Một buổi sinh hoạt chuyên đề bổ ích của CLB Hải Phòng học

Sáng ngày 27 tháng 12 năm 2018 tại trụ sở câu lạc bộ (CLB) Hải Phòng học (chùa Phổ Chiếu – số 218, đường Miếu Hai Xã, Q. Lê Chân, Tp. Hải Phòng), CLB Hải Phòng học tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Đến dự có ban Chủ nhiệm CLB và nhiều hội viên cao niên.

alt

Dù bận nhiều Phật sự trên cương vị Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phó Ban Trị sự hội Phật giáo Hải Phòng nhưng theo đăng ký nội dung từ trước, thượng tọa Thích Thanh Giác – Chủ nhiệm CLB đã bố trí thời gian trình bày trước các hội viên CLB chuyên đề “Tìm hiểu tính triết học Phật giáo qua nội dung hai bài kệ của tổ sư Thần Tú và tổ  Huệ Năng ” – 2 vị đại sư của Thiền tông Trung Hoa thuộc đời Đường.

Trong đó sư Huệ Năng là tổ sư đời thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Phật giáo dòng Thảo đường và thiền phái Tào Động ở Việt Nam nhờ việc tầm sư học đạo – truyền đạo của các vị cao tăng nước ta.

Lịch sử chứng minh, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trong việc giác ngộ Phật pháp đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người thầy của mình là Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Quốc Tung – người chịu ảnh hưởng tư tưởng của thiền tông Trung Hoa được các tiền tổ của mình truyền cho. Bởi vậy, theo thượng tọa Thích Thanh Giác, tính triết học của 2 bài kệ nói trên cũng phản ánh tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam

Để các hội viên CLB tiện theo dõi nội dung thị giảng và có thể hiểu được ý nghĩa tư tưởng triết học thâm sâu của 2 bài kệ: bài của sư tổ Thần Tú và bài của sư tổ Huệ Năng (hay Tuệ Năng), Thượng tọa đã phát bài thuyết trình in sẵn cho mỗi người đồng thời lý giải cặn kẽ, mở rộng thêm nội dung bằng các ví dụ thực tế dễ hiểu.

alt

Sư tổ Thần Tú (họ Lý) (năm 605-706) người tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ban đầu là đệ tử nổi nhất của ngũ tổ Hoằng Nhẫn thuộc thiền phái Trung Hoa có viết một bài kệ, tạm dịch như sau:

Thân là cây Bồ Đề

Tâm như đài gương sáng

Thường siêng năng lau chùi

Chớ để dính bụi bặm.

(Ý nhắc nhở người tu Phật như thân cây Bồ Đề, cần thường xuyên tu tâm, dưỡng tính bằng việc thường xuyên tu dưỡng tinh thần (tâm) như tấm gương cho trong sáng, không để dính cái bẩn, cái xấu).

Thế nhưng sư tổ Huệ Năng (họ Lư), người tỉnh Quảng Đông (nay) khi nghe bài kệ này của Thần Tú lại cho rằng nó chưa nói được đúng tư tưởng Phật giáo của người tu Phật, nên ông nhờ người viết ra bài kệ của mình nội dung được dịch như sau:

Bồ Đề vốn không cây

Gương sáng cũng chẳng đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi nhơ.

(Nghĩa là, Bồ Đề không phải là một loài cây, tấm gương cũng chẳng có thực. Như vậy không tồn tại vật gì thì bụi bám vào đâu).

Như vậy, sư tổ Huệ Năng đã thấm nhuần triết lý thâm sâu của nhà Phật là mọi vật không sinh, không diệt (không tồn tại hình tướng).

Chính nhờ sự mẫn tiệp của mình như vậy (cộng với nhiều ứng đối thông minh khác) mà Huệ Năng được ngũ tổ Hoằng Nhẫn mến mộ, tin tưởng truyền cho y bát để

trở thành vị tổ sư thứ sáu của thiền tông Trung Hoa.

Được Thượng tọa Chủ nhiệm CLB lý giải, các hội viên hiểu thêm được nhiều điều bổ ích, thú vị, (ví như Bồ Đề không phải là một loài cây mà là danh từ chỉ sự giác ngộ, trí tuệ. Dưới gốc cây này Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã ngồi thiền và giác ngộ được giáo lý huyền diệu của đạo Phật để hướng con người tới sự giải thoát khổ đau, phiền não). Đến

Sau phần giảng giải 2 bài kệ của Thượng tọa Thích Thanh Giác đến phần Chủ nhiệm CLB trả lời các câu hỏi và thắc mắc của hội viên. Nhiều câu hỏi liên quan đến Phật giáo đã được các hội viên nêu ra và được Thượng tọa trả lời khúc triết, đầy đủ,  làm phong phú thêm vốn hiểu biết của người dự buổi thuyết trình.

Có thể nói đây là một buổi sinh hoạt chuyên đề khoa học bổ ích và lý thú của CLB Hải Phòng học trong những ngày cuối năm 2018.

Phạm Văn Thi

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học