
Đền thờ Nam Hải thần Vương trên đảo Dáu.
Trong 3 ngày 27-29 tháng 2 (ngày 8-10 tháng Giêng) năm Quý Mão 2023 đã diễn ra 3 ngày chính của Lễ hội đảo Dáu ở Đồ Sơn. Đây là lễ hội cấp quận, do Ủy ban Nhân dân (UBND) quận Đồ Sơn tổ chức nhằm tri ân công lao của một vị tướng đời Trần đã hy sinh anh dũng trong trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 để bảo vệ nền độc lập dân tộc và cầu cho quốc thái – dân an, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội này được bắt nguồn từ một truyền thuyết như sau:
Người ta kể rằng, sau trận thủy chiến của quân và dân nhà Trần với giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, khi trời sẩm tối, những ngư dân đang đánh cá gần đảo Hòn Dấu phát hiện một thi thể dạt vào bờ đảo. Khi đốt đuốc soi gần, họ nhận ra một thi thể người mặc áo giáp trụ. Qua trang phục, mọi người nhận ra, đây là một vị võ tướng nhà Trần hy sinh, trôi dạt về đây. Với sự thành kính, họ đã cùng nhau khâm liệm trong đêm để sáng hôm sau an táng. Khi trời vừa sáng, những người có mặt đã vô cùng ngạc nhiên thấy thi thể vị võ tướng bị mối đùn lên lấp kín. Biết tướng quân được thiên táng, họ đã cùng nhau quỳ xuống khẩn cầu xin được xây đắp mộ Ngài để thờ cúng. Nơi thi thể của vị võ tướng nhà Trần năm xưa được mối phủ kín thành mộ hiện nay vẫn còn phía sau hậu cung của đền Nam Hải thần Vương. Sau nhiều lần tu bổ, ngôi mộ đơn sơ xưa nay đã được xây bệ, khung tường bao quanh khang trang để phục vụ du khách đến chiêm bái.
Giai thoại về sự linh thiêng của vị tướng đã được truyền tụng trong thư tịch và trong dân gian.
Theo truyền ngôn và và sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại: Tương truyền, vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn rồi nghỉ đêm trên đảo, nằm mơ thấy một ông già râu tóc bạc trắng, tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ cá, tự xưng là Thần Đảo. Hôm sau, Vua lên thuyền kể lại cho tùy tùng đi theo cùng nghe và phán rằng: “Nếu là Thần linh hãy cho ta ứng báo”. Vua vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, nhà vua liền phong tước hiệu cho ngài là “Lão đảo Đại Thần Vương” và truyền chỉ cho dân địa phương tu sửa đền để phụng thờ. Từ đó dân gian cũng tôn xưng Ngài là Lão đảo Thần Vương.
Lần khác, vua Tự Đức đi thuyền rồng kinh lý ra Bắc gặp sóng to, gió lớn, trời lại mưa tầm tã. Khi đến đảo Hòn Dấu, nghe các quan địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của Lão Đảo Thần Vương, nhà vua liền thành tâm cầu nguyện. Vừa dứt lời, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, sóng yên biển lặng, nhà vua liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương và ban tiền cho dân địa phương tu bổ miếu thờ Ngài..
Vị võ tướng thuở còn tại thế trấn giữ ở phía Nam biển, chết cũng ở phía Nam biển cho nên ngôi đền thờ Ngài có duệ hiệu Nam Hải Đại Thần Vương. Để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng, người dân Đồ Sơn mở hội từ ngày mùng 1 tháng 2 đến ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhưng lễ hội chính diễn ra vào 3 ngày từ mùng 8 đến mùng 10/2 âm lịch để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận-gió hòa. Trong lễ hội có tục rước đèn, thả thuyền giấy vào đầu giờ Tý (23 giờ đêm ngày 8/2 đến 0 giờ ngày 9/2 âm lịch), mỗi lần như thế, thường mặt biển quanh đảo Hòn Dấu bỗng sóng to nổi lên dữ dội như chứng giám cho lòng thành kính của muôn dân. Có năm cá heo cũng về, nhảy ngoi trên mặt nước.
Năm 2023, theo thông lệ, Lễ hội được khai mạc vào sáng ngày 20 tháng 2 – tức mùng 1 tháng hai âm lịch (ÂL) bằng lễ thượng cờ và thời khắc quan trọng nhất là giờ Tý đêm ngày 28 tháng 2 (mùng 9 tháng 2) khi người ta cúng tế và thả bè trên có ngựa giấy, hình nhân, tiền-vàng mã, hoa đăng để tiễn thần Nam Hải trên biển.
Bè tre trên đặt thuyền rồng, vàng mã chuẩn bị thả trên biển.
Trước đó, ngay từ buổi chiều ngày 27/2/2023, người dân Hải Phòng và khách thập phương đã nô nức kéo đến hòn đảo nhỏ bé, xinh đẹp cách bến tàu ở khu Resort Hòn Dáu khoảng 7 phút đi tàu (1 km) để tham gia Lễ hội hội mà điểm nhấn của hội năm nay là hoạt động Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn mở rộng do CLB Tín ngưỡng thờ Mẫu Hải Phòng phối hợp với UBND quận Đồ Sơn tổ chức trước nhân dân và du khách. Cuộc Liên hoan quy tụ các thanh đồng-đạo quan đại diện 7 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang tham gia. Những giá hầu được thể hiện trên sân khấu ngoài trời tại dảo Dáu không phải là những giá hầu thánh mà mục đích là sân khấu hóa loại hình nghệ thuật hầu đồng để giới thiệu trước công chúng. Hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc này nhằm giới thiệu, quảng bá loại hình văn hóa độc đáo Việt Nam đã được tổ chức Khoa học-Giáo dục-Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 01-12-2016.
Trong 2 đêm 27-28 tháng 2 năm 2023 đã có 19 giá hầu của 6 đoàn được trình diễn trước đông đảo người xem với âm nhạc dân gian đặc trưng của loại hình nghệ thuật hầu đồng, trang phục đẹp, ánh sáng – âm thanh rực rỡ, sôi động, cuốn hút người tham dự lễ hội. Đêm bế mạc Lễ hội ngày 28 tháng 2 đã có 8 giá hầu được các thanh đồng Hải Phòng, Quảng Ninh trình diễn gồm: Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Gia Bổn (Nhật) – thủ nhang đồng đền Cô Chín, đền Chúa Ngũ Phương (Đồ Sơn) với các giá: Bà Chúa Cà phê, Cô Bơ Bông, Cô Bé Sa Pa; Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Mười (Bắc Giang) với các giá: Ông Hoàng Mười, Cô Đôi Cam Đường; Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Sinh (Thủy) – thủ nhang đồng đền Miếu Hai Xã (Hải Phòng) với các giá Nữ tướng Bát Nàn, Chầu Lục Cung Nương, Cậu Bé Đồi Ngang. Các giá hầu được các nghệ nhân trình diễn với trang phục đặc trưng nhân vật, động tác biểu diễn điêu luyện trên nền nhạc réo rắt, sôi động và tiếng hát, tiếng đàn cuốn hút người nghe đã ca ngợi các vị nhân thần có công với dân, với nước, nhắc nhở mọi người ghi nhớ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn người có công với dân tộc. Loại hình diễn xướng hầu đồng, ngoài giá trị nghệ thuật còn có giá trị nhân văn-giáo dục là ở đó.
Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên tại lễ hội Hòn Dáu, người ta tổ chức Liên hoan diễn xướng chèo văn, chầu văn với quy mô rộng, có sự tham gia của đại diện thanh đồng-đạo quan 6 tỉnh lân cận Hải Phòng.
Sau phần diễn xướng chầu văn kéo dài 3 giờ đồng hồ (từ 19h30 – 22h30) ông Phạm Hoàng Tú – Phó Chủ tịnh UBND quận, trưởng ban Tổ chức Lễ hội đã đọc báo cáo tổng kết Lễ hội. Tiếp theo, ông Hoàng Gia Bổn – Chủ nhiệm CLB Tín ngưỡng thờ Mẫu Hải Phòng, người bỏ nhiều công sức và tài chính cho việc tổ chức Lễ hội Hòn Dáu đã phát biểu khái quát hoạt động diễn xướng chầu văn trong 2 đêm Lễ hội, cám ơn sự hưởng ứng tham gia hoạt động này của các thanh đồng-đạo quan tỉnh bạn.
Một số thanh đồng biểu diễn tối ngày 28 tháng 2 tại hòn Dáu.
Sau đó đến thủ tục dâng hương của lãnh đạo quận Đồ Sơn (từ 23h00 đến 23h30): các vị lãnh đạo gồm: Bùi Diệu Vân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; Phạm Hoàng Tú – Phó Chủ tỉnh UBND quận, trưởng ban Tổ chức Lễ hội, các vị Chủ tịch; Phó Chủ tịch thường trực UBND; Trưởng ban Tuyên giáo; Trưởng ban Mặt trận Tổ Quốc quận lần lượt tiến vào dâng hương trước ban thờ thánh Nam Hải Đại Thần vương.
Lãnh đạo quận Đồ Sơn và ông Hoàng Gia Nhật tham dự lễ hội.
Tiếp đó là phần cúng phát tấu để tâu trình xin tiễn đưa thần Nam Hải Đại Vương do đội tế gồm các cụ cao niên trong trang phục truyền thống mũ, áo dài ngũ thân màu xanh. Sau đó đoàn rước thập bát ban binh khí (tiêu biểu cho 18 môn võ nghệ của các vị tướng thời xưa) với các tráng đinh mặc y phục nhà võ màu vàng, nẹp đỏ, mỗi người vác một món binh khí, theo nhịp gõ trống mảnh của cụ trưởng đoàn chậm rãi từng bước tiến vào gian thờ chính của Đền. Các thủ tục này kéo dài trong 1 tiếng 30 phút.
Phần cuối cùng của nghi lễ cúng tế diễn ra lúc 01h15 sáng ngày 29 tháng 2. Một vị pháp sư đọc kinh Mật tông trước đàn lễ, cầu xin Nam Hải Đại thần vương phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc và xin được tiễn thần hồi thiên. 01h30, các tráng đinh trong trang phục quần áo chẽn màu xanh-nẹp vàng nhẹ nhàng nâng các bè tre, trên đặt thuyền rồng, đôi ngựa đỏ-trắng, hình nhân tố nữ bằng giấy, tiền-vàng khối trang kim và nến hoa đăng chất đầy, tiến ra mép biển để thả.
Một chiếc ca nô buộc một sợi dây nối 5 bè tre chất các thứ nói trên từ từ kéo chúng ra biển. Pháo hoa trên chiếc bè cuối cùng phụt lên rực rỡ cùng với nến hoa đăng trên bè lập lòe, đèn net nhấp nháy trên đầu cột tạo lên một khung cảnh ngoạn mục. Vàng, mã, hoa đăng trên chiếc bè bốc cháy đùng đùng. Ca nô kéo các bè ra xa rồi cắt dây để chúng trôi tự do. Đám đông người xem đua nhau quay video, chụp ảnh ghi lại khung cảnh đẹp đẽ, trang nghiêm này. Có người bảo, các bè tre này đã từng trôi dạt vào tận bờ biển Thái Bình, Thanh Hóa.
Lễ hội tạm kết thúc lúc 2 giờ sáng ngày 29 tháng 2 và tối hôm đó sẽ diễn ra thủ tục hạ cờ cùng lễ tạ thần, kết thúc lễ hội. Đông đảo nhân dân rời đảo trên các tàu đợi sẵn ở bến Hòn Dáu trong không khí vui vẻ, náo nhiệt.
Điều đặc biệt là, mọi năm vào giờ Tý (nửa đêm) khu vực biển Hòn Dáu thường có sóng to nổi lên, tàu thuyền chao đảo (người ta nói đó là Thần về chứng lễ) nhưng năm nay biển lại êm ả, tiết trời se lạnh, trên trời cao trăng thượng tuần hiển hiện như lưỡi liềm. Trời, biển như ủng hộ con người, bởi theo lời ông Hoàng Gia Bổn – thủ nhang đồng đền Chúa Ngũ Phương và đền Long Tiên linh từ là trước khi diễn ra Lễ hội, ông đã hết lòng thỉnh cầu Nam Hải Đại thần Vương và Chúa Ngũ Phương cho trời yên, biển lặng để nhân dân có thể thuận lợi đến dự lễ hội. Có thể nói lễ hội đảo Dáu năm 2023 đã thành công mĩ mãn.
Hy vọng, với cảnh trí tươi đep cùng quần thể đa búp đỏ được coi là lớn nhất nước ta được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam gắn biển Cây Di sản (có tuổi đời từ 100 năm trở lên) đảo Hòn Dáu sẽ là nơi cuốn hút du khách đến với Đồ Sơn – địa chỉ du lịch nổi tiếng Việt Nam. Và mong rằng lễ hội đảo Dáu những năm tiếp theo luôn có những hoạt động văn hóa, văn nghệ tương tự Liên hoan diễn xướng chầu văn năm 2023 để cuốn hút nhân dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước.
P.V Thi, Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.