Làng cũ Thủy Nguyên – Phần 3

alt

Trần Phương

4. Làng Bảng Trình (xã Kỳ Sơn):

Trước năm 1945, là xã Bảng Trình (cong gọi là Bằng Trình), tổng Thượng Côi, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Tên gọi có muộn nhất trước năm 1813. Có thời kỳ bị phiêu tán, chỉ còn dòng họ Đỗ với gần 20 khẩu. Thời thuộc Pháp, làng Bảng Trình (được ghi Bằng Trình) phụ thuộc làng Pháp Cổ, vì vậy có câu: “Bao giờ Cam Lộ có đình – Thượng Côi có miếu, Bảng Trình có chuông” – Ý nói muốn trở lại một làng riêng, độc lập.

Đình Bảng Trình thờ thành hoàng tên hiệu Đại Đô Đức Bác (tên húy Chân), không rõ sự tích, được thờ bằng ngai. Trước năm 1938, xã Bảng Trình còn giữ được 2 sắc phong thuộc các đời: Duy Tân 3 (1911), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 7-1; 6-3; 15-5 (lễ kỳ phúc); 21-8; 4-10 và 23-12; không tế các ngày xuân và thượng hạ điền; kiêng húy chữ “Chân”. Trong tế lễ “…các người dự lễ chỉ phải ăn chay, tắm gội sạch sẽ, không có việc gì phải cử đến giai, gái tân và ông lão có vợ chồng xong (song) toàn cả”.

5. Làng Bính Động (xã Hoa Động):

Trước thế kỷ XX, là xã Bính Động, tổng Hoàng Pha, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Một số thư tịch cổ ghi Nội Động, nhưng huyện Thủy Đường xưa không có xã này, có lẽ do nhầm chữ “Nội” với chữ “Bính” vì mặt chữ hơi giống nhau. Xã Bính Động có muộn nhất trước thế kỷ XVI. Danh sách làng xã năm 1927 vẫn ghi xã Bính Động trong tổng Hoàng Pha, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Nghị định ngày 18-11 – 1893 của thống sứ Bắc Kỳ tách các xã Lâm Động, Bính Động, Lỗi Dương và Tả Quan thuộc tổng Hoàng Pha, phủ Thủy Nguyên để lập tổng mới Tú Lâm, sau bỏ.

Làng Bính Động là quê của các nhà khoa bảng: 1- Trần Tông (? – ?) đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1508, làm quan nhà Lê đến chức Phó đô Ngự sử nhập thị Kinh Diên. 2 – Trần Quang Tá (? – ?) (con Trần Tông), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1559, làm quan nhà Lê tới chức Tự khanh (có sách chép: làm quan Thị lang).

Thời Nguyễn đặt đồn phòng thủ ở Bính Động, gọi là đồn Ninh Hải 3 (Ninh Hải đệ tam đồn). Năm 1872, đoàn thám hiểm Pháp do Senez dẫn đầu và thương thuyền của J Dupuis đến Cửa Cấm, đồn này vẫn có quân lính đồn trú.

Đình và miếu Bính Động thờ anh em sinh đôi Hoàng Lôi, Hoàng Chiêu là bạn kết nghĩa của Phạm Tế, người địa phương. Cả ba vị đều có tài, giúp vua Lý Nam Đế dẹp tan giặc Ma Na, đều được ban chức Trung phẩm đại tướng quân. Sau 3 ông mất ở quê, được vua sai lập miếu thờ và phong thần hiệu: Đô nguyên quân Đông Hải đại vương, Chiêu linh ứng đại vương, Hiển ứng đức mậu đại vương. Làng Bính Động sau thờ vị thần thứ tư là Đào Trí, người làng, thời Lê có công trị thủy. Sau khi mất được dân lập đền thờ ở xứ đồng Lăng Hóa và được ban thần hiệu: Quốc Uy dương đông nhạc tá sứ nghĩa công đại vương. Sự tích được khắc vào bia đá hiện để tại chùa Bính Động. Viện Hán Nôm còn giữ được thần tích (Ký hiệu Aea. 12 – 35, Aea. 12 – 36).

6. Làng Cam Lộ (xã Lại Xuân):

Trước năm 1945, là xã Cam Lộ, tổng Thượng Côi, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Làng Cam Lộ mãi đến thế kỷ XIX mới thấy xuất hiện trong “Đồng Khánh dư địa chí”. Làng Cam Lộ thực ra là một làng bị phiêu tán, sau mới tái lập, vì dân số quá ít, đến mức không thể dựng được đình. Đến thời Pháp thuộc, Cam Lộ tự nguyện nhập vào làng Hạ Côi. Vì thế dân gian vùng này có câu: “Bao giờ Cam Lộ có đình – Thượng Côi có miếu, Bảng Trình có chuông” (ý muốn trở lại một làng riêng, độc lập).

7. Làng Cao Kênh (xã Hợp Thành):

Trước thế kỷ XX, là xã Cao Kênh, tổng Thái Lai, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Tên gọi có muộn nhất trước thế kỷ XV. Trước 1813, là xã Cao Kênh, tổng Thái Lai, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương

Quê nhà khoa bảng Bùi Trạch Lân (1468 – ?), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1499;  làm quan nhà Lê tới chức Tham chính.

Đình và miếu Cao Kênh thờ 4 vị thành hoàng: 1- Thịnh Đức, tên húy là Khoan Hòa. 2- Già Lam, thường gọi là Đức Thánh Ông. 3- Đông Cung Nhu Hòa, tên húy Thuần Túy. 4- Quảng Thiện, tên húy Đoan Túc; thường gọi là Đức Thánh Cả. Cả bốn vị đều không rõ sự tích, được thờ bằng long ngai; trừ vị Già Lam được thờ ở miếu, còn lại thờ ở đình. Trước năm 1938, xã Cao Kênh còn giữ được 4 sắc phong đời Khải Định 9 (1924). Hằng năm, tổ chức tế lễ vào Tết Nguyên đán và các ngày: 5-5, 15-5, 15-8;  9 và 10 tháng 11; 30-12; kiêng húy các chữ: “Nam” (có lẽ “Lam”), “Đông Cung”, “Thịnh Đức”, “Khoan Hòa”. Trong tế lễ, ai phạm lỗi phải phạt vạ 10 quả cau và chai rượu, chánh hội có quyền bắt lỗi.

(Còn nữa)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học