Lễ hội cầu ngư ở đảo Cát Bà thành phố Hải Phòng

Cát Bà là một quần thể gồm 367 đảo. Ðảo Cát Bà là hòn đảo lớn nhất trong số các đảo với vẻ nguyên sơ hùng vĩ nên được gọi là đảo ngọc. Quần đảo Cát Bà là nơi hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu nhất Việt Nam: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, thảm rong- cỏ biển, các rạn san hô và đặc biệt là hệ thống các hang động, thung áng… Khí hậu trên đảo Cát Bà mát mẻ, trong lành, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng. Du khách có thể nghe tiếng sóng vỗ lên những bờ đá hằng đêm và tiếng gió với nhiều cung bậc ở nơi này: Có tiếng gió thổi lồng lộng trên bờ đá ven biển, có tiếng gió vi vu trên đỉnh đèo, cũng lại có tiếng gió rít hoang dã, len lỏi qua những khe núi. Ðến Cát Bà, du khách không thể bỏ qua việc khám phá vịnh Lan Hạ trên các tàu du lịch len lỏi qua các đảo, ghé vào những bãi tắm lớn nhỏ thật đẹp với những cái tên ngộ nghĩnh: bãi Cát Dứa, Cát Trai Gái, bãi Cô Tiên, Ðường Danh…

Ở Cát Bà có Lễ hội cầu ngư hay còn gọi là “Hội xuống nước” được tổ chức vào ngày 1/4 hằng năm để ghi nhớ ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà, ngày truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam và là ngày khai trương mùa du lịch mới. Ngày hội là sự kết hợp hài hoà trong giao lưu văn hoá, thể thao giữa huyện đảo Cát Hải với các huyện lúa ngoại thành Hải Phòng và tỉnh bạn Quảng Ninh. Lễ hội thể hiện tín ngưỡng của ngư dân Cát Bà với những nghi thức mang đậm tính tâm linh nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá bội thu, con người khỏe mạnh.

Nghinh thần, tế lễ, hát tuồng là những hoạt động mở đầu chương trình nhằm bày tỏ niềm biết ơn với biển cả đồng thời thể hiện mong muốn sóng yên bể lặng, vụ mùa bộ thu, ngư dân ra khơi an toàn,…Ngay sau lễ cầu ngư là lễ thả giống thủy sản. Có khoảng hơn 33 vạn hải sản giống thuộc nhiều chủng loại tôm, ghẹ, cá vược, cá song,…được thả xuống biển. Đây là một hoạt đông vô cùng ý nghĩa, góp phần tái tạo nguồn lợi cũng như phát động phong trào bảo về thủy hải sản.

MT

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học