Trần Phương
8. Làng Câu Tử (xã Hợp Thành):
Xã cũ, nay là 2 thôn Câu Tử Nội, Câu Tử Ngoại thuộc xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên. Trước năm 1945, là xã Câu Tử, tổng Thái Lai, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Vốn là trang Hùng Khê thời Trần. Trước năm 1813, là xã Câu Tử, tổng Thái Lai, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
Theo bản khai trước năm 1945 của hương lý làng Câu Tử và một số tài liệu khác: Câu Tử là quê Hoàng Công, không rõ tiểu sử, đỗ Thái học sinh thời Trần, có làm quan, dân thường gọi là Hoàng Tướng Công. Con gái Hoàng Công là Hoàng Thị Bính được triều đình truy phong Quận Đa phu nhân và dân làng lập đền thờ (đền Hùng Khê), vì có hai con trai là Hoàng Hộ, Hoàng Thống tham gia đánh trận Bạch Đằng năm 1288, đã anh dũng hy sinh.
Làng Câu Tử xưa có nghề mộc nổi tiếng.
Theo các tác giả Mạc Đức Khang, Mạc Văn Viên, dải đất làng Câu Tử xưa kia là đầm lầy, bãi sú, lau sậy, cây cối mọc um tùm, có nhiều gò đống. Sau đó dân hai làng Ngọc Khê và Việt Khê chuyển cư đến khai hoang lập trại sản xuất, lấy tên là Hùng Khê trang. Quận Đa phu nhân Hoàng Thị Bính được thờ tại đình và miếu của hai thôn Câu Tử Nội và Câu Tử Ngoại. Người con đầu của Quận Đa phu nhân là Hoàng Minh Hộ được phong là Thủy Hộ đại vương, thờ ở đình thôn Câu Tử Ngoại (đình và tượng bị giặc Pháp đốt phá trong kháng chiến). Người con thứ hai của Quân Đa phu nhân là Hoàng Minh Thống, được phong là Đô Thống đại vương, thờ ở đình Câu Tử Nội. Ngày tế lễ hằng năm: 18-8 (giỗ Quận Đa phu nhân); 4-10 (giỗ hai tướng Hoàng Hộ và Hoàng Thống); 8-3 (mở hội làng); 6 tháng giêng: dân hai thôn tổ chức rước thần tượng Quận Đa phu nhân và hai con của bà qua chùa chầu Phật và tổ chức hội vật (còn gọi là lễ giao điệt)[1].
Gia phả họ Mạc ở Câu Tử chép về một phu nhân của Ninh Vương Mạc Phúc Tư (thụy là Phúc Triệu, con thứ hai Hoàng đế Đăng Doanh và Hoàng hậu Đậu Thị Giang) là Đoàn Thị Từ Linh, người phường Hùng Khê. Phu nhân Đoàn Thị Từ Linh sinh được 3 con trai: Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai và Mạc Tảo An.
9. Làng Chung Mỹ (xã Trung Hà):
Nay là thôn thuộc xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên. Trước năm 1945, là xã Chung Mỹ, tổng Kinh (Kênh) Triều, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Trước năm 1813, là xã Chung Mỹ, tổng Kênh Triều, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Trong danh sách làng xã năm 1927 và hồ sơ thần tích năm 1938 ghi Chung Mỹ, có tư liệu địa phương ghi Trung Mỹ.
Đình Chung Mỹ (di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng cấp quốc gia), thờ thành hoàng tên hiệu Thiên Hộ, húy Trần Hưng Trí, không rõ ngày sinh, hóa; có công giúp nhà Trần đánh giặc Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng thế kỷ XIII, cũng có công chiêu dân lập ấp. Vị thần này được thờ bằng tượng gỗ sơn son thiếp vàng. Trước năm 1938, làng Chung Mỹ còn giữ được 8 sắc phong thuộc các đời: Cảnh Hưng 1 (1792), Thiệu Trị 6 (1845, 2 đạo), Tự Đức 3 (1850) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909) và Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 4 tháng Giêng, 15-8, 1-12; không tế xuân, thu, thượng, hạ điền; “những người dự (tế) phải dùng mỗi người một cái áo thụng xanh”; kiêng tên húy các chữ: “Hộ”, “Trí”.
Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” chép rằng: “Xã Chung Mỹ thờ thần là Hưng Trí Vương, con thứ 5 của Hưng Đạo Vương”, “theo Vương đánh giặc Nguyên ở Bạch Đằng, về đến xã ấy chiêu tập lưu dân, sau khi chết dân trong xã lập đền thờ”.
10. Làng Do Lễ (xã Tam Hưng):
Trước năm 1945, là xã Do Lễ, tổng Phục Lễ, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Tên gọi có muộn nhất trước thế kỷ XV, có sách ghi Khúc Lễ (ngờ người sao viết lầm thêm một nét sổ), huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
Do Lễ là quê của nhà khoa bảng Lưu Công Ngạn (? – ?) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1463.
Chùa, đình và miếu Do Lễ thờ 3 vị thành hoàng: 1- Thần Chính Dực Bảo Trung Hưng, thường gọi Linh, húy Phạm Tử Nghi; chỉ thờ bằng sắc phong còn giữ được trước năm 1938, thuộc các đời: Thành Thái 1 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 10-10; ngoài ra còn có lễ thượng điền, hạ điền, kỳ phúc (4-1). 2- Hưng Đạo Đại vương, tên húy Trần Quốc Tuấn; thường gọi Đức Thánh Trần; thờ bằng sắc phong ở chùa. Trước năm 1938, xã Do Lễ còn giữ được 2 sắc phong thuộc các đời: Duy Tân 5 (1911), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 5-5., 20-8., 10-10., 5-12., 3- Đang Cảnh Thành hoàng Bản thổ Chúa đại vương, tên húy Vũ Nguyên, người làng Do Lễ, sinh ngày 15-4, hóa ngày 9-12; tương truyền theo Trần Hưng Đạo đánh giặc Ô Mã Nhi thế kỷ XIII; thờ bằng tượng ở đình, không có mũ, áo, kiếm, hốt. Trước năm 1938, còn giữ được 7 đạo sắc phong, thuộc các đời: Tự Đức 6 (1853), 11 (1857) và 33 (1880); Đồng Khánh 2 (1887); Duy Tân 3 (1909); Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 4-1., 15-4., 5-5.; 5-12., 9-12., Trong tế lễ, “người phải lỗi trong 3 lần thì tiên thứ chỉ bắt phạt một chai rượu và một phòng (buồng) cau để biếu thần và lỗi (xin lỗi) dân”.
(Còn tiếp)