
Đình làng Cung Chúc.
Tiếng đình Cung Chúc quả không sai,
Kiến trúc kỳ công đủ vẻ tài.
Mười sáu lỗ đục qua cột cái,
Cổ truyền quả có một không hai.
Đó là bốn câu thơ được truyền tụng trong dân gian ca ngợi vẻ đẹp nghệ thuật, kiến trúc độc đáo có một không hai trên miền Bắc ở ngôi đình cổ thôn Cung Chúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Đình tọa lạc bên cạnh dòng “Phúc Nông giang” (cảm tác cùng thi hào Nguyễn Du) uốn lượn vòng cung như giải lụa in bóng giữa trời nước mênh mông phong cảnh hữu tình. Cùng với sự nổi tiếng về độc đáo kiến trúc, ở nơi đây nhân dân địa phương còn thờ phụng bốn vị thành hoàng làng có công “Hộ quốc Tí Dân” (giúp nước an dân) công lao linh ứng rõ rệt, được nhiều triều đại gia phong.
Sinh vi tướng, thác vi thần thiên thu hiển hách
Công trạch quốc, đức trạch dân tứ vị anh linh
Nghĩa là: Khi sống làm tướng, chết làm thần, ngàn năm hiển hách/Công để cho nước, đức để lại dân, bốn vị anh hùng.
Điều đặc biệt ở đây là bốn miếu thờ tọa lạc tại bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, chấn trạch ở các vị trí đắc địa của làng cũng như Thăng Long Tứ Trấn, hay hoa lá Tứ Trần vậy.
Địa danh này cũng là nơi chứa dựng những trầm tích lịch sử – văn hóa rất độc đáo, biểu tượng của nền văn minh lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm Lễ hội của làng diễn ra trong 3 ngày, từ 10 đến ngày 12 tháng 11 âm lịch.
Trong dịp lễ hội làng, ngày đầu tiên diễn ra nghi lễ cúng tế thánh, xin mở cửa Đình. Tiếp theo, hôm sau toàn bộ dân làng, già trẻ, trai gái tham gia đoàn rước kiệu cung nghinh các vị Thánh về Đình trong những ngày Lễ hội để dân làng Tế lễ, phụng thờ, hương hỏa 3 ngày tiết lễ. Đặc biệt, lễ hội còn có sự tham gia của đoàn tế lễ các thôn lân cận nhằm tri ân các vị nhân thần có công Hộ quốc – an dân, mang lại khung cảnh linh thiêng, náo nhiệt.
Ban Tổ chức lễ hội chuẩn bị làm lễ cáo yết.
Ngày thứ 2 của Lễ hội là ngày giành riêng cho các dòng họ trong làng yết bái Thành Hoàng, cúng dâng sản vật địa phương, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cho mùa màng bội thu, nhân dân được no đủ.
Ngày thứ 3 của chương trình là hội đánh trống đùa hồ. Những ai may mắn bắt được cá to nhất trong hồ của Đình thì được đem dâng cúng yết cáo Thần Hoàng để các ngài chứng giám, mang lại sự may mắn cho gia chủ. Cuối cùng là chương trình tế thánh – thủ tục đóng cửa Đình để kết thúc ba ngày Lễ hội.
Đùa hồ bắt cá.
Dâng cá cúng Thành Hoàng.
Đại diện gia tộc họ Vũ Đình dâng lễ cúng Thành Hoàng làng.
Chương trình liên hoan ẩm thực tổ chức tại sân Đình, đầm ấm vui tươi thắm đượm tình làng nghĩa xóm với bà con xa quê hương vẫn nhớ về quê nhà tham gia Hội làng thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Cùng các nghi lễ tế lễ vừa kể trên, một chương trình văn nghệ đặc sắc “cây nhà lá vườn” và các trò chơi dân gian diễn ra cả ngày lẫn đêm bao trùm không gian Lễ Hội, phục vụ bà con địa phương và du khách thăm quan.
Ngược dòng thời gian sau Cách mạng Tháng tám 1945 đến những năm 90 thế kỷ XX khi các lễ hội dân gian đình đốn mới thấy việc giữ gìn, bảo lưu những giá trị văn hóa – tinh thần này quý giá biết chừng nào khi mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH TW Đảng (khóa 8) đưa ra chủ trương “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Là người Việt Nam, từ thời thơ ấu cho đến ngày tóc đã sương mai, chắc chắn một điều, ít nhất ai cũng đã từng tham gia một vài các trò chơi dân gian lý thú. Các trò chơi dân gian ngày nay được xem là di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn lịch sử – văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lao động chúng ta.
Trò chơi đi cầu thùm.
Nếu có dịp về thăm Lễ Hội đình làng quê tôi, du khách sẽ thấy chương trình biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian cây nhà lá vườn nơi thôn giã được Ban Tổ chức lễ hội sắp xếp, diễn ra liên tục trong ba ngày Lễ Hội với sự tham gia hào hứng của các tầng lớp nhân dân địa phương.
Văn nghệ có hát quan họ dưới thuyền. Trò chơi có: leo cây, bịt mắt bắt dê, bắt vịt trên Hồ, bịt mắt đập niêu, đi cầu thùm .v.v…
Hát quan họ dưới thuyền.
Khi về thăm Lễ Hội năm 2018, nhà thơ Tô Ngọc Thạch, như một du khách đường xa về thăm quê hương, cảm xúc dâng trào đã viết bài: “Cầu thùm đi nhớ về thương” tặng bà con nơi đây. Bài thơ thật hay, giầu hình ảnh và đong đầy cảm xúc.
CẦU THÙM:
Cầu Thùm đi nhớ về thương
Chênh vênh tre gộc vấn vương tơ lòng.
Ao đình em thả bồng bềnh
Ta đem cất vó ước mong nổi chìm.
Lạt tình khéo buộc con tim
Nửa đời xuôi ngược vẫn tìm về nhau.
Thuyền em đưa đẩy ao sâu
Làm ta bối rối trên cầu bông bênh.
Ơn trời ngược được thác ghềnh
Giấc mơ chín rụng vào mênh mông trời.
Cầu thùm như chén rượu mời
Ta thành kẻ nghiện bời bời tình quê.
Tháng 1/2023. Cử nhân Vũ Bá Xịnh biên soạn.