thủ công chủ yếu là của người Việt như giầy da, bật bông, bánh kẹo, tiệm ăn, hiệu tạp hóa, chụp ảnh. Nói đến phố Cầu Đất không thể không nhắc đến nhà sách Mai Lĩnh (vừa là hiệu sách, vừa là nhà xuất bản), đây còn là một cơ sở cách mạng trong thời kì cách mạng dân chủ.
          Ngày nay phố Cầu Đất vẫn là một trung tâm buôn bán của thành phố. Trên phố từng có ba cửa hàng bách hóa lớn, một hiệu sách quốc doanh, một rạp chiếu bóng. Rạp Công Nhân dựa trên cơ sở rạp Cadinô (Casino) trước đây, đã được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp nhiều lần. Do vị trí của một con đường trung tâm, lại dẫn ra cửa ô phía nam thành phố và khu du lịch Đồ Sơn nên lưu lượng người và xe cộ qua phố rất đông, thường bị ùn tắc giao thông mỗi khi có xe lửa chạy qua đường sắt cắt ngang phố.
          Đường Cát Bi:
          Từ dốc Cầu Rào chạy dọc giữa phường Cát Bi đến Doanh trại quân đội, dài 1.480m, rộng 6m – 8m. Sân bay Cát Bi được xây dựng trong ba năm (1936-1939). Từ năm 1948 – 1949 quân Pháp lại dồn đuổi toàn bộ dân cư các làng Cát Bi, Trực Cát, Tràng Cát, Xâm Bồ ở gần để mở rộng sân bay. Đường Cát Bi vốn là đường trục nội bộ của khu hậu cần sân bay. Vì vậy, dân quen gọi là đường sân bay Cát Bi, có người gọi tắt là đường Sân bay hoặc đường Cát Bi.
          Địa danh Cát Bi có từ bao giờ chưa thể xác định, nhưng trong sách Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỉ XIX của Viện nghiên cứu Hán Nôm có ghi xã Cát Bi thuộc tổng Trực Cát, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
          Sau tiếp quản thành phố, khu sân bay do quân đội quản lí, còn ruộng đất hoang hóa do Pháp đuổi dân để mở rộng vành đai bảo vệ sân bay thì giao cho nông trường Thành Tô khai thác, khu đất gần Cầu Rào để cho dân ở. Từ khi Mĩ phải kí hiệp định Pari năm 1973, do nhà cửa ở nội thành bị bom đạn tàn phá nặng nề, nên cần làm ngay nhà tạm ở khu Cát Bi cho dân. Số nhà này gồm một phần thành phố làm, một phần do các huyện ngoại thành làm ủng hộ, có cả một số nhà tạm của Nhật Bản giúp. Lúc đầu chỉ bám vào trục đường sân bay cũ, sau cứ mở rộng kéo dài đến khu T bây giờ. Đoạn đầu phố gần phía cầu Rào có từ những năm cuối thế kỉ XIX. Một số tư sản Pháp đã mở xưởng sản xuất Anbuymin, nhà máy xà phòng ở phố này. Những nhà tạm kể cả nhà Nhật viện trợ đến nay phần nhiều đã thay thế bằng nhà bán kiên cố và kiên cố do nhân dân, do các xí nghiệp tự làm.
          Phố Cầu Cáp:
          Phố kéo dài từ đường Lam Sơn đến đường Lán Bè dài 270m, rộng 3m. Có tài liệu gọi đây là đường Máy Đá. Phố nằm trên địa bàn An Dương cũ. Phố mới thành lập trên một đoạn của đường 5A dẫn ra cầu treo bằng dây cáp (Cable) nên gọi là Cầu Cáp. Tên đầy đủ là Cầu Cáp 5A An Dương. Khi Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, năm 1967, thành phố Hải Phòng đã dự kiến tình huống địch đánh phá cầu phà nên dự phòng nguyên vật liệu, cầu phao, cầu cáp và khảo sát mở các tuyến đường tránh, đường vòng… để bảo đảm giao thông thông suốt. Tuyến đường 5A từ nội thành theo đường Tôn Đức Thắng hiện nay rẽ vào đường Lam Sơn, đến đoạn giữa đường này mở một đoạn đường mới đến bờ sông đào Lạch Tray. Ở đây bắc một cầu treo vượt sông đào. Phía bên kia cầu treo mở đường tiếp nối vào quốc lộ số 5.
          Mỗi khi báo động, công nhân liền tháo dở hết ván lát mặt cầu, khi báo yên lắp lại cho xe cộ qua lại. Cầu và đoạn đường cầu Cáp ngày ấy bị máy bay Mĩ đánh phá nhiều lần. Cầu cũng nhiều lần bị đánh hỏng. Mỗi lần cầu hỏng phải sửa chữa hàng tháng. Có lần công nhân và chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đội cầu I chỉ 12 ngày đã sửa xong. Khi cầu cứng An Dương chưa được xây dựng, cầu Cáp là cầu quan trọng cho người, xe đạp và xe thô sơ từ nội thành sang Rế, huyện lị huyện An Hải và một số xã lân cận như Đồng Tiến, Đồng Thái, Đồng Tâm, Lê Lợi…
          Sau hòa bình lập lại, cầu cứng An Dương được xây dựng, cầu Cáp dỡ bỏ. Từ đó, đoạn đường tránh trở thành phố, mang tên phố Cầu Cáp.
          Phố Cát Cụt:
          Từ bờ hồ Tam Bạc đến phố Tô Hiệu, dài 495m, rộng 7,5m, cắt phố Cát Dài. Vỉa hè đoạn từ phố Nguyễn Đức Cảnh đến Cát Dài bên trái dài 255m, rộng 3,5m; bên phải dài 250m, rộng 3,5m; đoạn từ Cát Dài đến Tô Hiệu bên trái dài 205m, rộng 3,5m; bên phải dài 200m, rộng 4m. Hệ thống thoát nước toàn tuyến dài 505m, đặt cống Ø500mm dưới lòng đường, riêng đoạn Cát Dài – Nguyễn Đức Cảnh thêm một cống dài 280m đặt cống Ø1000mm dưới hè trái. Phố thuộc đất xã An Biên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Đường Cát.
          Theo bản đồ làng An Biên năm 1872, có một con đường nhỏ đắp đất phủ cát, chạy từ ven làng đến thẳng lạch Liêm Khê thì chấm dứt (cụt). Tên Cát Cụt được giữ nguyên từ ấy đến giờ và luôn luôn được nhân dân dùng để gọi tên phố cho dù phố đã từng được đặt bằng nhiều tên khác nhau.
          Lúc mới mở người Pháp đặt tên phố là Xtrátbua (Rue Strabourg). Sau cách mạng tháng Tám, đổi gọi là phố Đoàn Thị Điểm. Năm 1954 phố đổi gọi là Hàm Nghi.
          Sau chỉ dụ ngày 1-10-1888 của triều đình nhà Nguyễn, cùng với Hải Phòng, phố Cát Cụt được lập nên, phần lớn là nhà một tầng lợp ngói mũi hài Trung Hoa, cá biệt có nhà hai tầng lợp tôn, sàn trên bằng gỗ.
          Thời Pháp thuộc phố có một số cơ sở hộ sinh tư nhân, có rạp hát cải luơng Đại Chúng xây dựng từ năm 1924. Bến đò Nhật Bản ở đầu phố qua sông Lấp nay không còn.
          Trong thời kì cách mạng dân tộc dân chủ (1936-1939), cơ sở cách mạng của Đảng dưới hình thức đại lí sách báo đặt tại số nhà 101. Số nhà 75 là trụ sở của cơ quan Tỉnh bộ thời kì 1928-1930, cơ quan Thành ủy Hải Phòng năm 1945.
          Phố Cao Thắng:
          Từ phố Hạ Lí đến phố Bạch Đằng, dài 510m. Do phố hình thước thợ nên ngành nhà đất và đô thị chia làm hai đoạn, gọi là Cao Thắng A (Cao Thắng là một danh tướng quan trọng của cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo chống thực dân Pháp xâm lược) dài 350m rộng 5,6m, Cao Thắng B dài 160m, rộng 6,2m.
          Theo hồ sơ lưu trữ của Nha Địa chính Bắc Việt ngày 6-8-1951 thì lúc mới mở phố này từ phố Phan Đình Phùng, tên cũ là phố Acsơnan (Rue de L’Arsenal) đến đại lộ Hồng Bàng (tên cũ là Route Coloniale No5 – đường số 5). Sau ta mở thêm đoạn Cao Thắng B.
          Phố Cao Thắng trước thuộc khu Tam Bạc, phố này lúc mới mở chưa có tên, dân quen gọi là phố Mới, theo nghĩa phố mới thành lập. Từ 1954 đến nay mang tên Cao Thắng.
          Bến Cảng Chùa Vẽ:
          Bến Cảng Chùa Vẽ dài khoảng 200m được xây dựng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau đó tiếp tục được cải tạo nâng cấp, xây dựng kho tàng và các công trình phụ trợ. Thực ra, khu Cảng Chùa Vẽ là một bộ phận của Cảng Hải Phòng gồm hai cảng Chùa Vẽ và Đoạn Xá. Cảng Chùa Vẽ hiện có 3 cầu tàu, 5000 m2 kho, 32.000 m2 bãi. Cảng Đoạn Xá có 330m cầu và 10.000 m2 bãi chứa Côngtennơ (Container). Hiện đã có đường sắt dẫn đến cầu tàu và vào bãi.
          Sở dĩ gọi là Cảng Chùa Vẽ vì được xây dựng gần chùa Vẽ (Hoa Linh tự), xã Đông Hải.
          Đoạn đường sắt từ ga chính trên đường Lương Khánh Thiện vào cảng chính được nối tiếp xuống tới Cảng Chùa Vẽ, tổng cộng dài gần 5km, góp phần đáng kể vào việc giải tỏa hàng hóa nhập qua cảng Hải Phòng được nhanh chóng, đồng thời tạo thành một mạch giao thông liên tục xuyên qua các bến Cảng, kho tàng và các cơ sở sửa chữa, đóng tàu thuyền, chế biến và đánh bắt hải sản.
          Cảng Chùa Vẽ là bến đỗ của tàu khách Thống Nhất trên tuyến Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 – 1991. Sau 16 năm hoạt động, năm 1991 tuyến tàu khách đường thủy Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh do ít khách và chân hàng nên ngừng hoạt động.
          Phố Bạch Đằng:

Phố Bạch Đằng năm 2020.

          Từ cầu Lạc Long đến ngã ba đường Hùng Vương, còn gọi là ngã ba Thượng Lí, dài 1.450m. Trong đó, đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Xi măng dài 750m, rộng 13,6m. Vỉa hè dài 550m, chiều rộng hè đường không đều nhau; đoạn từ cầu Xi – măng đến ngã ba Thượng Lí dài 700m, rộng 18m. Hệ thống thoát nước từ cầu Lạc Long đến cầu Xi – măng đặt cả hai bên, đoạn từ cầu Xi – măng đến phố Phạm Phú Thứ bên trái dài 300m, đặt cống F.500mm; bên phải dài 260m, đặt cống F.300mm. Đoạn từ phố Phạm Phú Thứ đến cầu Lạc Long bên trái dài 340m đặt cống F.600mm; bên phải dài 450m, đặt cống hộp đậy tấm đan. Có tài liệu đưa đoạn từ ngã ba Thượng Lí đến ngã ba Sở Dầu thuộc đường Hùng Vương vào phố Bạch Đằng, đoạn này dài 1100m, rộng 18m.
          Phố Bạch Đằng nằm trên địa bàn hai xã Hạ Lí và Thượng Lí cũ, trên thực tế chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất giữa hai cầu Lạc Long và Hạ Lí nằm trọn trên địa bàn xã Hạ Lí, còn gọi là đảo nhỏ Hạ Lí (ilot de Hạ Lí) theo cách gọi của người Pháp. Cầu Lạc Long bắc qua sông Tam Bạc thời Pháp thuộc gọi là cầu Giốp (Joffre). Cầu Hạ Lí bắc qua sông đào Hạ Lí, thời Pháp thuộc thường gọi là cầu Xi măng hay cầu cất Hạ Lí. Nhiều người vẫn gọi nhầm cầu Lạc Long là cầu Hạ Lí còn cầu Hạ Lí (Xi măng) là cầu Thượng Lí. Từ cầu Xi- măng trở đi, bắt đầu đoạn thứ hai của phố Bạch Đằng.
          Đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Xi – măng thời Pháp thuộc có tên chính thức là Đại lộ Trung tâm (Boulevard Central). Sau cách mạng tháng Tám gọi là phố Phạm Phú Thứ. Năm 1954 đổi gọi là đại lộ Kinh Dương Vương, tên vị vua khai sáng nước ta, theo truyền thuyết. Tuy nhiên theo một bản đồ trước giải phóng (1955) thì lại có tên Ià đại lộ Hạ Lí. Đầu năm 1963 mới đổi gọi là phố Bạch Đằng.
          Đoạn từ cầu Xi – măng trở đi có thời gian gọi là đường thuộc địa số 5 (Route Colonial No5), nằm trong hệ thống mạng lưới giao thông chính được Nhà nước Bảo hộ Pháp xếp hạng ngày 18-5-1918. Cũng gọi là đường Hà Nội (Route de Hà Nội), xuất xứ từ cách chỉ hướng đi Hà Nội, nên có bản đồ ghi ‘Vers Ha Noi’ – kèm mũi tên chỉ đường. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là đường Phan Bội Châu. Từ năm 1955 đến nay gọi là đường 5.
          Phố Bến Bính:

          Từ bờ sông Cấm đến phố Điện Biên Phủ, dài 465m, đoạn bờ sông đến phố Nguyễn Tri Phương rộng 7m, đoạn Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ rộng 8m. Vỉa hè đoạn bờ sông – Nguyễn Tri Phương dài 258m, cả hai bên đều rộng 3,5m; đoạn Nguyễn Tri Phương – Điện Biên Phủ dài 152m, phía phải rộng 5m, phía trái rộng 3m. Hệ thống thoát nước dài 210m đặt cống hộp cỡ 500 x 600mm.
          Phố thuộc xã Gia Viên cũ. Trước giải phóng (1955) thuộc khu Trung Ương.
          Phố Bến Bính là nơi có bến tàu thủy đi Cát Hải, Cát Bà, Quảng Ninh, Bắc Giang…
          Phố này gồm hai phố gộp lại: một phố, lúc mới mở gọi là phố Opitan (Rue de L’Hopital) nghĩa là phố Nhà Thương vì Pháp đặt bệnh viện Xie (Ciais) ở đây; phố Opitan khi đó từ bờ sông Cấm đến Nguyễn Tri Phương hiện nay. Phố thứ hai lúc mới mở gọi là Brie đờ Lin (Rue Brière de L’Isle) từ chỗ tiếp giáp phố Nguyễn Tri Phương đến phố Điện Biên Phủ hiện nay. Cả hai phố khi đó đều thuộc khu Trung ương. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là Hoàng Diệu. Năm 1954 hai phố hợp lại và mang tên Pastơ (Rue Pasteur).
          Sau giải phóng (1955) gọi là phố Bến Bính vì gần bến đò Bính cũ.
          Vì nằm cạnh khu nhượng địa ban đầu theo Hòa ước Giáp Tuất ký giữa triều đình nhà Nguyễn và Pháp (năm 1874) nên thực dân Pháp lấn thêm, do vậy phố Bến Bính nằm trong khu nhượng địa mở rộng đợt đầu. Suốt những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong khi ở khu nhượng địa đường phố nhà cửa hình thành nhanh chóng thì phố Bến Bính vẫn là con đường nhỏ. Hòa bình lập lại, nhất là những năm gần đây phố có nhiều đổi thay. Đầu tiên là việc xây dựng bể bơi Bến Bính vào loại hiện đại ở Đông Nam Á lúc đó. Nhà máy đông lạnh do Liên Xô giúp ta xây dựng là nhà máy có công suất lớn, được trang bị hiện đại. Nhà khách số 2 Bến Bính do Pháp xây dựng là nhà khách đẹp, xây theo lối biệt thự, có vườn cây rộng bao quanh. Tòa nhà này thời Pháp có tên là Megiông đờ Frăngxơ (Maison de France). Nơi đây dành cho những quan chức cao cấp từ Pháp sang làm việc ở Hải Phòng. Trên phố còn có Phân viện 7 thuộc Quân khu Ba (trước gọi là Viện Quân y 203), thời Pháp thuộc đây là bệnh viện Xie (Ciais) của quân đội Pháp. Vì vậy thời đó có người còn gọi phố này là phố Xie.
          Bến phà Bính:

Bến phà Bính (nay đã ngừng hoạt động).

          Bến phà Bính kéo dài từ phố Cù Chính Lan đến phố Bến Bính dài khoảng 160m, rộng 8m. Có vỉa hè rộng ở cả hai bên. Vỉa hè phía giáp sông Cấm rộng hơn lòng đường. Bến thuộc địa bàn xã Gia Viên. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương. (Có tài liệu đưa bến này vào phố Bến Bính)
          Lúc đầu chỗ này gọi là bến đò Bính, vì là bến của con đò do người xã Bích Động, huyện Thủy Nguyên ở phía tả ngạn sông Cấm chở khách sang sông đậu ngay ở chỗ đầu phố Bến Bính, gần cổng nhà máy Đông lạnh hiện nay. Khi lô đất này thành nhượng địa của Pháp, gọi là bến Lục Lộ (Ke đê tờravô publicơ – Quai des Travaux Publiques) vì Ty Lục Lộ, tức Sở Công chính đặt ở gần đó. Tháng 11 năm 1921, Ty Lục Lộ Hải Phòng mở rộng, xây dựng cả tuyến từ phố J.Ferry (Cù Chính Lan) đến Brierè de L’isle (phố Bến Bính) và đặt tên là bến Tự Do (ke de libetê = Quai de Liberté). Theo tường thuật của báo Tương lai Bắc Kì thì “bến này thực ra là mặt phẳng nghiêng từ bờ tới sông, vẫn dùng làm vũng sửa tàu (bassin de radoub) cho các chủ tàu nhỏ không có vũng sửa nêng”. Sau khi ta tiếp quản thành phố (năm 1955) đổi gọi là bến phà Bính.
          Thời Pháp thuộc tuy tên gọi là bến Lục Lộ hay bến Tự Do nhưng trên nhiều tài liệu của Pháp ghi bến này nằm trong bến Cảng chính, gọi chung là Ke guvecnơ giênêran Patxkiê (Quai Gouverneur Générel Pasquier), nghĩa là bến toàn quyền Patxkiê.
          Bến phà Bính hiện là một bến lớn sầm uất của thành phố. Ở đây có bến của các tàu khách Hải Phòng đi Cát Hải, Cát Bà, Hòn Gai, Cửa Ông, Dân Tiến, Mũi Ngọc, Phả Lại, Bắc Giang…
          Đường An Đà:
          Đường An Đà bắt đầu từ ngã tư Quán Bà Mau đến đình Bắc, phường Đằng Giang (có tài liệu ghi đến cống Kiều Sơn, dài 1.740m) dài 400m, rộng 6m. Cả hai bên vỉa hè đoạn từ ngã tư Quán Bà Mau đến chợ An Đà dài 60m, rộng 2,5m; đoạn từ chợ đến mương cả hai bên đều dài 340m, bên phải rộng 2m, bên trái chưa định hình. Hệ thống thoát nước dài 400m, đặt cống Ø600mm dưới hè phải cách mép bó vỉa hè 0,5m.
          Đường này nằm trên thôn An Đà của xã An Biên cũ. Thời Pháp thuộc và tạm bị chiếm còn thuộc ngoại thành. Ngày 17 – 2 – 1987, Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định cắt hai xã Đông Khê và Đằng Giang về nội thành và đổi thành phường. Đường An Đà thuộc phường Đằng Giang từ đó.
          Trước giải phóng (1955) đường còn rất hẹp và chưa được rải đá nên vào ngày mưa đi lại rất lầy lội. Sau giải phóng đã mở rộng lòng đường cho rải đá đoạn từ ngã tư Quán Bà Mau đến nhà máy nhựa Thiếu Niên Tiền Phong. Bên đường có miếu An Đà còn gọi là miếu Hai Bà. Vì miếu này thờ một phụ nữ, tương truyền bà đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhưng hiện không còn thần phả. Đến đời Gia Long thờ bà Nguyễn Thị Kim, hoàng phi của Lê Chiêu Thống. Gần đó, bên kia đường có đình Phụng Pháp thờ Ngô Quyền.
          Sau khi đường được mở rộng và trải nhựa, việc đi lại đã thuận tiện. Vì là con đường quan trọng trong khu vực nên mật độ đi lại trên đường khá đông, nhất là vào những giờ cao điểm.

Thi Văn giới thiệu, minh họa ảnh (theo sách Lược khảo tên đường phố và địa danh Hải Phòng).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học