Một giai thoại về gò Song Ngư của thắng cảnh Đồ Sơn.

Gò Song Ngư của thắng cảnh Đồ Sơn.

       Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử Quán triều Nguyễn thời vua Tự Đức soạn có ghi: “…các núi ở phía tả, đối với đồi Song Ngư ở đằng xa, tục gọi là Cồn Dừa”.Song ngư” nghĩa là hai con cá, ở xa dãy Đồ Sơn mà lớp người tuổi 70, 80 còn thấy. Nay chỉ khi thủy triều xuống thấp mới trông rõ. Một gò cát gọi là Cồn Dừa, một gọi là Cồn Khoai. Theo các cụ già kể lại: Xưa, khi chúa Nguyễn Ánh có lần bị nghĩa quân Tây Sơn truy đuổi, thuyền nhà Chúa chạy trốn bị bạt phong lạc mất phương hướng, lênh đênh nhiều ngày trên biển cả mênh mông; nước ngọt hết, thóc gạo không còn. Thuyền dạt vào hai cồn cát cuối huyện Tiên Lãng ngày nay; lính đào thấy nước ngọt, Chúa mừng, cho ban tên là Cồn Dừa, còn ở cồn cát thứ hai tìm được nhiều khoai lang giúp quân lính no lòng lại có thêm lương thực dự trữ nên ban tên là Cồn Khoai. Sau đó, thuyền lánh vào khu Ngãi Am, xã Trấn Dương huyện Vĩnh Bảo ngày nay. Nguyễn Ắnh trèo lên gác chuông một ngôi chùa cổ để tìm phương hướng. Lúc ấy, quân tuần tiễu của Tây Sơn phát hiện. Tình thế vô cùng nguy cấp, bỗng thấy một bác dân chài lực lưỡng, Nguyễn Ánh cất tiếng hỏi, bác dân chài nhìn Nguyễn Ánh hỏi lại: “Thầy có phải là thầy đội Nhất?”. Nguyễn Ánh nhận bừa. Bác dân chài kể ngày đi lính thú do thầy đội chỉ huy. Nguyễn Ánh ngỏ ý muốn nhờ anh lính cũ cõng mình ra thuyền. Bác dân chài vui vẻ ghé lưng cõng Nguyễn Ánh vượt bãi lầy ra thẳng nơi thuyền đậu. Nguyễn Ánh hỏi tên tuổi quê quán bác chài rồi chia tay, hẹn có ngày, rẽ sóng ra khơi xa. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long; tìm lại sổ ghi người có công giúp đỡ lúc gian truân nguy hiểm, bác dân chài huyện Vĩnh Bảo được xếp vào loại công thần có công cứu sống nhà vua khi lâm nạn. Vua cho vời vào kinh đô Phú Xuân, hỏi muốn nhận chức vụ gì? Bác dân chài xứ Đông cả đời gắn bó với nghề quăng lưới, phơi chài ở một vùng biển xa xôi hẻo lánh, ít giao tiếp, chỉ biết chức Đội Nhất là danh giá nên xin vua ban cho chức ấy. Nhà vua thấy anh ta ít chữ không thể trao chức vụ lớn; vì thể chế triều đình; tài cao mới trao chức trọng; công cao thì ban tước lớn. Nhà vua cũng muốn ghi lại kỷ niệm bác dân chài hiểu lầm mình là ông Đội Nhất của anh ta. Do đó, ban cho chức Đội Nhất, còn tước thì ban ở phẩm trật cao dù biết đây là một sự vênh giữa chức và tước.
       Những khi có lễ trọng triều đình, tỉnh đường Hải Dương làm lễ bái vọng thì ông Đội Nhất làng chài mặc phẩm phục đại trào được đứng trên nhiều vị quan tỉnh. Nhà văn Khái Hưng (Nguyễn Khánh Dư) quê ở làng Cổ Am huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương, nay thuộc thành phố Hải Phòng đã dựa vào chuyện thực này viết tiểu thuyết Thầy Đội Nhất trong Tủ sách hồng của nhà xuất bản Đời Nay dành cho thiếu nhi. Nhà văn cho biết ông đã trông thấy tấm biển ghi công của vua Gia Long cấp cho người dân chài quê hương ông.
       Vùng này lưu truyền câu ca:
       Bao giờ cho cả gió nồm
       Để cho chúa Nguyễn giong buồm lại ra.
       Giá trị hiện thực của câu ca dân gian trên ra sao xin dành để các nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu bình giá, nhưng những nguồn tư liệu trên chắc cũng giúp ích ít nhiều cho các sử gia tham khảo tình hình chính trị xã hội nước ta thời cuối Tây Sơn, đầu Nguyễn.
       Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi ngoài cửa Hội, cách huyện Chân Lộc 25 dặm về phía đông nổi vọt hai ngọn núi đá đối nhau, trông như hình hai con cá đang bơi nên đặt tên là Song Ngư.

       (Nguồn: Một giai thoại về gò Song Ngư của thắng cảnh Đồ Sơn/Ngô Đăng Lợi//Tạp chí Khoa học và Kinh tế.- số 130, tháng 4 năm 2013; tr.37).

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học