
Tháp đồng hồ ba chuông (nay thuộc Sở Văn hóa-Thể thao) trên phố Điện Biên Phủ.
Phố Hàng Kênh
Từ phố Tô Hiệu qua đầu các phố Chợ Con, Nguyễn Công Trứ, Đình Đông đến chợ Hàng cũ, dài 9.04m, rộng 8,5m. Vỉa hè đoạn Tô Hiệu – Nguyễn Công Trứ dài 480m, bên trái rộng 4m, bên phải rộng 3m; đoạn Nguyễn Công Trứ – Bốt Tròn cũ bên trái dài 360m, bên phải dài 365m, cả hai bên đều rộng 3,5m. Hệ thống thoát nước đoạn Tô Hiệu – Nguyễn Công Trứ dài 490m đặt cống F600mm dưới lòng đường; đoạn Nguyễn Công Trứ – Bốt Tròn dài 365m đặt cống hộp 500 x 600mm duới hè phải.
Phố thuộc đất xã Hàng Kênh cũ. Lúc mới mở đã gọi là đường Hàng Kênh. Trước giải phóng thuộc khu Hàng Kênh. Phố vốn là con đường làng chạy qua nhiều đầm, hồ và bãi cỏ hoang. Ngày 25/2/1925 Hội đồng thành phố xét đơn xin rải đá, mắc đèn công cộng, xây cống và đánh số nhà cho đường Hàng Kênh. Cho đến năm 1945 hai bên phố nhà cửa vẫn chưa được đông đúc.
Năm 1929, nhà máy thảm len Hàng Kênh (Manufacture du Tapis de Hàng Kênh) ra đời, do hai tư sản người Pháp là Phêniét (Fénies) và Guynloa (Guilloie) đầu tư xây dựng.
Hai nhà tư sản này đã lấy được bí quyết nghề dệt thảm của nhà tư sản Pháp Tuyniê (Tunier), chủ hãng Texo ở Hà Nội rồi đưa xuống Hải Phòng. Họ thu nạp một số thợ dệt thảm ở Hà Nội xuống Hải Phòng đồng thời còn đào tạo thêm lớp thợ mới người địa phương về các khâu kĩ thuật: vẽ nhuộm, dệt, tỉa sửa thảm. Từ năm 1931 đến 1945 sản phẩm của Tapis Hàng Kênh đã nổi tiếng trên thị trường thế giới vượt cả thảm Trung Quốc.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phố Hàng Kênh là một trong những điểm chốt của ta nhằm cản bước tiến của Pháp đánh ra vùng ngoại vi thành phố. Tại ngã ba Chợ Con – Hàng Kênh, một cứ điểm của ta đặt tại đây đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Pháp vào cuối tháng 11-1946.
Sau ngày Hải Phòng giải phóng, phố Hàng Kênh là nơi tập trung dân cư với mật độ cao. Một số cơ sở kinh tế, công nghiệp nhẹ cũng được xây dựng tại đây như Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất da giày xuất khẩu, hợp tác xã cơ khí Toàn Thắng…
Bến Hàm Tử.
Từ đầu cầu Quay đến phố Trần Nguyên Hãn (Bản đồ thời Pháp thường ghi từ phố Tam Kì đến phố Hải Dương), dài 476m, rộng 4m. Bến thuộc đất xã An Dương, trước giải phóng thuộc khu Đường Cát. Tuy chỉ là bến tàu sông nội địa nhưng ở vào vị trí gần các chợ Sắt, An Dương và nằm ở địa đầu ngã ba sông nên trước kia bến này cũng khá sầm uất, tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền.
Bến lúc mới mở gọi là Keđờ l’abatoa (Quai de Lábattoir) nghĩa là bến Lò sát sinh, vì đầu bến nối tiếp với phố Abattoir. Nhân dân quen gọi là bến Tam Kì vì đây là ngã ba sông; sau cách mạng tháng Tám dùng tên dân gian này, từ năm 1954 đổi mang tên như hiện nay.
Bến trước kia chỉ có kho, bãi, quán trọ, kể cả lô đất ở Bệnh viện Đông Y (nay đã di dời nơi khác), nguyên là nhà thương Hoa Kiều. Công trình kiến trúc có đền Tam Kì, cũng mới xây dựng sau này, thờ một thái hậu nhà Tống, bi quân Nguyên đuổi đã nhảy xuống biển tự tận.
Phố Hai Bà Trưng (Cát Dài).
Từ ngã tư phố Cầu Đất – Lương Khánh Thiện giao nhau đến ngã ba giao với phố Trần Nguyên Hãn, dài 1.345m, rộng 7,5m. Vỉa hè đoạn từ phố Cầu Đất đến phố Cát Cụt dài 633m, rộng 6m; đoạn còn lại dài 565m, rộng 6m, cắt qua phố Mê Linh, Cát Cụt và qua đầu phố Nhà Thương. Hệ thống thoát nước đoạn từ phố Cầu đất đến ngã tư Mê Linh + 175m dài 566m, đặt cống hộp 500 x 600mm, đoạn nốì dài 50m đặt cống F600 mm, đoạn từ ngã tư Mê Linh + 225m đến ngã tư Cát Cụt dài 320m, đặt cống hộp 500 x 600mm, đoạn còn lại dài 350m, đặt cống hộp 500 x 600mm.
Phố Hai Bà Trưng thuộc xã An Biên cũ, trước giải phóng thuộc khu Đường Cát. Lúc mới mở có tên là phố Ođăngđan (Avenue O’ d’Endhal). Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Hoàng Văn Thụ. Năm 1954 đổi gọi là đại lộ Hai Bà Trưng. Tuy nhiên ngay từ lúc ra đời cho đến nay nhân dân quen gọi là phố Cát Dài vì đây vốn là con đường chính của làng An Dương xưa.
Phố này được hình thành vảo khoảng cuối thế kỉ XIX. Theo bản đồ thảnh phố in trong cuốn Xứ Bắc Kì đẹp đẽ (Le Tonkin pittoresque – Michel My – Saigon Imp S. Việt, năm 1925) thì phố Cát Dài lúc đó từ phố Cầu Đất đến phố Cát Cụt, sau đó mới được kéo dài như hiện nay. Thời Pháp thuộc đây là phố của những người buôn bán nhỏ và trung bình, ngoài ra còn có một số trí thức và công chức. Phố có nhiều ngõ, sâu.
Phố có nhiều ngõ, trong đó, có các ngõ lớn là : Thanh Quan, Trương Hán Siêu, Trí Tri, Tam Thuật, Đặng Kim Nở, Hàng Gà… Ngõ Tam Thuật trong những năm 1926 – 1930 có Cơ quan giao thông bí mật của Đảng Cộng sản. Trong thời kì Mặt trận Dân chủ 1936 – 1939, nhiều cơ sở hoạt động bán công khai của Đảng dưới hình thức cửa hàng đại lí sách báo đã hình thành ở Hải Phòng, trên phố Cát Dài có trụ sở đại lí sách báo cách mạng đặt ở nhà số 40.
Đường Đông Khê.
Từ cầu bắc qua kênh giáp ranh làng Gia Viên với làng Đông Khê (Cống Miếu Chè) đến đường An Đà, dài khoảng 1.242m, rộng 5m. Vỉa hè và cống ngầm thoát nước chưa đặt. Đường hình thành trên cơ sở đường hàng xã cũ. Từ năm 1987 xã Đông Khê sáp nhập vào quận Ngô Quyền thì đường này thuộc mạng lưới đường phố nội thành. Tuy chưa chính thức đặt tên, nhưng dần quen gọi là đường Đông Khê theo nghĩa đường làng Đông Khê.
Đường Đông Khê nằm trên địa bàn làng Đông Khê và thôn An Đà thuộc tổng Đông Khê, huyện An Dương trước đây, từ năm 1966 thuộc huyện An Hải cho đến khi nhập vào nội thành.
Tuy là vùng thuộc tỉnh Kiến An thời Pháp nhưng vì ở vị trí ngoại vi nội thành nên tình hình kinh tế xã hội ở đây trong quá trình đô thị hóa đã có nhiều thay đổi. Mối quan hệ giao lưu giữa Đông Khê và thành phố diễn ra cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đình Đông Khê thờ Ngô Quyền là ngôi đình lớn, kiến trúc đời Nguyễn, hiện còn khá nguyên vẹn. Đình còn mấy tấm bia đá trong đó có bia tiên hiền của chùa An Đà thuộc tổng Đông Khê (tên chữ là Linh Quang tự), trước thuộc thôn Đà Cụ xã An Biên. Chùa dựng ở cuối làng gồm ba gian nhà tranh. Năm Quí Mão đời Lê Cảnh Hưng (1785), năm Thiệu Trị thứ sáu (1845) chùa đã được tu bổ, sửa sang. Đến năm đầu đời Hàm Nghi (1885) chùa mới xây gạch, lợp ngói, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Vài năm nay, chùa tiếp tục được tu bổ.
Chùa Đông Khê tên chữ là Nguyệt Quang tự, một ngôi chùa cổ nổi tiếng của Hải Phòng. Chùa có từ lâu, nhưng khi Thiền sư Như Hiện thuộc dòng Lâm Tế, đời pháp thứ 37 trụ trì thì chùa Nguyệt Quang trở thành một tổ đình lớn có ảnh hưởng rộng. Thiền sư tinh thông đạo pháp, kiên trì giới hạnh, nên được sĩ thứ vô cùng kính trọng. Năm 1748, Thíền sư được vua Lê Hiển Tông ban chức Tăng cương, năm 1757 lại được sắc phong Tăng thống Thuần Giác hòa thượng.
Dân Đông Khê có truyền thống kiên cường bất khuất. Trong sự nghiệp chống Nam Hán, chống Nguyên Mông xâm lược đã có nhiều đóng góp. Trong lịch sử chống Pháp, nhất là các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo dân Đông Khê nhiều người tham gia. Ở đây, có cơ sở cách mạng của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (1929), của Đảng bộ Cộng sản Hải Phòng (1930), của phong trào ái hữu thời kỳ Mặt trận Nhân dân (1936 – 1939), của phong trào Việt minh, của Hội truyền bá Quốc ngữ (1941 – 1945). Những ngày Tổng khởi nghĩa, những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang và nhân dân Đông Khê đã sôi nổi tham gia.
Phố Đội Cấn
Từ phố Lương Văn Can đến phố Lê Lợi, dài 72,5m, rộng 6m. Phố thuộc xã Gia Viên cũ. Lúc mới mở gọi là phố Bôlô (Rue Bolot). Năm 1954 đổi gọi là phố Đội Cấn, thuộc khu Ga.
Trong thời Pháp thuộc và tạm bị chiếm, đây là một phố yên tĩnh. Nay phố đã có nhiều thay đổi trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động kinh doanh ở đây bắt đầu phát triển.
Phố Đinh Tiên Hoàng.
Từ phố Nguyễn Tri Phương đến phố Trần Phú, dài 855m, rộng 10m. Cắt qua các phố Hồ Xuân Hương, Điện Biên Phủ, Trần Quang Khải, Phan Chu Trinh. Vỉa hè cả hai bên đều dài 747m, rộng 5m. Hệ thống thoát nước dài 780m, đặt cống hộp F500 x 600mm.
Phố thuộc đất xã Gia Viên trước đây, nằm trong khu nhượng địa đầu tiên, là phố lớn của khu Trung Ương thời Pháp thuộc. Nay vẫn là một phố có tầm quan trọng trong giao thông và phát triển kinh tế, xã hội. Sau này (thời Pháp) phố được đổi gọi là đại lộ Amiran đờ Bômông (Amiral de Beaumont) tức đại lộ Đô đốc Bômông. Sau cách mạng tháng Tám đổi gọi là phố Nguyễn Thị Minh Khai. Từ năm 1954 mang tên như hiện nay.
Thời Pháp thuộc một số cơ sở kinh tế, trị an đã đặt ở phố này như Sở Thú y, Sở Hiến binh, hãng bảo hiểm Fôven (Fauvel), hãng hàng không Pháp – Việt, trụ sở Công ty than của Bạch Thái Bưởi, hãng của Cao Bá Cam, của nhà tư sản Hoa Kiều Lai An, Hôtel Teston.
Trường phổ thông cơ sở Hồng Bàng hiện nay: trước đây là trường Hăngri Rivie thời Pháp thuộc dành cho học sinh nam (nơi dành cho học sinh nữ là trường Nguyễn Tri Phương hiện nay).
Trường phổ thông cơ sở Đinh Tiên Hoàng hỉện nay: trước đây là trường đạo Xanh Đôminich (Saint Dominique), trường này ra đời cùng với việc xây dựng nhà thờ thành phố, dành cho các nữ tu sĩ đến học, về sau có cho thêm (với số lượng rất hạn chế) các nữ sinh không theo đạo vào học. Năm 1943 trường này bị bom Mĩ làm hư hại nặng, sau đó được tu sửa lại để tiếp tục dạy và học.
Trên phố có rạp chiếu bóng ÊĐen (Eden) được xây dựng trước năm 1945, nay là Nhà Văn hoá trung tâm Thành phố (Trung tâm VH thành phố); Rạp Liđô (Lido) xây trong những năm 1947 – 1951 (nay là Nhà hát Tháng Tám).
Nhà máy Nước được xây dựng năm 1898 đã góp phần giải quyết một vấn đề nan giải của Hải Phòng buổi đầu hình thành. Nguồn nước của nhà máy phải dẫn từ Uông Bí về. Năm 1951 Mỹ viện trợ cho Pháp khoan giếng nước ở chính khu vực nhà máy nhưng chất lượng nước xấu không dùng được.
Tại khu vực Nhà hát Tháng Tám hiện nay và Nhà hát lớn thành phố trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã xẩy ra những trận đánh ác liệt. Từ ngày 20/11 đến 24/11, 17 chiến sĩ Vệ quốc đoàn trang bị một ít vũ khí và 22 chiến sĩ tuyên truyền văn hóa không có vũ khí đã chiến đấu đưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Đặng Kim Nở bảo vệ Nhà Hát lớn. Tất cả đã hi sinh anh dũng.
Phố Điện Biên Phủ
Đại lộ Ponbe thời Pháp (nay là phố Điện Biên Phủ).
Từ cầu Lạc Long đến Ngã Sáu, dài 1.255 m. Đoạn cầu Lạc Long – Trần Hưng Đạo dài 915 m, rộng 10 m; đoạn Trần Hưng Đạo -Trần Phú dài 85 m, rộng 15 m; đoạn Trần Phú – Ngã Sáu dài 340m, rộng 9m. Vỉa hè toàn tuyến dài 915m, cả hai bên đều rộng 4m. Hệ thống thoát nước dài 1.175m đặt cống hộp 500 x 600mm. Phố thuộc đất xã Gia Viên cũ. Trước giải phóng thuộc khu Trung Ương.
Phố Điện Biên Phủ gồm hai phố trong thời Pháp thuộc gộp lại: đại lộ Pônbe (Boulevard Paul Bert) và phố Thống chế Giốp (Maréchal Joffre). Đại lộ Pônbe từ cầu Lạc Long đến ngã tư giao với phố Trần Phú hiện nay, phố Giốp là đoạn còn lại. Sau cách mạng tháng Tám, đại lộ Pôn Be đổi gọi là đại lộ Lê Hồng Phong.
Cũng sau cách mạng tháng Tám, phố Giốp đổi gọi là phố Phạm Ngũ Lão. Năm 1954 đại lộ Pôn Be đổi gọi là đại lộ Hồng Bàng. Cũng năm 1954, phố Giốp đổi là phố Pháp Quốc, sau giải phóng đổi gọi là phố Điện Biên Phủ. Năm 1963 nhập đại lộ Hồng Bàng với phố Điện Biên Phủ, gọi là phố Điện Biên Phủ như hiện nay.
Đây là phố đẹp và lớn nhất thành phố đồng thời cũng ra đời sớm. Nhận định về phố này, tập san Chấn hưng kinh tế, số ra ngày 1/11/1925 viết : “Phố Pôn Be kéo dài qua sông đào Hạ Lí cho tới đường xe lửa sẽ tạo thêm điều kiện để mở mang thành phố. Chúng tôi đã đề nghị lập một ga ở điểm này. Nó sẽ cân đối với khu Hạ Lí”.
Thời Pháp thuộc trên phố có nhiều cơ sở kinh tế quan trọng, nhiều ngân hàng, khách sạn lớn. Phố là trung tâm thương mại chủ yếu của Hải Phòng hồi đó.
Do nằm sâu trong khu phố người Âu nên suốt thời Pháp thuộc, phố Pôn Be là nơi thực dân Pháp rất chú ý lo giữ an ninh chính trị, an toàn xã hội. Dân lao động ít khi đến phố này.
Phố Đà Nẵng.
Đông giáp đường Ngô Quyền, tây giáp Ngã Sáu, dài 3.225m. Đoạn Ngã Sáu -Ngã Năm dài 275m, rộng 9m; đoạn Ngã Năm – Cầu Tre dài 1200m, rộng 10,5m; đoạn Đoạn Xá – đường Ngô Quyền dài 700m, rộng 18m. Vỉa hè đoạn Ngã Sáu -Ngã Năm dài 300m, đặt cống hộp 500 x 600mm ở dưới lòng đường, cách mép bó hè phải 1,5m; đoạn Trung tâm Nghiên cứu biển – Cầu Tre dài 590m đặt cống F600mm, trên vỉa hè trái
Phố Đà Nẵng gồm hai phố cũ hợp thành. Đoạn Ngã Sáu – Ngã Năm lúc mới mở gọi là phố inlơ (Rue de Lille), thuộc khu Ga. Sau cách mạng tháng Tám phố Linlơ đổi gọi là Trần Khánh Dư .
Đoạn Ngã Năm trở đi ra đời muộn hơn đoạn trên, gần như song song với đường Lạc Viên cũ (Route de Lạc Viên), sau đó mang tên nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Năm 1954, phố Linlơ trước đây gọi là phố Cao Mên, tên cũ của nước Campuchia; Phố Bạch Thái Bưởi cũ đổi gọi là phố Lạc Long Quân, tên người cha của 100 người con trai (trong đó có các vua Hùng) trong truyền thuyết “chuyện đẻ trăm trứng”. Năm 1963 mới nhập hai phố làm một gọi là phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng là phố dài nhất nội thành, nằm trên đất các xã Lạc Viên, Gia Viên, Vạn Mĩ, Đoạn Xá cũ.
Khi tiếp quản thành phố, đoạn Ngã Sáu – Ngã Năm phố xá khá đẹp, có nhiều biệt thự xinh xắn với khuôn viên rộng của các chủ nhà máy. Còn đoạn Ngã Năm – đường Ngô Quyền đường sá nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, nhà cửa lèo tèo, tạm bợ, mang dáng dấp nửa tỉnh nửa quê, nhiều đoạn chỉ thấy có mồ mả. Cho đến giữa những năm 60, bên kia cầu Tre còn thuộc xã Đông Hải, đằng sau trường cấp III Thái Phiên thì thuộc xã Đông Khê. Cầu Tre lúc ấy đã sửa không dùng tre nữa. Qua cầu hai bên đường là ruộng lúa, nương khoai và một nghĩa địa ở phía bắc đường, cách cầu khoảng 100m. Hai bên bờ mương cầu Tre ngồn ngang mồ mả.
Phố Đà Nẵng có một số di tích lịch sử văn hóa như đình Lạc Viên, chùa Lạc Viên, miếu Lạc Viên. Miếu đã bị bom Mĩ phá hoại hoàn toàn nay là địa điểm trường cấp I. Đình và chùa Lạc Viên vừa được sửa chữa lớn vào năm 1991.
Bến Chương Dương
Nằm dọc theo sông đào Hạ Lí về phía hữu ngạn, song song với bến Vân Đồn ở tả ngạn sông đào này. Bến bắt đầu từ phố Hạ Lí đến bờ sông Cấm, dài 875m. Nay đoạn phố Phan Đình Phùng tiếp giáp với bến Chương Dương nằm trong nhà máy đóng tàu Bạch Đằng nên bến này là con đường cụt, không thông được với phố Phan Đình Phùng nữa. Đoạn từ chân cầu Hạ Lí đến ngã ba vườn Dâu dài 330m, rộng 7m. Bến thuộc địa bàn xã Hạ Lí cũ, trước giải phóng thuộc khu Tam Bạc.
Lúc mới mở gọi là bến Van Vônlenhôven (Quai Van Vollenhoven), mang tên một viên quan cai trị người Pháp tạm quyền chức Toàn quyền Đông Dương từ tháng 1/1914 đến tháng 3/1915. Từ năm 1954 mang tên hiện nay.
Do ở vị trí thuận lợi gần sông Cửa Cấm lại không như bến Vạn Kiếp (Candlot) mà gần một nửa thuộc khu vực nhà máy Xi măng được coi là bến chuyên dùng của nhà máy, nên bến Chương Dương trước đây có nhiều canô, sà lan, thuyền bè cập, đậu. Dọc bến này lại có nhà máy Gạo, nhà máy Chỉ… đều là những nhà máy lớn đông công nhân. Cạnh đó là khu dân cư cả người làng cũ và thợ thuyền, phu phen các nơi đến làm ăn sinh sống hay tạm trú khá đông.
Trong chiến tranh phá hoại bến nằm trong khu vực bị đánh phá ác liệt, cầu Hạ Lí bị oanh tạc nhiều lần, các nhà máy ở đây đều bị hư hỏng nặng… nên dọc bến này chỉ còn nhà máy đóng tàu, nhà máy Xay hoạt động.
Sau ngày giải phóng, nhà máy Xay được mở rộng, ở đầu bến phía thượng lưu đặt tại Nhà máy đóng tàu II.
Đường Chùa Hàng
Từ điểm tiếp giáp phố Tô Hiệu đến cổng trường phổ thông cơ sở Dư Hàng, dài 1.150m, có tài liệu tính đến Miệng Xẻ dài 726m rộng 5,5m. Hệ thống thoát nước đặt giữa lòng đường.
Đường thuộc đất Dư Hàng (Dư Hàng Kênh). Trước giải phóng thuộc khu Dư Hàng. Đường này được hình thành căn bản trên đường làng Dư Hàng có từ lâu đời nằm trong mạng lưới đường hàng xã. Phía đầu đường là lối ra chùa Kênh và huyện lị Hải An. Đường thẳng trước cửa chùa là đường ra nghĩa địa thành phố (nay đã bỏ). Đường từ cổng chùa đi vào làng qua đình Hàng gặp đường Miếu Hai Xã. Trước ngày giải phóng, đường này chỉ rải đá. Phía bên phải còn nhiều hồ ao, ruộng lầy; phần lớn là ruộng ngoại tự của chùa. Sau đó được rải nhựa, bó hè, nhưng vì quá hẹp mà dân cư ngày một đông, ở kín cả hai bên đường, xe cộ qua lại ngày một nhiều, nên đường bị xuống cấp.
Năm 1991, thành phố đã cho sửa chữa lớn đường này, làm hệ thống thoát nước lớn hơn, có sự tham gia đóng góp của dân phố và nhà chùa. Tháng 8 năm 1992 đường đã khánh thành, Bên đường chùa Hàng chủ yếu là khu dân cư, đa số là người lao động; cán bộ, công nhân chiếm đông hơn dân số làng cũ. Chợ Cột Đèn ở vào vị trí ngã ba đầu đường nên kẻ mua, người bán thường tràn ra cả một đoạn phố. Từ ngày mới mở đến nay đường đều gọi là đường Chùa Hàng Theo nghĩa đường vào chùa Hàng (chùa Hàng là ngôi chùa cổ của làng Hàng Kênh, huyện An Dương xưa). Khi làng Dư Hàng Kênh tách khỏi làng Hàng Kênh, chùa thuộc làng Dư Hàng.
Phố Chu Văn An
Từ phố Lê Lợi đến ngã ba đường vòng hồ Nhà hát nhân dân (còn gọi là hồ Quần Ngựa), dài 672m, rộng 7,4m. Phố thuộc đất xã An Biên cũ. Lúc mới mở gọi là ngõ Têa (Ruelle Théard), thuộc khu Gia Viên. Năm 1954, được đổi tên như hiện nay.
Têa (Guérin Théard) là tên của viên chủ Pháp chuyên mộ phu và cho thuê nhà ở. Têa có xây một số nhà ở ngõ này để quản lí số phu tuyển được trước khi đưa đi Tân Thế Giới.
Cuối thế kỉ XIX Pháp lập trường đua ngựa ở đây, gần đấy vốn đã có một cái hồ, ngựa uống nuớc và tắm rất tiện. Hồ sau đó được cải tạo cho phù hợp và tạo nên một cảnh quan, nhân dân ta quen goi là hồ Quần Ngựa. Nay sân vận động Trung tâm (lối vào khán đài B ờ phố Chu Văn An) là phần còn lại của trường đua ngựa này.
Nói chung cho đến tận thời tạm chiếm đây vẫn là khu vực vắng vẻ, trừ một ít nhà cửa ở gần phố Lê Lợi .
Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đã có lúc bến xe ô tô đi Hà Nội đặt ở gần nơi tiếp giáp với khán đài B sân vận động, nhằm làm giảm sự tập trung đông ở nội thành. Trường phổ thông cơ sở Chu Văn An và trường Tiểu học Chu Văn An xây dựng ở cuối phố tại vị trí vườn trẻ cũ.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
(còn nữa)
Thi Văn giới thiệu, minh họa ảnh (theo sách Lược khảo tên đường phố và địa danh Hải Phòng)