Làng cũ Thủy Nguyên – Phần 2

alt

Trần Phương

2. Làng An Ninh Ngoại (xã An Sơn):

Trước năm 1945 là xã An Ninh Ngoại (thường gọi là An Ngoại), tổng Phù Lưu, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Vốn là xã An Ninh, sau tách thành An Ninh nội, An Ninh ngoại.

Đình An Ninh Ngoại thờ 3 vị thành hoàng: 1- Cao Sơn Viên Nha đại vương, tên húy Đại, sinh ngày 15-1, hóa và hiển thánh ngày 20-8, đời Hùng Vương thứ 18; được thờ bằng bài vị. Trước năm 1938, xã An Ninh Ngoại còn giữ được sách ghi chép sự tích vị thần này và 5 sắc phong thuộc các đời: Tự Đức 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 19-2 (lễ kỳ phúc); 1-5; kiêng húy chữ “Đại”. 2- Côi Kỳ Dương Đình đại vương (chữ “Côi Kỳ” có sách chép là “Khôi Kỳ”), tên húy Hoằng, sinh ngày 19-2, hóa và hiển thánh ngày 20-8, đời Hùng Vương thứ 18; được thờ bằng bài vị. 3 – Hồng Tế cư sĩ, tên húy Hồng, có công giúp thần Côi Kỳ đánh giặc. Trước năm 1938, xã An Ninh Ngoại còn giữ được sách ghi chép sự tích vị thần này và 3 sắc phong thuộc các đời: Thành Thái I (1889), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 19-2 (ngày sinh, cũng làm lễ kỳ phúc), 20-8; kiêng húy chữ “Hoằng”. Trước năm 1938, những người dự tế gồm “kỳ lão, hương lý tân cựu”. “Phần việc thì tùy theo mỗi khi ai không trở bụi gì thì dân cử chứ không nhất định gì”. Trước ngày lễ và trong ngày hành lễ, “những người được dự tế lễ phải tắm gội và ăn chay”.

3. Làng An Ninh Nội (xã An Sơn):

Trước năm 1945, là xã An Ninh Nội (thường gọi là An Nội), tổng Phù Lưu, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An. Thôn An Ninh Nội ngày nay gồm cả thôn Phù Lưu Ngoại cũ.

Đình An Ninh Nội thờ 2 vị thành hoàng: 1- Cao Sơn Viên Nha đại vương, tên húy Đại, sinh ngày 15-1, hóa và hiển thánh ngày 20-8, đời Hùng Vương thứ 18; được thờ bằng bài vị. Trước năm 1938, xã An Ninh Nội còn giữ được sách ghi chép sự tích vị thần này và 5 sắc phong thuộc các đời: Tự Đức 6 (1853) và 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 19-2 (lễ kỳ phúc); 1-5; kiêng húy chữ “Đại”. 2- Côi Kỳ Dương Đình đại vương (chữ “Côi Kỳ” có sách chép là “Khôi Kỳ”), tên húy Hoằng, sinh ngày 19-2, hóa và hiển thánh ngày 20-8, đời Hùng Vương thứ 18; được thờ bằng bài vị. Trước năm 1938, xã An Ninh Nội còn giữ được sách ghi chép sự tích vị thần này và 3 sắc phong thuộc các đời: Thành Thái I (1889), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Ngày tế lễ hằng năm: 19-2 (ngày sinh, cũng làm lễ kỳ phúc), 20-8; kiêng húy chữ “Hoằng”. Làng còn lập miếu thờ anh em Vũ Hồng và Vũ Thị Lê Hoa có công giúp Hùng Vương thứ 6 chống giặc Ân. Trước năm 1938, những người dự tế gồm “kỳ lão, hương lý tân cựu”. “Phần việc thì tùy theo mỗi khi ai không trở bụi gì thì dân cử chứ không nhất định gì”. Trước ngày lễ và trong ngày hành lễ, “những người được dự tế lễ phải tắm gội và ăn chay”.

Làng An Ninh Nội có chùa Long Tiên, xưa lợp bằng rạ nên dân chúng quen gọi là chùa Rạ.

(Còn tiếp)

Bài viết khác

Tác giả: Hải Phòng Học